Chuyên gia và người cùng cảnh ngộ bật mí cách giúp Gen Z tìm được công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp

NGỌC HÀ - Ngày 11/01/2024 15:00 PM (GMT+7)

Vị chuyên viên quản lý nguồn nhân lực khuyên các bạn trẻ nên tìm kiếm cơ hội việc làm từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện nay, thế hệ Gen Z đang dần bước chân vào thị trường lao động Việt Nam. Song không ít ứng viên thuộc thế hệ sinh sau 2000 cảm thấy hoang mang, băn khoăn trước hành trình đi tìm một công việc ưng ý để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.

Chuyên gia và người cùng cảnh ngộ bật mí cách giúp Gen Z tìm được công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp - 1

Chị M.D - chuyên viên quản lý nguồn nhân lực tại Hà Nội cho biết, chị và các đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyển dụng vẫn đi tìm CV của ứng viên Gen Z đi làm cho nhiều ngành nghề: công nghệ, truyền thông, thiết kế... nhưng để lọc ra được ứng viên ưng ý không phải điều dễ dàng.

Có em CV rất đẹp nhưng khi đến phỏng vấn “ảo tưởng” đề bạt mức lương cao hơn cả người có kinh nghiệm làm việc 5-7 năm tại công ty. Có em bằng đỏ, xếp loại Giỏi nhưng thiếu vốn giao tiếp, rụt rè và không cởi mở. Trong khi đó nhà tuyển dụng đặt ra nhiều tiêu chí ngoài trình độ học tập để chấm điểm cho các em “đỗ hay trượt””, chị M.D nói.

Cũng theo nữ chuyên viên, việc Gen Z không có nhiều kinh nghiệm làm việc trên hồ sơ xin việc là điều đương nhiên vì tuổi đời còn trẻ, ít trải nghiệm, trong đó có nhiều bạn vừa mới tốt nghiệp. Vì thế, khi tuyển dụng, chị rất ít khi đặt tiêu chí đó lên hàng đầu.

“Nhiều Gen Z sau khi trượt phỏng vấn lại cho rằng vì bản thân không có kinh nghiệm làm việc nên mới bị loại. Đó hoàn toàn không phải lý do. Bởi khi chúng tôi tuyển người có kinh nghiệm sẽ đọc kỹ và lọc hồ sơ của các bạn mới đi làm, vừa tốt nghiệp ra khỏi vòng sơ loại”, chị M.D chia sẻ.

Chuyên gia và người cùng cảnh ngộ bật mí cách giúp Gen Z tìm được công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp - 2

Theo chị, cách để tìm được một công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp đại học là nên tìm kiếm cơ hội việc làm từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Như vậy, bản thân có thêm trải nghiệm nhiều công việc và nhiều cơ hội chọn ra một nghề phù hợp để theo đuổi trong tương lai. Qua đó, các bạn có thể vạch ra lộ trình làm việc, khả năng thăng tiến trong 3 đến 5 năm tới.

“Kỹ năng của bạn càng nhiều thì giá trị bản thân càng tăng. Lúc đó các bạn sẽ tìm được công việc ưng ý với mức thu nhập cao hơn dự tính.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, nhân sự cần phải nỗ lực, đặt hết tâm huyết vào nơi đang gắn bó. Điều này cũng vô cùng quan trọng. Các bạn đừng “đứng núi này trong núi nọ” để rồi thất bại ngay bước đầu trong hành trình xây dựng sự nghiệp của cá nhân”, nữ chuyên viên chỉ rõ.

Chuyên gia và người cùng cảnh ngộ bật mí cách giúp Gen Z tìm được công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp - 3

Vũ Hòa (SN 2000, quê Hải Phòng) đã có quãng thời gian khủng hoảng khi không thể tìm được một công việc lý tưởng cho mình. Cô nàng từng nghĩ bản thân đã sai ngay từ đầu khi lựa chọn ngành học Công nghệ thực phẩm để rồi vừa tốt nghiệp đã… thất nghiệp.

Tốt nghiệp xong, em đi rải CV ở khắp các công ty liên quan đến công nghệ thực phẩm. Em còn tự tin nghĩ rằng chỉ một tháng sau sẽ tìm được một công việc với mức lương phù hợp với năng lực bản thân.

Ngờ đâu, em đợi hoài đợi mãi không thấy nhà tuyển dụng nào gọi đến phỏng vấn. Em đành lên mạng “cầu cứu” xem có ai giúp đỡ hoặc chung cảnh ngộ hay không. Có người động viên, có người cho rằng ngành học của em đặc thù nên khó xin việc.

Em suy nghĩ mất mấy hôm rồi thấy các bạn trong lớp cũng lao đao vì tìm việc nên càng trăn trở. Em cho rằng mình đã sai khi lựa chọn vào trường học ngành đó”, cô gái tâm sự.

Hòa từng buông xuôi, có ý định rời Hà Nội về quê kiếm việc gì đó làm rồi lấy chồng ổn định cuộc sống. Thế rồi, cô nhận ra tuổi trẻ phải dám đương đầu với khó khăn, không được chùn bước trước thử thách. Cô quyết định đối diện với thực tế phũ phàng: không tìm được việc.

