Bị chính người bệnh rượt đuổi, đến nhà nhưng gia đình kiêng cữ không cho vào là những câu chuyện của bác sĩ cấp cứu 115 phải đối mặt ngày Tết.
“Tết của mọi nhà nhưng là ngày thường với chúng tôi”
16 năm tham gia công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Trần Anh Thắng - Phó giám đốc Trung tâm đã kinh qua nhiều công việc và vị trí. Tuy nhiên, điều mà suốt bao năm qua không hề thay đổi đó là chưa bao giờ bác sĩ Thắng có một cái tết trọn vẹn bên gia đình.
“16 năm qua, năm nào tôi cũng trực Tết. Nếu nhìn rộng ra những ngành nghề khác thì ai cũng nói là thiệt thòi, nhưng ngành y là vậy, đặc biệt với lực lượng cấp cứu 115 chúng tôi lại có những điểm rất đặc thù”, bác sĩ Thắng cho hay.
Bác sĩ Thắng chia sẻ, với bác sĩ cấp cứu 115, chẳng ai có một cái tết trọn vẹn bên gia đình.
Theo chia sẻ của vị bác sĩ này, ngày Tết với các bác sĩ, nhân viên cấp cứu 115 cũng giống như ngày thường, vẫn lịch trực 2/1 (tức là trực 2 ngày và được nghỉ 1 ngày). Đó là chưa kể có những lúc đồng nghiệp có việc gia đình bất khả kháng, hoặc không may ốm đau bất thường thì mọi người lại san sẻ nhau bằng cách trực hộ.
Về công việc trong những ngày Tết, với những ngành nghề khác có thể trực tết chỉ là có mặt để đề phòng bất trắc, nhưng với các bác sĩ 115 thì công việc lại nhiều hơn cả ngày thường. Đó là những ca cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc rượu hay những trường hợp vì không quản lý bệnh mãn tính tốt nên bị biến chứng phải nhập viện gấp.
“Đêm giao thừa, thậm chí rạng sáng ngày mùng 1, bất kể lúc nào khi nhận được cuộc gọi là chúng tôi lên đường, chẳng có sự kiêng nể nào cả”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Kể cả dịp Tết, mỗi khi có cuộc gọi đến là các bác sĩ lại lên đường.
Cuộc rượt đuổi trong đêm và sự kiêng kỵ chẳng muốn 115 vào nhà
Xa gia đình, người thân trong đêm giao thừa với các bác sĩ 115 đã là một thói quen và họ chấp nhận khi chọn làm nghề y. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm mới, có những câu chuyện lại khiến các bác sĩ chạnh lòng nhưng chẳng biết than trách cùng ai.
“Nói ra mọi người nghĩ chúng tôi bịa chuyện. Nhưng chúng tôi là người đi cấp cứu người khác, đến nơi lại phải nhờ người khác cứu mình là chuyện có thật”, bác sĩ Thắng tâm sự.
Theo bác sĩ Thắng, chuyện người bệnh rượt đuổi bác sĩ khi đến cấp cứu không hề hiếm gặp.
Đó là câu chuyện của hai nữ bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115, khi nhận được cuộc gọi trong đêm đến hỗ trợ một bệnh nhân tại Hà Nội. Tức tốc chuẩn bị đồ nghề lên đường, mong sao tiếp cận được người bệnh sớm nhất. Thế nhưng, khi đến nơi, hai bác sĩ lại bị người người bệnh dùng hung khí truy đuổi, nguy hiểm đến tính mạng.
Vừa chạy thoát thân, hai nữ bác sĩ vừa phải cầu cứu những nhà hàng xóm xung quanh ra cứu giúp mình. Đồng thời gọi về cầu cứu lãnh đạo trung tâm để xin chi viện từ phía lực lượng công an. “May mắn hôm đó cả hai bác sĩ không bị ảnh hưởng đến tính mạng”, bác sĩ Thắng nói.
Đó không phải là câu chuyện duy nhất, cách đây khoảng 1 năm về trước, vào đúng 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, hôm đó trực tiếp bác sĩ Thắng trực cấp cứu và đã gặp phải trường hợp dở khóc, dở cười.
