Sau phản ánh về việc F0 tấp nập từ nhà ra Trạm y tế phường Hoàng Liệt xét nghiệm COVID-19, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã lên tiếng.
7 diễn biến
Vụ F0 tấp nập từ nhà ra trạm y tế phường xét nghiệm Covid-19: Chủ tịch quận Hoàng Mai lên tiếng!
Sáng 22/2, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, sau phản ánh về việc F0 tấp nập từ nhà ra trạm y tế phường xét nghiệm Covid-19 khiến người dân Hà Nội lo lắng, đơn vị đã có một số giải pháp khắc phục.
Cụ thể, theo lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, trong ngày hôm nay (22/2), chính quyền sẽ thông báo cho người dân nếu có trường hợp không thể ra Trạm Y tế phường có thể tự test xét nghiệm tại nhà quay clip gửi lại cụ thể cho nhân viên y tế. Việc này sẽ giảm tải cho nhân viên y tế khi lực lượng mỏng, đồng thời vẫn đảm bảo được an toàn khi người mắc Covid-19 phải di chuyển nhiều trên đường.
"Bên cạnh đó, chúng tôi có thông báo tổ chức xét nghiệm theo giờ. Cụ thể, tổ này mấy giờ, tổ khác mấy giờ. Tất cả được thông báo tới toàn người dân, tổ dân phố nắm được để tránh việc các tổ ồ ạt kéo đến cùng một giờ. Cùng với đó, mọi người có thể tự xét nghiệm gửi kết quả cho y tế phường", lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt thông tin.
Người dân đọc thông báo của Trạm Y tế phường Hoàng Liệt. Ảnh: Gia Khiêm
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, theo quy định nếu người dân có triệu chứng cần gọi điện báo cho y tế phường và có 2 cách để xác định kết quả xét nghiệm. Thứ nhất, người dân có thể ra trực tiếp tại Trạm Y tế phường để được xét nghiệm. Thứ 2, người dân có thể gửi clip quay lại quá trình test Covid-19 gửi đến Trạm Y tế để xác định và có được quyết định cách ly tại nhà 7 ngày.
"Hiện nay, số lượng ca F0 tăng, lực lượng y tế quận Hoàng Mai có hạn trong khi cán bộ y tế của quận phơi nhiễm nhiều. Cán bộ rất vất vả nên toàn dân, toàn hệ thống cố gắng vượt qua. Chỉ trong tháng này thôi, khi F0 tăng đến mức độ nào đó, trung ương, thành phố sẽ có chiến lược thích ứng với tình hình", ông Tâm nhấn mạnh.
Phát tờ rơi tới 100% hộ dân hướng dẫn F0
Về việc tránh tập trung F0 đông tại Trạm Y tế phường, ông Tâm cho rằng, hằng ngày, UBND quận Hoàng Mai vẫn cố gắng đưa ra những giải pháp phục vụ người dân tốt nhất, thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Tâm, để thực hiện một cách hiệu quả quản lý F0 trên địa bàn, yêu cầu mỗi phường tăng thêm 3 số điện thoại của lãnh đạo phường, hướng dẫn người dân gọi điện đến trạm y tế, số điện thoại đã được công khai nhằm giải thích, hướng dẫn cho người dân về việc test để công nhận F0, ra quyết định cách ly.
"Thứ 2, in tờ rơi gửi đến các hộ dân, hôm trước các phường chỉ gửi tờ rơi đến hộ dân có F0 nhưng bắt đầu từ hôm nay (22/2) chúng tôi yêu cầu gửi đến toàn bộ 100% hộ dân trên địa bàn quận hướng dẫn F0 phải làm thế nào, mỗi phường 4 số điện thoại để tránh việc nghẽn mạng, không gọi được.
Thứ 3, sử dụng các nhóm, tổ Zalo, tổ Covid cộng đồng, tổ dân phố, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, huy động lực lượng y tế gồm các tình nguyện viên, y tế các trường cao đẳng, đại học tại Hà Nội, các lực lượng y tế tư nhân trên địa bàn hỗ trợ. Cả hệ thống phải chung tay vào cuộc kể cả người dân trong việc phòng chống dịch Covid-19…", ông Tâm thông tin thêm.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa, ngày 21/2, tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), nơi có số dân đông nhất thành phố, hàng chục người dân nối đuôi nhau xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19.
