Cây này mọc dại trong rừng, không cần chăm bón vẫn phát triển xanh tốt. Mấy năm nay chúng trở thành đặc sản nổi tiếng được người thành phố "săn lùng".
Ở núi rừng Tây Nguyên có nhiều loại cây mọc dại nghe tên rất lạ tai, tưởng không ăn được nhưng lại là đặc sản có hương vị riêng, trong đó có rau lủi.
Theo tìm hiểu, rau lủi còn có tên gọi khác là kim thất, chúng mọc bò và hơi leo, dài 2 – 3m. Thân mọng nước, màu nâu tím, phân nhiều nhánh. Lá rau lủi mọc so le, đầu lá nhọn và mép khía răng cưa rất dễ để phân biệt. Điểm đặc biệt là loại rau rừng này có mùi thơm đặc trưng như mùi thuốc bắc.
Người dân Gia Lai cho biết cây rau lủi mọc cheo leo ở trên sườn dốc có nhiều đá. Chúng sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên, thân cây này đan xen vào cây kia nên người đi rừng thường phải dùng tay rẽ lối mới đi được.
Cây rau lủi mọc nhiều ở núi rừng Tây Nguyên, trước đây các món ăn từ rau lủi gắn với bữa cơm của người dân nghèo
Chị Bàng (ở Gia Lai) chia sẻ: "Rau lủi hơi có mùi thuốc bắc, ngon ngọt, thanh mát. Trước đây người dân địa phương vào rừng hái rau lủi về xào hoặc luộc, làm thành món ăn dân dã trong mỗi bữa cơm. Sau khi ngắt độ một tuần, ngọn non lại mọc tua tủa. Cũng có nhiều người mang rau lủi về trồng ở vườn nhà nhưng độ ngọt và mùi thơm không bằng với rau mọc ở rừng. Rau này có thể làm thành nhiều món nhưng mình thích nhất là nấu canh tôm, ngon ngọt như rau mồng tơi, hoặc chần qua rồi xào tỏi cũng vô cùng hấp dẫn".
Theo chị Bàng, những năm gần đây khi người dân thành phố có xu hướng tìm kiếm các loại rau sạch thì rau lủi trở thành món đặc sản được ưa chuộng. Các nhà hàng, quán ăn ở Tây Nguyên và Gia Lai cũng đưa rau lủi rừng vào thực đơn khiến rau dại này được du khách gần xa biết tới nhiều hơn.
Cũng có người mang rau lủi về trồng trong vườn nhà nhưng không ngọt và thơm như rau mọc trong tự nhiên
Rau lủi có thể chế biến thành các món: rau lủi xào tỏi, nấu canh với tôm, xào hoặc luộc đơn giản như nhiều loại rau thông thường khác. Rau này có độ giòn nên dù nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất với người dân Tây Nguyên là luộc rau lủi rồi chấm với mắm cua.
Vì chúng mang lại giá trị kinh tế nên mấy năm gần đây, người dân đi hái rau lủi về bán. Sau khi hái xong, rau lủi được bó lại bằng lá rừng hơ lửa để giữ độ tươi rồi sáng hôm sau mang đi bán.
Tại các chợ quê, rau lủi có giá khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng ở các tỉnh thành và trên chợ mạng, thứ rau dại này có giá tới 75.000 đồng/kg.
Chị Giang (người bán rau lủi trên chợ mạng) giới thiệu: "Rau lủi là đặc sản ở núi rừng Gia Lai, có thể ăn sống hay chế biến thành món gì cũng rất ngon và lạ miệng. Vì không để được lâu nên mỗi lần tôi chỉ lấy khoảng 50 kg rồi bán trong 1-2 ngày. Mùa hè là thời điểm rau lủi vào mùa vì cây này ưa nắng".
Theo Đông y, rau lủi có vị cay nhẹ, ngọt thơm, tính bình. Loại rau này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp lợi tiểu, tiêu viêm,...