Nghe tin có người muốn bỏ thai là sư thầy Thích Đàm Trực lại day dứt. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng thầy vẫn quyết đến tận nơi để thuyết phục người mẹ, chỉ cần đứa trẻ được ra đời, thầy sẽ nhận là người nuôi nấng.
Sư thầy Thích Đàm Trực một lòng chăm sóc cho các con
Thoắt cái đã gần 10 năm kể từ ngày sư thầy Thích Đàm Trực hay còn được gọi với tên thân thuộc khác là thầy Thắm (53 tuổi, trụ trì chùa Phúc Lâm, thôn Phú Lễ, xã Tự Tân, Vũ Thư, Thái Bình) trở thành mẹ, cưu mang chăm bẵm cho 3 đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng. Tấm lòng, tình thương của thầy dành cho các bé người dân địa phương ai cũng biết. Trung Anh, Minh Tâm và Bình An là những cái tên đích thân thầy Thắm đặt cho các bé nhận về nuôi dưỡng.
Ngôi chùa Phúc Lâm nằm yên ả trên con đường thôn Phú Lễ. Bước vào không gian chùa, hiện lên trước mắt chúng tôi là khoảng sân rực màu những cây hương được phơi dưới nắng. Sư thầy Thích Đàm Trực đang miệt mài vào khuôn từng cây hương cùng các phật tử.
Khi chúng tôi ngỏ lời muốn viết về thầy, thầy bảo: "Việc tôi làm đơn giản mà. Phật dạy "dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người". Tôi thấy chúng sinh nào khổ mà mình có cơ hội chia sẻ với họ thì tôi giúp thôi".
Sư thầy chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ rất cẩn thận.
Vừa rót trà, thầy Thắm vừa nhớ lại. Thầy kể 7 năm trước, khi nghe trường hợp một cô gái ở Quảng Ninh vì nhỡ nhàng mà mang bầu 6 tháng có ý định bỏ đứa bé đi, thầy day dứt không yên. Thương đứa trẻ vô tội, thầy đã dồn hết tiền mình có lặn lội tìm đến tận nơi cô gái ở, vận động thuyết phục cô về chùa Phúc Lâm để thầy nuôi dưỡng, chăm sóc chờ ngày sinh nở, không nên làm hại đứa trẻ.
Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, cô gái này vì hám lợi lại có ý định bán con cho một người khác, thầy Thắm phải hết lời khuyên can, trông chừng. Khi em bé được một tuần tuổi, cô gái và người thân trốn đi biệt tích, bỏ lại đứa con chưa kịp rụng rốn. Thầy đặt tên cho bé trai là Trung Thành.
Tương tự trường hợp mẹ của bé Trung Thành, mẹ bé Minh Tâm (5 tuổi) khi đó cũng có ý định từ bỏ khi con đang còn trong bào thai. Nghe chuyện thầy lại thu xếp lên đường, tìm đến tận nơi để khuyên can và nuôi dưỡng hai mẹ con đến khi Tâm ra đời.
Mọi việc từ tiền thuê nhà ở, tiền sinh hoạt chu cấp hàng tháng cho người phụ nữ đang thai nghén, thầy Thắm phải tự mình xoay xở. Sau khi sinh, mẹ Tâm bỏ lại con, thầy Thắm đảm nhận vai trò người mẹ nuôi đứa con thơ thứ hai.
Bé Minh Tâm nay đã 5 tuổi.
“Còn bé Bình An (2 tuổi) thì bị người ta bỏ rơi ngay trước cửa chùa. Hôm đó trời lạnh lắm, thầy vừa mở cửa chùa ra thì thấy một cái giỏ đặt trước cổng. Thầy vội mở ra xem thì giật mình khi thấy một em bé còn đỏ hỏn chắc vừa mới sinh, người tím tái, tay chân lạnh ngắt nhưng vẫn còn thở yếu ớt. Thầy vội bế vào chùa ủ ấm và cho đi bệnh viện rồi đưa về nuôi dưỡng. May sao là cứu được”, thầy Thắm nhớ lại.
Bằng tình yêu thương thầy Thắm đã chăm sóc được từng đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, đáng yêu. Các con được tới trường như những đứa trẻ khác. Sợ con thua thiệt với bạn bè, vào những dịp lễ tết, năm học mới thầy vẫn cần mẫn dạy dỗ chỉ bảo, chơi đùa, mua sắm sách vở quần áo để các con cảm nhận được tình cảm ấm áp, gần gũi của người mẹ, phần nào bù đắp thiệt thòi.
Để có thể nuôi các bé khôn lớn, ngoan ngoãn đến giờ, sư thầy đã phải gồng gánh, lận đận chuyện cơm áo gạo tiền. Những lúc ốm đau các con cùng nhập viện một lúc, thầy vừa xót xa vừa tất tả chạy ngược chạy xuôi lo chạy chữa. Bởi thế mà nỗi vất vả cứ lên tới cả trăm bề.
Thầy Thắm cùng các phật tử cùng sản xuất hương để kiếm thêm thu nhập. Ảnh Hà Thanh
Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, thầy Thắm cùng với 2 phật tử khác ở chùa cấy hơn 1 mẫu ruộng và sản xuất hương sạch. Gian nan là vậy nhưng sư thầy vẫn nở những nụ cười hạnh phúc khi nhìn những đứa trẻ vui đùa.
“Các con được sinh ra nhưng thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác nên khó khăn đến mấy thầy cũng cố gắng nuôi dạy các con nên người. Thầy chỉ mong cho các con được khỏe mạnh, bình an. Giờ thầy còn sức khỏe, thầy sẽ cố gắng hết sức để các con đỡ tủi thân phần nào”, thầy Thắm chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Tĩnh, một phật tử thường hay qua lại chùa cho biết: "Nhiều khi thấy thầy vất vả chạy đôn chạy đáo bận việc ở chùa, lại bế ẵm, dỗ dành, chăm chút cho mấy cháu nhỏ, chúng tôi cảm động lắm. Thầy chẳng nề hà vất vả sớm hôm cứu giúp những mảnh đời cơ nhỡ. Vậy nên mấy chị em cũng tranh thủ lúc rảnh rỗi đến phụ thầy việc cấy hái, làm hương, hay dọn dẹp cảnh chùa.”