"Con viết chữ xấu" là lời nhận xét của cô nhưng ngay sau khi nhận tin nhắn, phụ huynh liền có phản ứng khó ngờ.
"Tại sao lớp 1 cô giáo phải rèn chữ viết cho học sinh?", "Có cần thiết không khi học sinh lớp 1 luôn phải "vở sạch, chữ đẹp", "Chữ đẹp hay xấu có quyết định tính cách con người" hay "Sau này dùng máy tính rồi thì cần gì phải luyện viết chữ"... đó là những câu hỏi nhiều bậc phụ huynh đặt ra khi giáo viên luôn yêu cầu học sinh phải viết chữ đẹp, nắn nót, cẩn thận, đúng ô, đúng khoảng cách, độ cao.
Mới đây, một bức ảnh chia sẻ đoạn hội thoại giữa cô giáo và phụ huynh đang gây "bão" mạng xã hội. Trong tin nhắn, giáo viên nhận xét em học sinh học Toán thì ổn nhưng tiếng Việt hơi kém, chữ viết còn gãy, không được đều nét. Đồng thời cô giáo cũng nhắn nhủ phụ huynh ở nhà cố gắng tập viết thêm cho con.
Thế nhưng thay vì nhắn tin "Vâng, gia đình sẽ chú ý rèn con" như bao phụ huynh khác thì người này lại trả lời vô cùng thẳng thắn: "Toán ổn là được rồi. Sau này dùng điện thoại với máy tính chủ yếu là gõ nên không cần lo chữ xấu. Cảm ơn cô giáo nhé".
Quan điểm của phụ huynh khiến mọi người chia thành 2 luồng ý kiến. Nhiều người cho rằng, viết đẹp là tốt nhưng không nên xem chữ viết là "nét chữ, nết người" để đánh giá ai đó. Đặc biệt, việc viết chữ đẹp vô tình tạo áp lực cho học sinh vì không phải em nào cũng viết đẹp được và làm thui chột sự sáng tạo của các em.
Đoạn tin nhắn gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: CMH
Tuy nhiên, đa số phụ huynh bày tỏ người mẹ này không tinh tế, trả lời thẳng thừng quá gây phản cảm. Đặc biệt, quan điểm sau này dùng điện thoại với máy tính để không cần viết chữ đẹp là "không thể chấp nhận". Dù không viết đẹp nhưng học sinh này viết chữ gãy, không đều nét thì nên sửa lại cho đúng, đây là yêu cầu hoàn toàn bình thường của giáo viên.
Ngoài ra, học sinh lớp 1 rất cần được rèn giũa tính cẩn thận, chỉn chu, sạch đẹp ngay từ lớp 1 chứ không nên buông lỏng con thích viết gì thì viết. Viết chữ rõ ràng, dễ đọc dễ hiểu là lợi thế về điểm số khi học những lớp cao hơn.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, anh Lê Xuân Đức, ông bố nổi tiếng mạng xã hội với cái tên Bố con Sâu, chia sẻ: "Bé Sâu nhà mình năm nay học lớp 1. Trước đó con có học tiền tiểu học vài tháng nhưng chữ hiện tại vẫn xấu lắm. Thế nhưng bố mẹ lúc nào cũng động viên con là đẹp hơn ngày hôm qua rồi".
Chữ viết của bé Sâu, con trai anh Đức. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về quan điểm "nét chữ có phải nết người không?", anh Đức cho hay: "Mình đồng ý với những phụ huynh không muốn con rèn chữ một phần vì có thể giảm bớt áp lực cho con. Nhưng việc rèn chữ vẫn cần thiết cho các bé, là một cách rèn luyện sự tập trung, sự khéo léo của tay, tính cẩn thận và trách nhiệm.
Đương nhiên là chúng ta không yêu cầu con phải viết đẹp để đi thi chữ đẹp, chỉ cần con viết đúng viết đủ, rõ ràng dễ đọc là được rồi. Có rất nhiều cách để rèn tính cách cho con, nhưng ở độ tuổi lớp 1-2-3 thì mình nghĩ việc rèn chữ là cách mang lại hiệu quả rất tốt. Tính cách cần được rèn luyện từ những điều nhỏ nhặt chứ từ bé mà cứ qua loa thì lớn lên sẽ... mệt lắm".
Chia sẻ thêm về việc rèn chữ cho con, cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ, Hà Nội cho hay: "Chữ viết và kiến thức cần có sự rèn luyện thường xuyên thì các con mới ghi nhớ tốt được".
Có một số cách luyện cho con viết chữ đẹp như sau:
Chú ý tư thế ngồi viết và cầm bút 2.
Cho con luyện viết thơ từng dòng, không viết 1 lúc cả bài.
Trước khi viết, hỏi con về độ cao các con chữ trong câu con sẽ viết. Ví dụ: Những chữ nào cao 1 li, những chữ nào cao 1,5 li, chữ nào cao 2,5 li...
Để con luyện viết trong tâm trạng thoải mái, xung quanh không có tiếng ồn, có thể bật thêm nhạc không lời nhẹ nhàng để con vừa nghe vừa viết được tập trung hơn. Bố mẹ hướng dẫn con 1 dòng dầu tiên.
Dòng tiếp theo bố mẹ để con tự viết, sau đó dùng bút đỏ để chỉ ra các lỗi sai về độ cao con chữ, khoảng cách các chữ để con sửa (có thể cho con tự tìm và chỉ ra chỗ mình viết chưa đúng, con sẽ ghi nhớ kỹ hơn và không mắc lỗi sai lặp lại).