Sau khi xác định có người nước ngoài tử vong tại phòng 2108, R2 Golmark City, ngành y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Kết quả xét nghiệm COVID-19 với người đàn ông Hàn Quốc tử vong ở Golmark City - Hà Nội
Sáng ngày 17/2/2021, tại Hà Nội phát hiện 1 trường hợp người nước ngoài tử vong chưa rõ nguyên nhân. Trường hợp tử vong là một người đàn ông có tên B. S. W, quốc tịch Hàn Quốc, sinh năm 1974, ở tại phòng 2108, R2 Golmark City (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Người đàn ông này nhập cảnh vào Việt Nam từ 2014 và ở Việt Nam từ năm 2014 đến nay không về nước, hiện đang là giám đốc công ty xây dựng dân dụng ở số 244 Hoàng Công Chất và ở một mình tại tầng 2108, R2.
Phát hiện người đàn ông Hàn Quốc tử vong lúc 9h ngày 17/2/2021, do đối tượng ở một mình nên cơ quan chức năng tiến hành phối hợp để khai thác yếu tố dịch tễ với các bên liên quan và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Chiều cùng ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, mẫu xét nghiệm của trường hợp này có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hiện nguyên nhân tử vong vẫn đang được làm rõ.
Phong toả khu căn hộ ở Hà Nội nơi phát hiện người Hàn Quốc tử vong
Sáng nay 17-2, khu nhà R2, khu chung cư Goldmark City (trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã bị phong toả do phát hiện người đàn ông nước ngoài tử vong trong căn hộ trên tầng 21.
Theo thông tin ban đầu phóng viên ghi nhận tại hiện trường, người đàn ông có quốc tịch Hàn Quốc được phát hiện tử vong trong căn hộ trên tầng 21 vào sáng cùng ngày 17-2. Người đàn ông sinh năm 1974, thuê căn hộ tại khu R2 để ở.
Khu căn hộ R2, nơi xảy ra sự việc
Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, lực lượng công an cùng đội ngũ y tế đã có mặt tại hiện trường, cấp bách triển khai các biện pháp phong toả để làm rõ vụ việc. Hàng rào sắt được cơ quan chức năng bố trí xung quanh khu căn hộ R2, mọi hoạt động ra vào đều được kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, các nhân viên y tế triển khai các biện pháp khử khuẩn, phòng chống dịch Covid-19 với nhiều thiết bị y tế được đưa tới hiện trường bằng xe chuyên dụng.
Hiện, Công an quận Bắc Từ Liêm đang điều tra, làm rõ vụ việc người đàn ông ngoại quốc tử vong tại khu căn hộ R2. Cùng với đó, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nạn nhân có mắc Covid-19 hay không.
Trốn khai báo y tế, một trưởng phòng ở Hải Dương bị xử phạt 15 triệu đồng
Ngày 17/2, UBND TP Hải Dương cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương Đặng Thu Hà vừa ký quyết định xử phạt ông Phạm Văn Quyết (SN 1980, trú tại phường Hải Tân) về hành vi không kịp thời khai báo y tế.
Ông Phạm Văn Quyết là trưởng phòng tại một sở tại Hải Dương bị phạt 15 triệu đồng vì không khai báo y tế.
Theo lãnh đạo UBND phường Hải Tân, ông Quyết có tiếp xúc với người đàn ông tên Ph. là F1, trú tại TP Hải Dương. Ông Ph. sau này đã chuyển thành là F0. Biết mình có liên quan đến ca nhiễm nhưng ông Phạm Văn Quyết không chủ động khai báo để thực hiện cách ly tại nhà có sự giám sát của cơ quan y tế.
Theo lãnh đạo UBND phường Hải Tân, khi điều tra dịch tế với trường hợp ông Ph., bệnh nhân này khai đã tiếp xúc với ông Quyết.
Từ khi dịch Covid bùng phát tại Hải Dương, đã có nhiều trường hợp bị xử phạt vì các lỗi trốn khai báo y tế, đi khỏi khu vực cách ly, không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Điển hình, ngày 9/2, UBND phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vừa lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 trường hợp không khai báo y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Chị P.X.Q. (SN 1991) là giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có tiếp xúc với bệnh nhân 1851 (ông Đ.N.Đ, trú tại thị trấn Lai Cách).
