Lãnh đạo công an tỉnh Bình Dương cho biết sẽ xem lại hồ sơ của công an cấp dưới rồi trả lời chính thức.
Liên quan đến vụ tài xế xe khách không có bằng lái đúng chủng loại tông chết 2 cháu bé nhưng Công an thị xã Dĩ An không khởi tố vụ án, sáng 23-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương Bình Dương khẳng định sẽ xem lại hồ sơ vụ việc.
Phóng viên trao đổi với đại tá Chính đây là vụ tai nạn thương tâm, gây nhiều bức xúc, thu hút sự chú ý của dư luận nên rất cần lãnh đạo công an tỉnh có hướng giải quyết nhanh. Đại tá Chính nói: "Tôi sẽ yêu cầu Công an thị xã Dĩ An đem ngay hồ sơ lên để tỉnh xem lại. Thời điểm này nói ngang thì không thể đúng bản chất. Sau khi xem hồ sơ, Công an tỉnh sẽ có bộ phận trả lời chính thức cho báo chí".
Liên tiếp trong 2 ngày 22 và 23-11, phóng viên đã liên hệ điện thoại với thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng Công an thị xã Dĩ An để nghe ý kiến chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, thượng tá Hồng cho biết mình "bận họp".
Chị Chung và chồng có 2 con gái nhưng cả hai cháu đều mất sau khi bị xe khách tông
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin chị Lê Thị Kim Chung (31 tuổi, làm công nhân, ngụ Dĩ An) chở 2 con gái (19 tháng tuổi và 10 tuổi) dừng chờ đèn đỏ thì xe khách lao tới tông chết cả hai con chị. Riêng chị Chung bị thương tật hơn 50%.
Lãnh đạo Công an thị xã Dĩ An ký văn bản thông báo với gia đình không khởi tố vụ án.
Thông báo nêu: "Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, xét thấy hành vi điều khiển ô tô khách mang biển số 51B-176.41 gây tai nạn của tài xế Nguyễn Thái Dương là do sự cố an toàn kỹ thuật "mất phanh" (yếu tố khách quan). Việc tài xế Dương không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, nên không đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Chiếc xe khách 29 chỗ được điều khiển bởi tài xế chỉ có bằng lái hạng B2
Không đồng tình với kết luận trên, luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TPHCM) khẳng định vụ tai nạn trên phải khởi tố. Luật sư phân tích: Chỉ cần đặt một câu hỏi thì có thể sáng tỏ được vấn đề: Vì sao lại có chiếc xe chạy trên đường khi người điều khiển nó là người không đủ điều kiện điều khiển theo quy định? Nguyên nhân dẫn đến hậu quả này là xuất phát từ một chuỗi hành vi chứ không đơn thuần là xe mất phanh. Từ đó có thể khẳng định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Dấu hiệu thứ nhất là đối với tài xế: Pháp luật buộc một người phải biết rằng khi mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (bằng lái xe đúng chủng loại) thì mặc nhiên người đó không được điều khiển phương tiện. Biết rằng mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo luật nhưng tài xế vẫn lái xe, đây được xem là lỗi cố ý trực tiếp của tài xế. Vì vậy, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm a, điểm đ khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự (không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định - điểm a; gây hậu quả rất nghiêm trọng - điểm đ).
Dấu hiệu thứ hai là đối với chủ xe: Mặc dù chưa thực hiện thủ tục sang tên phương tiện nhưng trên thực tế, chủ xe là người sở hữu và quản lý tài sản (phương tiện). Khi ký hợp đồng lao động và giao (điều động) phương tiện cho người lao động điều khiển, chủ xe buộc phải biết tài xế có bằng lái đủ hợp lệ hay không. Việc giao xe ẩu như vậy có thể khởi tố chủ xe về tội "Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự.
Đến nay, nhà xe và tài xế xe khách vẫn chưa thương lượng bồi thường cho gia đình nạn nhân.