Người phụ nữ cho biết vì căn nhà dột nát và ọp ẹp nên em gái của bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại cho khang trang, sạch sẽ và chắc chắn.
Gần 10 năm trước, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước căn nhà vỏn vẹn 1m2 nằm ngay mặt đường đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM). Nơi đây chính là chỗ trú mưa, trốn nắng của người đàn bà nghèo, một mình nuôi con suốt mấy chục năm – bà Lê Thu Vân (SN 1965).
Bẵng thời gian, người ta không còn thấy bất cứ thông tin gì về bà Vân cũng như căn nhà nhỏ nhất nhì Việt Nam. Thậm chí có người tò mò liệu căn nhà còn tồn tại hay đã bị dỡ bỏ, bà Vân giờ có cuộc sống ra sao?
Mới đây, bà Vân đã lên tiếng chia sẻ về căn nhà vỏn vẹn 1m2 cùng cuộc sống ở chốn đầy tấp nập và nhộn nhịp này. Bà nói: “Tôi và căn nhà vẫn còn ở nơi ấy! Song theo thời gian, cả chủ lẫn vật đều có sự thay đổi. Tôi đã già hơn, tóc nhuốm thêm nhiều sợi trắng, gương mặt cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn. Còn ngôi nhà đã được sửa sang, cơi nới trông rộng rãi hơn chút đỉnh”.
Nói rồi, người phụ nữ cho biết vì căn nhà dột nát và ọp ẹp, vì thế em gái của bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại cho khang trang, sạch sẽ và chắc chắn. Tuy nhiên hiện tại nó vẫn dột khi có mưa lớn, còn ngày nắng sẽ nóng bức đến độ chẳng thể nằm ngủ nổi.
Căn nhà rộng vỏn vẹn 1m2 đã được sửa sang trông sạch sẽ hơn so với trước kia.
“Trước tôi ngủ ngoài vỉa hè, cứ kê cái giường gấp sát cửa nhà mà nằm, mặc cho mưa gió bão bùng. Em gái tôi thấy thương, quyết định bỏ tiền túi ra sửa sang, bỏ hết phần sàn gỗ và xây rộng ra vài tấc. Từ đó tôi mới dám vào đó ngủ, không sợ bị sập đổ nữa”, bà Vân tâm sự.
Đáng nói, khi căn nhà được sửa lại, bà Vân có thể thoái mái duỗi thẳng chân tay khi nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ. Bà kể mùa mưa trời mát mẻ có thể nằm ngủ buổi trưa và tối, còn mùa khô đến chỉ dám ngả lưng khi đêm về. Khi ấy trong nhà không còn bí bách và hầm hập.
Dưới chân nhà, bà Vân mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ, bán đủ thứ như dầu gội, xà vòng, mắm, bột ngọt, bánh kẹo… Bà chủ yếu bán cho những người dân lao động nghèo quanh đó nên đồng lãi chẳng đáng là bao.
Nhắc đến chuyện nếu có người hỏi mua có bán căn nhà hay không, bà Vân cười: “Làm gì có ai “dại dột” bỏ 400-500 triệu để mua căn nhà này chứ! Thi thoảng cũng có người hỏi như vậy, tôi chỉ cười trừ vì chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra.
Song tôi nghĩ, nếu ai mua căn bên cạnh rồi ngỏ ý mua thêm căn này thì chắc cũng bán được. Như thế, họ xây dựng nhà ở hoặc hàng quán gì thì mới bõ bèn”, người phụ nữ gần 60 tuổi bộc bạch.
Bà Vân phải nấu nướng, rửa bát đũa tại trước nhà. Còn chuyện đi vệ sinh và tắm rửa, bà đành đi sâu vào trong ngõ nhờ cậy hàng xóm. Nơi ấy cũng có nhiều hộ gia đình sinh sống trong căn nhà chỉ rộng vài chục m2, cuộc sống đầy khốn khó.
Bà Vân có thể thoải mái nằm, ngủ nghỉ trong căn nhà này.
“Chúng tôi sống vậy cũng quen, muốn thay đổi cũng khó. Người ta bảo đất ở đây là vàng, kim cương rồi thắc tại sao không bán, lấy tiền mua nhà ở ngoại thành. Nhưng họ đâu có biết, về đó chúng tôi mưu sinh như thế nào? Ở đây chúng tôi còn bán cái này, buôn cái kia đủ để đồng ra đồng vào”, bà Vân bộc bạch.
Từ thuở nhỏ, bà Vân đã quen với việc sống vất vưởng nơi đầu cầu, cuối chợ gần khu vực phường Ông Lãnh (quận 1). Đến tuổi cập kê, bà yêu và kết hôn với một người đàn ông nhưng duyên đứt giữa chừng. Người đó vì bệnh tật đã bỏ lại bà lạc lõng trên thế gian này. Từ đó, bà sống còm cõi nơi vỉa hè bằng nghề bán nước mát.
Vài năm sau, bà đem lòng cảm thương một người đàn ông khác. Nghĩ cuộc sống đơn chiếc, bà quyết định đi thêm bước nữa với niềm ao ước có một tổ ấm hạnh phúc. Ngờ đâu, mang thai lần đầu, người chồng bà hết mực yêu thương đi biệt tích, bỏ lại bà và đứa con gái chưa chào đời.
Bà Vân từng chia sẻ sau cú sốc bị phản bội đã quyết định nuôi con một mình. Bố mẹ bà thương nên đón hai mẹ con về sống chung trong căn nhà giáp chợ Gà. Gia đình đông người mà diện tích vỏn vẹn 6m2 nên bà tính ra ngoài thuê trọ, đỡ làm phiền anh em.
Đúng lúc ấy, căn nhà chỉ rộng 1m2 trước nơi bà bán nước rao bán. Bà sợ chủ nhà nhượng cho người khác rồi không có chỗ mưu sinh nhưng chẳng có đủ tiền mà mua. Bà đành lên nhà người em họ nài nỉ mua rồi cho hai mẹ con thuê lại làm kế sinh nhai.