Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn

Hữu Huy - Ngày 04/06/2021 16:21 PM (GMT+7)

40 năm gắn bó nơi góc phố Sài Gòn, ông Dũng vẫn tỉ mẫn với từng nét chữ và đặt hết tâm huyết vào công việc.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 1

Người thợ khắc chữ thủ công cuối cùng ở Sài Gòn

Ngồi khép mình dưới chiếc ô ở một góc nhỏ trên đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM), ông Lê Tiến Dũng (tên gọi khác là Lê Văn Kính, sinh năm 1959, quê Hải Dương) đang tỉ mỉ khắc từng nét chữ lên quà lưu niệm cho những người khách đặt trước đó.

Kể về chuyện đời và cái duyên đưa đến công việc khắc chữ lên quà lưu niệm này, ông Dũng cho biết mình sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, những ngày còn bé ông đã có sở thích viết chữ đẹp và tập luyện chữ. “Ngày đó khi vừa biết mặt chữ, tôi đã nhìn những mẫu chữ đẹp trong sách báo rồi bị cuốn hút. Tôi có cảm giác bị lôi cuốn bởi những nét chữ ấy. Vậy là lúc chăn trâu rảnh rỗi, tôi lại tập viết lên trên đất. Nó như một niềm đam mê vậy”, ông Dũng kể.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 2

Ông Dũng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề khắc chữ lưu niệm. Mỗi ngày ông đều bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 17 giờ chiều.

Lớn lên, bằng sự quyết tâm và sự nỗ lực, chàng trai Lê Tiến Dũng năm đó đã thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Hội khi vừa 18 tuổi. Cái duyên với nghề khắc chữ cũng đến từ những năm ông còn là sinh viên.

Ông Dũng nhớ lại: “Có một ngày tôi đi qua phố Hàng Gai ở Hà Nội, nơi đây có nhiều người khắc chữ trên đồ lưu niệm. Tôi đứng nhìn họ làm việc mà say sưa đến bất động”.

Như chạm đúng đam mê, chàng sinh viên kiến trúc đứng như bất động, say mê ngắm nhìn một ông lão nhẹ nhàng đưa bàn tay khéo léo tạo nên những nét chữ thanh thoát trên một cây bút. Rồi ông Dũng ngỏ ý xin được xin học nghề.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 3

Mức giá khắc trung bình là từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng. Ngoài ra, còn tùy vào mức độ giá trị của đồ vật, chất liệu khắc, số lượng chữ...

“Tôi xin thầy dạy cho kỹ thuật khắc chữ lên cây bút, thầy đã vui vẻ chấp nhận. Chắc có chút năng khiếu nên sau khi được dạy và nắm thao tác cơ bản, tôi cầm dụng cụ lên và khắc chữ lên một cây bút mà mình mang theo. Những nét chữ đầu tiên ấy tuy hơi thô cứng nhưng lại được thầy khen ngợi. Tôi rất vui nhưng lúc ấy tôi nghĩ rằng chỉ học cho vui, chứ không nghĩ sẽ theo nghề khắc chữ lưu niệm của thầy”, ông Dũng tâm sự.

Khi học đến năm thứ hai, chàng trai Lê Tiến Dũng đã lên đường nhập ngũ để vào Nam chiến đấu. Khi hòa bình lập lại, ông xuất ngũ và quyết định gắn bó với thành phố mang tên Bác.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 4

Ngoài khắc chữ, ông Dũng còn nhận điêu khắc các món quà lưu niệm. 

“Một lần tôi đi dạo, chợt thấy có một người đang khắc chữ lưu niệm, tôi đứng xem người ta làm việc và thấy nét chữ không thật sự hoàn mỹ nhưng lại rất đắt khách. Thời điểm đó, tôi chưa có việc làm ổn định nên quyết định sẽ thử vận may với nghề này. Tôi quyết định sắm đồ nghề rồi ra góc nhà sách trên đường Lê Lợi ngồi. Và cái nghiệp khắc chữ theo tôi đến nay đã hơn 40 năm”, ông Dũng tâm sự.

