COVID-19 12/7: Hà Nội lập 22 chốt tại các cửa ngõ, test nhanh, kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính

HÀ ANH - Ngày 12/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Hà Nội sẽ có 22 chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào Thủ đô tại các cửa ngõ, đường nhánh... để phòng, chống dịch COVID-19.

TP Hà Nội có thêm 19 điểm phong toả mới

Chiều 12/7, báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tại Hà Nội, trong tuần ghi nhận 2 chùm ca bệnh tại Đông Anh, Mỹ Đức và các ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến các tỉnh/thành khác.

Phiên họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội chiều 12/7

Phiên họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội chiều 12/7

Chùm ca bệnh thứ nhất tại huyện Đông Anh: Ngày 5/7, phát hiện ca bệnh tiếp xúc với các ca bệnh dương tính tại Bắc Giang. UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế, UBND huyện Đông Anh và các đơn vị liên quan thực hiện công tác điều tra, khoanh vùng và triển khai các biện pháp chống dịch tại KCN Thăng Long. Tổng số F0: Đông Anh 27, Mê Linh 1, Bắc Từ Liêm 1. Trong đó, 18 ca của Công ty SEI (tổ bảo vệ 8 ca, nhà máy F1 7 ca, nhà máy F5 2 ca và 1 ca thuộc nhà thầu Vinasao). Các trường hợp dương tính của Công ty SEI đã lây nhiễm cho 7 trường hợp F1 khác.

Chùm ca bệnh thứ hai tại huyện Mỹ Đức: Ngày 5/7, ghi nhận ca đầu tiên có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với ca bệnh dương tính của Hà Nam. Kết quả điều tra, khoanh vùng xác định đến nay có 9 trường hợp F0, 166 trường hợp F1 (trong đó, có 8 trường hợp dương tính chuyển thành F0, còn lại âm tính).

Các ca bệnh liên quan đến TP.Hồ Chí Minh: Tại quận Thanh Xuân 2 ca, Hoàng Mai 1 ca, Đống Đa 1 ca. Đã xác định 57 F1, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Qua công tác chủ động rà soát, xét nghiệm cho các trường hợp về từ TP.Hồ Chí Minh ghi nhân 19 ca. Cụ thể, Quốc Oai 8 ca (4 người về từ TP.Hồ Chí Minh và từ nhóm này lây thêm cho 4 trường hợp khác ở Quốc Oai), Hai Bà Trưng 5 ca, Ứng Hoà, 3 ca, Hoàng Mai 2 ca, Nam Từ Liêm 1 ca.

Bên cạnh đó, ghi nhận 1 trường hợp là nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 trong khu cách ly tại Bệnh viện Bắc Thăng Long.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ về dịch bệnh còn ở mức cao và khó lường. Hiện tại TP đang xuất hiện các chùm ca bệnh tương đối phức tạp, nhất là tại KCN Bắc Thăng Long, chỉ từ một trường hợp không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch đã lây cho nhiều trường hợp khác. Ông Cương nhận định, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc mới trong những ngày tiếp theo ở KCN.

Ông Cương cho biết thêm, trong tuần, TP có thêm 19 điểm phong toả mới (Đông Anh 9, Hoàng Mai 3, Mỹ Đức 2, Hai Bà Trưng 1, Nam Từ Liêm 1, Quốc Oai 1, Thanh Xuân 1, Ứng Hoà 1). Thực hiện rà soát, xác định có 6.637 người về từ TP.Hồ Chí Minh từ ngày 23/6, đã lấy mẫu xét nghiệm 6.548 người, kết quả 13 mẫu dương tính, 5.447 âm tính, còn lại chưa có kết quả.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các cửa ngõ

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết liên quan công tác kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19, dự kiến có 22 chốt kiểm soát người, phương tiện tại các cửa ngõ, đường nhánh... ra vào Thủ đô.

Các chốt trực bao gồm các lực lượng: công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng của các quận, huyện, thị xã. Công an Thành phố sẽ chia làm 4 ca trực và chịu trách nhiệm dựng lều, bạt và các phương tiện phục vụ như bàn ghế, nước uống tại các chốt trực.

Dự kiến sáng 17/7, sẽ triển khai 22 chốt trực tại các cửa ngõ, đường nhánh ra vào TP. Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Hà Nội khai báo y tế, đo thân nhiệt. Các trường hợp nghi vấn, biển số tỉnh vùng dịch đề nghị quay lại hoặc phải có xét nghiệm âm tính. Các chốt trực sẽ vừa kiểm tra vừa tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt vừa kết hợp test nhanh và kiểm tra giấy xác nhận xét nghiệm âm tính.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm các cấp ngành, người đứng đầu cấp ủy đảng, các tầng lớp nhân dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt trong công tác tuyên truyền phải quán triệt nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành. Tuyên truyền về bảo đảm an toàn tại các nơi có nguy cơ như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... triển khai nghiêm túc quét mã QR Code để nhanh chóng truy vết khi có ca nhiễm.

“Yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp… có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực, cơ sở có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên cho công nhân tại các công ty đã ghi nhận ca bệnh của KCN Bắc Thăng Long.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đặc biệt lưu ý, Công an TP sẽ thành lập 22 chốt kiểm soát, cần thông tin để người dân nắm bắt rõ, không để ùn tắc, gây khó khăn, không để người dân phản ánh “ngăn sông cấm chợ”.

Về thông tin mà Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP phản ánh về việc có người từ TP Hồ Chí Minh ra có khai báo y tế nhưng cơ sở không quản lý chặt, không kiểm soát được. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương phải sát sao hơn nữa, cùng các lực lượng chức năng, tổ COVID-19 cộng đồng nắm chắc di biến động dân cư, đặc biệt là người từ các vùng dịch về Hà Nội bởi có người từ vùng dịch về Hà Nội nhưng không về nhà mà thuê khách sạn, resort để ở.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc nhở lực lượng chức năng không được chủ quan, lơ là trong lúc này, ai để xảy ra sơ suất sẽ phải chịu trách nhiệm.

(Theo Dân Việt)

TP.HCM: Tìm người từng đến 3 cửa hàng thực phẩm và 1 nhà thuốc tây ở quận Tân Bình 

Ngày 12/7,UBND phường 5, quận Tân Bình (TP. HCM) đã có thông báo tìm các cá nhân đã đến các địa điểm liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn phường.

Theo đó, xét đề nghị của Trạm Y tế phường 5, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch và ngăn ngừa việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. UBND phường 5, quận Tân Bình thông báo tìm cá nhân đã đến các địa điểm trong thời gian sau:

1. Cửa hàng Vissan tại địa chỉ 318/13 đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình vào khung thời gian từ 15h đến 15h40 ngày 6/7.

2. Nhà thuốc Minh Phương tại địa chỉ 766/104 đường Cách Mạng Tháng 8, phường 5, quận Tân Bình vào khung thời gian từ 16h đến 16h30 ngày 6/7.

3. Cửa hàng Satrafood địa chỉ 159 đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình vào khung thời gian từ 21h40 đến 22h ngày 8/7.

4. Cửa hàng Ministop địa chỉ 204 đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình vào khung thời gian từ 22h đến 22h20 ngày 8/7.

Cơ quan chức năng phường 5, quận Tân Bình đề nghị các cá nhân từng đến các địa điểm trong khoảng thời gian trên cần liên hệ Trạm Y tế phường 5 hoặc cơ sở y tế địa phương để dược hướng dẫn khai báo y tế theo quy định.

Hữu Huy

Bộ Y tế yêu cầu kéo dài thời gian cách ly đối với người trở về từ TP.HCM

Trong văn bản ban hành chiều ngày 12/7 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, số người từ TP.HCM về các địa phương có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao.

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng đối với những người từ TP.HCM về địa phương, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện những việc sau:

Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ thành phố Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 7 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại TP.HCM theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương lưu trú.

Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 7/7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn tiếp nhận người về từ TP.HCM, yêu cầu người từ TP.HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần.

(Theo Dân Việt)

Phong tỏa phường Bình Chiểu và phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức

Tối 12-7, UBND TP Thủ Đức (TP HCM) đã ra quyết định áp dụng thiết lập phong tỏa, cách ly y tế đối với phường Bình Chiểu và phường Trường Thạnh để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Một chung cư ở phường Bình Chiểu thời điểm bị phong tỏa do có người mắc Covid-19

Một chung cư ở phường Bình Chiểu thời điểm bị phong tỏa do có người mắc Covid-19

Thời gian phong tỏa phường Bình Chiểu và phường Trường Thạnh bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 13-7 đến khi có thông báo mới.

Phường Bình Chiểu bao gồm 6 khu phố, 76 tổ dân phố với diện tích 541,2 ha, dân số 22.688 hộ, 73.825 nhân khẩu.

Trong khi đó, phường Trường Thạnh gồm 4 khu phố, 30 tổ dân phổ với diện tích 982,81 ha, dân số 6.362 hộ, 21.951 nhân khẩu.

Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế, người dân 2 địa phương trên không được đi ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty.

Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

(Theo Người Lao Động)

464 trường hợp liên quan đến 8 ca dương tính trong một gia đình ở Hà Nội

Ngày 12/7, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Quốc Oai (Hà Nội) huyện, trên địa bàn huyện ghi nhận 8 trường hợp dương tính với SARS- Cov – 2 trong cùng một gia đình tại tổ dân phố Hoa Vôi- Thị trấn Quốc Oai.

Sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hà Nội về kết quả xét nghiệm dương tính của 8 trường hợp nêu trên, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Quốc Oai chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thị trấn Quốc Oai tổ chức rà soát điều tra các trường hợp liên quan.

Lực lượng y tế đến phun khử khuẩn và đưa những trường hợp liên quan ca dương tính SARS-CoV-2 đi cách ly tập trung.

Lực lượng y tế đến phun khử khuẩn và đưa những trường hợp liên quan ca dương tính SARS-CoV-2 đi cách ly tập trung.

Qua rà soát truy vết đến nay ghi nhận 64 trường hợp F1, 400 trường hợp F2. Hiện tại đang tiếp tục điều tra truy vết các trường hợp F1, F2, F3 và các trường hợp liên quan khác. Hiện đã lấy mẫu xét nghiệm 64 trường hợp F1, trong đó 59 trường hợp tại Thị trấn Quốc Oai và 5 trường hợp tại nơi khác. Chuyển 8 trường hợp F0 đi điều trị tại Bệnh viện Đức Giang, chuyển 64 trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại Khu vực cách ly tập trung Pháp Vân- Tứ Hiệp- Hoàng Mai, Hà Nội.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của huyện, các xã thị trấn khẩn trương thần tốc triển khai áp dụng các biện pháp trong công tác phòng chống dịch, chịu trách nhiệm toàn diện công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, không ra khỏi địa bàn huyện và Thành phố Hà Nội khi không cần thiết để tập trung phòng chống dịch bệnh, mở chế độ điện thoại 24/24.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của huyện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ rà soát các trường hợp đi từ các vùng tỉnh thành phố có dịch, lấy mẫu xét nghiệm cách ly kịp thời theo hướng dẫn của ngành Y tế. Giao Phòng Y tế, Trung tâm Y tế nắm bắt tình hình diễn biến dịch COVID-19 chủ động tham mưu kịp thời các văn bản chỉ đạo.

Tiếp tục tổ chức truy vết các F và rà soát các trường hợp liên quan đến các trường hợp nhiễm COVID-19, yêu cầu không được tiếp xúc với cộng đồng. Tập trung truy vết các trường hợp liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân Đ.Đ.L. là cán bộ UBND thị trấn Quốc Oai, trú tại tổ dân phố Hoa Vôi đến một số địa điểm như: Đám hiếu cụ N.P.H. đội 5, Thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, Quán Phở Hà Nội, thị trấn Quốc Oai (cạnh Công ty Điện lực Quốc Oai). Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án, kịch bản đáp ứng từng cấp độ để chủ động cho công tác phòng chống dịch

Chở F0 đi hát karaoke, tài xế dương tính SARS-CoV-2

Tối 11-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hưng Yên cho biết vừa ghi nhận thêm 5 ca dương tính SARS-CoV-2.

Trong số 5 ca mắc mới có 1 ca ở xã Hoàn Long là tài xế đưa 4 người, trong đó có F0, đi hát karaoke Đại Tây Dương ở xã Ông Đình, huyện Khoái Châu. 3 ca ở xã Trung Hưng và 1 ca ở xã Thanh Long. Tất cả đã được cách ly tập trung từ trước.

Như vậy, tính từ 21/6 đến nay, tỉnh Hưng Yên ghi nhận 109 ca dương tính SARS-CoV-2 (Yên Mỹ 73 ca, Khoái Châu 11 ca, Ân Thi 11 ca, Tiên Lữ 8 ca, Kim Động 4 ca, Phù Cừ 1 ca, 1 ca có địa chỉ tại Hà Nội).

Các địa phương có trường hợp F0 đang tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch; phun khử khuẩn tại gia đình và khu vực xung quanh gia đình có F0, rà soát, truy vết các trường hợp liên quan, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung…

Tỉnh Hưng Yên cũng đã quyết định mở rộng cơ sở cách ly tập trung số 2 và thiết lập Bệnh viện Dã chiến tại Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2. Theo đó, trưng dụng toàn bộ Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 (địa chỉ tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) để mở rộng Cơ sở cách ly tập trung số 2 của tỉnh và thiết lập Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Ban Giám hiệu Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 thực hiện bàn giao cơ sở vật chất tại Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Sở Y tế để triển khai theo yêu cầu nhiệm vụ; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí nhân lực và các điều kiện cần thiết; tổ chức triển khai cách ly tập trung và thiết lập Bệnh viện Dã chiến theo quy định.

(Theo Người Lao Động)

UBND TP.HCM chỉ đạo không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 khi đi lại trong TP

UBND TP.HCM vừa có văn bản về tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp về giao thông vận tải trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Công an quận, huyện trên địa bàn TP.HCM chỉ yêu cầu giấy xác nhận đi đường và giấy tờ tuỳ thân khi qua các chốt kiểm soát. Ảnh: LT

Theo đó, UBND TP yêu cầu người đứng đầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung đã được UBND TP chỉ đạo tại công văn 2279 ngày 8-7 về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.Đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi TP.HCM do nhu cầu thật sự cần thiết (qui định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Công văn 2279 của UBND TP): Không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

Công an quận, huyện trên địa bàn TP.HCM chỉ yêu cầu giấy xác nhận đi đường và giấy tờ tuỳ thân khi qua các chốt kiểm soát. Ảnh: LT

Công an quận, huyện trên địa bàn TP.HCM chỉ yêu cầu giấy xác nhận đi đường và giấy tờ tuỳ thân khi qua các chốt kiểm soát. Ảnh: LT

UBND TP giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và vận động người dân trên địa bàn TP thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Công văn số 2279 của UBND TP; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

UBND TP cũng giao UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao tăng cường tuyên truyền thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và Công văn 2279.

Tổ chức kiểm tra thường xuyên trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các qui định phòng chống dịch, nhất là ra đường không có lý do chính đáng.

Chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn để phối hợp với các địa phương, các tỉnh giáp ranh có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại để có giải pháp hạn chế đi lại. Đồng thời, tổ chức xe ô tô đưa đón công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân. Ngoài ra, tùy theo điều kiện có thể xem xét điều chỉnh giảm quy mô, quy trình sản xuất tại các phân xưởng để đáp ứng yêu cầu chống dịch.

UBND TP cũng yêu cầu các địa phương tổ chức linh hoạt các chốt phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, có phương thức kiểm tra và xử lý phù hợp để tránh xảy ra ùn tắc, tập trung đông người. Ưu tiên các phương tiện đã được Sở GTVT cấp giấy chứng nhận diện khi lưu thông.

UBND TP giao Công an TP.HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng qui định các trường hợp lưu thông mà không thật sự cần thiết, không có lý do chính đáng.

Công an TP cần chỉ đạo các lực lượng trực chốt ra vào TP.HCM có giải pháp linh hoạt để hạn chế ùn tắc, tập trung đông người.

Trước đó, hôm 8-7, UBND TP.HCM ra văn bản hướng dẫn về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá hai người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

Yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Ca mắc Covid-19 vượt con số 13 nghìn, TP. Hồ Chí Minh cần chi viện

Tính đến sáng 12/7, số ca mắc tại TP. HCM đã vượt con số 13 nghìn ca. PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám Đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay khi số ca F0 liên tục tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Hiện nay TP.HCM đã chuẩn bị được 28,5 nghìn giường thu dung bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, dự kiến số giường sẽ tăng lên 30 nghìn và sẵn sàng có kịch bản cho 50 nghìn giường.

Áp lực lớn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM khi số ca mắc mới ngày càng tăng cao

Áp lực lớn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM khi số ca mắc mới ngày càng tăng cao

Theo đó, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh thì cần khoảng 200 nhân lực y tế; thêm vào đó khi số ca mắc gia tăng thì số trường hợp bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ chuyên sâu cũng sẽ gia tăng tương ứng.

Chia sẻ về việc thu dung và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, Thành phố cũng có 6.500 giường tại các BV chuyên điều trị Covid-19. Trong đó, 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch được bố trí ở 4 BV lớn gồm BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115.

Ngành xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư. Nguồn dự phòng dự kiến sẽ là 40 nghìn giường điều trị để sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành Y tế khi có cần thiết.

TP. HCM cần chi viện khoảng 8 nghìn cán bộ y tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị. Cụ thể, lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến sẽ được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19; các bệnh viện điều trị COVID-19 có triệu chứng; điều trị người bệnh tại các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch;

Đồng thời, bổ sung cho các bệnh viện gián tiếp tham gia điều trị COVID-19 (thiếu nhân sự do đã cử luân phiên tham gia điều trị tại các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine.

Chia sẻ thêm về vấn đề hỗ trợ nhân lực cho khối điều trị tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP.HCM Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp với yêu cầu từ TP, với kế hoạch hỗ trợ nhân sự giai đoạn 1, Bộ Y tế cũng đã làm việc với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực y tế từ TP.HCM.

Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế chi viện cho TP. HCM để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, "đảo quân") để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại đây.

Được biết, hiện nay theo đề nghị của lãnh đạo Tp Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các BV trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại Tp Hồ Chí Minh chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ.

Từ hôm nay 12/7, Bà Rịa - Vũng Tàu không tiếp nhận người từ những nơi đang áp dụng Chỉ thị 16 

Tối 11/7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Công văn hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về tăng cường kiểm soát người vào tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ. Nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu: Không tiếp nhận người về từ những nơi đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trừ những trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cấp cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chở vật liệu sản xuất.

Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tiếp nhận người về từ TP. HCM theo danh sách, phương án vận chuyển đã thống nhất giữa UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với UBND TP. HCM (thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

Đối với những trường hợp này khi về tỉnh phải cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Những người về từ các tỉnh/thành có dịch phải cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Thời gian áp dụng quy định này từ 0h ngày 12/7.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến 18h ngày 11/7, tỉnh này ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng lên 38 ca.

Hiện tại, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cách ly tập trung 1.369 người, cách ly tại nhà, nơi cư trú 5.330 người và 8.912 người đang tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.

Đi mua bia chờ xem chung kết Euro, bị phạt ra đường khi không cần thiết

Khuya 11-7, Đội CSGT (KV1) Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đã xử lý nhiều trường hợp ra đường khi không thật sự cần thiết. Trong đó có trường hợp đi mua bia về nhậu đợi xe chung kết Euro.

Người đàn ông ra đường mua bia để nhậu xem chung kết Eurro bị CSGT phạt ra đường khi không thật sự cần thiết. Ảnh: TS

Người đàn ông ra đường mua bia để nhậu xem chung kết Eurro bị CSGT phạt ra đường khi không thật sự cần thiết. Ảnh: TS

Theo ghi nhận, tại đường Lương Định Của (phường An Phú), Đội CSGT (KV1) Công an TP Thủ Đức đã tiến hành dừng xe máy do một người đàn ông điều khiển chở theo một thùng bia. Qua kiểm tra giấy tờ, người này không xuất trình được CMND, giấy đăng ký xe.

Khi CSGT hỏi lý do ra đường, người này cho biết ra đường để đi mua bia về nhậu xem chung kết Euro. “Chung kết Eurro thì mua bia về hai vợ chồng nướng mực nhậu thôi. Em biết là em sai khi ra đường trong trường hợp không thật sự cần thiết rồi” người này nói thêm.

Người này sau đó gọi điện thoại nhờ người quen xin giúp bỏ qua vi phạm nhưng vẫn bị lực lượng CSGT kiên quyết lập biên bản lỗi ra đường khi không thật sự cần thiết, không mang giấy tờ xe.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Ca nhiễm SARS-CoV-2 từ TP HCM về Thanh Hóa dự đám tang, 1 xã bị phong tỏa

Sáng 12-7, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết sau khi ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng sáng ngày 11-7 (BN 28502), CDC tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng huy động lực lượng phối hợp với Trung tâm Xét nghiệm Medlatec, Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân tiến hành sàng lọc test nhanh kháng nguyên cho người dân tại xã Xuân Giang.

Đồng thời, CDC tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu 499 người (là các hộ gia đình đã tiếp xúc với BN 28502 và các hộ gia đình có tiếp xúc với những gia đình này), kết quả tất cả 499 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện phong tỏa tạm thời toàn bộ xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân khi xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng - Ảnh CDC Thanh Hóa

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện phong tỏa tạm thời toàn bộ xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân khi xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng - Ảnh CDC Thanh Hóa

Trước đó, sáng ngày 11-7, Thanh Hóa ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân. Đáng chú ý, bệnh nhân này từ TP HCM về xã Xuân Giang dự đám tang của bà nội, tiếp xúc với nhiều người.

Theo điều tra dịch tễ, ngày 6-7, bệnh nhân đi trên chuyến bay VN242 cùng 5 người thân từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Nội Bài lúc 9 giờ sáng (chuyến bay có 5 bệnh nhân Covid-19 tại Vĩnh Phúc).

Xuống sân bay, những người này bắt taxi về Trung tâm Y tế xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân lúc 14 giờ thực hiện khai báo y tế (trên đường về xe có dừng đổ xăng tại Ninh Bình).

Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân về nhà tại thôn 1, Xuân Giang, Thọ Xuân, thời điểm này gia đình đang tổ chức tang lễ cho bà nội bệnh nhân.

Sáng ngày 7-7, bệnh nhân tham gia đưa tang bà ra nghĩa trang của thôn, sau đó bệnh nhân về nhà và không đi đâu.

Cùng ngày 7-7, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện ngay sau khi có thông báo của CDC Thanh Hóa về việc tìm người liên quan đến chuyến bay VN242 có ca bệnh Covid-19. Đồng thời, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

(Theo Người Lao Động)

TP HCM: Chuyển công năng bệnh viện ngàn tỉ thành trung tâm hồi sức Covid-19

Sáng 12-7, Sở Y tế TP HCM cho biết trước tình hình dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp, Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 TP quyết định đưa vào sử dụng một bệnh viện 1.000 giường hồi sức. Như vậy, hệ thống các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 có 4 tầng thay vì 3 tầng như trước đây.

Theo đó, khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2 (vừa mới được Bộ Xây dựng thẩm định cho phép sử dụng trong tuần qua) sẽ được tạm chuyển đổi công năng trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường.

Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2 vừa xây mới và hoạt động chưa lâu tại TP Thủ Đức

Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2 vừa xây mới và hoạt động chưa lâu tại TP Thủ Đức

Điểm thuận lợi nhất của Trung tâm Hồi sức Covid-19 chính là hạ tầng sẵn có của một bệnh viện có cấu trúc hạ tầng hiện đại, có thể hỗ trợ hô hấp đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở ôxy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn). Cụ thể, tất cả giường bệnh đều có hệ thống ôxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó 100 giường săn sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh ôxy và hút trung tâm.

Như vậy, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế phân công là tuyến cuối về điều trị Covid-19, TP HCM còn có thêm Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường với sự tham gia của các y, bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu của các bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định cùng các y, bác sĩ chuyên khoa được luân phiên đến công tác từ các bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP HCM và các tỉnh, thành do Bộ Y tế điều động.

(Theo Người Lao Động)

Sau lệnh giãn cách, chợ ở trung tâm Cần Thơ vẫn hoạt động

Trước diễn biến phức tạp dịch COVID-19, chiều tối 11/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - Trần Việt Trường đã ký ban hành Quyết định số 1470 về việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng sẽ áp dụng thực hiện theo tinh thần chỉ thị số 16/CT-Ttg trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 12/7/2021, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định…

Chợ An Hòa vẫn hoạt động trong sáng 12/7 bất chấp quy định của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Ảnh: Thành Nhân

Chợ An Hòa vẫn hoạt động trong sáng 12/7 bất chấp quy định của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Ảnh: Thành Nhân

Đối với các quận, huyện còn lại sẽ áp dụng thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-Ttg trong vòng 15 ngày, kể từ 0h giờ ngày 12/7/2021. Cũng tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký công văn số 2584 về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo công văn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, Cái Răng trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực hiện có của địa phương thực hiện tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ dân sinh, chỉ cho phép hoạt động các siêu thị, cửa hàng tiện ích khi đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch,...

Theo ghi nhận sáng 7/12 của PV Báo Giao Thông, tại các chợ trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) như chợ Hưng Lợi, Xuân Khánh, An Khánh, An Cư… vẫn còn hoạt động. Nhiều người dân đến đây để mua lương thực, thực phẩm,.. tụ tập đông người. Tại chợ An Khánh, chợ Hưng Lợi, lực lượng chức năng có ra quân nhưng chưa quyết liệt để tạm dừng hoạt động của chợ. Họ vẫn để người dân buôn bán kinh doanh,..

Khẩn: Hà Nội tìm người đến nhiều điểm ăn uống liên quan đến ca mắc COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hà Nội, CDC Hà Nội đã phát thông báo khẩn tìm người đến 8 địa điểm liên quan đến các...

Dịch COVID-19

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19