Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi ép học sinh uống nước giẻ lau bảng của nữ giáo viên có thể bị truy cứu hình sự về tội “Làm nhục người khác” với mức án từ 1-3 năm tù.
Sự việc em Phạm Phương A. (9 tuổi) bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Minh Hương (Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng ) ép uống nước giẻ lau bảng khiến dư luận lên án gay gắt.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng cho biết sẽ xử lý dứt điểm sự việc để không có trường hợp tương tự xảy ra. “Giáo viên mắc sai phạm đến đâu thì kỷ luật đến đó. Sở sẽ xử lý nghiêm minh, công khai và không nương nhẹ để rút kinh nghiệm cho ngành, người lao động”, ông Trường nhấn mạnh.
Trước đó, bà Trần Thị Ngọc Bảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Đồng đã yêu cầu cô giáo Hương đến gặp gia đình em Phương A. để xin lỗi. Đồng thời, nhà trường đã kỷ luật cảnh cáo, quyết định tạm ngừng công tác 3 năm đối với cô giáo Hương.
Em Phạm Phương A. bị cô giáo chủ nhiệm ép uống nước rẻ lau bảng
Theo một số luật sư, hành vi ép học sinh uống nước “vắt ra từ giẻ lau bảng” của cô giáo này có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình cho rằng hành vi của nữ giáo viên rất khó chấp nhận cả về mặt đạo đức lẫn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hành vi ép học sinh uống nước giẻ lau còn có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể có thể cấu thành tội “Làm nhục người khác” với mức án từ 1-3 năm tù ( khoản 1 điều 155 BLHS 2015) vì bắt em Phương A. phải uống nước bẩn trước nhiều học sinh khác.
“Việc có khởi tố cô giáo hay không cần xem xét đến hậu quả, tính chất hành vi và sự nguy hiểm cho xã hội. Tức là cháu bé có bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe bởi việc bị bắt uống nước bẩn hay không.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình
Tuy nhiên, cô giáo đã bị buộc thôi việc, biết nhận lỗi và xin lỗi gia đình học sinh. Hơn nữa, cháu bé đã đến trường bình thường, vì vậy theo tôi chưa tới mức xử lý về mặt hình sự. Thay vào đó, vị này nên bị xử lý về mặt hành chính là phù hợp”, luật sư Hùng cho hay.
Cũng theo Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, nếu cô giáo ép học sinh uống, súc miệng bằng nước giẻ lau bảng diễn ra trong thời gian dài thì có thể truy cứu về tội “Hành hạ người khác” (điều 140 BLHS 2015). Còn đây là lần đầu tiên thì chưa đến mức xử lý hình sự. Nhưng hành vi trên là một dạng hành hạ trẻ em, vi phạm điều 6, Luật trẻ em 2016.
“Hành vi của cô giáo có ảnh hưởng rất xấu đối với uy tín của nghề giáo. Dù với bất cứ lý do thiếu hiểu biết hay nóng nảy cũng không thể chấp nhận được việc ép học sinh uống nước giẻ lau bảng. Đây là bài học dành cho các thầy cô khi phạt học sinh, tránh trường hợp hình phạt quá mức cần thiết dẫn dến vi phạm pháp luật”, luật sư Liên nói.
Điều 140. Tội hành hạ người khác 1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên c) Đối với 02 người trở lên. Điều 155. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên. b) Đối với 02 người trở lên. c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. d) Đối với người đang thi hành công vụ. đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội. g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên. b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |