Đây là một cú lừa siêu ngoạn mục và tinh vi của các tiểu thương khiến không ít người mua vừa mất tiền oan lại rước thêm bực.
Thời điểm cuối năm, người người, nhà nhà đổ xô đi mua sắm đồ trang trí nhà cửa khiến không khí đón Tết Nguyên đán ngày càng trở nên sôi động, tấp nập. Một trong những mặt hàng đắt khách nhất là các loại cây kiểng, cây ăn quả bởi theo quan niệm của người Việt, cây cối được xem là vật thu hút tài lộc, may mắn vào nhà.
Nếu như Tết xưa mỗi nhà chỉ đơn giản là cành đào thắm, cây mai vàng thì những năm gần đây nhu cầu “chơi” cây đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Những loại cây được ưa chuộng có thể kể đến như quất, bưởi, phật thủ, táo, sung… dạng bonsai đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng. Đặc biệt, cây càng nhiều hoa, nhiều quả thì càng có giá trị vì nhiều lộc. Nhiều người sẵn sàng chi khoản tiền lớn từ vài trăm nghìn đồng đến vài trăm triệu đồng để sở hữu được một cây kiểng yêu thích dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, không phải cứ ai bỏ tiền ra là mua được niềm vui.
Mua cây bưởi trưng Tết có 9 quả thì 4 quả gắn keo, bắn ghim (Nguồn: TikTok daikintutran)
Mới đây, một tài khoản TikTok đăng tải đoạn clip bóc mẽ thủ đoạn của người bán khi mua cây bưởi trưng Tết 2022. Theo hình ảnh chia sẻ, cây bưởi tuy nhỏ nhưng quả chi chít, vàng ruộm từ gốc đến cành. Bản thân người quay clip cũng thừa nhận “Em mới mua được cây bưởi này, quả đều đẹp, chín và trông rất chắc chắn”.
Chủ nhân cho hay, anh lựa chọn mãi mới được 1 cây ưng ý nhưng khi mang về mới phát hiện cả cây có 11 quả thì có tới 4 quả bị gắn keo bắn ghim. Cụ thể, ở phần cuống các tiểu thương đã vô cùng tinh vi khi dùng đinh ghim nhỏ gắn vào quả, sau đó dùng loại giấy quấn chuyên sử dụng trong làm hoa, cây giả handmade để gắn lên cành cây. Chỉ nhìn thoáng qua, không ai có thể nhận ra đây là quả rụng bị gắn lên cây.
Trong số 9 quả thì có 4 quả được gắn bằng keo và ghim
Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý. Nhiều người sau khi xem đã bày tỏ đồng cảm vì cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Năm ngoái tôi cũng mua 1 cây bưởi và bị lừa như thế này. Đã đọc cảnh báo nhưng rất khó có thể phát hiện ra”.
"Gắn quá là đẹp luôn, nhìn ở ngoài chắc chắn sẽ rất khó để có thể phát hiện ra. Quả bưởi nặng như thế đúng là phải dùng đinh ghim thì mới chắc chắn chứ nếu mỗi keo 502 thì cũng không ăn thua", bạn Hoàng lan phân tích.
"Mình xem xong chỉ thấy buồn cười thôi, năm nào cũng thấy những clip bóc phốt kiểu này. Các bác đi mua cây cảnh thì phải chú ý nhé. Năm ngoái mình mua quả bưởi trưng Tết, rất đẹp và nghệ thuật, cành lá xanh tươi bắt mắt. Sau khi hết tết mang xuống thấy cuống vẫn chắc chắn lắm, mình giật ra còn khó khăn, lúc đó mới biết là tiểu thương dính keo 502", tài khoản Thương Trần kể lại.
Một số ý kiến bày tỏ bức xúc vì mánh khóe của các tiểu thương, khuyên mọi người không nên mua của người bán hàng dạo mà nên tìm đến địa chỉ tin tưởng hơn để còn dễ bắt đền. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng khó để một cây giữ được có trọn vẹn các quả, đặc biệt là bưởi rất hay rụng cuống. "Cũng chỉ là để trưng mấy ngày Tết thôi mà, cứ đều đẹp là ngon rùi mọi người ạ", tài khoản Hòa Anh bày tỏ quan điểm.
Trước đây, cũng đã có nhiều trường hợp bị lừa mà chỉ biết nuốt cục tức vào trong người. Ví dụ như có trường hợp mua táo bonsai nhưng lại “mọc” trên cây mít, cây dâm bụt và được bán với giá 3 triệu đồng/cây. Một tài khoản có tên N.Đ.T chia sẻ, mua cây táo nhưng khi về nhà mới phát hiện đó là cây dâm bụt. Được biết, người bán đã cắm 1 cành của cây vào quả thay cho cuống táo rồi đổ keo 502 để cố định. Hay một trường hợp khác phát hiện ra đó là cây dâm bụt sau khi một quả táo bị chuột gặm.
Một trường hợp khác thì méo mặt khi mua sung cảnh trưng Tết với giá 500.000 đồng thì phát hiện những chùm sung sum suê kia được dính bằng keo.
Cây hải đường được gắn nụ chi chít bằng đinh và keo 502
Không chỉ có quả, ngay cả hoa cũng được tiểu thương làm giả cho nhiều hoa trông bắt mắt hơn và bán lãi hơn. Theo chia sẻ một người mua, chị “tậu” chậu hoa hải đường với giá 200.000 đồng ở đường Bưởi. Thế nhưng sau mấy ngày nụ vẫn không nở hoa. Chị thử vặt 1 nụ để kiểm tra thì mới tá hỏa phát hiện hoa giả được gắn vào cành bằng một đoạn dây kẽm nhỏ.