Chủ khách sạn đổi nghề, công ty du lịch tìm “phao cứu sinh” chống chọi với dịch

Ngày 24/08/2020 09:55 AM (GMT+7)

Trước tình cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhiều ông chủ khách sạn tại Hà Nội cũng như các doanh nghiệp ngành du lịch đang phải tìm hướng kinh doanh mới để có thể duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.

Công ty du lịch nhảy sang làm khẩu trang

Thay vì dành đất để quảng cáo cho các tour du lịch, thời gian gần đây, trên trang web của công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt xuất hiện hình ảnh các loại khẩu trang y tế, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần với giá cả bình ổn.

Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Long – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho biết, đây là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp này trong thời gian tới. Theo ông Long, thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, công ty hầu như đóng cửa toàn bộ hoạt động du lịch, hàng trăm nhân sự rơi vào cảnh không có việc làm. Trước tình hình đó, là lãnh đạo công ty, ông Long tận dụng mối quan hệ trong ngành du lịch để nhập khẩu máy móc và bắt tay với công ty Cổ phần Đầu tư Ecom Net - đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân dùng một lần trong y tế và công nghiệp - để phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần.

Chủ khách sạn đổi nghề, công ty du lịch tìm “phao cứu sinh” chống chọi với dịch - 1

Nhân sự công ty du lịch Việt dồn lực kinh doanh khẩu trang.

“Thời điểm này, nhân sự trong công ty dồn lực để làm khẩu trang, tất cả quy trình từ sắp xếp, đóng hộp sản phẩm, tư vấn hay trực tiếp bán sản phẩm đều là nhân sự trong công ty. Chúng tôi hy vọng có thể ký được nhiều hợp đồng hơn và duy trì được việc làm cho nhân viên đến hết năm”, ông Long chia sẻ.

Theo vị Giám đốc này, quyết định gia nhập thị trường khẩu trang nội địa xuất phát từ thực tế bất ổn trong chất lượng và giá cả mặt hàng này hiện nay. Nhờ tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, khi bán tại Việt Nam, doanh nghiệp đưa ra mức giá cạnh tranh từ 59.000 đồng/hộp 50 chiếc khẩu trang y tế. Ông cho rằng điều này sẽ giúp người tiêu dùng ở mọi tầng lớp, thu nhập đều có thể sử dụng.

Hiện tại, việc sản xuất được thực hiện tại Việt Nam, công suất khoảng 5 triệu khẩu trang/ngày. Ông Long cho biết, công ty cũng đặt kho hàng tại một số điểm và phân phối khẩu trang y tế qua website tự xây dựng, đồng thời đang tìm kiếm một số nhà phân phối để mở rộng cung cấp đến nhiều tỉnh, thành hơn.

Ông chủ khách sạn đổi nghề

Chỉ cách đây vài năm, vào thời điểm đỉnh cao của mùa du lịch, kinh doanh khách sạn ở các khu phố cổ Hà Nội được xem là ngành “sang chảnh” và “hái ra tiền”, khi các khách sạn luôn kín phòng có du khách nước ngoài lưu trú. Những khu phố có khách sạn luôn đông nghịt người và hoạt động kinh doanh buôn bán, dịch vụ đi kèm nhộn nhịp cho đến 1 - 2h sáng. Nhưng giờ đây, những hình ảnh đó đã lùi vào quá khứ.

Thời điểm 8 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khu phố cổ Hà Nội đang đối mặt với làn sóng tháo chạy của các doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ. Hầu hết, các khách sạn ở đây đều đóng cửa, dừng hoạt động vì không có khách. Nếu có, số lượng khách sạn còn hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thời gian này, khách sạn Hà Nội Era (số 22 Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thay vì phục vụ khách lưu trú, đã chuyển sang kinh doanh đồ ăn, thức uống để duy trì “sự sống”. Ông Nguyễn Sỹ Duẩn - chủ khách sạn - cho biết, 80% khách hàng thuê phòng ở khách sạn phố cổ là người nước ngoài. Dịch bệnh ập tới, đường bay quốc tế đóng cửa, khách giảm, lợi nhuận thu về không đủ cho chi phí thuê nhà, trả lương nhân viên.

Không chấp nhận phá sản, ông Duẩn cùng nhân viên chuyển sang làm bánh ngọt, cơm văn phòng, ngọt, nước ép hoa quả… bán tại khách sạn, đồng thời kinh doanh qua mạng. Từ một ông chủ sở hữu hai khách sạn hạng sang và một nhà hàng phục vụ đồ ăn Tây, ông Duẩn trở thành đầu bếp kiêm nhân viên giao hàng.

Câu chuyện của ông Duẩn không phải cá biệt. Dịch Covid-19 đã khiến mảng khách sạn phố cổ Hà Nội phá sản, nhiều ông chủ trong ngành này phải xoay sở đủ thứ nghề để cầm cự, chờ đợi dịch bệnh đi qua.

Chủ khách sạn đổi nghề, công ty du lịch tìm “phao cứu sinh” chống chọi với dịch - 2

Hàng loạt khách sạn 3 sao tại khu vực Phố cổ Hà Nội đã phải đóng cửa, dừng hoạt động.

Chia sẻ với PV, ông Trịnh Văn Khánh - chủ một khách sạn trên phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dịch Covid-19 khiến ông thiệt hại hàng tỷ đồng. Hồi tháng 4/2020, bản thân ông chấp nhận lỗ khi chuyển nhượng khách sạn. Tuy nhiên, vẫn không có ai hỏi mua. Dù không có nguồn thu, song khách sạn vẫn phải chi trả một loạt chi phí như tiền thuê nhà, tiền bảo trì, bảo dưỡng khách sạn, tiền điện, nước, tiền bảo hiểm… “Để có thu nhập, tôi cố gắng làm một số công việc khác, chuyển qua làm taxi công nghệ để trả lãi ngân hàng”, ông Khánh nói.

Còn ông Dũng - chủ khách sạn Ấn Tượng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cũng chia sẻ, thời điểm trước dịch Covid-19, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn luôn đạt mức 80%. Vào giai đoạn cao điểm du lịch, công suất có thể đạt hơn 90%. Khi dịch bùng phát, Việt Nam tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, ngành khách sạn phố cổ gần như tê liệt.

“Có một số nhân viên chủ động xin nghỉ để giảm bớt gánh nặng cho khách sạn, cũng có người xin ở lại, chấp nhận làm không công để chờ thời điểm khách sạn hồi phục. Tôi chấp nhận giảm giá phòng từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/đêm xuống còn 200.000 - 250.000 đồng/đêm để có nguồn thu duy trì. Cùng với đó, tôi đã phải bán chiếc xe ô tô mà mình đang đi, kinh doanh thêm một số mặt hàng thực phẩm để có thể có tiền trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, các biện pháp này đều chỉ mang tính tạm thời”, ông Dũng chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực. Vừa qua, các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch có những tiêu chí rất khắt khe khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận, trong khi dòng tiền lúc này với doanh nghiệp rất quan trọng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách đưa vào thực thi thì phải đủ mạnh, có tính hiệu quả trong thực tiễn để cứu doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cô gái 25 tuổi chỉ làm thuê đã tiết kiệm thế nào để xây nhà 600 triệu tặng bố mẹ?
Chỉ sau 3 năm tiết kiệm và chi tiêu có kế hoạch, cô gái 25 tuổi đã tích cóp được một khoản tiền không nhỏ và xây được ngôi nhà khang trang, đầy đủ...
Theo T.H
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h