Theo ghi nhận của phóng viên, trong 2 tháng gần đây các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ những vụ vận chuyển, buôn bán thịt, nội tạng… thối.
Bắt hàng loạt vụ
Ông Trần Hữu Dũng- Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa cho biết, tình trạng vận chuyển, buôn bán thịt động vật không có nguồn gốc, thậm chí đang phân hủy và bốc mùi hôi thối qua địa bàn Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp.
Ngành chức năng phát hiện, bắt giữ thực phẩm bẩn ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: TN
Nhiều chủ hàng đã thuê xe khách đường dài để “che mắt” cơ quan chức năng, thậm chí ngang nhiên thuê xe tải vận chuyển thịt bẩn đi tiêu thụ. Gần đây nhất, rạng sáng 12.1, lực lượng chức năng Thanh Hóa bắt vụ vận chuyển bằng xe khách hơn 1 tấn thịt chó, mèo và nội tạng động vật hôi thối từ Đà Nẵng ra Thái Bình, bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu. Trước đó, ngày 11.11.2015, một vụ vận chuyển 102 thùng xốp đựng 6,1 tấn nầm heo thối từ Hà Nội vào TP.HCM tiêu thụ bằng xe tải cũng bị lực lượng QLTT và CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.
Tại Hà Tĩnh, trong 2 tháng qua, Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh và các đơn vị liên quan bắt giữ, xử lý gần 20 vụ vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP, thu giữ và tiêu hủy số lượng lớn nem, giò, chả, rau, củ, quả chứa dư lượng chất bảo quản, chất độc vượt quá giới hạn cho phép; nội tạng, da, chân động vật thối…
Tại Ninh Bình, hơn 1 tháng qua, Chi cục QLTT tỉnh này cũng xử lý 5 vụ vi phạm ATVSTP với các hành vi kinh doanh bột ngọt, rượu, phụ gia thực phẩm, nước mắm, lòng lợn quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối.
Tại Nghệ An, tính từ tháng 10.2015 đến nay, chỉ riêng lực lượng CSGT Công an tỉnh đã bắt giữ 8 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, thu giữ hơn 1.600kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối, 845kg thịt chim én, 8.000 con gà-vịt, 10.000kg đường trắng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…
Chủ yếu là xử phạt hành chính
Ông Trần Đăng Ninh- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng có hành vi buôn bán “thực phẩm bẩn” trái phép là việc xác định được chủ của lô hàng. “Số thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng phát hiện thu giữ chủ yếu được người chủ ký gửi qua xe khách hoặc xe tải. Phần lớn các lái xe khi bị lực lượng chức năng bắt giữ đều không hợp tác, đa số đều không biết chủ số hàng tên gì, ở đâu mà chỉ cho biết nhận ở vị trí nào và đến địa chỉ nào thì sẽ có người nhận”- ông Ninh nói.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Dũng- Chi cục phó Chi cục QLTT Thanh Hóa cũng cho rằng, các lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển, lưu thông “thực phẩm bẩn” trên thị trường. “Chế tài xử phạt hành chính hiện nay là quá thấp, chưa bảo đảm tính răn đe. Điển hình vụ bắt giữ hơn 6 tấn nầm heo và nội tạng hôi thối, cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt được 100 triệu đồng. Trong khi đó, để có được nguồn tin chính xác là không dễ và cũng tốn kém kinh phí không ít. Chưa kể, bắt được rồi thì tổ chức tiêu hủy ở đâu cũng là một vấn đề nan giải, vì hiện Thanh Hóa chưa có nơi để xử lý tiêu hủy những sản phẩm này”- ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, để xử lý triệt để vấn nạn “thực phẩm bẩn”, các ban ngành chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại đến sức khỏe để khi phát hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển loại hàng hóa này, người dân sẽ báo với cơ quan chức năng.
Chiều 21.1, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Gia Lai cho biết, vừa tiến hành tiêu hủy trên 500kg hành phi bẩn, đồng thời ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với cơ sở 193 Nguyễn Thiếp (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) vì vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo người dân gần đây cho biết, hành phi được sản xuất ở cơ sở 193 Nguyễn Nhiếp được bán ra thị trường với giá 30.000 đồng/kg. |