Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH đề nghị Nhà nước trình UNESCO vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất thế giới
Theo ông, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) có nên dành một phút mặc niệm để bày tỏ sự tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tượng đài vĩ đại trong lòng nhân dân. Cả nước biết ơn Đại tướng, người anh cả của lực lượng vũ trang. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc, theo tôi, QH nên dành phút mặc niệm Đại tướng. Đây là điều hết sức cần thiết. Tại phiên họp vừa rồi, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã dành phút mặc niệm Đại tướng. Đại tướng cũng đã có đóng góp rất lớn cho QH trong liên tục 7 nhiệm kỳ là đại biểu QH, từ khóa đầu tiên tới khóa VII.
Tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ.
Những ngày qua, hàng triệu người dân và bạn bè quốc tế đã đến viếng và tiễn đưa Đại tướng, ông nghĩ sao về ý kiến cần tôn vinh Đại tướng xứng tầm với danh tướng số 1 của thế giới trong thế kỷ XX?
Đại tướng là người khiêm nhường, giản dị, không cần và không muốn một sự tôn vinh nào dành cho mình. Tuy nhiên, ở cấp nhà nước, tôi cho rằng rất cần tôn vinh Đại tướng. Ngoài những đề xuất như đặt tên đường, mở bảo tàng hay xây dựng tượng đài, nhà nước cần đề nghị Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà quân sự kiệt xuất thế giới.
Dân tộc Việt Nam đã có 2 vị từng được UNESCO và quốc tế vinh danh là Anh hùng Giải phóng Dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn trong 2 chiến thắng chấn động địa cầu, ghi danh sử sách thế giới là Điện Biên Phủ năm 1954 và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Chắc chắn, với những chiến công lẫy lừng như thế, với quân đội đi từ con số 0, bất cứ ai cũng phải khâm phục ông là nhà quân sự kiệt xuất của thế giới.
Trong dự kiến chương trình nghị sự trước kỳ họp QH lần này không có nội dung thảo luận về đề xuất tôn vinh Đại tướng nhưng theo ông, đại biểu QH có đặt vấn đề này ra trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội?
Khi Đại tướng qua đời, mỗi người dân Việt Nam đều thương tiếc và mỗi người có cách riêng để tưởng nhớ tới vị tướng của mình. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có đại biểu QH nêu vấn đề vinh danh Đại tướng bởi đó là đề xuất hợp lòng dân.
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Tiền Phong
Như ông nói, việc vinh danh xứng đáng Đại tướng là ý nguyện đại bộ phận người dân Việt Nam?
Đại biểu QH quan tâm đến nhiều vấn đề và cũng có thể nêu ý kiến về bất cứ vấn đề gì mà người dân quan tâm. Đặc biệt, đây là lòng dân, ý nguyện của người dân thì càng nên thảo luận để làm sao đáp ứng nguyện vọng đó.
Trong hàng dài nối qua nhiều con phố đến viếng và tiễn đưa Đại tướng có không ít thanh niên và họ đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tiếc thương và kính trọng đối với người anh cả của quân đội Việt Nam, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm sâu đậm với Đại tướng, rất nhiều ngành, nhiều giới, từ cụ già tới em bé. Rất nhiều gia đình, mấy thế hệ cùng đến tiễn biệt Đại tướng. Tôi đặc biệt xúc động khi thấy giới trẻ đến với Đại tướng như hướng tới niềm tin. Một đức tin lớn lao cho thấy giới trẻ không phải không có hoài bão. Phải là người tài năng, đức độ, cả đời vì dân, luôn tin tưởng lớp trẻ như Đại tướng mới tạo được niềm tin ấy.
Qua đây, chúng ta cũng có thêm cái nhìn khác về giới trẻ. Khi đất nước có sự kiện lớn, thanh niên luôn hướng về Tổ quốc. Nhiều người cho rằng lớp trẻ bây giờ thực dụng, xa rời lý tưởng, chơi bời, phá phách... nhưng chính ở thời khắc lịch sử như thế, lớp trẻ đã thể hiện mình rất đúng mực.
Vừa rồi, trong suốt tang lễ Đại tướng, an ninh trật tự rất tốt. Mấy chục vạn người dân từ khắp mọi miền đổ về Hà Nội để tưởng nhớ Đại tướng nhưng không xảy ra chuyện gì. Bên cạnh đó, có người nói với tôi là cái xấu cũng không dám xuất hiện trong tang lễ Đại tướng. Rõ ràng, như tôi đã nói, khi đã có đức tin, khi lòng dân cùng về một hướng thì mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.