“Mới đó mà mẹ con, vợ chồng họ đã sinh ly tử biệt chỉ vì tai họa đâu trên trời rơi xuống”, bà Thúy một người bán nước giải khát chua xót khi nói về sự cố xây xanh bị bật gốc đè chết người đi xe máy.
Chiều tối ngày 17/8 chúng tôi trở lại gần hiện trường sự cố cây xanh bật gốc tại góc giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) khiến chị Nguyễn Thị Dung (36 tuổi, ngụ quận 10) bị thân cây đè dẫn đến tử vong. Tại đây, nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, chua xót khi chứng kiến tai họa từ trên trời rơi xuống ập vào chị Dung và gia đình của chị.
Tai họa trên trời rơi xuống
15h ngày 17/8 cơn mưa lớn kèm theo giông đã làm nhiều cây xanh trên địa bàn TP.HCM bị tét nhánh, bật gốc. Hai cây me tây có đường kính hơn 0,5m có tán rộng hơn 10m gần góc giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai bị gió lốc làm bật gốc. Thời điểm này, chị Dung cùng chồng và hai con nhỏ đi ngang qua đã bị thân cây xanh quật ngã xuống đường. Chồng và hai con của chị Dung may mắn thoát nạn nhưng chị bị thân cây chèn lên người nằm bất tỉnh. Một phụ nữ khác đi xe tay ga cũng bị thân cây quật trúng bị thương ở chân.
Anh Bùi Anh Tuấn, một trong những người tham gia giải cứu chị Dung dưới thân cây xanh cho biết: “Lúc đó, trời mưa rất lớn. Người phụ nữ bị kẹt cứng dưới thân cây xanh. Ban đầu, chỉ có tôi và vài người, cố gắng hết sức cũng không nhấc thân cây lên nổi nên hô hoán cho người đi đường dừng xe lại. Tổng cộng phải trên 25 người mới nhấc được thân cây lên đưa người phụ nữ ra ngoài”
Ngay sau đó, nạn nhân nhanh chóng được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn nhưng do bị chấn thương quá nặng, chị Dung đã không qua khỏi.
Cây me tây bật gốc tại góc giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vào chiều ngày 17/8 khiến chị Nguyễn Thị Dung bị thân cây đè dẫn đến tử vong.
Bà Thúy người bán nước giải khát chứng kiến sự việc chị Dung bị thân cây đè kể lại: “Lúc đó, mưa và giông rất lớn. Hai cây me tây đối diện nhau đổ ầm xuống, cả khu vực sầm tối. Mọi người tháo chạy trong hoảng loạn. Thấy có người phụ nữ bị thân cây chèn lên người nên hô hoán mọi người ứng cứu nhưng người phụ nữ xấu số đã không qua khỏi. Chứng kiến cảnh chồng và con của chị ấy khóc khiến ai cũng xót lòng. Đúng là họa vô đơn chí, tự nhiên tai họa đâu trên trời rơi xuống giờ con mất mẹ, chồng mất vợ”, bà Thúy chua xót nói.
Tại hiện trường, thân cây me tây nằm chắn ngang trên đường, rễ chỉ có vài cái nhỏ, không có rễ cọc.
Trước đó, vào sáng ngày 5/4, một nhánh cây to trên đường Lê Duẩn, quận 1 bất ngờ gãy đổ, đè lên 2 nữ sinh đang đi học qua đoạn đường này khiến họ bị thương. Nhánh cây mục bị gãy đổ xuống đường có chiều dài khoảng 15 mét, đường kính khoảng 30cm.
“Trời mưa, gió đi ngoài đường không biết tai họa ập xuống lúc nào. Nào cây bật gốc, tét nhánh. Có khi không mưa nhưng nhánh cây khô từ trên cao rơi xuống, mất mạng như chơi”, anh Nguyễn Tuấn Linh nhà ở quận Bình Thạnh lo lắng nói.
Anh Linh dẫn chứng, cách đây 2 năm vào tối ngày 21/8/2012 chị Đỗ Thị Tuyết Hạnh (45 tuổi, quê Đồng Tháp) khi đang đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) đã bị nhánh cây dầu khô rơi từ độ cao hơn 10m xuống đường, đập trúng đầu chị Hạnh khiến chị tử vong.
Nhiều cây xanh rỗng gốc, rễ bị mục
Ghi nhận trong thời gian qua, rất nhiều cây xanh trên địa bàn TP bị bật gốc đều đa số đã rỗng ruột, phần gốc chỉ có vài rễ nhỏ, bám nông trên mặt đất nên mỗi khi có mưa, lốc xảy ra hậu quả sẽ rất khó lường.
Mới đây, hôm 28/7, cơn mưa kèm theo gió lốc đã làm cây me tại góc giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Huyền Trân Công Chúa (quận 3) bật gốc khiến nhiều người tháo chạy. Theo nhiều người sống gần đó, khoảng 18 giờ, trời mưa và gió lốc mạnh đã làm cây me có đường kính khoảng 0,4m đổ ập ra đường. Một số người đi xe máy bị tàn cây quất trúng nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ. Quan sát, gốc cây me này chỉ có vài rễ nhỏ và bám nông trên mặt đất.
