Những ngày giãn cách XH: Lo nhiễm COVID-19 không ai chăm con, 2h sáng vẫn lọ mọ đặt đồ ăn

KHAI TÂM - Ngày 21/08/2021 06:30 AM (GMT+7)

Khi đã quen với guồng quay của “cuộc sống mới”, người phụ nữ 28 tuổi tiếp tục lo lắng khi xung quanh có nhiều ca nhiễm bệnh.

Dịch COVID-19 đợt 4 lan rộng do biến chủng Delta khiến nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Và những ngày “ai ở đâu, ở yên đó” không chỉ làm nhiều người mất việc làm, giảm sút thu nhập… mà còn tác động mạnh vào tâm lý người dân với bao nỗi lo chồng chất.

Những ngày giãn cách XH: Lo nhiễm COVID-19 không ai chăm con, 2h sáng vẫn lọ mọ đặt đồ ăn - 1

Gần một tháng Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng là quãng thời gian chị Hồng Bùi (28 tuổi, Đông Anh) được làm việc online. Chị kể mới quay trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản được vài hôm thì thành phố giãn cách. Công ty thông báo cho toàn bộ nhân viên làm việc ở nhà. Ban đầu chị nghĩ bản thân “số hưởng” vì có thêm thời gian ở cạnh con! Thậm chí khi mẹ chồng đề nghị đưa cháu về quê tránh dịch, chị không đồng ý. Chị bảo mẹ về trước, cứ để hai vợ chồng chị thay nhau chăm sóc bé. Nào ngờ, giờ chị thấy đó là quyết định sai lầm.

“Mẹ chồng về quê, tôi vừa làm việc vừa trông con, dọn nhà, lo cơm nước… Tôi không biết phải sắp xếp thời gian biểu như thế nào để chu toàn mọi thứ. May mắn tôi có sếp thông cảm cảnh “con mọn” nên tạo điều kiện như không phải tham gia họp online mỗi sáng, báo cáo gửi vào đêm muộn, KPI giảm 30%... Hôm nào ông xã nghỉ làm trông con, tôi tranh thủ đi siêu thị mua thực phẩm cả tuần rồi về chế biến sẵn để tủ lạnh”, chị Hồng tâm sự.

Hà Nội giãn cách xã hội cũng là lúc nhiều dân văn phòng được làm việc online tại nhà.

Hà Nội giãn cách xã hội cũng là lúc nhiều dân văn phòng được làm việc online tại nhà.

Khi đã quen với guồng quay của “cuộc sống mới”, người phụ nữ 28 tuổi tiếp tục lo lắng khi xung quanh có nhiều ca nhiễm. Chị bảo hiện gần khu chị sinh sống đã phát hiện vài ca F0, loa đài liên tục thông báo người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết nhằm phòng chống dịch. Song do tính chất công việc, chồng chị mỗi tuần vẫn phải đến cơ quan làm việc 3 ngày. Vì thế, chị rất sợ nếu chẳng may hai vợ chồng mắc COVID-19 thì ai chăm sóc con.

“Giờ thành phố test diện rộng phát hiện nhiều ca bệnh, khu tôi sống cũng có ca thành ra tâm lý bị ảnh hưởng nhiều. Đêm nào tôi cũng nghĩ đến cảnh nếu hai vợ chồng không may nhiễm COVID-19 thì ai chăm con. Tôi cũng tâm sự với chồng về điều đó bởi với chủng Delta không thể nói trước điều gì. Anh liền gạt đi, kêu không có chuyện đó nếu thực hiện đúng lệnh giãn cách và 5K", chị Hồng chia sẻ.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Đông Anh.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Đông Anh.

Cùng tâm trạng với chị Hồng, chị Thùy Linh (30 tuổi, Hà Đông) luôn canh cánh nỗi lo nếu người thân không may mắc bệnh thì phải làm sao. Chị nói: “Nhà tôi có 4 người: mẹ, hai vợ chồng và con trai 3 tuổi. Hiện tôi là người duy nhất trong nhà đã tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 theo diện của công ty.

Tôi rất sợ chẳng may mẹ, chồng hoặc con trai nhiễm thì sẽ thế nào? Bởi chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm rất nhiều. Vì thế, từ ngày Thủ đô giãn cách, tôi tuân thủ đúng Chỉ thị 16, hạn chế ra khỏi nhà, khẩu trang, khử khuẩn nhà cửa thường xuyên,...".

Mặc dù luôn thường trực nỗi lo nhưng cả chị Hồng và chị Linh đều khẳng định bản thân sẽ cố gắng cân bằng cảm xúc, tâm lý và thích nghi với việc thành phố tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần. "Tôi nghĩ bản thân lo lắng những chuyện đó không phải thừa nhưng không thể để chúng đeo bám mãi. Vì thế tôi quyết định đối diện với thực tế, dành thời gian chăm sóc sức khỏe của cả gia đình một cách tốt nhất, chăm chỉ tập yoga để thư giãn đầu óc", chị Linh chia sẻ.

Những ngày giãn cách XH: Lo nhiễm COVID-19 không ai chăm con, 2h sáng vẫn lọ mọ đặt đồ ăn - 4

Anh Hoàng Anh (quận 7, TP.HCM) tâm sự: “Nếu người Hà Nội lo lắng về tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình thì dân trong này lại quen với việc đó rồi! Chúng tôi không còn lo sợ bản thân mắc bệnh, luôn sẵn sàng tinh thần mình trở thành F0 bất cứ lúc nào.

Thay vì sợ hãi, tôi cố gắng chăm sóc bản thân một cách tốt nhất: ăn uống đủ chất, tập thể dục, hạn chế tiếp xúc với người lạ… Nhưng tôi lại gặp một “khó khăn” trong những ngày Sài Gòn giãn cách – đó là không thể đặt được thực phẩm online”.

Để nhận được một đơn hàng gồm: súp lơ, thơm (dứa), hành ngò, trái cây… người đàn ông 35 tuổi phải kiên trì và...nỗ lực một chút mới có thể “thành công”. Anh bảo hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là đùa vui nhưng thực sự ở khu anh sống đặt hàng online rất khó khăn. Ban đầu, anh thường xuyên đặt thực phẩm thông qua kênh online của siêu thị gần nhà và chờ đợi 2-3 ngày mới được xử lý đơn. Và khi nhận hàng, rau quả anh mua không còn tươi ngon nữa.

Để nhận được một đơn hàng gồm: súp lơ, dứa, hành ngò, trái cây… người đàn ông 35 tuổi phải kiên trì và nỗ lực… một chút mới có thể “thành công”.

Để nhận được một đơn hàng gồm: súp lơ, dứa, hành ngò, trái cây… người đàn ông 35 tuổi phải kiên trì và nỗ lực… một chút mới có thể “thành công”.

Sau những lần mua hàng như vậy, anh Hoàng Anh quyết định lên “chợ mạng” tìm người bán rau quả, trứng thịt… để mua với hi vọng nhanh được “chốt đơn”. Ngờ đâu có bữa anh phải thức đến 2-3 giờ sáng mới được người bán phản hồi và đồng ý. “Xong xuôi, tôi hí hửng nghĩ tới ngày mai shipper sẽ giao hàng tới vì họ chỉ cách nhà tôi vài con hẻm. Cuối cùng 2 ngày sau, tôi vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào cả. Tôi mạnh dạn nhắn tin hỏi người bán thì nhận được lời xin lỗi: “Khu em ông tổ trưởng mới được đưa vào bệnh viện dã chiến nên phong tỏa rồi. Em không thể giao hàng. Hơn nữa nhiều người nhắn tin nên bị trôi, em không nhớ ra anh để báo. Anh thông cảm giúp”.

Hoặc có những đơn tôi đặt mua 5-6 thứ nhưng chỉ nhận được 2-3 món đồ. Đến khi tôi thắc mắc thì người bán trả lời không có hàng, sẽ tạm nghỉ một thời gian chờ dịch ổn lại mới bán. Họ cũng không nói sẽ hoàn trả lại tôi tiền thừa hay bù thứ khác? Thực sự tôi thấy có rất nhiều chuyện hài hước khi mua thực phẩm online mùa dịch”, anh Hoàng Anh cho biết.

