Đối với cụ Đinh Thị Thanh, hay còn gọi là cụ Hạnh, cuộc đời như một tấn bi kịch. Dù đã 84 tuổi, bà Thanh vẫn rất minh mẫn, và chỉ mong được chết, được hiến xác.
Người phụ nữ bạc phận
Bất cứ ai đi qua khu bách hóa Thanh Xuân sẽ nhìn thấy bà cụ già, đầu tóc bạc phơ ngồi cạnh chiếc cân sức khỏe cũ kỹ, một mẹt hàng nho nhỏ với những quyển lịch vạn niên, tử vi trọn đời... Hàng ngày, dù trời mưa, trời nắng, giá rét đến mấy bà cụ vẫn co ru ngồi thu mình trong vỉ hè của khu nhà bách hóa.
Gặp chúng tôi, bà Thanh mừng rỡ vì có người để bà nói chuyện, trút bầu tâm sự. Khóe mắt bà ngân ngấn nước, làn da nhăn nheo và đầy chấm đồi mồi. Mắt bà đỏ hoe vì bị mộng mắt nhưng bà không cắt mộng. Đôi tay bà lấy từ trong chiếc túi cũ nát ra miếng bánh mì lúc trưa bà ăn còn để lại.
Bà bắt đầu câu chuyện, vừa nói miệng bà móm mém với miếng bánh mì khô khốc. Bữa ăn của bà chỉ là cháo hay bánh mì. "Giờ già rồi, tôi không ăn cơm được vì ăn cơm nghẹn không nuốt nổi. Hôm nào cũng ăn gói mì, miếng bánh mì hay bát cháo, khi sang lắm tôi mới dám ăn bát phở" - bà cụ nói.
Nhớ lại cuộc đời bất hạnh của mình, cụ kể lại cho chúng tôi. Cụ quê ở thành phố Thái Bình. Cụ chỉ nhớ khi 14 tuổi thì cả gia đình cụ chết đói trong nạn đói năm 1945. Khi mất, người mẹ vẫn còn đang cho đứa em nhỏ chưa đầy 1 tuổi bú nhưng mẹ đói, con đói rồi cả hai cùng về thế giới bên kia.
Từ đó, cụ trở thành đứa trẻ mồ côi. Cụ lang thang kiếm sống khắp nơi trong thành phố. Khu chợ Bo cũ là nơi cụ nằm nghỉ lại mỗi ngày. Nạn đói lấy đi hết người thân của cụ. Năm 19 tuổi, cụ lấy một người đàn ông ở gần khu Phúc Khánh, Thái Bình. Chưa được hưởng hạnh phúc vợ chồng, người đàn ông đó phụ bạc, bỏ theo người phụ nữ khác.
Số phận run rủi đưa cụ lên đến Hà Nội. Ngày đó, cụ xin vào làm công nhân nhà máy điện ở Mễ Trì. Cuộc sống tạm ổn định, cụ kết hôn với một người đồng nghiệp. Hai vợ chồng sinh được một bé trai. Cụ và chồng mua được căn nhà nhỏ ở làng Mễ Trì. Vài năm sau, chồng cụ bị bệnh qua đời.
Bà Thanh nhớ về cuộc đời bất hạnh của mình
Khi chồng mất cụ mới ngoài 30, con trai mới lên 8 tuổi. Một tay cụ ở vậy nuôi con. Nhà máy giải thể, cụ bị thất nghiệp. Cuộc sống ngày càng khốn khó với cảnh mẹ góa, con côi. Cụ đi làm thuê như đàn ông, từ đào hầm cho đến làm đường, vác đá. Trời bất công với cụ về chuyện gia đình nhưng cho cụ sức khỏe để sống và kiếm tiền nuôi con.
Khi con trai 18 tuổi, cậu ấy cũng đổ bệnh giống bố rồi ra đi, bỏ cụ lại một mình. Hơn 10 năm vất vả nuôi con, chỗ dựa duy nhất của cụ cũng không còn. Người mẹ gào khóc trong tuyệt vọng. Ruột gan người mẹ như đứt từng mảnh.
Cụ lo mình chết rồi sẽ không ai hương khói cho chồng, con. Một mình cụ đi làm thuê kiếm sống. Sau này, khi sức khỏe kém rồi cụ sắm chiếc cân sức khỏe rồi ngồi ở trước của hàng bách hóa cho đến hôm nay.
Những ngày đầu, cụ đi làm rồi lại về căn nhà của mình. Dù cô đơn, lủi thủi một mình nhưng cụ còn có chỗ chui ra chui vào. Sau đó, cụ bán nhà để mua căn nhà nhỏ hơn, gần chỗ làm đi lại đỡ vất vả. Sự đời lại trái ngang, người ta đan tâm lừa mất nhà của người đàn bà cả đời khổ hạnh.
Bà cụ kể: "Tôi cầm tiền đi mua nhà. Giấy giao kèo viết cẩn thận nhưng không có công chứng, không có giấy tờ sổ đỏ. Tôi ở được 1 tháng thì bị đuổi ra ngoài vì tội chiếm đoạt tài sản. Tôi mang giấy tờ giao cho công an nhưng rồi không có phản hồi gì. Tôi bị đẩy ra đường. Từ đó, vỉa hè bách hóa thành nhà, xin vài tấm bìa carton để làm giường".