Theo thông báo của Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, do khai báo y tế có sự trùng lặp quá nhiều nhóm thông tin gửi đến Trạm Y tế, lực lượng cán bộ y tế có hạn và số lượng F0 hàng ngày tăng rất nhiều. Vậy để hoàn thành tốt các công tác phòng chống dịch Covid-19, tránh bỏ sót những trường hợp F0 tại cộng đồng không được quản lý trên địa bàn phường, Trạm Y tế phường Hoàng Liệt đã yêu cầu toàn thể người dân tự test dương tính tại nhà ra Trạm Y tế, khi đi mang theo que test mới để cán bộ y tế làm lại xét nghiệm hoặc có thể mời bên xét nghiệm PCR dịch vụ về làm tại nhà rồi in kết quả mang ra Trạm Y tế.
Chính việc yêu cầu người dân ra Trạm Y tế thực hiện xét nghiệm lại khiến nơi đây luôn đông nghẹt người.
Nguồn: https://danviet.vn/vu-f0-tap-nap-tu-nha-ra-tram-y-te-phuong-xet-nghiem-covid-19-chu-tic... Nguồn: https://danviet.vn/vu-f0-tap-nap-tu-nha-ra-tram-y-te-phuong-xet-nghiem-covid-19-chu-tich-quan-hoang-mai-len-tieng-20220222093851386.htm
TP.HCM: Quận 1 lý giải việc phong toả chung cư để phòng chống dịch
Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM Nguyễn Duy An cho biết, ngày 18/2, trạm y tế phường Bến Nghé tiếp nhận thông tin một số người dân sinh sống trong chung cư 89-91 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1) có triệu chứng nhiễm COVID-19. Qua đó, phường đã xét nghiệm và ghi nhận 6 trường hợp dương tính.
Ngày 20/2, sau khi xét nghiệm toàn bộ người dân sống trong chung cư, phường Bến Nghé ghi nhận thêm 17 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số F0 tại đây lên 23 ca. Các ca nhiễm nằm trong 15/65 hộ gia đình. Qua đánh giá mức độ giao lưu tại chung cư 89-91 Nguyễn Du, cơ quan chức năng xác định, đây là chung cư nhỏ, khá thưa dân nhưng vào buổi trưa có nhiều người đến ăn uống trong khu vực.
Lực lượng chức năng túc trực trước cửa ra vào chung cư 89-91 Nguyễn Du
Từ đánh giá trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Bến Nghé đã xử lý ổ dịch theo hướng tạm thời phong tỏa khu vực trong vòng 24 giờ để xét nghiệm lần 2 toàn bộ dân cư ở đây. Đến ngày 21/2, qua kết quả sàng lọc, có thể nhận định, tình hình dịch bệnh tại chung cư 89-91 Nguyễn Du cơ bản đã được kiểm soát, khoanh vùng. Do đó, UBND phường Bến Nghé đã ban hành văn bản kết thúc phong tỏa tại khu dân cư nhằm tiến hành thu hẹp khu vực cách ly với những hộ F0.
Lãnh đạo UBND quận 1 thông tin, xác định ổ dịch tại chung cư 89-91 Nguyễn Du là vùng nguy cơ có mức độ thấp. Trong thời gian tới, địa phương sẽ xét nghiệm 5 ngày/lần theo mẫu gộp hộ gia đình đến khi không còn phát hiện F0. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi lại nhưng phải hạn chế giao tiếp, không tham dự các sự kiện tập trung quá 10 người, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, báo ngay với địa phương nếu có triệu chứng.
Bên cạnh đó, quận và phường sẽ đảm bảo trang bị cơ sở vật chất cho Tổ chăm sóc F0 tại nhà nhằm hạn chế tình trạng chuyển biến xấu về sức khỏe. Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Tổ COVID-19 cộng đồng tăng cường giám sát, theo dõi các hộ gia đình có F0 nhằm đảm bảo cách ly, không để xảy ra tình trạng lây lan. “Ban Chỉ đạo phường sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch”, ông Nguyễn Duy An cho biết.
Trước đó, sáng 21/2, UBND phường Bến Nghé có thông báo về việc phong tỏa tạm thời chung cư 89-91 Nguyễn Du do có liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 tại đây.
Khu vực phía cửa ra vào của chung cư đã được đóng cửa, căng dây và có lực lượng công an, bảo vệ dân phố túc trực. Những người không liên quan được lực lượng chức năng yêu cầu di chuyển đi nơi khác, người từ bên ngoài không vào được chung cư.
Đầu giờ chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tháo dỡ phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1) sau nửa ngày phong tỏa.
