Su hào đã giảm xuống 5.000 đồng mỗi củ, bắp cải cũng giảm từ 12.000 đồng còn 12.000 đồng mỗi kg…, chị em đi chợ cảm thấy yên tâm hơn.
Sau khoảng một tháng đi chợ trong tâm trạng “bất an” vì tiền rau ngang bằng tiền thịt, hai ngày nay, nhiều chị em đã thở phào nhẹ nhõm vì giá rau đã hạ nhiệt.
Sáng 23/1, chị Lan Hương đi chợ Nguyễn Phúc Lai (Q. Đống Đa, Hà Nội), su hào đã giảm giá 2.000 đồng xuống còn 5.000 đồng mỗi củ. Thấy giá su hào giảm, chị Lan Hương vui mừng hỏi tiếp giá thì được biết các loại rau xanh khác đều đã giảm giá nhiều.
Cà chua đã giảm từ 30.000 đồng/kg xuống còn 22.000 đồng mỗi kg, cải đắng từ 7.000 đồng xuống còn 5.000 đồng mỗi mớ. Đỗ cũng giảm từ 25.000 đồng xuống còn 18.000 đồng mỗi kg.
Các loại rau cải cũng giảm giá từ 20.000 đồng xuống còn 12.000 đồng mỗi kg, giảm được tận 8.000 đồng.
Chị Hòa, người bán rau cho chị Hương nói, giá rau đã giảm từ hai, ba ngày nay. “Nếu thời tiết cứ ấm như này, chắc chắn giá rau sẽ giảm nữa”, chị Hòa dự báo.
Nhiều chợ vẫn đắt
Tuy nhiên, không may mắn như chị Lan Hương, chiều 21/1, chị Trang (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đi làm về tranh thủ mua rau ở chợ chiều ngay hai bên đường Giang Văn Minh, giá rau vẫn đắt như hồi sốt giá.
Giá rau xanh giảm vì thời tiết ấm dần
Rau muống giá tận 20.000 đồng một mớ bé xíu. “Tôi cầm mớ rau muống bé tẹo trên tay mà không dám tin vào tai mình, chỉ tưởng khoảng 10.000 đồng, ai dè giá đắt kinh quá”, chị Trang nói. Theo chị Trang, mớ rau muống này luộc lên 4 người ăn thiếu, xào thì một người ăn cũng “thòm thèm”.
Người bán hàng giải thích, rau muống đang là rau trái mùa, nên giá đắt. Tuy nhiên, hỏi sang các loại rau khác, chị Trang vẫn không khỏi thất vọng. Cà chua vẫn 30.000 đồng mỗi kg, đỗ vẫn 25.000 mỗi kg. Rẻ nhất trong quầy rau là cải xong thì vẫn 9.000 đồng một mớ bé.
Trong khi đó, cũng trong buổi chiều 21/1, em chị Trang đi chợ Văn Trung (Huyện Từ Liêm, Hà Nội), giá rau cũng đã giảm nhẹ, su hào chỉ còn 6.000 đồng/củ. Cà chua 25.000 đồng mỗi kg.
Rút kinh nghiệm “xương máu”, chị Trang chia sẻ, “hôm nay đến bữa ăn trưa ở cơ quan, mình sẽ tranh thủ hỏi han chuyện đi chợ và giá cả với chị em để tránh mua phải giá đắt như hôm qua”.
Đúng như nhận xét của chị Trang, ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, mỗi khi giá cả thị trường bị sốt, các tiểu thương buôn bán tự do thường lợi dụng “té nước theo mưa”, tranh thủ kiếm lời. Vì thế nên cùng một thời gian nhưng giá rau xanh ở mỗi nơi lại mỗi khác, chị em nên đi chợ vào buổi sáng và khảo giá lẫn nhau giữa các chợ, chợ chiều và ở trung tâm thường đắt hơn vì tiểu thương rất hay đội giá.
Rau củ tươi là một trong mười nhóm mặt hàng thuộc diện bình ổn giá của UBND thành phố Hà Nội. Hiện các quận, huyện, thị xã đang gieo trồng khoảng 9.800 ha rau các loại để phục vụ cho thị trường Hà Nội trong và sau Tết Nguyên Đán. Các địa phương thường xuyên duy trì điều tra phát hiện sâu bệnh, ra thông báo định kỳ sâu bệnh 7 ngày/tuần. Ngoài ra, các trạm bảo vệ thực vật huyện và mạng lưới kỹ thuật viên bảo vệ thực vật xã vẫn thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh trên rau màu để đảm bảo rau phát triển tốt, cho sản lượng cao, đảm bảo không thiếu rau dịp Tết. |