Sau chưa tròn tuần đến trường, hàng chục học sinh tại thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế phải đi cách ly y tế tập trung do liên quan ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Đến trường chưa tròn tuần, gần 70 học sinh phải cách ly tập trung
Chiều 23/9, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Huy, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Trà (TT-Huế) cho biết, tại phường Hương Chữ (Hương Trà) vừa ghi nhận có ca mắc COVID-19 khiến nhiều học sinh phải đi cách ly y tế tập trung. Cùng với đó, 4 trường từ mầm non đến THCS tại Hương Chữ phải tạm dừng dạy, học tập trung.
Cụ thể, tại trường Tiểu học số 1 Hương Chữ (phường Hương Chữ, Hương Trà), 31 em học sinh được đưa đi cách ly, toàn bộ 490 học sinh của trường phải dừng học tập trung.
Lực lượng chức năng tại Hương Chữ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch
Tại trường THCS Lê Quang Tuyến (Hương Chữ), cũng do liên quan một ca nghi dương tính với SARS-CoV-2 là học sinh nên 36 học sinh lớp 6/1 của trường cũng phải cách ly.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bên cạnh thực hiện test nhanh diện rộng cho người dân, hơn 1.400 học sinh toàn phường Hương Chữ (thuộc các trường mầm non, tiểu học, THCS) đã được cho nghỉ học tập trung.
“Các trường tại Hương Chữ đã cho học sinh nghỉ học tập trung để chuyển sang dạy, học trực tuyến và qua truyền hình như trước đây. Do hôm nay, tại phường Hương Chữ tập trung test nhanh cho người dân, học sinh và truy vết các F1, F2, nên việc tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình tạm thời chưa thực hiện”, bà Nguyễn Thị Huy thông tin.
(Theo Tiền Phong)
Lịch trình của người phụ nữ bán hàng ăn dương tính SARS-CoV-2, có đi chợ mua thịt và hoa quả
Theo ngành Y tế tỉnh Hải Dương, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Công dân này sinh năm 1971 (nữ), trú tại thôn Tân An, xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc) làm nghề bán hàng ăn tại thôn Nghiên Phấn, xã Gia Xuyên (TP. Hải Dương), gần chợ đầu mối nông sản Hải Dương.
Qua truy vết của cơ quan chức năng, ca dương tính có lịch trình di chuyển cụ thể như sau: Hàng ngày công dân bán hàng ăn tại quán Thanh Hải và ăn nghỉ tại quán ít khi về nhà ở thôn Tân An, xã Yết Kiêu.
Ca dương tính mới nhất ở Hải Dương là người phụ nữ bán hàng ăn gần chợ đầu mối nông sản. Ảnh: Đ.Tùy
Trong các ngày 16/9 và 17/9, công dân có tiếp xúc với một số lái xe (T.L.T, Đ.K.C, H.V.Đ, V.Đ.N.L) vận chuyển hàng hóa từ Thừa Thiên - Huế đến chợ đầu mối nông sản Hải Dương để mua hàng và đến quán ăn của công dân mua mang về. Khi các lái xe này làm xét nghiệm PCR tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Sáng 19/9 nữ chủ quán ăn có đi lấy thịt tại chợ Hui (phường Thạch Khôi) và vào 9h sáng 21/9, trường hợp này đi từ quán ăn về nhà thôn Tân An (xã Yết Kiêu). Trên đường công dân có mua hoa tại chợ Buộm.
Ngày hôm qua, sau khi có thông tin những tài xế nói trên dương tính với SARS-CoV-2, Trung tâm Y tế TP. Hải Dương đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xét nghiệm và sáng nay cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Cùng với việc truy vết các trường hợp F1, F2, lực lượng chức năng tiến hành nhiều biện pháp khẩn trương ứng phó. Đóng cửa, phong tỏa tạm thời chợ đầu mối nông sản Hải Dương và xét nghiệm toàn bộ các tiểu thương tại chợ...
(Theo Gia đình và Xã hội)
Hà Nam: Khởi tố vụ án liên quan người phụ nữ mắc COVID-19 về từ TP Hồ Chí Minh
Sáng 23/9, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" để điều tra, xử lý đối với một phụ nữ không chấp hành quy định về phòng, chống dịch.
Đối tượng điều tra của vụ án là một phụ nữ tên là N.T.L (35 tuổi, quê quán ở xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Kết quả điều tra ban đầu xác định, vào cuối tháng 8, chị N.T.L đi từ TP. Hồ Chí Minh (thời điểm này đang là vùng dịch COVID-19 và áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng) về tỉnh Hà Nam bằng xe máy.
Ngày 23/8, khi về đến Hà Nam, chị N.T.L không khai báo y tế theo quy định mà đi tìm nhà trọ để ở.