Liên tục trong thời gian qua cây xanh bị bật gốc, một số người đi đường lo sợ đến an toàn tính mạng của mình mỗi khi ra đường.
Trước đó, chiều 13/6 một cây phượng cổ thụ trên đường Hàm Nghi (quận 1) cũng bị bật gốc đè vào xe ô tô đang đậu bên đường. May mắn không ai bị thương nhưng nhiều người một phen tháo chạy. Tại hiện trường, gốc cây phượng bị mục rễ, bên trong gốc đã bị rổng.
Vào chiều ngày 28/5, cơn mưa lớn đã làm cây lim cổ thụ trên đường Lê Lợi (đoạn gần giao lộ với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) bị bật gốc đè bốn xe ô tô. Trong đó, chiếc xe ô tô dừng trong lề đường bị đè bẹp rúm, 2 chiếc ô tô khác và một chiếc taxi cũng bị hư hỏng. Tại hiện trường, toàn bộ thân cây lim nằm chắn ngang trên đường Lê Lợi, phần gốc của cây lim bị rỗng, một số rễ đã bị mục. Cùng thời điểm này, cây phượng có đường kính 0,4m trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1) cũng bị bật gốc đè lên xe máy khiến một thanh niên trọng thương phải nhập viện cấp cứu.
Mới đây, để làm ga ngầm Metro tuyến số 1, cơ quan chức năng TP.HCM đã chặt bỏ nhiều cổ thụ ở trước Nhà hát thành phố trên đường Lê Lợi, quận 1. Trong tám cây dầu bị đốn tại đây có tới sáu cây hầu như bộ rễ đã mục đến 60-70% và không cây nào còn rễ cọc. Theo cơ quan chức năng, trong số tám cây dầu bị đốn hạ trước Nhà hát TP chỉ cần tỉa hết cành, đào chặt rễ ngang là có thể kéo đổ. Vì toàn bộ rễ cọc đã bị hư và thối do khu vực này gần sông Sài Gòn, mực nước ngầm làm thối bộ rễ. Việc đốn bỏ hàng cây dầu tại đây là đúng lúc. Hiện tại, trên đường phố TP.HCM có khoảng 1.500 cây dầu lớn, có tuổi tương đương với các cây dầu trước Nhà hát TP khoảng 150 tuổi. Cây dầu sống ở rừng tự nhiên khoảng 300 năm tuổi. Theo chuyên viên cây xanh đô thị, trên thực tế số cây dầu bị đốn hạ trước Nhà hát TP đã cho thấy sự thiếu an toàn của những cây dầu còn lại trên đường phố. Cơ quan chức năng phải tính toán, thiết kế một cách hài hòa, hợp lý vừa đảm bảo được cân bằng sinh thái nhưng phải bảo đảm an toàn cho người dân đi đường, tránh trường hợp cây bị mục rễ bật gốc. Mỗi lần đốn hạ cây dầu từ 5-10 cây trên đoạn và phải chừa từ 5-10 cây trên đoạn này, có thể đốn xen kẻ. Ngoài ra, TP cần có ngay một hội thảo khoa học gồm các nhà quản lý, nhà khoa học để bàn thật sâu về vấn đề an toàn đối với cây xanh đường phố Sài Gòn, không chỉ với cây dầu mà cả với cây sao, cây phượng, cây sọ khỉ. Bên cạnh đó, cây dầu là cây đặc trưng của người Sài Gòn nên có thể chọn vài con đường để giữ và phát triển. |
Ghi nhận tại đây, gốc hai cây phượng chỉ có vài rễ nhỏ, không có rễ cọc nên khi gặp gió bị quật ngã xuống đường.
Cây phượng có đường kính 0,4m trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1) cũng bị bật gốc đè lên xe máy khiến một thanh niên trọng thương phải nhập viện cấp cứu hôm 28/5.
Họa vô đơn chí, tai họa từ đâu trên trời rơi xuống khi nhánh cây dầu khô rơi từ độ cao hơn 10m xuống đường, đập trúng đầu chị Đỗ Thị Tuyết Hạnh (47 tuổi, quê Đồng Tháp) khi chị đang đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) vào tối ngày 21/8/2012.
Chiều 13/6 một cây phượng cổ thụ trên đường Hàm Nghi (quận 1) cũng bị bật gốc đè vào xe ô tô đang đậu bên đường. May mắn không ai bị thương nhưng nhiều người một phen tháo chạy. Tại hiện trường, gốc cây phượng bị mục rễ, bên trong gốc đã bị rổng.
Mới đây, trong 8 cây dầu trước Nhà hát TP bị đốn để làm tuyến metro ngầm số 1 bị đốn có tới sáu cây hầu như bộ rễ đã mục đến 60-70% và không cây nào còn rễ cọc.