Tuy nhiên, chị Q. không khai báo y tế theo thông báo truy vết của cơ quan chức năng. Đến khi có biểu hiện sốt cao, nữ giáo viên này mới liên hệ với trạm y tế phường và cơ quan chức năng để... thú nhận.
Anh Đ.Đ.B. (SN 1979), là nhân viên ngân hàng, trú tại phường Lê Thanh Nghị, liên quan đến 1 bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhưng cũng không khai báo y tế.
Nữ giáo viên tiểu học và nam nhân viên ngân hàng sau đó đã được cơ quan chức năng đưa đi cách ly bắt buộc, xử phạt vi phạm hành chính.
Trở lại Hà Nội sau Tết, không khai báo y tế sẽ bị xử phạt thế nào?
Hôm nay (mùng 6 Tết), rất nhiều người dân ở các địa phương đổ về Hà Nội đi làm ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, TP Hà Nội yêu cầu những người trở lại Hà Nội đều phải khai báo y tế.
Người dân có thể khai báo tại trạm y tế xã phường, hoặc khai báo y tế qua mạng (khai online) qua tại địa chỉ antoancovid.vn/khaibao.
Đối với những người đi từ vùng dịch Hải Dương đến Hà Nội phải chủ động khai báo y tế bắt buộc với tổ y tế cộng đồng tại nơi cư trú, khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà, không di chuyển ra ngoài cộng đồng khi không cần thiết.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Riêng đối với người dân từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) khi đến Hà Nội phải chủ động khai báo và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cách ly y tế bắt buộc, không được đi ra ngoài cộng đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người dân cần thực hiện nghiêm yêu cầu khai báo y tế của TP Hà Nội.
"Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hà Nội yêu cầu người dân ngoại tỉnh quay trở lại địa bàn phải khai báo y tế là rất cần thiết. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19", luật sư Lực nói.
Theo luật sư Lực, nếu người từ ngoại tỉnh trở lại Hà Nội học tập, làm việc... cố tình không khai báo y tế thì sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu hành vi cố tình không khai báo y tế dẫn đến làm lây lan dịch Covid-19 thì tuỳ vào mức độ, hậu quả, còn có thể bị xử lý hình sự.
"Ngày 5/2, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức xử phạt đối với 15 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung: Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19 bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 30 triệu đồng", luật sư Quách Thành Lực phân tích.
Luật sư Lực cho biết, người trở lại TP Hà Nội không khai báo y tế dẫn đến lây lan dịch Covid-19 hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.
"Đối với những người đến từ vùng có dịch không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm", luật sư Lực phân tích và dành lời khuyên đối với người dân quay trả lại TP Hà Nội nên chấp hành đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 để tránh phiền phức sau nay và góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
(Theo Báo Giao Thông)
Người dân Chí Linh được phát thẻ đi chợ trong thời gian giãn cách
Ngày 16/12, UBND TP Chí Linh (Hải Dương) ban hành công văn, yêu cầu UBND các xã/phường, Ban quản lý (BQL) chợ Sao Đỏ, các phòng ban triển khai cấp bách một số giải pháp phòng chống COVID-19 tại các khu chợ.
BQL chợ Sao Đỏ yêu cầu các tiểu thương và người dân khi ra vào chợ phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Chỉ cho phép các hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, tạm thời các tạm dừng các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.
Đồng thời, BQL chợ Sao Đỏ phối hợp với UBND phường và phòng ban liên quan nghiêm cấm mọi hoạt động kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè trên tuyến đường từ QL37 vào khu dân cư Việt Tiên Sơn và các tuyến đường xung quanh chợ.
UBND xã, phường cấp thẻ ra vào chợ cho các hộ kinh doanh cố định và bán cố định. Đối với hộ kinh doanh bán cố định, cấp thẻ ra vào chợ có thời hạn cụ thể (dựa vào tình hình thực tế tại các chợ có thể cho phép bán hàng 2-3 ngày luân phiên trong tuần).
Thẻ dùng cho người dân sẽ ghi tên UBND xã, phường, đi theo ngày chẵn và lẻ. Mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ/15 ngày, cứ 3 ngày đi chợ một lần và tự điền thông tin vào thẻ như: đại diện hộ gia đình, địa chỉ và số điện thoại. Thẻ có giá trị sử dụng một lần/chợ bất kỳ tại TP Chí Linh.
Thẻ ra vào chợ dành cho các hộ gia đình.
Ban quản lý chợ hoặc tổ quản lý sẽ thu lại thẻ này, lưu theo ngày, phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Cơ quan chức năng sẽ bố trí, sắp xếp các vị trí kinh doanh trong chợ đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định phòng dịch và đường ra chợ đảm bảo thông thoáng, tránh ùn tắc: bố trí lực lượng phun khử khuẩn hàng tại chợ...
Trường hợp vi phạm quy định, đặc biệt về phòng chống dịch tại các chợ trên địa bàn, người vi phạm sẽ bị lập biên bản, xử lý theo quy định. TP Chí Linh thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 28/1. Từ 0h ngày 16/2, tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, TP Chí Linh sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo khung thời gian của tỉnh Hải Dương.
Những cơ sở nào được xét nghiệm dịch Covid-19 theo yêu cầu ở Quảng Ninh?
Nhằm tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày 16/2 (mùng 5 Tết) tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo yêu cầu.
Theo đó, 6 đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đủ điều kiện cung cấp dịch vụ gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy, Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh nhanh chóng triển khai dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh ngay trong ngày 16/2
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, 6 đơn vị này đã khẩn trương triển khai dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu đảm bảo thuận tiện, chính xác, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn và nhu cầu của người dân.
Về giá dịch vụ theo yêu cầu, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện theo giá dịch vụ đã được Bộ Y tế thông báo tại văn bản số 5834/BYT-KH-TC, ngày 27/10/2020 về hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid -19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.
Theo thông tin niêm yết công khai của Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, thì giá dịch vụ sàng lọc là 734.000 đồng/mẫu.
F1 về quê ăn Tết tiếp xúc với nhiều người, huyện chỉ đạo truy vết
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thực hiện cách ly tập trung 1 trường hợp là F1 của ca bệnh Covid-19 ở "ổ dịch" Hải Dương trở về địa phương từ hôm 8-2.
Điểm cách ly tập trung huyện Nga Sơn
Theo báo cáo, qua công tác rà soát, nắm tình hình, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nga Sơn phát hiện có 1 trường hợp F1 là anh P.B.K. (SN 1988; ngụ xóm 6, Nga Thái, huyện Nga Sơn).
Anh K. được xác định đã tiếp xúc gần với bệnh nhân F0 là N.V.T. (SN 1988; ngụ Xí nghiệp 416, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). T. đang được điều trị và cách ly y tế.
Được biết, anh K. về quê từ ngày 8-2 và đã khai báo y tế với Trạm Y tế xã. Tuy nhiên, trong thời gian về quê ăn Tết, anh K. đã tiếp xúc với một số người tại các xã Nga Hải, Nga Thái, Nga Tiến, Nga Thanh, Nga An (huyện Nga Sơn).
Để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, huyện Nga Sơn chỉ đạo các ban, ngành, các xã có liên quan tiến hành rà soát, xác minh các trường hợp tiếp xúc với anh K. để áp dụng các biện pháp cách ly, theo dõi y tế.
Đồng thời, đề nghị những ai đã tiếp xúc gần với anh K. từ ngày 8-2 đến nay chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, Trạm Y tế xã để khai báo, được kiểm tra sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo quy định.
Công dân Hải Dương cố tình về Hải Phòng sẽ bắt buộc vào khu cách ly tập trung
Chiều 16/2, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản hỏa tốc thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trong thời gian tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội (từ ngày 16-2 đến ngày 3-3), TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng.
Trường hợp công dân của tỉnh Hải Dương cố tình về Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly tập trung của thành phố và phải chi trả chi phí cách ly.
Yêu cầu các công dân Hải Phòng không đi đến tỉnh Hải Dương, trường hợp cần thiết đi Hải Dương phải có giấy xác nhận của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Khi trở lại, phải vào khu cách ly tập trung của thành phố và phải chi trả chi phí cách ly.
Đối với các lái xe chở hàng hoá đi tỉnh Hải Dương, phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc của UBND xã, phường, thị trấn; khi trở về phải ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu để xét nghiệm, nếu cố tình về nhà sẽ bắt buộc vào nơi cách ly tập trung và phải chi trả chi phí cách ly.
Đồng thời, TP Hải Phòng cũng dừng các phương tiện chở người từ Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương; các xe chở hàng hóa và chở khách đi các địa phương khác ngoài tỉnh Hải Dương phải đi và về theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 10.
Thành phố Hải Phòng cũng đề nghị các tổ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của các thôn tại các xã giáp ranh với tỉnh Hải Dương thuộc các huyện: Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo tiếp tục hoạt động từ ngày 16/02/2021. Yêu cầu các huyện giáp ranh với tỉnh Hải Dương tăng cường nhân lực, bố trí các tổ kiểm soát phụ tại tất cả các đường mòn, lối mở giáp ranh với tỉnh Hải Dương mà các chốt kiểm soát của thành phố không kiểm soát được.
Cà Mau: Người về từ Hải Dương từ 15/1 phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Ngày 17/2, tin từ UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản hỏa tốc gửi sở Y tế; UBND các huyện, TP.Cà Mau chỉ đạo truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát sức khỏe người về từ Hải Dương.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu “người dân đã từng đi/đến/về từ tỉnh Hải Dương (đặc biệt là huyện Cẩm Giàng) trong thời gian từ 15/1 đến nay chủ động liên hệ với trạm y tế xã, phường, hoặc cơ sở y tế gần nhất nơi đang lưu trú tại địa phương để khai báo y tế, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm Covid 1-9, giám sát sức khỏe”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu sở Y tế tỉnh này chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức việc tiếp nhận thông tin của người dân, tích cực rà soát, lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho những người đã từng đi, đến, về từ tỉnh Hải Dương và các thành viên sống trong cùng gia đình; giám sát sức khỏe y tế theo quy định.
Khẩn trương tổ chức truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh Covid-19, báo cáo kịp thời về bộ Y tế và UBND tỉnh.
Phối hợp với sở Thông tin - Truyền thông hướng dẫn thực hiện khai báo y tế (đặc biệt là khai báo trực tuyến) theo quy định.
Xử phạt 2 người đưa khách tham quan chùa Hương bất chấp lệnh cấm
Khoảng 12h30 ngày 15/2, Công an xã Hương Sơn và Công an huyện Mỹ Đức làm nhiệm vụ tuần tra tại khu di tích chùa Hương đã phát hiện 2 trường hợp mời chào dẫn khách đi đường tắt là Bùi Văn Phú (SN 1987) và Nguyễn Thị Huệ (SN 1974), cùng trú xã Hương Sơn.
Cơ quan Công an làm rõ, Phú mặc cả với 2 khách muốn vào chùa Hương phải trả số tiền 1,2 triệu đồng và họ đồng ý. Bà Huệ đã vận chuyển hai người khách trên theo đường suối men theo chân núi qua chùa Hinh Bồng và sang chùa Thiên Trù. Sau khi hoàn thành chuyến đi, bà Huệ được Phú trả cho 600.000 đồng.
Bùi Văn Phú tại cơ quan Công an.
Công an huyện Mỹ Đức đánh giá đây chỉ là trường hợp cá biệt tham lợi, còn đại bộ phận người dân địa phương rất nghiêm túc chấp hành quy định của chính quyền về việc dừng toàn bộ hoạt động lễ hội cũng như không đón khách về thăm quan lễ Phật Chùa Hương để phòng dịch COVID-19. Mặc dù việc đóng cửa di tích chùa Hương mùa lễ hội năm nay khiến nhiều người dân xã Hương Sơn mất đi nguồn lợi kinh tế, nhưng mọi người dân đều nghiêm túc chấp hành quy định.
Ngay trong sáng 16/2, Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã cho dựng thêm một chốt chặn ở gần chùa Thanh Sơn, nơi có lối mòn qua đường Hinh Bồng để đến chùa Thiên Trù.