Chính các tiểu thương tại chợ hóa chất Kim Biên (Quận 5, TP. HCM) cũng thừa nhận rằng hiện nay mọi người tiêu dùng "mua hóa chất dễ như mua mớ rau" vậy.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng ngày một tràn lan như hiện nay, không ít người cảm thấy hoang mang và lo lắng cho chính sức khỏe của gia đình mình. "Ăn gì cho an toàn?", "phân biệt thực phẩm sạch bẩn ra sao?", "thực phẩm có hóa chất trông sẽ như thế nào"...là những câu hỏi chung mà mọi người thường nghĩ tới khi lựa chọn thực phẩm cho cả nhà. Để giúp người tiêu dùng có thêm nhiều thông tin cần thiết về vấn đề an toàn thực phẩm, PV tạp chí Khám Phá sẽ tiến hành loạt bài dài kỳ: "Một ngày đi chợ: Ma trận niềm tin". Hy vọng, với những thông tin chia sẻ này, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn sáng suốt hơn khi quyết định bữa ăn của gia đình mình. >> Một ngày đi chợ: Ma trận niềm tin >> Kỳ 2: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của người kinh doanh |
Phóng viên (PV) đã tìm đến chợ hóa chất Kim Biên nơi được ví là chợ “thần chết”, chợ “tử thần” nằm giữa lòng TP. HCM.
Ngay từ ngoài chợ, từng tốp xe thồ chở nhiều can hóa chất đủ màu sắc chạy vào thì trong nháy mắt, tốp khác 3-4 chiếc cũng chạy ra đi giao hàng. Việc mua bán hóa chất diễn ra tấp nập, công khai như mua mớ rau mà không có sự kiểm tra của đơn vị chức năng về số lượng những loại hóa chất được phép buôn bán.
Theo tìm hiểu của PV, tại chợ Kim Biên có hơn 100 cửa hàng bán hóa chất, gồm hóa chất công nghiệp, hóa chất bảo quản, chế biến thực phẩm và loại hóa chất “đặc biệt” độc hại cấm sản xuất, mua bán cũng được bày công khai.
Riêng các cửa hàng bán hóa chất, chất phụ gia bảo quản, chế biến thực phẩm thì có khoảng 10 cửa hàng viết trên bảng vài chữ cho khách dễ nhận biết. Ngoài ra, không ai biết được những cửa hàng còn lại có bán “âm thầm” cho người dùng hay không.
Trong 1 giờ đồng hồ, PV tiếp cận 5 cửa hàng buôn bán hóa chất để hỏi chuyện thì chỉ nhận được cái lắc đầu, trợn mắt nổi nóng xua đuổi đi. Có cửa hàng còn bảo “đám đàn em” hăm dọa rằng nếu không muốn bị đánh thì đi chỗ khác, không được đi lại, xem xét và chụp ảnh đăng báo.
Nhiều can đựng hóa chất đủ màu sắc bày bán công khai không nhãn mác, việc mua bán cũng dễ dàng, không cần giấy tờ
Sau nhiều lần PV tiếp cận, giải thích rõ mục đích của mình, anh V.T. (đề nghị viết tắt tên – PV) đã đồng ý trao đổi về việc buôn bán chất phụ gia, hóa chất chế biến thực phẩm tại cửa hàng của mình.
Anh V.T. cho biết, tại cửa hàng của anh có bán hơn 30 loại phụ gia, hóa chất dùng để bảo quản, chế biến thực phẩm khác nhau. Trong 30 loại đó thì chỉ có khoảng 1/3 là có nhãn mác, thông tin đầy đủ, hướng dẫn sử dụng.
Khi được hỏi, trong các loại phụ gia, hóa chất anh bán, anh có biết loại nào nằm trong danh mục nhà nước cấp phép, loại nào bị cấm hay không thì anh T. lắc đầu. Anh T. cho biết "Ngay từ ban đầu mở bán, loại nào người dân hỏi mua mà mình chưa có thì lấy về bán, lâu dần đầy đủ không thiếu loại nào. Còn việc các loại phụ gia, hóa chất nào bị cấm hay không thì lâu nay không quan tâm tìm hiểu nên không rõ".
Một thùng đựng hóa chất "Made in China" xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán với màu đỏ cạch. Để chụp được những hình ảnh này, PV liên tục bị dò xét, nạt nộ và đòi đánh
Theo như PV quan sát được và chính anh T. thừa nhận, thì người mua hóa chất không cần cung cấp chứng minh nhân dân, họ tên, địa chỉ, mục đích sử dụng làm gì. Việc mua bán diễn ra công khai, dễ dàng, nhanh chóng như mua mớ rau.
Khi người mua đến cửa hàng, anh T. hỏi họ mua dùng để làm gì, sau đó bán và có tư vấn cho họ sử dụng với liều lượng ra sao. Tuy nhiên, anh T. cũng thẳng thắn thừa nhận, việc hỏi mục đích sử dụng thì hỏi để biết vậy thôi, còn họ mua dùng làm gì sau đó, liều lượng nhiều hay ít, thì không quản lý được.
Một số can đựng hóa chất tạo hương vị cà phê moka, ca cao với giá trên 200 ngàn đồng/kg. Nếu uống những thức uống này, không ai lường trước được người tiêu dùng sẽ có thể mắc bệnh tật gì, bởi hóa chất không nhãn mác, không xác định được độ an toàn.
Khi PV hỏi “Tivi, báo đài cảnh báo về các chất mà anh chị đang bán có thể gây ung thư, gây hại cho sức khỏe con người thì anh chị có bán nữa hay không?”, thì anh T. trả lời rằng: “Đây là miếng cơm manh áo của gia đình, đến nay tôi kinh doanh cũng đã hơn mấy chục năm. Những hàng hóa gia đình tôi bán tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng nó còn phụ thuộc vào chính người sử dụng, nếu họ có cái tâm thì đâu phải dùng phụ gia, hóa chất?
Nếu bây giờ không bán nữa sao nuôi gia đình, rồi chính quyền địa phương hay người có trách nhiệm có giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ cho tôi chuyển sang kinh doanh nghành nghề khác không? Nếu có và tương xứng thì tôi sẽ chuyển kinh doanh”.
Anh T. thừa nhận, chính vợ con anh ăn uống hàng quán rồi mua thực phẩm về chế biến cũng không thể nhận biết được có phụ gia, hóa chất lẫn vào hay không.
“Tôi buôn bán nhưng cũng không phải là chuyên gia để đề phòng cho gia đình mình khi ăn uống không dính phải thực phẩm bẩn”, anh T. chậc lưỡi nói.