Chỉ mong được chết
Từ vài năm nay, do tuổi cao sức yếu, cụ Thanh không thể sống ngoài vỉa hè mãi được. Cụ đi thuê nhà để ở. Nhưng tuổi của cụ khi đi thuê nhà người ta cũng sợ không dám cho thuê vì sợ cụ chết ở nhà họ. Cực chẳng đã, cụ thuê xe ôm lên Bệnh viện Việt Đức xin được hiến xác sống. Khi đó, giám đốc của bệnh viện khuyên cụ cứ về nhà giữ gìn sức khỏe đến khi nào cụ nhắm mắt xuôi tay thì y học sẽ chấp nhận tâm nguyện của cụ. Cụ Thanh lại lững thững ra về trong nỗi tuyệt vọng.
Nhiều ngày, bà cụ đi gõ cửa nhiều khu trọ để xin thuê. Cuối cùng bà cũng thuê được căn nhà nhỏ ở phường Thanh Xuân Nam. Gia đình chủ nhà cũng tốt bụng. Họ cho thuê với giá lúc đó là 700 nghìn đồng, bây giờ lên 1 triệu đồng/tháng.
Năm 2010, có một vài mạnh thường quân đã giúp cụ. Họ cho tiền để cụ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Nhưng chỉ được vài tháng, không có tiền cụ lại phải ra ngoài. Dù hoàn cảnh khốn khó, không có người thân con cái nhưng cụ Thanh không được ưu tiên đặc biệt.
Bà Thanh ngồi ở vỉa hè Bách Hóa, Thanh Xuân
Cụ vẫn phải đóng 3 triệu đồng/tháng. Quá mệt mỏi với cuộc sống, cụ lại đi bộ hơn chục cây số từ trung tâm bảo trợ để về bách hóa Thanh Xuân. Chiếc cân sức khỏe của cụ vẫn được những người ở đó giữ hộ. Cụ mua thêm cái mẹt nan bày vài quyển sách tử vi, vạn niên bán.
Nhìn vào giỏ hàng của mình, cụ Thanh cho biết: “Bán ngày được, ngày không. May là hàng hóa không thiu thối nên không lo ế ẩm”.
Mỗi ngày, cụ cố gắng phải kiểm đủ tiền nhà và tiền ăn. Nói đến tiền ăn, cụ Thanh tính nhẩm nhanh “tôi chỉ mất 10 nghìn đồng/ngày. Còn lại lo nhất là tiền nhà hơn 30 nghìn đồng/ngày nên ngày nắng, ngày mưa, rét buốt vẫn cố ra bán hàng".
Nhiều người biết cụ khổ nên khi cân sức khỏe họ cho cụ 10 nghìn, 20 nghìn đồng. Có quyển sách đáng giá 30 nghìn thì người ta cho cả 50 nghìn đồng không lấy lại tiền thừa. Nhờ đó, cụ cũng kiếm đủ tiền thuê nhà.
Nhìn về tương lai, mắt bà cụ nhạt nhòa, hai tay bóp đầu gối đang đau mỏi: “Tôi chỉ khổ cái nhức mỏi chân tay chứ đầu óc, nội tạng còn khỏe lắm nên khó mà chết được”. Với câu nói của cụ, người lạ chắc sẽ không hiểu vì sao cụ chỉ mong được chết.
Cụ Thanh trút bỏ nỗi sầu “tôi mong chết mà không chết được. Có hôm chỉ muốn nằm ngủ không dậy nữa nhưng người già khó ngủ, tôi chẳng có được giấc ngủ mình mong muốn. Hôm trước gần đây có người chỉ cảm cúm cũng chết mà tôi thấy thèm được như họ. Giá tôi có thể chết thay người ta”.
Hàng năm đến ngày giỗ chồng, giỗ con trai, cụ Thanh chỉ mua chút tiền vàng về rồi thắp nén nhang. Cụ chỉ biết gọi tên chồng, tên con chứ cụ không có đủ điều kiện làm một mâm cơm mặn. Còn bố mẹ cụ, họ mất ngày nào cũng không nhớ nổi, không có mồ mả nên trong thâm tâm của cụ cứ lấy ngày nào đó của tháng 10 hàng năm làm ngày giỗ cho bố mẹ, anh, em trong nhà.
Cô đơn một thân một mình trên cõi đời, cụ Thanh chỉ lo khi không còn sức khỏe mà ông trời không cho chết. Cứ nghĩ đến chuyện đó cụ lại lo ngay ngáy. “Tôi bắt đầu nghĩ đến việc để tiết kiệm phòng khi ốm đau còn vào viện. Mỗi ngày tôi cố bớt lấy vài nghìn, một năm cũng được 1,2 triệu đồng”. Những người quanh bách hóa Thanh Xuân ai cũng thương bà cụ. Ngày mồng một Tết bà cũng mang cái cân ra một mình trơ trọi ở đó. Người đời qua lại có một vài người nhớ ra bà cụ ở đó họ vào mùng tuổi cho cụ.
Tuổi già như ngọn đèn trước gió, cụ Thanh chỉ muốn gửi lời tới bệnh viện khi nào cụ mất, cụ xin được hiến xác của mình để giúp người khác có thể sống thêm vài năm. Cụ không quên “quảng cáo”: "Tôi chỉ đau khớp thôi chứ bụng dạ, mắt mũi còn tốt lắm. Tôi còn đọc được sách báo hàng ngày”.