Măng chua trắng đẹp nhờ chất tẩy gỉ sắt, mì căn, hủ tiếu khô có chất gây sỏi thận... là những thông tin liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đáng chú ý trong tuần qua.
Mì căn, hủ tiếu khô có chất gây sỏi thận
Vào tháng 8, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM đã lấy bốn mẫu mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô kinh doanh trên địa bàn thành phố gửi đến công ty cổ phần dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) để phân tích. Kết quả cả bốn mẫu đều chứa acid oxalic, chất có nguy cơ gây sỏi thận, không được dùng trong thực phẩm.
Mì sợi khô, mì căn, hủ tiếu khô chứa acid oxalic nghi ngờ có trong bột mì, bột năng.
Nói về tác hại của acid oxalic (còn gọi oxalat), TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa công nghệ thực phẩm (đại học Nông Lâm TP.HCM), cho rằng acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể sẽ kích thích ruột và gan.
Acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, hụt chất dinh dưỡng.
Măng chua trắng đẹp nhờ chất tẩy gỉ sắt
Công an tỉnh Tây Ninh vừa phát hiện khoảng 70 tấn măng tươi được tẩy trắng bằng axít oxalic. Sau khi được tẩy trắng bằng hóa chất nói trên, loại măng này sẽ được chế biến thành măng chua và đựng trong hũ.
Axít oxalic là loại hóa chất cực độc dùng để "nhả sét" cho sắt, tẩy trắng gỗ và bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Dùng lâu dài sản phẩm có chứa hóa chất a xít oxalic sẽ tác hại lên gan, thận và hệ tiêu hóa...
Hàng chục tấn măng được thu giữ
Trên thị trường, các loại măng khô và cả măng tươi đều chứa nhiều chất độc. Với măng khô, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xông, tẩm ướp bằng lưu huỳnh để chống ẩm mốc, giữ cả năm không hỏng. Với măng tươi, người ta ngâm chất tẩy trắng hay phẩm màu công nghiệp để có màu sắc đẹp.
Bim bim Snack tẩm đường hoá học
Món quà vặt snack vốn được trẻ em yêu thích do hương vị bùi, thơm, vị ngọt hấp dẫn. Thế nhưng, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất snack dùng chất hoá học bị cấm ở Mỹ.
Kiểm tra các cơ sở sản xuất bim bim ở huyện Hoài Đức, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một lượng lớn nguyên liệu sản xuất snack gồm: bột ớt khô, bột nở, bột thơm, bột nguyên liệu, phẩm màu... đều do Trung Quốc sản xuất, được cơ sở mua trôi nổi ngoài thị trường.
Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 1,2 tạ đường cyclamate tại công ty TNHH SaSa chuyên sản xuất bánh snack (bim bim) ở huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Đáng chú ý, cơ sở sản xuất này cũng “độn” đường cyclamate vào snack. Chủ cơ sở thừa nhận: tất cả các sản phẩm snack sản xuất ra đều chứa đường cyclamate và phẩm màu công nghiệp!
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hoá đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, hiện đã cho sử dụng lại cyclamate với hàm lượng nhất định, nhưng PGS Côn khuyến cáo: “Không nên lạm dụng loại đường này. Trẻ con đứa nào cũng thích snack nhưng chỉ nên dùng sản phẩm của các cơ sở có uy tín, không nên liều với sức khoẻ con trẻ”.
Thịt gà ươn chảy để cả năm vẫn đắt hàng
Gà đông lạnh đã biến màu xám ngoét, chảy nước, nguồn gốc Trung Quốc, để qua cả năm nhưng bán rất đắt hàng. Thông thường cứ bán đến tầm trưa là hết, khách mua là nhà hàng, quán ăn.
Thịt gà ôi được đưa vào nhà hàng, quán phỏ, giá bán chỉ 35.000 đồng/kg
Một chủ cửa hàng gà đông lạnh tiết lộ: "gà đông lạnh có nguồn gốc Trung Quốc. Gà đông lạnh mặc dù gà để cả năm, cả tháng nhưng bán rất đắt hàng. Thông thường cứ bán đến tầm trưa là hết".
“Rẻ có cái giá của nó. Chẳng hạn em mua 1kg gà đông lạnh nhưng về tan đá chỉ còn 8 lạng thôi. Còn gà chị không hao tí nào. Gà này gà tươi em để tủ vô tư, một tháng gà vẫn ngon. Gà đông lạnh người ta để tủ đá hàng năm chứ. Gà chuyển từ Trung Quốc về đây, từ tay người ta làm đến tay mình thì chả hàng năm trời".
Dầu nước thải Trung quốc
Tuần vừa qua, một đoạn video được đăng tải trên Washington Post với nội dung: 'Bạn đừng bao giờ ăn thức ăn đường phố ở Trung Quốc sau khi xem đoạn video này'. Đoạn video này ghi lại hình ảnh dầu bẩn được hô biến từ rác tái chế và nước thải cống rãnh, sau đó được bán ra thị trương với mức giá siêu rẻ và dùng để chế biến thức ăn phục vụ khách hàng ở các quán vỉa hè.
Video bắt đầu từ cảnh một cặp vợ chồng thu gom chất béo tại một cống rãnh trên đường phố và kết thúc là những món ăn được chế từ dầu bẩn này trôi vào dạ dày của các thực khách.
Một quán ăn dùng dầu cống rãnh chế biến món ăn.
Dầu bẩn được 'hô biến' từ rác tái chế và nước thải cống rãnh chứa đựng muôn vàn độc tố gây ung thư. Công việc phi pháp này được thực hiện ở nhiều cơ sở nhỏ lẻ thu gom tái chế, sau đó được những người bán đồ ăn đường phố và nhà hàng kém chất lượng sử dụng. Cứ như vậy, lợi nhuận càng tăng lên khiến quy mô của công việc bất hợp pháp này càng ngày càng lớn hơn.