Cũng theo anh Hoàng Anh, sắp tới Sài Gòn có lực lượng quân đội hỗ trợ trong vấn đề lương thực thực phẩm nên anh an tâm hơn phần nào. “Tôi nghe nói trong 14 ngày tới, người dân có nhu cầu mua gì thì nhờ bộ đội đi chợ thay. Vì thế tôi cũng an tâm và không sợ bị thiếu cái ăn nữa”, anh chia sẻ.

Sau bảy bảy bốn chín lần thúc giục người bán, anh Hoàng Anh mới mua được 1kg nhãn bắp cải.

Sau bảy bảy bốn chín lần "thúc giục" người bán, anh Hoàng Anh mới mua được 1kg nhãn bắp cải.

Chị Phan Châu (27 tuổi, quận Tân Bình) cho hay, sau khi TP.HCM ra thông báo "ai ở đâu, ở yên đó", chị đã thu xếp công việc ra siêu thị gần nhà để mua một số thực phẩm thiết yếu như rau quả, mì, trứng, sữa, chả lụa, cá hộp... Tuy nhiên, vì hàng hóa hết nhanh chóng, cộng với danh sách cần mua một lúc nhiều thứ, chị lại quên mất thứ quan trọng nhất, đó là sữa cho cậu con trai mới 5 tháng tuổi nên phải quay lại mua bổ sung.

"Hay tin thành phố ra thông báo "ai ở đâu, ở yên đó", tôi quyết định đi siêu thị mua đồ ăn cho cả gia đình trong tuần tới. Còn tuần tiếp theo, tôi sẽ thu xếp để không phải ra đường. Tôi hi vọng trong 2 tuần này, Sài Gòn giảm được số ca nhiễm, sớm quay lại cuộc sống bình thường", chị Châu tâm sự.

Những ngày giãn cách XH: Lo nhiễm COVID-19 không ai chăm con, 2h sáng vẫn lọ mọ đặt đồ ăn - 7

Chị Ngọc Hà (quận 9, TP.HCM) lại cho rằng, khó khăn lớn nhất trong mùa dịch này đối với chị chính là vấn đề… thắt chặt chi tiêu. Chị cho biết, vợ chồng chị đã làm việc online tại nhà 4 tháng trời. Trong hai tháng đầu, công ty vẫn trả lương 100%, nhưng sau đó nhân viên phải san sẻ khó khăn cùng công ty nên giảm 50%. Do đó chị phải đau đầu cân đối lại sinh hoạt phí.

“Vợ chồng tôi có 2 con trai: thằng lớn đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa út gần một tuổi. Bởi thế gia đình có nhiều khoản bắt buộc phải chi tiền như bỉm, sữa,… Từ ngày lương giảm, tôi phải cân đối sao cho phù hợp với túi tiền của hai vợ chồng. Hơn nữa, đồ ăn trên mạng đắt hơn nhiều so với ở chợ nên mua cái gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng”, bà mẹ 2 con nói.

Nhắc đến chuyện TP.HCM thực hiện quy định "ai ở đâu ở yên đó" bắt đầu từ ngày 23/8, chị Hà tâm sự: "Mấy tháng nay chúng tôi đều "ai ở đâu ở yên đó" và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Bởi thế quy định này không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Song tôi phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu hơn nữa bởi tháng 9 con trai vào năm học mới sẽ có nhiều khoản tiền cần đến. Tôi nghĩ chất lượng cuộc sống của gia đình tôi có "đi xuống" so với trước nhưng chúng tôi chấp nhận ăn ít, ăn thứ không ngon để phòng chống dịch".

Nhận túi đồ của shipper giao giữa mùa dịch COVID-19, cô gái Sài Gòn xúc động không nói lên lời
"Chừng vài phút sau, anh kêu mình ra lấy chuối, không quên câu em ăn đỡ, nó chín nên có mấy trái bị rụng. Mình rất bất ngờ luôn vì anh đã không màng...

Chuyện Sài Gòn

KHAI TÂM
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h