Hà Nội sẽ theo dõi tình hình dịch hết tuần này, trên cơ sở xét nghiệm và diễn biến dịch, trong tuần tới thành phố Hà Nội có thể thay đổi về mặt giãn cách xã hội, trong đó, học sinh có thể quay trở lại trường, lễ hội có thể hoạt động...
*Tiếp tục cập nhật...
Hà Nội thông báo kế hoạch dự tính cho học sinh đến trường
Chiều 22/2, Hà Nội họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 16/2/2021 đến nay (7 ngày), thành phố không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Hà Nội đã rà soát và xét nghiệm cho người về từ tỉnh Hải Dương, lấy mẫu xét nghiệm 51.595 người, trong đó, 2.436 người về từ huyện Cẩm Giàng. Trong đó, đã có kết quả xét nghiệm của 41.180 mẫu, tất cả đều âm tính. Rà soát, xét nghiệm cho 17.528 người tại 18 địa điểm có liên quan tới ca mắc tại Hà Nội. Kết quả tất cả đều âm tính.
Ban Chỉ đạo nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc trung bình theo ngày đã có dấu hiệu giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Tại Việt Nam, trong khi dịch bệnh tại các tỉnh thành khác đã cơ bản được kiểm soát, tại Hải Dương vẫn tiếp tục xuất hiện các ca mắc và ổ dịch mới ngoài cộng đồng.
Tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát (trong những ngày vừa qua không ghi nhận thêm ca mắc ngoài cộng đồng), tuy nhiên nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn ở mức cao. Lý do, sau Tết người dân trở lại Hà Nội sinh sống làm việc và học tập nhiều, mặc dù thành phố đã triển khai quyết liệt các biện pháp rà soát, xét nghiệm nhưng vẫn có thể còn những người từ các tỉnh thành có dịch vào thành phố mà chưa khai báo hết nên tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.
Thành phố sẽ tiếp tục rà soát những người về Hà Nội từ các tỉnh thành có dịch để hướng dẫn thực hiện khai báo y tế và cách ly lấy mẫu theo quy định. Yêu cầu các đơn vị phải rà soát kỹ và chịu trách nhiệm về số liệu nhằm không để sót đối tượng nhưng cũng không thực hiện cho những người không thuộc diện được xét nghiệm.
Giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, tuyệt đối không để các trường hợp này được ra khỏi khu vực cách ly tại nhà khi chưa kết thúc cách ly. Xử lý nghiêm những trường hợp khai báo y tế không đúng và những trường hợp không tuân thủ các quy định về cách ly.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thành phố sẽ theo dõi tình hình dịch đến hết tuần này, trên cơ sở xét nghiệm và diễn biến dịch, trong tuần tới thành phố Hà Nội có thể thay đổi về mặt giãn cách xã hội. “Trong đó, học sinh có thể quay trở lại trường, các lễ hội có thể hoạt động... do vậy các sở liên quan như GD&ĐT, Sở VH&TT, Sở Công thương... phải luôn sẵn sàng cho chỉ đạo, bảo đảm hoạt động trong tình hình mới”, ông Hạnh nêu.
Hải Phòng thực hiện giãn cách xã hội
Sáng 22/2, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tổ chức cuộc họp đột xuất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho rằng, thành phố cần nâng cấp độ phòng chống dịch; đề nghị tạm dừng hoạt động sân golf; phòng khám nha khoa; các dịch vụ mát xa, tẩm quất…
Qua truy vết cho thấy, người thân của trường hợp dương tính bán hàng trên tuyến đường sông, do đó cần tiếp tục phòng dịch với các trường hợp tàu thuyền hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho rằng: Các chốt kiểm soát liên ngành của thành phố và các quận huyện hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nhưng chưa kiểm soát hết lượng người ra vào thành phố.
Do đó, ông đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh nhất trong phòng chống dịch theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngay trong ngày 22/2, UBND thành phố Hải Phòng sẽ ra quyết định về việc phong tỏa, khoanh vùng các khu vực, địa phương theo quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh.
(Theo Báo Giao thông)
UBND TPHCM ban hành công văn khẩn về phòng chống dịch COVID-19
Theo đó, UBND TPHCM giao Ban Tôn giáo TP chủ trì, khẩn trương phối hợp Sở Y tế, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện trao đổi, thông tin đến lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, người đại diện các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn TP, đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, khuyến cáo của Bộ Y tế, Công văn 416 ngày 29-1 của Bộ Nội vụ, Công văn 459 ngày 8-2 của UBND TP về tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Công văn 459 của UBND TPHCM nêu rõ: Tạm dừng toàn bộ các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc - kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga...).
Đồng thời, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Thời gian thực hiện kể từ 12 giờ ngày 9-2 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, Công văn 416 của Bộ Nội vụ cũng đề nghị cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại các tỉnh, TP thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 19 ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương. Yêu cầu chức sắc, chức việc và tín đồ chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai bảo y tế) trong phòng chống dịch bệnh.
Hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người và giữ khoảng cách nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng và tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM đến sáng ngày 22-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết trong ngày 21-2, không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. Đã 11 ngày không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng. Số trường hợp nhiễm COVID-19 phát hiện tại TP là 210, trong đó 168 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 42 trường hợp đang điều trị.
Hải Phòng: Cô giáo về vùng dịch Hải Dương lại khai báo đi Hà Nội bị phạt 10 triệu đồng
Sáng 22/2, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phiệt- Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết, ngày 20/2, UBND quận Lê Chân đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà H.T.T (SN 1966, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng), giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn về hành vi thực hiện khai báo y tế gian dối. Cụ thể là bà H.T.T đã về vùng dịch Hải Dương nhưng lại khai báo đi Hà Nội để trốn tránh cách ly y tế.
Như đã đưa tin, UBND TP.Hải Phòng ngày 18/2 có văn bản về việc xử lý trường hợp cô giáo trường THPT Trần Nguyên Hãn khai báo y tế gian dối. Theo đó, UBND quận Lê Chân đã báo cáo về kết quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có trường hợp bà H.T.T (SN 1966, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng), giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn thực hiện khai báo y tế gian dối. Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng giao Chủ tịch UBND quận Lê Chân xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H.T.T với mức cao nhất theo quy định.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng giao Giám đốc Sở GDĐT phối hợp với UBND quận Lê Chân xử lý kỷ luật bà H.T.T với mức cao nhất theo quy định.
Phong tỏa một xã vì có người nhiễm COVID-19
Sáng 22/2, trao đổi với PV ông Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên cho biết, bắt đầu từ 4h sáng 22/2 huyện Thủy Nguyên đã cho phong tỏa toàn bộ xã Hoàng Động vì có người nghi nhiễm COVID-19.
"Hiện nay toàn bộ xã Hoàng Động đã bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập để phòng COVID-19" - Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Toàn bộ xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên đã bị phong tỏa.
Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên Nguyễn Huy Hoàng cũng cho biết thêm, công dân nghi nhiễm COVID-19 là nữ, sinh năm 1995, địa chỉ thường trú tại thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, làm việc tại Bệnh viện Giao thông vận tải – Hải Phòng.
UBND xã Hoàng Động cũng có thông báo yêu cầu người dân xã Hoàng Động không ra khỏi địa bàn xã và người dân ngoài địa bàn không được đến xã Hoàng Động cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo đó, người dân xã Hoàng Động thực hiện cách ly thôn với thôn, nhà với nhà và được cơ quan chức năng bảo đảm, tiếp ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Bà Phạm Thu Xanh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố cho biết, hiện cơ quan chức năng đang truy vết các F1 và truy tìm F0.
Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch COVID-19, ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt nguyên tắc 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung và Khai báo y tế. Người dân khi có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở hãy chủ động cách ly và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn phù hợp.
(Theo Dân Việt)
Công an Hải Dương thông báo yêu cầu người đến 8 địa điểm phải khai báo y tế
Ngày 21/2, Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đề nghị những người đã đến những địa điểm sau đây cần liên hệ và khai báo ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ.
1. Ngày 2/2/2021, nhà chị Hạnh ở thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên, Kim Thành, Hải Dương.
2. Nhà hàng Lý Tưởng ở Đội 2, thôn Lương Xá Bắc, xã Kim Liên - Kim Thành - Hải Dương vào chiều 6/2/2021.
3. Quán cắt tóc nhà anh Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1973, tại thôn Cổ Phục Bắc, xã Kim Liên - Kim Thành - Hải Dương, trong khoảng thời gian từ 13h30’ đến 14h30’ ngày 11/02/2021 đến nay.
4. Cửa hàng bánh kẹo nhà Dung Tuyên thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên - Kim Thành - Hải Dương, trong khoảng thời gian từ 16h đến 17h ngày 11/2/2021.
5. Chùa Tháp thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên - Kim Thành - Hải Dương, trong khoảng thời gian từ 21h đến 22h ngày 12/2/2021.
6. Nhà anh Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1972, ở thôn Cổ Phục Bắc, Kim Liên, Kim Thành, Hải Dương, trong khoảng thời gian từ ngày 12/2/2021 đến nay.
7. Nhà anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1972, ở thôn Cổ Phục Bắc, Kim Liên, Kim Thành, Hải Dương, trong khoảng thời gian từ ngày 15/2/2021 đến nay.
8. Công nhân Tổ may 3 và Tổ may 5 Công ty giày Bình Dương, xã Kim Liên- Kim Thành- Hải Dương làm việc từ ngày 16 đến 19/2/2021.
Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phân công ông Đỗ Khắc Bằng, SĐT 0969753619 tiếp nhận liên hệ hoặc qua trực ban Công an huyện Kim Thành số 02203720218, cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Công an tỉnh Hải Dương đề nghị những người đã đến những địa điểm trên liên hệ và khai báo ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ và nhấn "quan tâm" Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hải Dương để cập nhật những thông tin mới nhất, chính thống về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
TP.HCM: Có thêm 4 địa điểm được gỡ bỏ phong tỏa
Đến 18h chiều nay ngày 21/2, TP.HCM đã chính thức gỡ bỏ phong tỏa cho 4 địa điểm thuộc quận Gò Vấp và quận Bình Tân, cụ thể:
Chung cư Felix homes 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, quận Gò Vấp; Hẻm 251 Quang Trung, Phường 10, quận Gò Vấp; Hẻm 67 Nguyễn Thị Tú, khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân; Hẻm 60/41 đường Nguyễn Văn Cự và hẻm 38 đường Kinh số 1 (tổ 39), Khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.
Ảnh: TTYT quận Gò Vấp.
Khi lệnh gỡ bỏ phong tỏa được công bố, mặc dù vỡ òa trong niềm hạnh phúc, mọi người vui mừng cùng nhau ra phố và vươn cao quốc kỳ của Việt Nam, nhưng mỗi người dân vẫn không quên mang khẩu trang để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh.
Như vậy, đến thời điểm này Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 2 địa điểm bị phong tỏa liên quan đến COVID-19 tại quận Tân Bình là Lô F, Chung cư Carillon, số 1 Trần Văn Danh, Phường 13, quận Tân Bình và đường Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình.
Hải Dương: Cấp thẻ ra đồng cho nông dân vùng có dịch COVID-19
Tối 21/2, thông tin với báo chí, ông Lưu Văn Bản- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh vẫn yêu cầu siết chặt, khoanh vùng các khu vực dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao như thị trấn Lai Cách, Tân Trường, Cao An, Cẩm Đông, Cẩm Phúc, Cẩm Điền, Lương Điền...
Ông Lưu Văn Bản- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trực tiếp đến Cẩm Giàng chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 và sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong những ngày tới, tỉnh sẽ thực hiện việc ứng phó linh hoạt để bảo đảm duy trì sản xuất, do đó ở các địa phương như Đức Chính, Văn Thai, Cẩm Đông..., nông dân có nhu cầu ra đồng để làm việc tại các vùng trồng rau củ quả phục vụ cho xuất khẩu đăng ký với chính quyền xã để được cấp thẻ qua chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Ông Lưu Văn Bản cho biết, ông đã yêu cầu huyện Cẩm Giàng chỉ đạo ngay các xã, thị trấn lên kế hoạch cụ thể đối với người dân có nhu cầu cấp thiết ra khỏi nhà để sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Bản, các địa phương phải quản lý chặt chẽ, không cấp thẻ tùy tiện. Địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trên thẻ ra vào của các nông dân vùng cấp thiết như Tân Trường, Đức Chính phải ghi rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể, giờ ra đồng và giờ về nhà. Lộ trình cho phép của họ là từ nhà ra thẳng đồng sản xuất, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…, hết giờ trên thẻ quy định phải lập tức quay về.
Ông Lưu Văn Bản- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trực tiếp ra đồng chỉ đạo để nông dân vùng dịch có thể thu hoạch được nông sản phục vụ xuất khẩu.
Về lưu thông hàng hoá, tỉnh Hải Dương yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt các chốt tại Cẩm Giàng, đảm bảo các lớp phong tỏa thật vững chắc, an toàn.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương thông tin, trong ngày 21/2, khoảng 90 nghìn người dân Cẩm Giàng đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong lần xét nghiệm mở rộng thứ 2.
Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương vẫn chỉ đạo ngành y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để sàng lọc người nhiễm COVID-19 trong vùng đang phong toả, các nhà máy và khu dân cư có nguy cơ.