Que thử dùng để kiểm tra nhanh hóa chất cấm trong thực phẩm rất tiện dụng. Bởi chỉ cần một giọt dung dịch mẫu nhỏ vào que là có thể biết được ngay kết quả mà không cần phải mang mẫu đến phòng thí nghiệm.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng ngày một tràn lan như hiện nay, không ít người cảm thấy hoang mang và lo lắng cho chính sức khỏe của gia đình mình. "Ăn gì cho an toàn?", "phân biệt thực phẩm sạch bẩn ra sao?", "thực phẩm có hóa chất trông sẽ như thế nào"...là những câu hỏi chung mà mọi người thường nghĩ tới khi lựa chọn thực phẩm cho cả nhà. Để giúp người tiêu dùng có thêm nhiều thông tin cần thiết về vấn đề an toàn thực phẩm, PV tạp chí Khám Phá sẽ tiến hành loạt bài dài kỳ: "Một ngày đi chợ: Ma trận niềm tin". Hy vọng, với những thông tin chia sẻ này, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn sáng suốt hơn khi quyết định bữa ăn của gia đình mình. >> Một ngày đi chợ: Ma trận niềm tin >> Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh |
Ma trận thực phẩm bẩn hiện nay đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mỗi ngày khiến họ không khỏi hoang mang và lo lắng. Trước vấn đề đó, người tiêu dùng luôn muốn biết có cách thức nào để kiểm tra nhanh và chính xác mức độ ô nhiễm hóa chất độc hại trong các loại thực phẩm mà họ mua hàng ngày hay không.
Hiện tại, que thử nhanh độc tố để kiểm tra thực phẩm bẩn dường như trở thành vật dụng quen thuộc và hữu ích đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm này có thực sự giúp chúng ta phát hiện hóa chất độc hại trong thực phẩm hay không, PV tạp chí Khám Phá đã có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Hàn Giang, Trưởng phòng nghiên cứu và triển khai - Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (CASE) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM để có câu trả lời đến người tiêu dùng.
Xin chào ông Giang, ông có thể cho biết có cách nào giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân về việc tự kiểm chứng độ an toàn của thực phẩm hiện nay hay không?
Hiện nay ở thị trường Việt Nam đã có que thử nhanh phát triển dựa trên phương pháp phản ứng miễn dịch liên kết Enzym (ELISA) và các loại giấy có tẩm thuốc thử được nghiên cứu trong nước để kiểm tra nhanh các mẫu ở dạng lỏng của một số hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Ma trận thực phẩm bẩn hiện nay đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mỗi ngày khiến họ không khỏi hoang mang và lo lắng (Ảnh minh họa)
Đối với que thử nhanh chỉ có thể kiểm nhanh trên nước tiểu, còn mẫu thực phẩm phải nghiên cứu thêm như việc chuẩn bị mẫu và đặc hiệu của que thử đối với nền mẫu này.
Việc làm que thử nhanh để kiểm tra độc tố có trong thực phẩm có khả thi hay không thưa ông?
Có khả thi. Que thử dùng để kiểm tra nhanh hóa chất cấm trong thực phẩm rất tiện dụng. Bởi chỉ cần một giọt dung dịch mẫu nhỏ vào que là có thể biết được ngay kết quả mà không cần phải mang mẫu đến phòng thí nghiệm.
Với rất nhiều chủng loại thực phẩm khác nhau (rau, củ, quả, thịt, hải sản…) với đặc tính nuôi, trồng khác nhau trong các môi trường khác nhau, liệu có thể tạo ra 1 loại que thử dùng chung cho tất cả được hay không?
Đối với que thử dựa trên phương pháp ELISA hay ở dạng giấy thử hiện nay chỉ có thể kiểm tra mẫu ở dạng lỏng của một loại hay một nhóm cùng loại chất cấm. Cần có nghiên cứu thêm về việc chuẩn bị mẫu và đặc hiệu của que thử trên nền mẫu thực phẩm sao cho tiện dụng với người dùng.
Nếu có thể làm được que thử nhanh độc tố, vậy cần được hỗ trợ những điều kiện gì?
Hiện nay, để sản xuất được que thử nhanh cần đầu tư tổng hợp về lĩnh vực hóa sinh bao gồm kỹ thuật tổng hợp hóa học, kỹ thuật về tổng hợp kháng nguyên và kháng thể, cộng hợp enzyme, công nghệ phun, phủ kháng thể,... và các trang thiết bị cần thiết để sản xuất.
Hoàn toàn có thể triển khai sản xuất kit và que thử nhanh bằng kỹ thuật Elisa ở Việt Nam nếu có sự đầu tư về con người và trang thiết bị. Bên cạnh đó, với phòng thí nghiệm này chúng ta còn có thể nghiên cứu, phát triển que thử dựa trên phương pháp khác chẳng hạn dựa vào chỉ thị sinh học để phát hiện nhanh hóa chất và vi khuẩn gây độc đối với thực phẩm.
Tính khả thi của máy kiểm tra độ an toàn đặt ở các chợ, siêu thị như thế nào thưa ông?
Hiện nay hầu như chưa có máy móc nào kiểm tra nhanh độ an toàn của thực phẩm mà không phải xử lý mẫu. Mẫu thực phẩm cần phải được xử lý trước khi đem đo đòi hỏi cần nhiều trang thiết bị hỗ trợ và người phân tích phải có kỹ thuật nhất định.
Về công nghệ truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam, thông tin mà người tiêu dùng truy xuất được về sản phẩm, liệu có đáng tin hay không?
Thông tin tin cậy truy xuất về nguồn gốc sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như sản phẩm đó có được phân phối từ nhà cung cấp có uy tín?, sản phẩm đó được phân tích ở đâu?, nơi phân tích có uy tín và đáp ứng các yêu cầu của phòng thí nghiệm?, chính sách và quy định của chính phủ về truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và thanh kiểm tra phòng thí nghiệm?...
Hiện tại, người tiêu dùng đã có thể truy xuất được nguồn gốc của một số sản phẩm như sữa, vậy chúng ta có thể làm chi tiết đến từng sản phẩm nhỏ như cọng hành, nhánh rau thơm hay không thưa ông?
Hoàn toàn có thể được nếu có đầy đủ chính sách, thể chế quy định và pháp chế để thực thi.
Xin chân thành cảm ơn ông!