Cấp phúc thẩm không được định tội tham ô của Huyền Như?

Ngày 30/12/2014 14:18 PM (GMT+7)

Luật sư cho rằng, đối với một bản án có hiệu lực, tội danh của bị cáo không phải do cấp phúc thẩm điều chỉnh mà là do cấp giám đốc thẩm. Tức, cấp phúc thẩm không có quyền quyết định tội Tham ô tài sản của Huyền Như trong phiên tòa này.

Ngày 30/12, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Trước đó, viện kiểm sát nhận định, số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của năm công ty Phương Đông, Hưng Yên, SaiGonBank Berjara, Toàn Cầu và An Lộc là do Huyền Như chiếm đoạt trong “ví” của Vietinbank.

Đến lúc đối đáp, viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại số tiền này cho khách hàng. Riêng Huyền Như cần được điều tra thêm tội "Tham ô tài sản" đối với số tài sản này.

Cấp phúc thẩm không được định tội tham ô của Huyền Như? - 1

Huyền Như được viện dẫn sau phiên tòa

Ngoài ra, viện kiểm sát cũng nhận định, Vietinbank không có sai sót đối với số tiền của hai ngân hàng ACB và Navibank mất. Do đó, Vietinbank không phải trả số tiền này.

Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Vietinbank đối đáp với ý kiến của viện kiểm sát. Luật sư cho rằng, đối với ngân hàng ACB thì không cần phải bàn cãi. Bởi, lãnh đạo ngân hàng này đã có nhiều sai phạm và bị xử lý trong một vụ án khác.

Riêng về số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của 5 công ty, các luật sư cho rằng, thời gian qua, dư luận cũng như các nguyên đơn dân sự trong vụ án đã có sự nhầm lẫn lớn. Viện kiểm sát chỉ đề cập đến việc chấp thuận một phần yêu cầu kháng cáo của năm công ty, hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến số tiền này để điều tra Huyền Như tội "Tham ô tài sản". Chứ, viện kiểm sát không đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của cả năm công ty đòi Vietinbank phải trả hết số tiền này.

Luật sư cho rằng, trong khi nhận định về năm công ty, viện kiểm sát chỉ tập trung vào thủ tục mở tài khoản, chuyển tiền vào tài khoản… để khẳng định Vietinbank lỏng lẻo trong quản lý, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, viện kiểm sát “bỏ quên” những giao dịch, hành vi bất hợp pháp trước khi mở tài khoản, mục đích mở tài khoản, xuất xứ nguồn tiền…

Trong khi đó, khi nhận định về năm công ty, viện kiểm sát lại chú trọng vào những điều này. Đây chính là điều khiến luật sư Vietinbank và viện kiểm sát không đồng quan điểm.

Các luật sư cho rằng, viện kiểm sát xác định Vietinbank lơi lỏng khiến Huyền Như chiếm đoạt số tiền lớn. Tuy nhiên, viện không nêu ra được Vietinbank lơi lỏng chỗ nào và có lúc lại thừa nhận ngân hàng này có hệ thống quản lý chặt chẽ.

Trong khi đó, một luật sư khác lại cho rằng, viện kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đối với Huyền Như liên quan đến số tiền hơn 1.000 tỉ đồng là phiến diện, thiếu chủ quan. Vụ án này đã được điều tra, truy tố suốt hai năm, nhiều lần trả hồ sơ điều tra lại. Ắt hẳn, với thời gian điều tra như thế, cấp sơ thẩm xét xử và tuyên án đã rất thận trọng.

Các luật sư của Vietinbank lại nhấn mạnh, Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt số tiền của các đơn vị này từ khi “dụ dỗ” gửi tiền vào Vietinbank. Đồng thời, bị cáo này đã dẫn dụ bằng các tự ý nâng lãi suất, “chi tiền” cho một số cá nhân để “bôi trơn”.

Cấp phúc thẩm không được định tội tham ô của Huyền Như? - 2

Huyền Như ngồi trên xe bít bùng

Các luật sư cũng cho rằng, viện kiểm sát nêu quan điểm Huyền Như chiếm đoạt tiền là rủi ro Vietinbank. Tuy nhiên, viện kiểm sát chưa chỉ ra được những rủi đó tại sao lại chỉ “dính dáng” tới những khách hàng bị Huyền Như chiếm đoạt mà các khách hàng khác lại không.   

Luật sư Nguyễn Thị Bắc nêu quan điểm, sau khi cấp sơ thẩm tuyên án, viện kiểm sát cùng cấp không kháng nghị, Huyền Như cũng không kháng cáo. Do đó, bản án này đã có hiệu lực pháp luật. Đối với một bản án có hiệu lực, thì tội danh của bị cáo không phải do cấp phúc thẩm điều chỉnh mà là do cấp giám đốc thẩm. Tức, cấp phúc thẩm không có quyền quyết định tội "Tham ô tài sản" của bị cáo trong phiên tòa này. Luật sư khẳng định, việc đề nghị hủy một phần bản án của viện kiểm sát cấp phúc thẩm có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot