Cây điệp lào hay pháo hoa điệp lào… vốn là loại cây mọc dại nhưng dưới bàn tay khéo léo của người nông dân đã trở thành loại cây bonsai gây sốt giới sinh vật cảnh.
Cây điệp lào (hay còn có tên gọi khác là cây pháo hoa điệp lào), là cây gỗ nhỏ dạng bụi, thường chỉ cao 1-3 m, cành dài mềm, lòa xòa sát đất. Lá cây điệp lào kép lông chim có 2 – 4 đôi lá phụ dạng thuôn lệch, màu xanh, bóng nhẵn. Hoa cây điệp lào nhỏ, màu đỏ tươi, cành nhánh mảnh mai, mềm mại, lá đẹp, nên ngày càng được trồng phổ biến để trang trí sân vườn, khuôn viên, trường học. Chục năm về trước, ít ai nghĩ rằng loại cây này lại có thể trở thành một giống cây bonsai làm mê mẩn giới sinh vật cảnh.
Chậu pháo hoa điệp lào đẹp mắt của anh Trung.
Anh Nguyễn Hữu Trung (37 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ, vẻ đẹp mỏng manh của pháo hoa điệp đã khiến anh mê mẩn ngay từ lần đầu tiên biết đến nó. Thế là anh nông dân 8X này đã bắt đầu lên mạng, tìm hiểu cách trồng cây pháo hoa điệp lào và tìm nguồn cung cấp giống để bắt đầu nghiên cứu, biến loại cây nở hoa này thành cây cảnh bonsai. Anh vừa kể, vừa khoe những đứa con tinh thần của mình đang nở những bông hoa tím hồng trên những thân bonsai được uốn thế theo sở thích trong trang trại của mình.
Quy trình tạo dáng cho cây pháo hoa điệp lào khá phức tạp.
“Cây điệp lào rất thích hợp với khí hậu nóng ẩm, trên nền đất màu mỡ, ẩm ướt nhưng thoát nước tốt và chỗ đủ ánh sáng, ít bị sâu bệnh hại, không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Cây dễ phát triển nhờ tái sinh bằng hạt. Hạt dễ nảy mầm và tỉ lệ nảy mầm cao nhưng uống dáng lại khá khó do cây không dẻo dai như các loại cây khác. Tôi phải mất 2-3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, hàng trăm cây pháo hoa điệp lào ở những lứa đầu tiên do chưa biết cách chăm sóc nên đều bị chết yểu, hoặc còi cọc, không ra hoa…”, anh Trung kể lại.
Trồng cây pháo hoa điệp lào anh không phải bỏ ra nhiều vốn để đầu tư cũng như công đoạn chăm sóc không quá cầu kỳ, phức tạp do những dòng cây này thuộc loài hoang dại, có sức sống mãnh liệt, dễ thích nghi với hoàn cảnh mới. Cũng vì vậy mà đến hiện tại, khi đã nắm rõ quy trình chăm sóc và tạo dáng bonsai cho cây, anh Trung cho biết vườn pháo hoa điệp lào đã giúp anh kiếm bộn tiền.
Cây pháo hoa điệp lào được anh Trung xuất ra thị trường với giá trung bình từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/cây tùy vào độ lớn, số lượng nhánh/ cành...“Thời điểm ban đầu tôi đăng bài lên các hội nhóm chơi cây cảnh bonsai để giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, nhưng sau đó rất nhiều người hỏi mua cây giống, cây bonsai điệp lào để trưng nên tôi nảy ra ý tưởng nhân rộng mô hình này để bày bán”, anh Trung cho biết.
Tùy vào kích thước mà mỗi chậu pháo hoa điệp lào có giá cả khác nhau.
Từ một thú vui, anh Trung đã có hẳn một nghề tay trái là buôn bán cây pháo hoa điệp lào. Hàng ngày, anh dành nhiều thời gian cho việc đi khảo sát quanh vùng xem có cây pháo hoa điệp lào nào trong đám cây giống có thể làm phôi bonsai là bứng ngay đem về. Anh cho biết việc nhặt cây dại làm bonsai thú vị hơn hẳn so với cây mua sẵn. Từ một cây xấu xí ban đầu, qua bàn tay và óc sáng tạo của mình, nghệ nhân có thể biến nó thành tác phẩm. "Đó còn gọi là hành trình huấn luyện cây để tạo ra kiệt tác, cũng là cái thú của người chơi bonsai" - anh bày tỏ.
Khi được hỏi về nhu cầu của thị trường, anh Trung cho biết hoa điệp lào có ý nghĩa rất tích cực nên nhu cầu chơi, trưng cây điệp lào bonsai ngày càng nhiều. Với sắc hoa đỏ thắm, cây điệp lào tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc, những nhị hoa và cánh hoa vút cao tua tủa, tràn đầy sức sống nên hoa điệp lào được xem là mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng và bình yên. Với nhiều người chơi bonsai, loại cây này có 4 yếu tố lôi cuốn: cổ (độ già cỗi), kỳ (lạ, công phu), mỹ (đẹp), văn (ý nghĩa của cây).
“Vừa thỏa niềm đam mê vừa có thể kiếm tiền và làm giàu từ chính đam mê của bản thân, còn gì bằng” - ông chủ 8X chia sẻ. Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân, anh Trung cũng khuyến khích anh em trong vùng, những người làm nghề chơi bonsai cây cảnh… cùng phát triển mô hình trồng cây điệp lào bonsai để bán.