COVID-19 15/7: Bệnh viện test nhanh, phát hiện 3 điều dưỡng dương tính với SARS-CoV-2

K.T - Ngày 15/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Ngày 15/7, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, qua xét nghiệm tầm soát, đơn vị phát hiện 3 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh viện test nhanh, phát hiện 3 điều dưỡng dương tính với SARS-CoV-2

Theo đó, vào ngày 13/7, bệnh viện thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 định kỳ cho toàn bộ nhân viên bệnh viện và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho toàn bộ bệnh nhân và người nuôi bệnh. Kết quả các mẫu test nhanh đều âm tính. Đến 1 giờ 45 phút ngày 14-7 có kết quả xét nghiệm PCR mẫu gộp của nhân viên bệnh viện thì phát hiện 1 mẫu gộp dương tính, các mẫu còn lại đều âm tính.

Nhiều khu vực tại Tp. Mỹ Tho bị phong tỏa.

Nhiều khu vực tại Tp. Mỹ Tho bị phong tỏa.

Ngay lập tức bệnh viện thực hiện phong tỏa Khoa Chấn thương, nơi có mẫu gộp dương tính và tiến hành lấy mẫu đơn xét nghiệm PCR cho 5 cá nhân trong mẫu gộp; đồng thời, thực hiện truy vết, xử lý khử khuẩn khu vực. Bệnh nhân, người nuôi bệnh và nhân viên trong khoa được yêu cầu ở tại chỗ, bác sĩ đến khám bệnh cũng ở lại khoa; các cá nhân liên quan đến mẫu gộp dương tính được thông báo ở tại nhà và không tiếp xúc với người khác.

15 giờ chiều, kết quả xét nghiệm PCR phát hiện 3/5 cá nhân trong mẫu gộp dương tính với SARS-CoV-2, đều là điều dưỡng của Khoa Chấn thương. Cả 3 trường hợp trên Bộ Y tế chưa công bố nên được xem là ca nghi nhiễm.

Qua truy vết, bệnh viện phát hiện trên 27 F1 của 3 điều dưỡng, trong đó có 4 bác sĩ.

Hiện tại, có 37 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Chấn thương. Bệnh viện bố trí 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng F1 ở lại khoa để chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nằm viện; các F1 còn lại đã được cách ly. Đại diện Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết hiện chưa xác định được nguồn lây của ổ dịch này.

Ngày 15/7, bệnh viện sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp cho hơn 1.000 nhân viện bệnh viện; đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ bệnh nhân và người nuôi bệnh đang có mặt tại bệnh viện. Về hoạt động của bệnh viện, ngoài Khoa Chấn thương đã bị phong tỏa, các khoa, phòng khác vẫn hoạt động và bệnh viện vẫn tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân điều trị.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang phát hiện 1 bảo vệ và 1 hộ lý tại khu cách ly của bệnh viện (trụ sở Sở Y tế cũ) dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả truy vết phát hiện 23 F1 của 2 ca F0 này là nhân viên các khoa, phòng của bệnh viện.

(Theo Dân Việt)

TP HCM: Số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng giảm

Trong 1 tuần qua, trung bình mỗi ngày TP ghi nhận hơn 1.300 ca mắc Covid-19, chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa.

Thông tin trên được ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết tại buổi họp trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 16 vào chiều 15-7. 

TP đang điều trị cho 20.411 bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) tại các cơ sở y tế, trong đó 80% bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, TP đang điều trị cho 246 ca nặng, đang thở máy, có 7 ca phải can thiệp ECMO.

Về tình hình cách ly, TP đang cách ly tập trung 14.586 người và 37.025 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết trong 7 ngày thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16, TP đã gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch khi nhiều cán bộ ở các quận 4, quận 7, quận 8 nằm trong khu phong tỏa. Về cơ sở vật chất, TP cũng đang gặp khó khăn khi ca bệnh tăng cao, cơ sơ vật chất chưa chuẩn bị kịp.

Về công tác xét nghiệm, vẫn còn tình trạng tập trung đông người trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16. Do TP tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cộng đồng, bên cạnh đó, một số địa phương yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính nên nhiều người tập trung lấy mẫu xét nghiệm để xin "giấy thông hành". Hiện tình trạng này đã được giải quyết. 

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, cho biết từ ngày 9-7 đến nay, TP phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm. “Chỉ có ngày 11-7 tăng đột biến nhưng đến nay số ca đã giảm cả trong cộng đồng và bệnh viện” – ông Thắng thông tin

Tại cuộc họp, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, cho biết từ ngày 9-7 đến nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có 678 ca mắc Covid-19. Số trường hợp mắc có giảm trong những ngày qua. 

Trong thời gian TP thực hiện Chỉ thị 16 có 171 doanh nghiệp chủ động xin ngừng sản xuất. Số doanh nghiệp còn lại hoạt động sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ, 2 điểm, 1 cung đường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp trang thiết bị mùng, mền, chăn gối... do số lượng công nhân ở lại quá đông. Ban Quản lý đang khẩn trương phối hợp cùng doanh nghiệp cải thiện vấn đề lưu trú cho công nhân.

 "Cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch tại khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu  không tập trung làm quyết liệt sẽ có nguy cơ dẫn tới khó kiểm soát" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý.

(Theo Người Lao Động)

UBND TP HCM ra công văn khẩn liên quan công tác phòng, chống Covid-19

Ngày 15-7, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để chấn chỉnh hoạt động của Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm và tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các khu phong tỏa. 

Theo đó, UBND TP HCM đánh giá sự phối hợp, chỉ đạo trong lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số nơi có lúc còn chưa nghiêm túc, đồng bộ, chặt chẽ và còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Việc kiểm soát, quản lý các khu phong tỏa còn chưa nghiêm, vẫn xuất hiện người dân trong khu phong tỏa đi lại, giao lưu, không đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16. 

Để nâng cao hiệu quả xét nghiệm và tăng kiểm soát khu phong tỏa, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo UBND các địa phương khẩn trương vận hành hiệu quả Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm (Tổ công tác) với phương châm "Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh". 

Cụ thể, Tổ công tác phải xác định trách nhiệm rõ ràng (Rõ); lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, chắc chắn theo nguyên tắc, hướng dẫn của ngành y tế (Chắc); thực hiện nghiêm, đúng quy trình, quy định về giãn cách theo Chỉ thị 16 (Nghiêm); trả kết quả xét nghiệm nhanh tối đa trong 12 giờ với mẫu đơn, 24 giờ với mẫu gộp, không để tồn mẫu, chậm trả kết quả (Nhanh).

UBND TP yêu cầu các địa phương bố trí nơi cách ly tạm thời cho F0 trong thời gian chờ di chuyển đến khu cách ly tập trung. Quận, huyện, TP được giao triển khai phương án lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân khi có triệu chứng SARS-CoV-2. 

Đối với các khu phong tỏa, UBND TP HCM yêu cầu địa phương tăng tuyên truyền, vận động dân giãn cách theo quy định; thường xuyên giám sát, nhắc nhở; nghiên cứu lắp đặt camera giám sát tại khu phong tỏa để kịp xử lý nghiêm vi phạm.

Trước đó, từ 0 giờ ngày 9-7, TP HCM cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15. Trong thời gian này, UBND TP HCM yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về, bán vé số dạo cũng phải tạm ngưng.

Sóc Trăng giãn cách thêm 1 xã để phòng dịch COVID-19

Ngày 15-7, tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh này quyết định áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung.

Theo đó, toàn bộ xã Đại Ân 1 sẽ áp dụng giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đoạn đường 933 (từ bến phà Đại Ân 1 – Vàm Long Phú đến cầu Cồn Tròn) áp dụng Chỉ thị 15.

Quyết định này được ban hành ngay sau khi huyện Cù Lao Dung ghi nhận thêm hai trường hợp F1 dương tính SARS-CoV-2 là mẹ và em của hai vợ chồng trở về từ chợ Bình Điền. Tính đến thời điểm này, huyện Cù lao Dung có bốn trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và cùng ngụ xã Đại Ân 1.

Trong diễn biến có liên quan, Sở Y tế Sóc Trăng cũng đã ra văn bản tạm ngừng hoạt động các phòng khám bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kể từ ngày 15-7, Sóc Trăng tạm dừng hoạt động đối với tất cả các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền và các cơ sở dịch vụ y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoại trừ phòng khám thuộc Trung tâm an dưỡng Hoàng Tuấn (có trụ sở tại phường 10, TP Sóc Trăng) được tiếp tục hoạt động phục vụ cho những người đang trong thời gian nghỉ dưỡng tại trung tâm.

Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu khi đưa người bệnh đến khám bệnh, chỉ duy nhất một người nhà đi cùng người bệnh. Đối với những người bệnh không phải là cấp cứu và nhận định thấy người đi khám có thể tự phục vụ được thì yêu cầu người nhà chờ bên ngoài cổng. Mỗi người bệnh chỉ một người nuôi bệnh, hạn chế tối đa việc thay đổi người nuôi bệnh và dừng tuyệt đối người vào thăm bệnh điều trị nội trú.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Quảng Nam - Đà Nẵng dự kiến đón hơn 10.000 người xa quê ở TP HCM, lo ăn ở miễn phí

Sáng 15-7, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa họp bàn và thống nhất phương án hỗ trợ người Quảng Nam xa quê ở TP HCM.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã quyết định chi 2 tỉ đồng để giúp người Quảng Nam gặp khó khăn ở TP HCM. Ngoài ra, tỉnh cũng vận động nguồn kinh phí xã hội hóa từ Hội Đồng hương Quảng Nam tại TP HCM để giúp bà con vượt qua đại dịch.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (giữa), kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (giữa), kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh.

Đối với người thực sự có nhu cầu về quê, tỉnh Quảng Nam đề nghị bà con đăng ký thông qua Hội Đồng hương Quảng Nam tại TP HCM. Tỉnh Quảng Nam sẽ đưa xe vào đón người dân và thực hiện các biện pháp cách ly y tế tương tự như đối với người nhập cảnh từ nước ngoài về.

Tỉnh Quảng Nam cũng quyết định sẽ dùng ngân sách cộng với nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ tiền đưa đón, ăn ở miễn phí cho toàn bộ người dân trong những ngày cách ly. Người dân được đón về quê sẽ không phải tốn tiền.

Theo ông Cường, hiện tại có khoảng 32.000 người Quảng Nam lao động tự do tại TP HCM. Hội Đồng hương Quảng Nam dự tính có khoảng 10.000 người đăng ký được đón trở về quê. Trước hết, Quảng Nam ưu tiên áp dụng cho người ở TP HCM, sau đó sẽ đến một số địa phương khác.

"Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn nhưng phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để dịch không lây lan ra cộng đồng. Bà con hãy bình tĩnh, không hoang mang dao động, hội đồng hương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn ở bên bà con. Nếu ai không về được, gia đình khó khăn, cha mẹ già neo đơn thì cứ điện về, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ giúp đỡ trong thời điểm này, tỉnh sẽ chỉ đạo cho các hội đoàn thể chăm lo" – ông Cường nhắn gửi.

Đà Nẵng hỗ trợ bà con xa quê ở TP HCM 500 triệu đồng

Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng vừa có quyết định hỗ trợ 500 triệu đồng cho bà con đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM gặp khó khăn do dịch bệnh. Số tiền này được Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng chuyển đến Ban Liên lạc Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM để trao 1.000 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) đến bà con đồng hương trong thời gian sớm nhất. Đây là món quà thể hiện tình cảm của quê nhà, giúp chia sẻ phần nào khó khăn với bà con đồng hương.