Sau khi nắm thông tin việc chung cư trên bị phong tỏa do liên quan đến dịch COVID-19, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã yêu cầu ngành Y tế quận 1 không thực hiện phong toả chung cư này.
Theo lãnh đạo HCDC, nhiều tháng qua, TP.HCM không thực hiện cách ly, phong tỏa khu dân cư nào vì xuất hiện ca nhiễm hay ổ dịch COVID-19.
Nguồn: http://danviet.vn/tphcm-quan-1-ly-giai-viec-phong-toa-chung-cu-de-phong-chong-dich-5020... Nguồn: http://danviet.vn/tphcm-quan-1-ly-giai-viec-phong-toa-chung-cu-de-phong-chong-dich-502022212222811754.htm
Phiếu xét nghiệm Covid-19 ở trạm y tế không ghi ngày tháng có bất thường?
Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn Thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) xuất hiện tình trạng người dân đi xét nghiệm Covid-19 tại trạm y tế phường nhận được phiếu trả kết quả không ghi rõ ngày tháng làm xét nghiệm.
Cụ thể, chị T.Th.Th ở phường Hải Lĩnh, Thị xã Nghi Sơn đến Trạm y tế phường Hải An (thị xã Nghi Sơn) làm test nhanh kháng nguyên và được cấp phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Trên tờ phiếu có ghi các thông tin giờ lấy mẫu, chữ ký kỹ thuật viên xét nghiệm, chữ ký và con dấu Trưởng trạm Y tế phường Hải An. Tuy nhiên, phiếu này lại không ghi rõ ngày, tháng.
Sự việc này được phát hiện ngay sau khi chị Th. mang giấy này đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực ở Nghi Sơn khám bệnh. Do giấy không đúng quy định, không rõ hiệu lực, bệnh viện từ chối và yêu cầu chị Th. phải làm test nhanh trước khi vào bệnh viện.
Trạm y tế xã Hải An (nay là phường Hải An, Thị xã Nghi Sơn) - nơi chị Th. làm xét nghiệm
Theo đại diện của Bệnh viện quốc tế Hợp Lực, thời gian gần đây bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp là công dân ở các phường khác trên địa bàn thị xã mang giấy test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 không ghi rõ thông tin ngày tháng nên không biết hiệu lực kết quả xét nghiệm từ khi nào, gây khó khăn cho chính người dân đã đi test.
Trước phản ánh của người dân, bà Lê Thị Mai - Trưởng Trạm y tế phường Hải An xác nhận có trường hợp của chị Th. và phân trần: Đây cũng chỉ là sơ xuất vì nhân viên y tế ít trong khi người dân đến làm xét nghiệm nhiều nên không tránh khỏi những thiếu sót.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thiệp - Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Nghi Sơn cho biết: Tôi cũng mới nhận được thông tin này và đang giao anh em rà soát tất cả 31 Trạm y tế phường để kiểm tra cụ thể. Kết quả cụ thể thế nào sẽ thông tin sau.
Khi được hỏi liệu có dấu hiệu bất thường như mua bán giấy test nhanh trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hay không? thì ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho rằng: Tôi cũng mới nhận thông tin và đang yêu cầu kiểm tra cụ thể.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/phieu-xet-nghiem-covid-19-o-tram-y-te-khong-ghi-ngay-thang-... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/phieu-xet-nghiem-covid-19-o-tram-y-te-khong-ghi-ngay-thang-co-bat-thuong-d543223.html
Bộ Y tế yêu cầu không bắt buộc xét nghiệm Covid-19 học sinh trở lại trường
Bộ Y tế vừa bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.
Bộ Y tế yêu cầu không bắt buộc xét nghiệm Covid-19 tất cả học sinh khi trở lại trường
Quy trình 4 bước như sau:
Bước 1: Khi có trường hợp F0, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường; chuyển ngay trường hợp F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.
Bước 2: Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức đến xử lý cùng.
Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0:
Giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Lực lượng chức năng tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế; xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo qui định.
Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.
Nếu là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính:
Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5 đối với những học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng Covid-19 theo qui định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid -19).
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 5 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.
Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7 đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vacine phòng Covid -19; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 3 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện thông điệp 5K.
Bộ Y tế lưu ý, trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác, … hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Nhà trường để theo dõi và xử trí theo qui định.
Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.
Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,…hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì phụ huynh/giáo viên chủ nhiệm thông báo ngày nhà trường và trạm y tế để theo dõi và xử trí theo qui định.
