Pháp cam kết không rút khỏi các chiến dịch quân sự quốc tế chống lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Iraq và Bắc Phi
Bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed đăng trên trang bìa tạp chí Pháp Charlie Hebdo số ra ngày 14-1 đã châm ngòi hàng loạt cuộc biểu tình giận dữ ở nhiều nước.
Thứ sáu đen tối
Hôm 17-1, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng những người biểu tình nêu trên không hiểu được mức độ tự do ngôn luận của Pháp. “Chúng tôi ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của các nước này. (...) Nhưng Pháp có những nguyên tắc và giá trị riêng, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. (…) Tôi muốn nói là ở Pháp, mọi tín ngưỡng đều được tôn trọng” - ông Hollande phát biểu trong chuyến thăm TP Tulle, miền Nam nước Pháp.
Cùng ngày, cảnh sát ở Niger phải dùng hơi cay giải tán hàng trăm người biểu tình phản đối báo Charlie Hebdo. Cuộc biểu tình hôm 16-1 ở thành phố lớn thứ hai Zinder của Niger cũng rơi vào bạo lực. “Có 3 dân thường và 1 cảnh sát thiệt mạng. Một số người biểu tình trang bị cung tên và dùi cui” - nguồn tin cảnh sát nói với Reuters. Cảnh tượng ở Zinder được mô tả là ngày thứ sáu đen tối với khoảng 45 người bị thương, gồm 23 người biểu tình và 22 cảnh sát.
Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở TP Algiers, Algeria ngày 16-1 Ảnh: REUTERS
Bạo lực còn bùng nổ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động ở Pakistan, Jordan và Algeria hôm 16-1. Tại thủ đô Amman - Jordan, hơn 2.000 người cầm trên tay biểu ngữ “Lăng mạ nhà tiên tri là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu” trong cuộc biểu tình do tổ chức “Anh em Hồi giáo” tiến hành. Trong khi đó, hàng trăm người Hồi giáo ở Sudan tuần hành tại thủ đô Khartoum, đòi trục xuất đại sứ Pháp về nước.
Cảnh sát Pakistan cũng đụng độ với những người chống Charlie Hebdo bên ngoài lãnh sự quán Pháp tại TP Karachi. Trong số những người bị thương, một phóng viên ảnh của hãng AFP trúng đạn vào ngực nhưng may mắn qua khỏi. Ngoài Karachi, biểu tình còn diễn ra ở các thành phố khác của Pakistan như Islamabad, Lahore, Peshawar và Multan - nơi cờ Pháp bị đốt.
Cũng trong ngày 16-1, Thủ tướng Nawaz Sharif và Quốc hội Pakistan lên án những bức biếm họa báng bổ tôn giáo, trong khi Tổng thống Mamnoon Hussain nhấn mạnh: “Tự do ngôn luận không có nghĩa là xúc phạm niềm tin của người khác”.
Đối đầu với tư tưởng “độc hại”
Châu Âu tiếp tục đặt trong mức báo động cao sau hàng loạt vụ bắt giữ các đối tượng bị tình nghi là khủng bố. Đến nay, hơn 20 người đã bị bắt giữ tại Bỉ, Pháp, Đức và Anh. Tại Bỉ, công tố viên Eric Van Der Sypt cho biết 5 trong số 13 người bị bắt đã bị truy tố tội tham gia tổ chức khủng bố.
Hiện chưa rõ kế hoạch khủng bố tại Bỉ có liên quan đến các vụ tấn công hồi tuần trước ở Paris hay không. Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm 16-1 nhấn mạnh cả 2 nước đối mặt với cùng một mối đe dọa. Diễn biến tại Pháp và Bỉ đã tác động đến các nước láng giềng châu Âu. Tây Ban Nha đang mở một cuộc điều tra về thông tin Amedy Coulibaly, tay súng bị tiêu diệt trong vụ bắt con tin ở Paris hôm 9-1, lái xe chở 5 người đến Madrid để bắt chuyến bay đi Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 1-2015.
Cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng “cứng rắn” và “phối hợp” trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời khẳng định Pháp sẽ không rút khỏi các chiến dịch quốc tế chống lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Iraq và Bắc Phi.
Trong khi đó, sau cuộc gặp tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron tỏ rõ quyết tâm nghênh chiến với các tư tưởng “độc hại” của các phần tử cực đoan Hồi giáo. Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng các cơ quan tình báo phải được tăng cường giám sát, bất chấp các lo ngại về quyền riêng tư.
Trong một diễn biến khác, theo chính phủ Pháp, khoảng 20.000 trang web nước này là mục tiêu bị tấn công trên mạng. Còn tại Mỹ, báo The New York Post và hãng tin UPI đã bị tin tặc chiếm tài khoản Twitter hôm 16-1, đăng tải những thông điệp mang tính thù địch của Trung Quốc với Mỹ cũng như tuyên bố “Thế chiến 3 đã bắt đầu”.