Có bệnh nhân dù nặng nhưng do ngày Tết nên bác sĩ đến nhà phải chờ vì sợ đen cả năm.
“Một cụ ông khoảng 70 tuổi, mắc bệnh mãn tính đã lâu và bị biến chứng đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Gia đình biết sự nguy hiểm của căn bệnh nhưng do kiêng cữ nên không gọi cấp cứu 115 ngay. Ban đầu họ gọi đủ các loại xe dịch vụ, gọi cả người nhà đều không được, sau mới gọi 115 chúng tôi.
Đến nơi họ vẫn còn chần chừ chưa muốn cho xe cấp cứu vào, họ cho rằng ngày đầu năm gọi chúng tôi là đen đủi, sợ cả nhà mất lộc, hay ốm đau. Khi đó chúng tôi tủi thân, nhưng vẫn phải cười. May mắn cụ ông qua được cơn nguy kịch, chỉ cần cứu được người bệnh là chúng tôi vui rồi”, bác sĩ Thắng kể.
Làm việc tại 115 đều là những con người dũng cảm
Tại Trung tâm cấp cứu 115, bác sĩ Thắng cho rằng ai đang làm việc tại đây đều là những con người dũng cảm nhất. Bởi ngoài những thứ hàng ngày chứng kiến đó là thân thể người bệnh không lành lặn, là máu me, là những lời nói khó nghe…họ còn đánh đổi cả thời gian dành cho bản thân và gia đình, đôi khi là nguy hiểm đến tính mạng.
Dù có nhiều câu chuyện xảy ra, nhưng mỗi khi cứu được người bệnh là các bác sĩ 115 lại vui vẻ.
Bản thân vợ chồng bác sĩ Thắng là trường hợp cả hai đều là bác sĩ cấp cứu. Vợ anh trước cũng công tác cùng cơ quan, sau đó phải chuyển nơi làm việc. Lý do không phải vì ngại khó, ngại khổ mà là muốn dành thời gian chăm sóc cho gia đình.
“Bây giờ hai vợ chồng cùng làm việc với nhau. Nếu cơ quan ưu ái xếp lịch trực 2 ngày cùng nhau, 1 ngày nghỉ, thì 2 ngày đi làm ai sẽ chăm con. Còn nếu tráo lịch trực thì cả tháng có lẽ vợ chồng chỉ gặp nhau có 4-5 lần”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Hiện trung tâm cấp cứu 115 vẫn còn 4-5 cặp vợ chồng đang làm việc cùng nhau, bác sĩ Thắng cho rằng đó là những con người dũng cảm nhất, bởi không phải ai cũng có thể làm được chuyện hy sinh thời gian riêng của gia đình cho công việc chung.
Bác sĩ Thắng cho rằng, những người làm việc ở trung tâm 115 đã dũng cảm, thì gia đình có cả 2 vợ chồng cùng làm việc ở đây là cực kỳ dũng cảm.
Chẳng phải riêng chuyện gia đình, sự nguy hiểm trong công việc với người “lính” 115 cũng rình rập mọi lúc mọi nơi. Đó là nguy cơ phơi nhiễm các bệnh như HIV và bệnh lây truyền khác, hay đơn giản như việc tiếp cận với những đối tượng sốc thuốc, ngáo đá... họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng nhân viên y tế.
“Cách đây 10 năm, những đối tượng sốc thuốc còn nhiều, nhưng họ lại không gây nguy hiểm trực tiếp vì sốc thuốc là sẽ nằm yên. Còn giờ, ngáo đá, dùng ma túy tổng hợp nhất là vào dịp Tết tăng lên sẽ rất nguy hiểm, họ truy sát ngay cả những người đã cứu mình, điển hình như trường hợp hai bác sĩ mới kể ở trên”, bác sĩ Thắng cho hay.
Để có một năm mới hạnh phúc, an toàn, bác sĩ Thắng cho rằng mỗi người dân cần nâng cao ý thức bản thân, hạn chế rượu bia, chất kích thích, quản lý bệnh tốt… Đó là cách san sẻ tốt nhất đối với lực lượng cấp cứu 115 trong dịp đầu năm mới cũng như mọi ngày bình thường trong năm.