Bước 4:
Đối với lớp có học sinh F0: Sau khi xác định đối tượng là F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Đối với học sinh các lớp học khác: Nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường; Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với trường hợp F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với trường hợp là F1 đó và xử lý F1 như bước 3.
Không bắt buộc tất cả học sinh test Covid-19
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở,… hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Trường hợp phát hiện học sinh là F0 đang ở tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, báo ngay với nhà trường và trạm y tế cấp xã. Nhà trường, trạm Y tế cấp xã tiến hành truy vết các trường hợp học sinh là F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 như trên.
Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế yêu cầu, nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành GD&ĐT, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.
Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác; Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.
Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường); Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-y-te-yeu-cau-khong-bat-buoc-xet-nghiem-covid-19-hoc-sinh... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-y-te-yeu-cau-khong-bat-buoc-xet-nghiem-covid-19-hoc-sinh-tro-lai-truong-d543239.html
Ca mắc Covid-19 liên tục lập đỉnh, bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội ra sao?
Trong tuần qua, Hà Nội liên tiếp lập đỉnh ca mắc mới Covid-19 với con số trên 3,9 nghìn ca, tăng dần lên hơn 4 nghìn và chiều 21/2, ghi nhận 5.477 ca bệnh (trong đó có 1.518 ca cộng đồng; 3.584 ca đã cách ly).
Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến cuối, nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ghi nhận không xảy ra tình trạng quá tải, vẫn hoàn toàn đáp ứng điều trị.
BV Đa khoa Thanh Nhàn vẫn chủ động kế hoạch điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, tại đây đang điều trị khoảng 250 bệnh nhân Covid-19, trong số này có khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong mấy ngày vừa qua số ca nhập viện cũng tăng hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, theo kế hoạch bệnh viện bố trí được 350 giường điều trị cho bệnh nhân nặng.
"Chúng tôi chủ động triển khai công tác điều trị, bệnh nhân đến đâu chúng tôi sẽ nhận đến đó. Chưa xảy ra hiện tượng quá tải. Với tình hình ca mắc tăng chung thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, hiện số ca Covid-19 tử vong cũng không tăng so với trước Tết. Hầu hết ca tử vong là người cao tuổi, bệnh nền, tiêm vaccine chưa đủ mũi, hoặc chưa tiêm vaccine”, bà Hương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho hay: “Bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị khoảng 300 bệnh nhân Covid-19. Con số này vẫn duy trì so với dịp trước và trong Tết, tuy nhiên số ca nặng có giảm đi. Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Cơ bản vẫn đảm bảo công tác điều trị”.
Tại BV Điều trị Covid-19, BV Đại học Y Hà Nội, hiện số ca đang điều trị Covid-19 cũng duy trì khoảng 200 bệnh nhân.
Làm gì để hạn chế gánh nặng cho tuyến cuối?
Để hạn chế gánh nặng cho hệ thống điều trị tuyến cuối, bà Hương khuyến cáo, khi người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền khi mắc Covid-19 phải khai báo y tế để có sự kiểm soát, theo dõi bệnh hàng ngày, kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến điều trị. “Có nhiều ca tự ý giữ tại nhà điều trị, đến khi suy hô hấp, SpO2 giảm mới thông báo y tế, sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị, và dù đưa thẳng vào tuyến cuối, nguy cơ tử vong cũng rất cao”, bà Hương nói.
Theo khuyến cáo của PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc BV Điều trị Covid-19, số bệnh nhân Covid-19 những ngày tới có thể sẽ tăng, tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine sẽ bị nhẹ hơn. Dù vậy, mỗi người cần phải tuân thủ quy tắc 5K, không hoang mang và cũng đừng chủ quan để tránh lây nhiễm cho những người yếu thế, nguy cơ cao nhiễm, trở nặng và dễ tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội cũng đã khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.
Khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-Covid, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mac-covid-19-lien-tuc-lap-dinh-benh-vien-tuyen-cuoi-tai-... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mac-covid-19-lien-tuc-lap-dinh-benh-vien-tuyen-cuoi-tai-ha-noi-ra-sao-d543158.html
Nghệ An thêm 2538 ca nhiễm Covid-19, Tp.Vinh thông báo cấp độ dịch trên địa bàn
Tối 21/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua Nghệ An ghi nhận 2538 ca nhiễm, trong đó có 533 ca cộng đồng, có 6 ca tử vong.
Từ 18h00 ngày 20/2 - 06h00 ngày 21/2, Nghệ An ghi nhận 1.291 ca dương tính mới với Covid-19.
Trong đó, có 341 ca cộng đồng; 950 ca đã được cách ly từ trước (945 ca là F1, 5 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Diễn Châu, Tp.Vinh, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Có 5 bệnh nhân tử vong.
Từ 06h00 đến 18h00 ngày 21/02/2022), Nghệ An ghi nhận 1.247 ca dương tính mới với Covid-19. Trong đó có 192 ca cộng đồng; 1055 ca đã được cách ly từ trước (1050 ca là F1, 05 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Quỳnh Lưu, Tp.Vinh, Yên Thành, Nam Đàn, Diễn Châu. Số ca tử vong trong 12h qua 1 bệnh nhân.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 51.948 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 25.683 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong 80 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 26.185 bệnh nhân.
Tp.Vinh công bố cấp dịch mới.
UBND Tp.Vinh vừa có Công văn số 63/TB-UBND ngày 21/2 về việc Thông báo cấp độ dịch trên địa bàn Tp.Vinh cập nhật đến 16 giờ chiều 21/2/2022.
Theo đó, trên địa bàn Tp.Vinh chỉ còn 3 phường đang ở cấp độ 4 (vùng đỏ nguy cơ rất cao) bao gồm: Lê Mao, Trung Đô và Cửa Nam.
Toàn bộ 22 địa phương còn lại ở mức cấp độ 3 (vùng cam) bao gồm: Trường Thi, Hưng Bình, Nghi Phú, Bến Thủy, Hưng Dũng, Đông Vĩnh, Lê Lợi, Nghi Ân, Hưng Hòa, Hưng Lộc, Quang Trung, Hưng Đông, Vinh Tân, Nghi Liên, Đội Cung, Hưng Phúc, Hồng Sơn, Hưng Chính, Nghi Đức, Quán Bàu, Hà Huy Tập, Nghi Kim.
Như vậy, hiện dịch Covid - 19 tại các địa phương trên địa bàn TP.Vinh cơ bản đều đã "giảm nhiệt" khi từ cấp độ 4 trở về cấp độ 3. Tuy nhiên, tại phường Hà Huy Tập và Nghi Kim từ vùng cấp độ 2 (vùng vàng) đã tăng lên cấp độ 3 (vùng cam).
Theo Công văn số 3896 của UBND tỉnh Nghệ An, đối với các địa phương cấp độ 4, dịch vụ ăn uống không được phép bán hàng tại chỗ, chỉ được bán mang về, các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao phải dừng hoạt động...
Đối với cấp độ 3, dịch vụ ăn uống được phép mở cửa đón khách trực tiếp tuy nhiên phải giảm 50% số lượng khách trong cùng một thời điểm. Các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như làm đẹp, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử tiếp tục dừng hoạt động. Riêng cơ sở làm tóc được phép hoạt động 1/2 công suất.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-2538-ca-nhiem-covid-19-tpvinh-cong-bo-cap-dich-... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-2538-ca-nhiem-covid-19-tpvinh-cong-bo-cap-dich-moi-a543755.html
Hà Nam phát hiện 2.222 F0 ở khu phong tỏa và tại nhà
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, liên tiếp những ngày qua số ca mắc trên địa bàn tăng mạnh. Ngày hôm qua (21/2) số mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 329 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Luỹ kế từ khi xuất hiện ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý vào chiều 19/9/2021 đến sáng 22/2/2022, Hà Nam ghi nhận 9.984 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.
Phân bố ca bệnh ghi nhận theo hình thức cách ly:
Tại cộng đồng: 55
Tại các khu cách ly: 910
Tại khu phong tỏa, tại nhà: 2.222
Sàng lọc y tế: 6.797
Liên quan đến các ca bệnh COVID-19, toàn tỉnh Hà Nam hiện đang thực hiện cách ly y tế 14.621 người.
Về kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19:
Tổng số mũi tiêm cho người trên 18 tuổi: 1.688.454 mũi ( mũi 1: 608.332; mũi 2: 585.540; mũi 3: 494.582).Tổng số mũi tiêm cho người từ 12-14 tuổi: 76.107 mũi (trong đó, mũi 1: 38.513 , mũi 2: 37.594).Tổng số mũi tiêm cho người từ 15-17 tuổi: 64.557 mũi (trong đó: mũi 1: 32.922, mũi 2: 31.635).
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-nam-phat-hien-2222-f0-o-khu-phong-toa-va-tai-nha-169220222... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-nam-phat-hien-2222-f0-o-khu-phong-toa-va-tai-nha-169220222101426809.htm