Sáng 15-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có thư gửi Hội Đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM. Trong thư, ông Lê Trung Chinh chia sẻ: "Thông qua Hội Đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM, chúng tôi gửi đến các anh chị, cô chú lời động viên chân thành từ Đà Nẵng. Đồng thời, đề nghị hội đồng hương theo dõi, tìm hiểu thông tin để phối hợp cùng thành phố lập phương án đưa người dân có nhu cầu trở về Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân thành phố đều được trở về nhà".

(Theo Người Lao Động)

Bác tin đồn các siêu thị tại TP HCM bị đóng cửa từ hôm nay ngày 15/7

Ngày 13/7 vừa qua, UBND TP HCM có văn bản số 2337 về những doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7 nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố phải đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân.

Sau khi văn bản trên được ban hành trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn các siêu thị tại TP HCM sẽ đóng cửa từ 0h ngày 15/7.

Nhiều người lo sợ dẫn đến đổ về các siêu thị để tích trữ hàng hoá, chấp nhận đứng xếp hàng 2 giờ đồng hồ để được vào mua hàng.

Tuy nhiên, thông tin đóng cửa siêu thị chỉ là thất thiệt. Các siêu thị khẳng định vẫn hoạt động bình thường để cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân.

Tại Bách Hoá Xanh, đã gia tăng trữ lượng hàng hóa từ 3-4 lần bình thường, đa dạng hóa nguồn cung ứng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo nhiều người có thể mua được hàng, các siêu thị đã thông báo hạn chế số lượng mặt hàng mỗi khách hàng có thể mua được.

VinMart/VinMart+ cũng cho biết hiện 500 siêu thị và cửa hàng tại TP HCM vẫn hoạt động bình thường.

Đối với hệ thống GO!/ Big C và Tops Market, đơn vị cam kết giữ vững bình ổn giá, không tăng giá.

Trong khi đó, với Saigon Co.op - một trong những doanh nghiệp sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất TP HCM cũng ra thông báo khẳng định mặc dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng Saigon Co.op quyết tâm không tăng giá hàng hóa.

(Theo Dân Việt)

Phong tỏa 4 khu phố ở trung tâm TPHCM với gần 100.000 dân

Kể từ 0h ngày 15/7, các khu phố 4, 5, 6, 7 của UBND phường 13, quận 10, TPHCM đã bị phong tỏa trong thời gian 14 ngày. 4 khu phố này gồm 48 tổ dân phố, với 2.738 hộ, khoảng 9.842 người.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND phường 13 cho biết, do tình hình dịch trên địa bàn 4 khu phố diễn biến phức tạp, trường hợp F0 xuất hiện rải rác. Cả 4 khu phố đều thuộc khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nên phường quyết định phong tỏa để có thể khoanh vùng, bảo đảm phòng chống dịch.

Trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi khu vực, trừ các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác. Việc giao hàng hóa cho khu vực phong tỏa sẽ được thực hiện vào 3 ngày trong tuần là thứ 3-5-7. Đối với những hộ là F0, cán bộ, công chức các ban ngành đoàn thể phường sẽ hỗ trợ nhận và giao hàng tận nhà.

COVID-19 15/7: Bệnh viện test nhanh, phát hiện 3 điều dưỡng dương tính với SARS-CoV-2 - 3

Trước đó, vào tối ngày 13/7, UBND TP.Thủ Đức, TPHCM đã có quyết định phong tỏa, cách ly y tế phường Tăng Nhơn Phú A và phường Long Thạnh Mỹ từ 12h ngày 14/7 cho đến khi có thông báo mới.

Trong đó, phường Tăng Nhơn Phú A bao gồm 7 khu phố, 91 tổ dân phố trên diện tích 418,3ha, dân số 12.595 hộ và 44.595 nhân khẩu. Phường Long Thạnh Mỹ (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu công nghệ cao TPHCM) có 6 khu phố, 67 tổ dân phố với diện tích 923,98ha, 10.014 hộ, 34.161 nhân khẩu.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cũng ký quyết định thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với phường Trường Thạnh và Bình Chiểu. Theo đó, phạm vi phong tỏa là toàn bộ địa bàn phường Trường Thạnh và phương Bình Chiểu với 95.776 dân, từ 0h ngày 13/7 đến khi có thông báo mới.