Theo thời gian, nghề khắc chữ thủ công lên quà lưu niệm ở TP.HCM cũng dần ít người làm. Đến nay, ông Lê Tiến Dũng được biết đến như là người thợ khắc chữ thủ công cuối cùng ở Sài Gòn.

"Nét chữ - nét người, tôi luôn khắc bằng cái tâm của mình"

Theo chia sẻ của ông Dũng, đồ nghề của thợ khắc chữ ngày xưa rất thô sơ. Họ phải lấy mũi khoan mài nhọn rồi dùng sức tì mạnh mới khắc được chữ.

“Ngày xưa, để khắc chữ lên một tác phẩm mất khá nhiều thời gian. Làm một thời gian là tay chai sần hết vì phải dùng lực khá mạnh. Về sau, tôi tự mày mò và nghiên cứu cho mình những chiếc máy khoan riêng bằng ống nhựa và mũi kim nha khoa, các motor thì chạy bằng bình ắc quy nên việc khắc chữ trở nên nhẹ nhàng và thời gian cũng được rút ngắn hơn”, ông Dũng cho hay.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 5

Nhờ những chiếc máy khoan bằng ống nhựa và mũi kim nha khoa nên việc khắc chữ trở của ông Dũng trở nên nhẹ nhàng và thời gian cũng được rút ngắn hơn.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 6

Một người khách tìm đến ông Dũng nhờ khắc lên món quà tặng sinh nhật.

Những khách hàng thường tìm đến ông để khắc tên, khắc chữ lưu niệm trên các món quà, cây bút để gửi tặng đến người quan trọng. Do đó, ông Dũng cho biết khi nhận bất cứ đồ vật nào của khách, ông đều tâm niệm đó là món quà quan trọng, mình phải làm cẩn thận, ông quan sát món đồ vật kỹ lưỡng, hỏi về mục đích biếu, tặng rồi xem xét vật liệu, màu sắc tổng thể cũng như bố cục để tìm ra cách khắc phù hợp nhất với giá trị và ý nghĩa của món quà.

Nhìn những nét chữ ông Dũng khắc lên từng món đồ lưu niệm, người ta rất dễ cảm nhận một sự thanh thoát nhẹ nhàng cũng không kém phần tỉ mỉ, chu toàn. Đó có thể như một phần tính cách của ông, luôn điềm tĩnh, nhẹ nhàng, từ tốn và chậm rãi. Người ta hay nói “nét chữ - nét người” đối với trường hợp của ông Dũng thật sự không sai.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 7

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 3

Từng nét chữ hiện lên dưới bàn tay tỉ mỉ của ông Dũng.

Không chỉ nhận khắc chữ thuê lên quà lưu niệm ở gốc phố Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Dũng còn thường xuyên được mời khắc quà lưu niệm cho các sự kiện và tổ chức ở khắp Sài Gòn. Tiếng lành đồn xa, nét chữ của ông từng xuất hiện trên nhiều đồ lưu niệm dành cho những người nổi tiếng.

“Có lần, Ủy ban Nhân dân Thành phố liên hệ nhờ tôi khắc chữ lên cây bút tặng cho các lãnh đạo nước ngoài đến thăm thành phố. Vậy là nét chữ của tôi cũng được xuất ngoại”, ông Dũng chia sẻ.

Chuyện về người thợ hơn 40 năm khắc chữ thủ công nơi góc phố Sài Gòn - 9

"Tôi luôn khắc bằng cái tâm của mình, bởi lẽ từng nét chữ, hoa văn cần sự chỉn chu. Vì nó làm tôn thêm vẻ đẹp của món quà lưu niệm, thể hiện tấm lòng người tặng", ông Dũng chia sẻ.

Có một Trạm cơm 0 đồng chan chứa nghĩa tình ở Sài Gòn làm ai cũng thấy ấm lòng
Sau một thời gian hoạt động, "Trạm cơm 0 đồng" ở phía trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) đã mang đến nhiều bữa ăn chất lượng,...
Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn