Trong số 5 ca bệnh vừa ghi nhận tại Hưng Yên có chị Đ.T.B.Ng (SN 1972), cán bộ khoa xét nghiệm thuộc Trung tâm y tế huyện Yên Mỹ. Nữ cán bộ này từng tham gia lấy mẫu cho người dân tại các khu vực phong tỏa, ổ dịch trên địa bàn.
Lịch trình làm việc dày đặc của nữ cán bộ xét nghiệm ở Hưng Yên mắc COVID-19
Chiều 1/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hưng Yên thông tin Bộ Y tế vừa công bố thêm 5 ca mắc COVID-19 được xét nghiệm tại địa phương cho kết quả dương tính một ngày trước.
Trong số này, có 2 bệnh nhân là công nhân Công ty Tân Á Đại Thành – Yên Mỹ, gồm: anh Đ.X.Đ (SN 1991) và chị N.T.D (SN 1986) cùng trú tại xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ. Cả hai công nhân này đều là F1 của các bệnh nhân là đồng nghiệp, cùng phân xưởng.
Ngoài ra, liên quan ổ dịch tại Công ty Tân Á Đại Thành, lực lượng chức năng tỉnh ghi nhận bà cụ Đ.T.H (SN 1933, trú tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu).
Bà Đ.T.H là bà nội, sống cùng nhà bệnh nhân P.N.A (Công nhân Công ty Tân Á Đại Thành).
Theo CDC Hưng Yên, địa phương ghi nhận thêm trường hợp là cán bộ Trung tâm y tế huyện mắc COVID-19. Trường hợp này là chị Đ.T.B.Ng (SN 1972, trú tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ), là cán bộ khoa xét nghiệm, thuộc Trung tâm y tế huyện Yên Mỹ.
Theo dịch tễ, từ ngày 21-30/6, nữ cán bộ y tế hằng ngày đến Trung tâm y tế huyện Yên Mỹ làm việc. Ngày 21/6, nữ cán bộ được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính.
Ngày 23/6, nữ cán bộ y tế huyện cùng một số cán bộ CDC Hưng Yên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu phong tỏa tại thôn Thụy Lâm, xã Thanh Long (Yên Mỹ).
Từ ngày 24-29/6, nữ cán bộ liên tiếp cùng đồng nghiệp lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu cách ly tập trung ở địa phương, gồm: thôn Ông Tố (thị trấn Yên Mỹ); thôn Trung Đạo, thôn Đạo Khê (xã Trung Hưng); trạm y tế xã Hoàn Long; Huyện đội; Đại học Công đoàn; Công ty Tân Thanh…
Sáng 30/6, chị Đ.T.B.Ng có kết quả xét nghiệm nghi ngờ dương tính sau đó xét nghiệm lại và dương tính SARS-CoV-2.
Qua rà soát, lực lượng chức năng xác định ít nhất 2 người thân trong gia đình nữ cán bộ xét nghiệm là F1.
CDC Hưng Yên cho biết, đơn vị đã đưa những ca F0 tới Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cách ly, điều trị. Đồng thời phối hợp với các huyện, xã phong tỏa, phun khử khuẩn nơi ở của các bệnh nhân.
(Theo Tiền Phong)
TP.HCM: Từ 0h ngày 2/7, 3 xã và 1 thị trấn ở huyện Hóc Môn tạm dừng chợ truyền thống, người dân phải ở yên trong nhà, không tiếp xúc nhau
Ngày 1/7, UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã văn bản khẩn triển khai siết chặt biện pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với thị trấn Hóc Môn và 3 xã Bà Điểm, Tân Xuân, Xuân Thới Đông. Theo UBND huyện Hóc Môn, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Hóc Môn diễn biến hết sức phức tạp.
Tính đến ngày 30/6, huyện này có 311 ca nhiễm và 164 ca nghi nhiễm. Trong đó, địa bàn xã Bà Điểm có 79 ca nhiễm, 26 ca nghi nhiễm; Thị trấn Hóc Môn có 30 ca nhiễm, 32 ca nghi nhiễm; xã Tân Xuân có 47 ca nhiễm; 9 ca nghi nhiễm; xã Xuân Thới Đông có 29 ca nhiễm, 34 ca nghi nhiễm. Nhằm góp phần nhanh chóng kiểm soát khoanh vùng, dập dịch đối với địa bàn, UBND huyện Hóc Môn có chỉ đạo như sau:
Kể từ 0h ngày 2/7 đến 0h ngày 15/7, địa bàn các xã Tân Xuân, Bà Điểm, Xuân Thới Đông và thị trấn Hóc Môn triển khai siết chặt các biện pháp trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Các hộ gia đình tại 4 khu vực trên không giao lưu tiếp xúc nhau, người giãn cách với người.
Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa…; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin; làm việc tại các cơ quan đơn vị được phép hoạt động; học sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT. Trường hợp ra khỏi nhà phải tuân thủ 5K, không tập trung quá 3 người trở lên nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m và khai báo y tế điện tử.
Các chợ truyền thống, chợ tự phát, người buôn bán hàng rong, bán vé số, các loại hình ăn uống tại chỗ và bán mang về phải tạm dừng hoạt động…
Long An và Đồng Tháp áp dụng giãn cách xã hội nhiều địa bàn
Ngày 1-7, UBND tỉnh Long An ban hành công văn về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là đã có ca bệnh lây nhiễm trong doanh nghiệp và bệnh viện.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Long An ban hành ngày 1-7
Để ngăn chặn, kiểm soát và từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ tại một số địa bàn từ lúc 0 giờ ngày 2-7 cho đến khi có thông báo mới, gồm: TP Tân An (phường 2, phường 3, phường 4, phường 7, phường Tân Khánh, phường Khánh Hậu, xã Bình Tâm, xã Lợi Bình Nhơn và xã Nhơn Thạnh Trung); huyện Bến Lức (thị trấn Bến Lức, xã An Thạnh, xã Tân Bửu, xã Mỹ Yên, xã Phước Lợi và xã Long Hiệp); huyện Đức Hòa (xã Đức Hòa Đông, xã Đức Hòa Hạ, xã Mỹ Hạnh Nam, xã Mỹ Hạnh Bắc, xã Hựu Thạnh, xã Lộc Giang, thị trấn Đức Hòa và thị trấn Hậu Nghĩa); huyện Cần Đước (xã Long Định, xã Long Cang, xã Long Khê và xã Long Trạch); huyện Cần Giuộc (xã Long Hậu, xã Phước Lý, xã Long Thượng và 7 khu phố của thị trấn Cần Giuộc).
Đối với người từng đến, về từ các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố (thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Long An): thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày, kể từ ngày rời khỏi địa phương hoặc kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân; lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đủ 4 lần: lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7, lần thứ 3 vào ngày thứ 14, lần 4 vào ngày thứ 20 kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân hoặc ngày rời khỏi.
Đối tượng bị cách ly tập trung tự chi trả các chi phí liên quan đến cách ly tập trung, kể cả chi phí xét nghiệm Covid-19.
Đối với người từng đến, về từ các khu vực khác (thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Long An): thực hiện cách ly tại nhà đủ 14 ngày, kể từ ngày rời khỏi địa phương; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào các ngày thứ 1, ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Đối tượng bị cách ly tại nhà tự chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19…
Trước tình hình dịch Covid-19 có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh, tối 1-7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa ký văn bản yêu cầu UBND TP Sa Đéc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức "nguy cơ rất cao" đối với toàn bộ thành phố theo Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, TP Sa Đéc sẽ thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày, kể từ 18 giờ ngày 1-7. Yêu cầu mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Không tụ tập quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu giữ khoảng cách 2 m tại nơi công cộng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với "nguy cơ rất cao" theo Quyết định số 2686 đối với các xã, thị trấn thuộc địa bàn quản lý. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh: "Trường hợp cần thiết có thể áp dụng mức "nguy cơ rất cao" đối với toàn bộ địa bàn".
(Theo Người Lao Động)
Giãn cách xã hội toàn thành phố Sa Đéc 14 ngày
Ngày 1/7, ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc ký công văn 671 về việc huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với mức nguy cơ rất cao đối với toàn thành phố theo quyết định số 2686/QĐ- BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19. Cụ thể, giãn cách xã hội trong 14 ngày trên phạm vi toàn thành phố Sa Đéc, mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Không tụ tập quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng. Tiếp tục thực hiện biện pháp 5k và các biện pháp an toàn của Bộ y tế. Xử lý nghiêm các tổ chức, các nhân vi phạm quy định phòng chống dịch và không cho phép hoạt động của các tổ chức không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc các biện pháp về phòng chống dịch bệnh tại bộ phận một cửa Thành phố, bộ phận một cửa tại các xã, phường theo khuyến cáo của ngành y tế. Thông tin, tuyên truyền vận động bằng các biện pháp phù hợp, đồng bộ nhằm hạn chế số lượng người trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.
Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với người dân trên địa bàn; dừng các hoạt động văn hóa, lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng; đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế giám sát nghiêm ngặt.
Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách cộng đồng bằng vé xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi...
Song song đó, huy động mọi nguồn lực hiện có trên địa bàn thành phố, nhất là lực lượng y tế, công an, quân sự thần tốc truy vết F1, F2; quản lý chặt chẽ các đối tượng cách ly tập trung, cách ly tại nhà, không để xảy ra nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung.
Ngoài ra, tăng cường quản lý chặt chẽ người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều lao động, doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua nhiều địa phương.
Thời gian áp dụng từ 18 giờ ngày 1/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.
(Theo Tiền Phong)
Người đàn ông nghi nhiễm tự khỏi "âm thầm" nhưng vẫn lây cho 22 người
Nhiễm COVID-19 nhưng tự khỏi bệnh
Ca nhiễm đầu tiên tại ổ dịch thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện vào sáng 28/6. Đó là nữ bệnh nhân N.T.T (SN 1950). Từ ca nhiễm này, tính đến nay, tại đây đã có tổng 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngành y tế Hà Tĩnh đã khẩn trương truy tìm nguồn lây của chùm ca nhiễm này.
Thông tin từ T.S Nguyễn Lương Tâm, Phó giám đốc sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Quá trình truy vết nguồn lây chùm ca nhiễm được nghi ngờ xuất phát từ một người đàn ông tại huyện Thạch Hà do tiền sử dịch tễ từng đến điểm tắm nước ngọt công cộng ở biển Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Kết quả xét nghiệm kháng thể của người đàn ông này do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành kết luận có kháng thể nCoV, nghĩa là đã bị bệnh và tự khỏi. Cơ quan chuyên môn nhận định, trong thời gian nhiễm nCoV, người đàn ông này đã lây cho một số người khác, đến nay đã qua 2-3 chu kỳ dịch.
Khu vực phong tỏa tại thôn Đông Hà 1 và Đông Hà 2, xã Thạch Long.
Theo ông Tâm, điều tra dịch tễ cho thấy, trước đó vào chiều 3/6, người đàn ông này cùng 3 người bạn đến điểm tắm nước ngọt Xuân Hải vào chiều 3/6, trùng thời điểm lây nhiễm nCoV mạnh tại đây nhưng không khai báo y tế. Đến chiều 13/6, người đàn ông này bị sốt, không đi khám mà mua thuốc về uống.
Ngành y tế Hà Tĩnh nhận định, tính đến thời điểm hiện nay, người đàn ông này đã lây nhiễm cho 22 người tại thôn Đông Hà 1, Đông Hà 2, huyện Thạch Hà.
Ổ dịch siêu lây nhiễm: Bãi tắm nước ngọt Xuân Hải
Sở Y tế Hà Tĩnh từng nhận định, bãi tắm nước ngọt Xuân Hải là ổ dịch siêu lây nhiễm mà 2 ca bệnh đầu tiên liên quan đến bãi tắm này là cặp vợ chồng trở về từ Bình Dương.
Ngày 19/6, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus bệnh phẩm một số bệnh nhân COVID-19 Hà Tĩnh trong đợt dịch đầu tháng 6, kết quả nhiễm biến chủng Delta (xuất hiện lần đầu từ Ấn Độ).
Đến nay, các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh này đều được nhận định có nguồn lây xuất phát từ bãi tắm nước ngọt Xuân Hải.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngành y tế Hà Tĩnh đã truy vết được 281 F1, 1.648 F2 liên quan chùm ca nhiễm tại thôn Đông Hà 1, Đông Hà 2, xã Thạch Long. Từ 16h ngày 30/6 đến 7h sáng 1/7, ngành y tế đã lấy 1.659 mẫu, trong đó 1.656 mẫu âm tính và 03 mẫu dương tính (là 3 ca nhiễm mới sáng nay).
Tính từ ngày 4/6 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 113 bệnh nhân COVID-19. Trong đó có 22 trường hợp liên quan đến các chùm ca bệnh tại xã Thạch Long.
Ngành y tế tỉnh này đang nỗ lực cao nhất để nhanh chóng dập dịch. Tất cả các bệnh nhân đang được điều trị tại 2 điểm: Bệnh viện Đa khoa cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và Trung tâm y tế huyện Kỳ Anh.
(Theo Người Đưa Tin)
TP.HCM: Thêm 1 chợ truyền thống phát phiếu đi chợ cho người dân, quét mã QR kiểm soát người ra vào
Ngày 1/7, Ban quản lý chợ Thảo Điền, TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết đã triển khai việc phát phiếu đi chợ cho người dân nhằm kiểm soát lượng người đi chợ, tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn để phòng chống dịch.
Theo đó, mỗi người dân đến chợ Thảo Điền sẽ được cấp 1 số thứ tự và 1 thẻ đi chợ, trên thẻ có ghi thông tin và mã QR-Code cá nhân, người dân sẽ giữ thẻ này và xuất trình mỗi khi đi chợ. Trong cùng một thời điểm, chợ Thảo Điền chỉ tiếp nhận tối đa 50 khách vào chợ mua sắm.
Mỗi ngày, Ban quản lý chợ tổ chức chốt chặn tại lối đi chính của chợ và bố trí nhân viên quét mã QR để xác định thời gian ra vào chợ nhằm giúp cơ quan y tế điều tra truy vết dịch tễ nhanh chóng nếu có ca mắc COVID-19 đến chợ. Những khách hàng không mang theo thẻ sẽ không được vào chợ và phải đăng ký với Ban quản lý chợ để được cấp phiếu mới.
Trước đó, Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11, TP.HCM) cũng đã thực hiện biện pháp phát phiếu đi chợ cho người dân từ ngày 2/6, thời gian đầu giãn cách xã hội tại TP.HCM.
Theo đó, người dân sẽ được phát thẻ màu xanh, trên đó có ghi thông tin chi tiết về tên, năm sinh, số điện thoại, địa chỉ,... và mã QR code để theo dõi ngày đến chợ. Thẻ này được phát một lần, người dân sẽ giữ và xuất trình mỗi khi đi chợ.
Bình Phước: Thêm 1 ca nhiễm mới, huyện Chơn Thành giãn cách theo Chỉ thị 15
Ngày 1-7, ngành y tế tỉnh Bình Phước vừa ghi nhận thêm một nhiễm COVID-19. Đây là F2 của bệnh nhân F0 được phát hiện hôm 30-6.
Ca nhiễm này là nam, tạm trú tổ 8 (khu phố 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), ở khu vực sau lưng UBND thị trấn Chơn Thành.
Trước đó, một người đàn ông sinh sống tại TP Dĩ An (Bình Dương) đến huyện Chơn Thành làm thầu xây dựng phát hiện ho, sốt nên đến Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành khám. Qua xét nghiệm phát hiện người này dương tính với COVID-19.
Ngay lập tức, UBND huyện Chơn Thành phối hợp với ngành y tế khẩn trương khoanh vùng, truy vết. Khu vực có nguy cơ cao với gần 300 hộ dân sinh sống được phong tỏa ngay lập tức.
Trong đêm, hàng chục cán bộ, nhân viên y tế của huyện Lộc Ninh, Hớn Quản và thị xã Bình Long và TP Đồng Xoài đã đến Chơn Thành hỗ trợ ngành y tế huyện này xét nghiệm cho 1.000 người dân trong khu vực phong tỏa.
Trong chiều 1-7, UBND huyện Chơn Thành đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, bắt đầu từ khu vực UBND thị trấn Chơn Thành.
Cũng trong chiều nay, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, huyện Chơn thành bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Riêng bốn khu vực đang được phong tỏa, tạm thời sẽ thực hiện theo Chỉ thị 16 đến khi có thông báo mới.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Phú Yên: Thêm 46 ca nhiễm SARS-CoV-2, thông báo khẩn đến hàng loạt khu chợ liên quan
Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết có 46 ca nhiễm mới, gồm: 41 người ở TP Tuy Hòa, 3 người thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và Sơn Hòa.
Theo điều tra dịch tễ, trong 41 ca nhiễm mới ở TP Tuy Hòa, một người phụ nữ 56 tuổi bán thịt heo tại chợ Màng Màng, xã Bình Kiến, là chị gái bệnh nhân 16055.
Một trường hợp khác nghi nhiễm là người phụ nữ 38 tuổi ở xã Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, cũng buôn bán tại chợ Màng Màng. Ngày 16 đến 22-6, khoảng 6 giờ, bà mua cá ở Hòa Hiệp Nam rồi đưa tới chợ Màng Màng bán tới 12 giờ. Ngày 28-6, bà đi chợ Phúc Lạc, Hòa Hiệp Nam.
Sở Y tế Phú Yên cũng có thông báo khẩn, đề nghị những người đến chợ Ngân Điền (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) từ ngày 16-6 đến 26-6; chợ Xổm (thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà) khoảng 9 giờ 30 phút đến 10 giờ các ngày 24-6 và 26-6; Điện máy Chợ Lớn (đường Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa) lúc 19 giờ đến 21 giờ các ngày 19-6 và 20-6; Chợ Ninh Tịnh, TP Tuy Hòa lúc 8 giờ ngày 23-6 khẩn cấp đến khai báo y tế.
Phong tỏa UBND xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa.
Ngoài ra, hàng loạt địa chỉ khác liên quan đến các ca bệnh là quán Pizza Bob (2 Đồng Khởi, phường 7, TP Tuy Hòa) lúc 19 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày18-6; lò mổ Anh Tú (đường Trương Định, phường 8, TP Tuy Hòa) từ ngày 10-6 đến 28-6; Shop 40 Nguyễn Huệ, phường 5, TP Tuy Hòa lúc 18 giờ ngày 19-6; Bún Mắm Miền Tây Cô Chi (đường Nguyễn Huệ, phường 5, TP Tuy Hòa) từ 7 giờ đến 8 giờ ngày 27-6; Bánh canh cô Chi (trong Chợ Tuy Hòa) từ 6 giờ sáng ngày 24-6. Tiệm tạp hóa Bí Ngô (thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) từ ngày 10-6 đến ngày 24-6. Quầy bán cơm vỉa hè trước mặt Công ty Tuấn Tú (đường Nguyễn Tất Thành, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) từ 4 giờ đến 8 giờ các ngày 20 đến 23-6.
Những người này được yêu cầu liên hệ ngay với Trạm Y tế nơi cư trú để khai báo hoặc gọi điện thoại đường dây nóng Sở Y tế Phú Yên - số 0963391414, 0834291679 - để được hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.
Ngành y tế khuyến cáo người dân khi có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở… cần gọi đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, không được tự ý mua thuốc để điều trị.
Từ ngày 24-6 đến nay, Phú Yên xác định 150 người dương tính SARS-CoV-2 ở 5 địa phương, gồm TP Tuy Hòa (107 ca), thị xã Đông Hòa (6 ca), huyện Sơn Hòa (32 ca), huyện Sông Hinh (3 ca), huyện Tuy An (2 ca). Đến nay, Bộ Y tế đã công bố 93 ca bệnh ở tỉnh này.
(Theo Người Lao Động)
25 ca dương tính với SARS-CoV-2, TP Mỹ Tho phong tỏa nhiều chợ, khu dân cư
Ngày 1/7, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Tiền Giang, theo kết quả xét nghiệm PCR của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang lúc 20 giờ ngày 30/6, có 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận.
Trong số 6 ca nghi mắc COVID-19 mới này có 4 trường hợp ở huyện Cái Bè và 2 trường hợp tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang).
Hai trường hợp ở TP. Mỹ Tho thuộc ổ dịch tại Cảng cá Mỹ Tho (phường 2. TP. Mỹ Tho), đó là chị C.N.L. (ngụ phường 3) và C.N.H. (ngụ phường 9).
Ngoài 2 trường hợp đã xác định dương tính với SARS-CoV-2 này, còn 2 nam bệnh nhân làm việc tại Cảng cá Mỹ Tho cũng có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân y 120 và cũng được test nhanh kháng nguyên 2 lần bằng 2 loại test khác nhau đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đó là anh N.H.T., ngụ phường 2 và anh T.V.D., ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong.
Như vậy, liên quan đến ổ dịch tại Cảng cá Mỹ Tho có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã khẳng định và 2 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định PCR.
Trước diễn biến phức tạp của ổ dịch này, UBND TP. Mỹ Tho đã quyết định tạm ngưng hoạt động Cảng cá Mỹ Tho từ 17 giờ ngày 30-6 đến khi có thông báo mới nhằm thực hiện công tác dập dịch.
Đến thời điểm này, TP. Mỹ Tho ghi nhận 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Thành phố đã phong tỏa 2 chợ dân sinh, 1 chợ đầu mối, 2 đơn vị và nhiều khu dân cư để dập dịch.
Toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 123 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong đó 105 trường hợp đã được công bố và 18 trường hợp đang chờ Bộ Y tế gắn mã số bệnh nhân.
(Theo Dân Việt)
Vừa rời Bắc Giang, nhiều sinh viên ngành y ở Hải Dương lại "Nam tiến" giúp TP.HCM chống dịch
Những ngày qua, dịch COVID-19 xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh khiến người dân lo lắng, bất an và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh ở địa phương này. Sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế, tối qua (30/6) hơn 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tổ chức lễ xuất quân lên đường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID -19.
Đại diện nhà trường cho biết, mặc dù đơn vị vừa hoàn thành bàn giao người bệnh cuối cùng cho Bệnh viện K để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2020-2021 theo kế hoạch, nhưng dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh.
Với phương châm "chống dịch như chống giặc", sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế vào chiều 30/6, lãnh đạo nhà trường nhanh chóng chỉ đạo và thành lập Đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên nhằm hỗ trợ, chia lửa với TP. Hồ Chí Minh trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Những ánh mắt tự tin và nụ cười của sinh viên trường Y Hải Dương trước giờ vào tâm dịch TP. Chí Minh.
Cũng theo đại diện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, tính từ đợt dịch thứ 3 đến nay, cán bộ giảng viên, sinh viên của đơn vị đã có 2 tháng tham gia phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương và 40 ngày tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Đây không chỉ thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Y Hải Dương chung sức đồng lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch mà còn là đợt thực tế bổ ích cho những sinh viên trước khi tốt nghiệp ra trường bước vào nghề.
Tại buổi lễ ra quân, PGS.TS. Đinh Thị Diệu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận, tri ân sự đóng góp của nhân viên y tế và sinh viên trong 4 đợt dịch vừa qua; đồng thời lưu ý mọi người khi lên đường làm nhiệm vụ chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh không được lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm túc những công việc được phân công, giữ gìn sức khỏe, chú ý công tác phòng chống dịch để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhân dịp này, trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tặng 50 triệu đồng cho Đoàn giảng viên, sinh viên tham gia chi viện chống dịch và vào lúc 2h30 rạng sáng nay (1/7), đoàn xuất phát từ Hải Dương đến sân bay Nội Bài đi TP. Hồ Chí Minh. Được biết, trong thành phần đoàn lần này có nhiều sinh viên từng tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19.
Trước đó, vào chiều 16/5, Đoàn nhân viên y tế tình nguyện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tổ chức lễ xuất quân chi viện tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh phòng chống dịch COVID-19. Đối với tỉnh Bắc Giang, đoàn hỗ trợ gồm 3 giảng viên và 212 sinh viên các lớp Xét nghiệm, Điều dưỡng, Y khoa. Đoàn hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh gồm 2 giảng viên và 52 sinh viên xét nghiệm.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bình Thuận lên phương án ứng phó 1.000 người mắc COVID-19
Sáng 1/7, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành phương án đáp ứng với cấp độ 3 của dịch COVID-19. Theo đó, là phương án dự phòng nếu dịch bệnh lây lan trên 200 trường hợp mắc COVID-19 tại Bình Thuận.
Bình Thuận cho rằng, là tỉnh có các khu du lịch, khu công nghiệp, các dự án nhiệt điện, đường cao tốc đang thi công... có công dân, du khách đi đến từ vùng có yếu tố dịch tễ đến công tác, làm việc tại địa phương. Do vậy, nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan vào tỉnh là rất cao. Biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm, nên việc có phương đáp ứng trong phòng chống dịch là cần thiết và rất quan trọng.
Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Thuận triển khai các biện pháp đáp ứng với cấp độ 3 dịch COVID-19, cụ thể cho từng trường hợp. Đối với cấp độ 3A, từ 20-200 trường hợp, cấp độ 3B từ 200 đến 1.000 trường hợp.
Hiện nay, nguồn lây COVID-19 ở Bình Thuận từ nữ bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Nếu xảy dịch bệnh lây lan từ 20-200 người mắc COVID-19, ngành y tế chủ động triển khai các khu điều trị. Cụ thể các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố mỗi đơn vị từ 15 -20 giường, các cơ sở Y tế khác chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh huy động.
Trường hợp dịch bệnh lây lan từ 200-1.000 người mắc COVID-19, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuậnxây dựng phương án triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tại TP.Phan Thiết, quy mô 200 giường. Ngoài ra, các bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, Phía Nam và Bắc Bình Thuận và các Trung tâm Y tế 2 chức năng, triển khai bệnh viện dã chiến cấp 1 quy mô 60 giường/mỗi đơn vị, với tổng cộng khoảng 600 giường.
Các cơ sở cách ly tập trung quân sự, cơ sở cách ly tập trung công an tỉnh, cơ sở cách ly tập trung của huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở cách ly tập trung khách sạn có thu phí, với số lượng tổng cộng trên 4.000 giường.
Đối với điều trị, phương án đáp ứng cấp độ 3 của UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu việc thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, không để lây nhiễm bệnh cho cán bộ y tế. Khu vực điều trị cách ly chia thành ba khu vực: khu người bệnh nghi ngờ, khu người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ người bệnh trước khi xuất viện.
Phương án này cũng nêu rõ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp họp ít nhất 2 lần/tuần để chỉ đạo triển khai các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình, thường trực chống dịch 24/24 giờ. Ngành y tế báo cáo diễn biến tình hình dịch hàng ngày, huy động nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tạm dừng một số hoạt động chưa cấp thiết của các cơ quan Nhà nước để tập trung cao nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Rà soát khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân, nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất để chủ động phương án phòng, chống dịch.
Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc. Truy vết thần tốc các trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, các mốc thời gian, địa điểm để truy tìm, áp dụng các biện pháp phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Tất cả F1 phải được cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà. Thực hiện lấy mẫu, bảo quản vận chuyển và gửi mẫu bệnh phẩm về đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn. Hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tổ chức cách ly chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Hiện nay, Bình Thuận đã ghi nhận 14 trường hợp mắc COVID-19 ngoài cộng đồng. Trong đó, 5 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, 3 trường hợp đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Tuy Phong, 3 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, 3 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam.
Đà Nẵng: Xét nghiệm gần 2.800 người do liên quan 13 F0 của Quảng Ngãi và Bình Định
Sáng 1-7, bác sĩ Phạm Hồng Nam - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - cho hay đơn vị đang thực hiện tổng lực xét nghiệm, truy vết đối với khoảng 2.800 người gồm tiểu thương, cán bộ, nhân viên của cảng cá Thọ Quang và người dân sống quanh khu vực này.
Theo bác sĩ Nam, việc tổ chức xét nghiệm, truy vết này do cảng cá Thọ Quang là nơi 13 ca Covid-19 từng đến trong thời gian gần đây. Trong đó có 11 ca ở Quảng Ngãi và 2 ca ở Bình Định.
Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã huy động 120 nhân viên y tế để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Việc lấy mẫu được triển khai bắt đầu từ 10 giờ ngày 1-7 cho đến rạng sáng 2-7.
Trước đó, trong đêm 28 đến rạng sáng 29-6, ngành y tế quận Sơn Trà cũng xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm hơn 1.000 người tại cảng cá Thọ Quang do phát hiện 6 ca Covid-19 ở Quảng Ngãi từng đến đây mua bán. Tiếp sau đó, ngành y tế phát hiện thêm 5 người ở Quảng Ngãi và 2 người ở Bình Định mắc Covid-19 cũng từng đến đây mua bán, nâng tổng số ca Covid-19 từng ghé đến cảng cá Thọ Quang là 13.
(Theo Người Lao Động)
QUẢNG NGÃI: Xin ra ngoài... mua ma túy mang vào khu vực phong tỏa để sử dụng
Sáng 1/7, lãnh đạo đồn Biên phòng Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận, đơn vị vừa phát hiện và tạm giữ 2 thanh niên thuộc khu vực phong tỏa phường Phổ Thạnh để điều tra làm rõ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trước đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 30/6, N.Đ.C. (30 tuổi, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cùng một người bạn đi xe máy đến chốt kiểm dịch số 3 xin ra ngoài mua thuốc cho bố. C. bịa chuyện bố bị bệnh thận rất nặng, cần phải mua thuốc gấp nên lực lượng trực chốt kiểm dịch cho qua.
Một lúc sau, C. quay lại chốt kiểm dịch chở theo một thùng giấy. Cảm thấy có điều bất thường, cán bộ đồn Biên phòng Sa Huỳnh phối hợp với công an tiến hành kiểm tra.
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng không thấy thuốc chữa bệnh như C. đã nói trước đó. Kiểm tra kỹ hơn, lực lượng chức năng phát hiện C. cất giấu 1 túy nilon chứa chất tinh thể màu trắng cùng 1 ống kim tiêm.
Lấy lý do xin ra ngoài để mua thuốc cho bố, nam thanh niên mua ma túy vào khu vực phong tỏa để sử dụng. Ảnh cắt từ clip
Biết không thể che giấu, C. khai nhận, mấy ngày qua phường Phổ Thạnh bị phong tỏa chống dịch COVID-19 nên không có ma túy để sử dụng. Do đó, C. cùng bạn nói dối bố bệnh cần thuốc điều trị để đi mua ma túy. Túi nilon được phát hiện là ma túy tổng hợp vừa mua của 1 nam thanh niên không rõ lai lịch với giá 500.000 đồng để cùng với N.P.H. sử dụng.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Được biết, trước đó thị xã Đức Phổ đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 12h ngày 27/6 cho đến khi có thông báo mới. Riêng xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong 15 ngày, kể từ 12h ngày 26/6.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh quyết định áp dụng giãn cách xã hội đối với TP. Quảng Ngãi theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 0h ngày 29/6.
(Theo Tiền Phong)
Phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang lang thang mua đồ ăn ở Đà Nẵng
Trước đó, người dân ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) phát hiện 4 người lạ mặt đang đi mua thức ăn có nhiều biểu hiện đáng nghi. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng huyện Hoà Vang lập tức có mặt và đưa những người này về trụ sở để làm việc.
Tại cơ quan chức năng, 4 người này cung cấp lai lịch là Kuang YongHui, Jiang Wang, Gong DeShuai (cùng 18 tuổi) và LiYinan (17 tuổi). Trong đó, 3 người có căn cước công dân và một người có hộ chiếu. Những người này là dân tộc ở các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.
Bước đầu, nhóm người này thừa nhận nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam ở biên giới trên bộ của một tỉnh phía Bắc. Họ liên hệ qua Wechat với một người đàn ông để xin làm việc tại Việt Nam. Người đàn ông kia hứa hẹn khi đến nơi làm việc mới trả tiền chi phí đi lại. Nhóm người này phải thay đổi nhiều phương tiện mới đến được Đà Nẵng.
Ngày 1/7, Công an huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đưa 4 người quốc tịch Trung Quốc đi cách ly tập trung tại Ký túc xá phía Tây ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng).
Công an huyện Hòa Vang đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Phòng An ninh điều tra và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) để tiếp tục điều tra, xử lý.]=
(Theo Tiền Phong)
Bình Dương xét nghiệm toàn dân để tìm F0
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, tính đến nay, địa phương ghi nhận 409 ca mắc COVID-19 ở đợt dịch thứ tư. Trong đó, có 4 bệnh nhân đã hồi phục. Số bệnh nhân đang còn điều trị 405 bệnh nhân. Có 3 bệnh nhân tiên lượng nặng phải thở máy và 3 bệnh nhân thở oxy.
Bình Dương hiện có 34 cơ sở cách ly tập trung (trong đó có 4 cơ sở cách ly là khách sạn cho chuyên gia nước ngoài) với năng lực cách ly tập trung hiện có là 10.000 giường sẵn sàng tiếp nhận cách ly ngay, sẽ mở rộng từ 20.000-30.000 giường. Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 4.385 trường hợp và 10.876 trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.
Dịch bệnh đợt này đã xuất hiện ở 26 công ty, xí nghiệp và chiếm phần lớn ca mắc. Riêng trong các KCN có 7 công ty ghi nhận ca bệnh. Liên quan đến các ca mắc này, ngành y tế đã truy vết được hơn 4.000 trường hợp F1, hơn 10.600 trường hợp F2.
Ngành y tế Bình Dương cho biết, đã huy động từ các nguồn lực xã hội hóa, các cá nhân, tổ chức... để nâng cao công suất xét nghiệm đạt ít nhất từ 10.000 mẫu đơn và 100.000 mẫu gộp 10 mẫu trong 1 ngày. Thành lập thêm các tổ lấy mẫu (khoảng 10 người/tổ), sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có điều động, bảo đảm huy động ít nhất 200 tổ lấy mẫu trên toàn Bình Dương.
Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ lấy mẫu đại trà cho hơn 1 triệu dân, trong đó bước đầu tập trung chủ lực tại các ổ dịch để tìm F0 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng khó kiểm soát.
Đêm qua (30/6), ngành y tế Bình Dương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 4.000 cư dân tại khu nhà ở xã hội Hoà Lợi, phường Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một. Đây là nơi ở của các công nhân và là điểm có người liên quan ca mắc COVID-19.
Trước đó, trải qua 2 ngày phối hợp với Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.Hồ Chí Minh, ngành y tế Bình Dương thực hiện lấy mẫu cho hơn 41.000 người dân ở ổ dịch TX Tân Uyên. Kết quả, hơn 41.000 người âm tính với SARS-CoV-2.
Tại ổ dịch phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, ngành y tế Bình Dương tổ chức lấy mẫu tầm soát cộng đồng và xét nghiệm diện rộng sàng lọc COVID-19 cho hơn 40.000 người dân đang sống trong khu vực cách ly y tế tạm thời.
Người từ vùng dịch đến Lâm Đồng phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính
Sáng 1/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có văn bản hỏa tốc về cách ly y tế đối với người đến từ vùng có dịch.
Theo đó, tất cả những người đi/đến/về từ các tỉnh, thành phố có trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng bắt buộc phải khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo để phân loại các đối tượng nguy cơ.
Các trường hợp không chấp hành khai báo hoặc khai báo không trung thực sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ.
Lâm Đồng thực hiện cách ly y tập trung đối với những người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 (F1), các trường hợp đi về từ các vùng dịch, điểm dịch được thông báo bởi Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố. Thời gian cách ly tập trung là 21 ngày, kể từ ngày rời khỏi khu vực phong tỏa, cách ly. Lâm Đồng cũng sẽ cách ly tại nhà đối với các F2.
Những người đi về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, hoặc bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 khi đi vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cam kết thực hiện theo dõi sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh; không tham gia các hoạt động tập trung đông người trong vòng 14 ngày tính từ ngày cuối cùng rời khỏi các địa điểm nêu trên.
Sở GTVT Lâm Đồng cũng vừa có thông báo tạm dừng hoạt động hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô (tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi) từ Lâm Đồng đi các tỉnh, thành phố như Hoà Bình, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp.
(Theo Tiền Phong)