Trong đó, phường Trường Thạnh có 4 khu phố với diện tích 982,81ha, 6.362 hộ với 21.95 dân. Còn phường Bình Chiểu có 6 khu phố với diện tích 541,02ha, dân số 22.688 hộ với 73.825 nhân khẩu.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến sáng 15/7, TPHCM đã có tổng cộng 19.405 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.

(Theo Tiền Phong)

Bình Thuận tiếp tục thông báo khẩn liên quan các ca nghi nhiễm COVID-19

Sở Y tế yêu cầu những người dân có đi đến 20 địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo và được tư vấn hỗ trợ:

1. Trung tâm Viettel , đường Thống Nhất, phường Tân Thiện, thị xã La Gi từ 8h ngày 1-7 đến ngày 14-7.

2. Nhà anh Trí, Số 201 đường Thống Nhất, phường Tân Thiện, thị xã Lagi từ 17h ngày 9-7 đến ngày 14-7.

3. Ban chỉ huy quân sự phường Tân Thiện, thị xã La Gi từ 8h ngày 14-7 đến hết ngày.

4. Siêu thị Co.opmart Lagi từ 21h 30 ngày 2-7 đến ngày 14-7.

5. Quán Huy Hoàng (bãi biển Cam Bình), thị xã Lagi từ 9h ngày 3-7 đến ngày 14-7.

6. Quán Rabbits house, số 601 đường Thống Nhất, phường Tân An, thị xã La Gi từ 19h ngày 5-7 đến ngày 14-7.

7. Nhà chị Liên, hẻm 39 Lê Minh Công, phường Phước Lộc, thị xã La Gi từ 16h 30 ngày 2-7 đến ngày 14-7.

8. Nhà anh Tường, hẻm 63 đường Lê Minh Công, phường Phước Lộc, thị xã La Gi từ 10h 30 ngày 6-7 đến ngày 14-7.

9. Nhà chị Tới, hẻm 111 Trần Bình Trọng, phường Phước Lộc, thị xã La Gi từ 11h ngày 6-7 đến ngày 14-7.

10. Nhà chị Mười, đường Nguyễn Trung Trực, phường Phước Lộc, thị xã La Gi từ 14h 30 ngày 7-7 đến ngày 14-7.

11. Chợ La Gi (hàng trái cây chị Hạnh), phường Phước Lộc, thị xã La Gi từ 11h 30 ngày 9-7 đến ngày 14-7.

12. Nhà anh Hải, hẻm 147 Trần Bình Trọng, phường Phước Lộc, thị xã La Gi từ 15h 30 ngày 10-7 đến ngày 14-7.

13. Nhà ông Oai, cuối đường Võ Thị Sáu, phường Bình Tân, thị xã Lai Gi từ 15h ngày 9-7 đến ngày 14-7.

14. Nhà anh Thuận, số 318 đường Nguyễn Trường Tộ, thị xã La Gi từ 16h ngày 9-7 đến ngày 14-7.

15. Nhà ông Tiến, số nhà 127 đường Lý Thường Kiệt, thị xã La Gi từ 18h ngày 11-7 đến ngày 14-7.

16. Số nhà 94 Quỳnh Lưu, Phước Hội, thị xã La Gi từ 11h 30 ngày 1-7 đến ngày 14-7.

17. Nhà chị Mai, cuối hẻm 32 Quỳnh Lưu, phường Phước Hội, thị xã La Gi từ 16h ngày 5-7 đến ngày 14-7.

18. Số nhà 59B Thống Nhất, phường Phước Hội, thị xã La Gi từ 16h 30 ngày 13-7 đến ngày 14-7.

19. Tầng 10 - Tòa nhà Viettel đường Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết từ 7h ngày 12-7 đến ngày 14-7.

20. Quán bán cháo lòng bánh hỏi, đường Tuyên Quang (hướng từ đường Nguyễn Tất Thành đi tới qua ngã tư đầu tiên quán phía bên phải), thành phố Phan Thiết từ 6h 45 ngày 12-7 đến ngày 14-7.

Sở Y tế đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan truyền thông và các cơ quan, đơn vị thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết. Yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên, liên hệ ngay với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn/Phòng khám đa khoa khu vực; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

TP HCM: Điều tra 56 người mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong 603 ca Covid-19 tại TP mới được Bộ Y tế công bố, 547 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly, trong khu vực phong tỏa; còn lại 56 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP HCM có hơn 19.400 trường hợp mắc Covid-19.

HCDC cho biết công tác lấy mẫu xét nghiệm của TP HCM đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ TP đến các quận, huyện, TP Thủ Đức ngày càng đồng bộ, hài hòa hơn.

Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm tại các quận - huyện được thành lập, đồng thời tiếp nhận sự hỗ trợ về nguồn nhân lực từ Trung tâm Điều hành xét nghiệm của TP HCM, đảm bảo cho việc trả kết quả xét nghiệm được diễn ra đúng thời hạn (mẫu đơn trong vòng 12 giờ và mẫu gộp trong vòng 24 giờ).

Theo HCDC, sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ (từ ngày 5-7), đã có gần 131.000 người lao động tự do - trong đó có 34.000 người chạy xe ôm, 20.000 người bán vé số dạo (8.000 người tạm trú) - trên địa bàn TP HCM được hỗ trợ với tổng số tiền gần 196 tỉ đồng.

Từ ngày 15-7, TP HCM sẽ tập trung chi hỗ trợ cho 80.000 lao động ở các doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ việc; 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 9.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động.

(Theo Người Lao Động)

Khẩn: Ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế chở hàng hoá thiết yếu

Theo Sở GTVT TP.HCM, để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã công bố trên trang website của HCDC danh sách các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, Sở GTVT đã phối hợp HCDC cập nhật thông tin về danh sách, địa chỉ các các bệnh viện, cơ sở y tế nêu trên lên bản đồ giao thông TP.HCM được truy cập trên trang website của Sở.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công văn số 6779/BGTVT-VT ngày 13-7 về việc đề nghị ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, Sở GTVT có ý kiến như sau:

Đề nghị các Hiệp hội vận tải trên địa bàn TP, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khẩn trương phối hợp thông tin, tuyên truyền đến các Hội viên, các đơn vị vận tải, đội ngũ lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe, về việc tra cứu thông tin các địa điểm xét nghiệm SARS-CoV-2. Bao gồm xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR) trên địa bàn TP.HCM. 

Bước 1: Sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính truy cập website: http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn.

Bước 2: Vào danh mục (3 gạch ngang góc phải trên cùng), vào mục Bản đồ: trong đó có hai dữ liệu. Trong đó có danh sách các cơ sở được phép thực hiện xét nghiệm Sars-Cov-2 tại TP và bản đồ các địa điểm xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Sở GTVT đề nghị Sở Y tế chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp với Sở GTVT để cập nhật, công bố thông tin các địa điểm xét nghiệm. Đồng thời chỉ đạo các trung tâm y tế, các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh (thuộc danh sách địa điểm xét nghiệm) ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản (bao gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe theo hướng dẫn tại các văn bản số 898/BYT-MT của Bộ Y tế).

Ưu tiên trả lời kết quả nhanh cho người điều khiển phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, tránh gây ách tắc phương tiện vận tải.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Bức ảnh người đàn ông mua hẳn một xe trứng gà lan truyền trên mạng, CĐM tranh cãi dữ dội
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bức hình đã thu hút sự quan tâm từ dư luận với hai luồng ý kiến trái chiều.

Tin tức 24h

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19