Em chấp nhận làm tạm một công việc nào đó, song song là rải CV ở khắp nơi, không phân biệt công ty thực phẩm hay không. Ai gọi phỏng vấn em cũng đi, vừa để lấy kinh nghiệm vừa thiết lập mối quan hệ.

Em nhớ từng đi phỏng vấn 8-10 công ty trong một thời gian ngắn. Cuối cùng em cũng đỗ vào một công ty tại Bắc Ninh và... không đúng ngành học. Tuy nhên, qua 1 năm làm việc, em thấy công việc này rất hợp với bản thân, môi trường thân thiện và quan trọng mức lương ổn định giữa thời buổi kinh tế suy thoái như hiện tại.

Em cũng muốn nhắn gửi với các bạn cùng thế hệ rằng dù khó khăn như thế nào cũng đừng nản chí. Bạn cứ mạnh dạn ngẩng cao đầu và bước tiếp, công việc phù hợp sẽ đến và khiến bạn hài lòng”, Hòa tâm sự.

Hòa cũng cho rằng việc Gen Z lao đao trong tìm kiếm việc làm là điều tất yếu sẽ xảy ra. Bởi hiếm ai thuận lợi trong con đường xây dựng sự nghiệp ngay từ khi tốt nghiệp đại học. “Em nghĩ Gen Z nào cũng phải căng thẳng khi tìm việc nhưng có khó khăn mới có thành công. Do đó, các bạn hãy cứ kiên trì tìm hiểu, chờ đợi, đi phỏng vấn là tìm được việc ưng ý”, cô gái nói.

Chuyên gia và người cùng cảnh ngộ bật mí cách giúp Gen Z tìm được công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp - 4

Ngoài việc kiên nhẫn đợi thông tin từ nhà tuyển dụng, bạn Tuấn Anh (SN 2001, quê Yên Bái) cho biết muốn tìm được công việc ưng ý cần phải chủ động, không nên "ngồi chờ" cơ hội tìm đến mình.

Sau khi rải hồ sơ xin việc, Tuấn Anh liền ứng tuyển vào một tập đoàn điện tử nhưng trượt ở vòng 2. Cậu biết rõ kết quả này do bản thân chưa thực sự xuất sắc. Sau đó, Tuấn Anh đăng ký đi học nâng cao các khóa học liên quan đến ngành nghề muốn theo đuổi. 

"Em tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử nhưng luôn ước trở thành nhân viên IT của một công ty công nghệ. Khi có bằng, em liền xin vào các công ty điện tử với hy vọng có một việc làm ổn định để bố mẹ an lòng. 

Em từng thi tuyển vào tập đoàn lớn và trượt ở vòng thứ 2. Họ đưa ra lý do em không đáp ứng yêu cầu công việc. Em rất buồn, tự trách bản thân suốt 5 năm học đại học không cố gắng", Tuấn Anh nói. 

Trong lúc chờ đợi các nhà tuyển dụng liên hệ lại, chàng trai quyết định đăng ký khóa học liên quan đến ngành học mơ ước từ nhỏ - IT.  Cậu đã dồn tâm sức để học hỏi, tiếp thu kiến thức liên quan đến ngành đó. "Em may mắn được một tiền bối trong ngành "cưu mang", nhận làm thực tập sinh. Anh ấy giống như sư phụ, có kinh nghiệm gì là chia sẻ để em hiểu. 

Sau thời gian ngắn, em đã có thể viết code một phần mềm. Lúc này em tự tin vô cùng, mạnh dạn nộp CV ứng tuyển vào các công ty công nghệ. Hiện tại em đang làm cho một công ty công nghệ nhỏ nhưng hài lòng với mức thu nhập trên 10.000.000 đồng/tháng", Tuấn Anh nói. 

Tuấn Anh chia sẻ: "Em biết có nhiều bạn trẻ chưa thể tìm được công việc ưng ý và rất sốt ruột. Theo em, các bạn đừng vội vàng kiếm tiền, hãy đi học thêm các khóa học kỹ năng, cải thiện trình độ, trau dồi kết thức. Sau đó, tìm nơi thực tập để tích lũy kinh nghiệm. Em tin chỉ cần một thời gian, các bạn sẽ được tuyển vào vị trí phù hợp với bản thân". 

Các chuyên gia khẳng định, người lao động Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Gen Z thừa sức chọn doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và các doanh nghiệp tại Việt Nam để “cống hiến”. Bởi tất cả đều đang áp dụng cơ chế linh hoạt với 3 nguồn lực lượng lao động chính: nhân sự cố định; nhân sự linh hoạt, có nghĩa làm việc bán thời gian, làm trực tuyến, làm việc tự do, thực tập sinh và thuê nhân sự bên ngoài. Đó là những vị trí không mới nhưng đảm bảo phù hợp với Gen Z.

Tốt nghiệp bằng giỏi, Gen Z vỡ mộng và hụt hẫng khi không xin được việc ưng ý
Không ít bạn trẻ ra trường, cầm CV đi tìm việc đã vỡ lẽ cuộc sống không phải màu hồng như tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Chuyện nghề Gen Z

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện nghề