Khi chủ nhà trọ yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 thì mới cho ở trọ, chị N.T.L đã đến một phòng khám trên địa bàn thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) làm xét nghiệm, nhưng lại khai với cơ sở y tế làm xét nghiệm là đi từ Nam Định về.
Kết quả điều tra xác định người phụ nữ không thực hiện các quy định về phòng dịch, gây nguy cơ dịch cho tỉnh Hà Nam - Ảnh: CA Hà Nam
Đến ngày 24/8, kết quả xét nghiệm xác nhận chị N.T.L nhiễm COVID-19.
Rà soát lịch trình tiếp xúc của người phụ nữ này, cơ quan chức năng đã truy vết được 75 trường hợp F1 ở Hà Nam.
Thống kê của cơ quan công an cũng cho biết, ngoài gây nguy cơ dịch, các cơ quan y tế địa phương tiến hành phun khử khuẩn và áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch đối với trường hợp này với chi phí trên 600 triệu đồng.
Sau khi khởi tố vụ án, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của chị N.T.L và các trường hợp có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Tiền Phong)
Sóc Trăng hỏa tốc kiểm soát dịch trong trạng thái "bình thường mới"
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu vừa có chỉ đạo “hỏa tốc” về việc tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”. Thời gian thực hiện kể từ ngày 23/9/2021 đến khi có thông báo mới.
Theo đó, kể từ 21h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau, người dân tuyệt đối không ra đường (trừ trường hợp cấp cứu; các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; lực lượng phòng, chống thiên tai; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas, phương tiện đưa đón công nhân của doanh nghiệp).
Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có 1 xã đang ở mức "nguy cơ rất cao" (vùng đỏ), đó là xã Lai Hòa. Đây là xã giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giao Công an tỉnh này chủ trì, phối hợp Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trong những ngày qua, có nhiều người dân tỉnh Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập ngoài tỉnh tự ý trở về địa phương bằng phương tiện cá nhân. Dự báo trong thời gian sắp tới, số người dân trở về từ các vùng có dịch sẽ càng nhiều hơn. Điều này dẫn đến mối nguy cơ rất lớn từ bên ngoài vào trong địa bàn tỉnh.
Do đó, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng kích hoạt lại các khu cách ly y tế tập trung để sẵn sàng tiếp nhận cách ly đối với người của tỉnh Sóc Trăng trở về từ các vùng có dịch Covid-19.
Đồng thời giao Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng kiểm tra điều kiện hoạt động của các khu cách ly y tế tập trung tại các huyện, thị xa, thành phố và chịu trách nhiệm điều tiết đối với số người của tỉnh Sóc Trăng trở về từ các vùng có dịch Covid-19 thực hiện cách ly tập trung tại các khu cách ly trên phạm vi toàn tỉnh.
Trước đó, ngày 22/9, Sóc Trăng ghi nhận 29 ca mắc mới, đều tại địa bàn thị xã Vĩnh Châu, trong đó có 1 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng (ở xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu), 5 ca là F1 đã được quản lý trước đó và 23 ca phát hiện qua sàng lọc trong khu vực phong tỏa.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với khu vực dân cư thuộc ấp Tham Chu, xã Vĩnh Tân và toàn xã Lai Hòa của thị xã Vĩnh Châu.
Đó là tuyến QL Nam sông Hậu thuộc ấp Tham Chu, xã Vĩnh Tân (chiều dài 650m, gồm 141 hộ, với 567 nhân khẩu); toàn xã Lai Hòa gồm 11 ấp (có 5.037 hộ với 27.228 nhân khẩu). Thời gian áp dụng trong vòng 15 ngày, kể từ 13h ngày 22/9/2021.
Long An: Hơn 130 người bị "mắc kẹt" ở Tân Thạnh do Đồng Tháp "đóng cửa"
Đến chiều 23/9, vẫn còn 137 người các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… đang “mắc kẹt” tại khu vực giáp ranh giữa Long An và Đồng Tháp.
Những người này quê ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… làm công nhân ở các khu công nghiệp huyện Đức Hòa, Bến Lức (Long An), nay dịch tạm lắng nên tìm đường về quê.
Tuy nhiên, chốt giáp ranh với Long An phía Đồng Tháp không có chủ trương "mở cửa" nên nhiều người bị kẹt.
Vẫn còn 137 người "mắc kẹt" ở ranh giữa huyện Tân Thạnh (Long An) và huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp
Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh đang gửi công văn đến các tỉnh có công dân “mắc kẹt” ở huyện Tân Thạnh để hỗ trợ đưa họ về quê. Những công dân này đã có tiêm vắc xin mũi 1, có người đã tiêm mũi 2 và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Trong thời gian chờ các tỉnh tiếp nhận, tỉnh Long An tạm thời bố trí họ vào khu cách ly của huyện Tân Thạnh, đồng thời hỗ trợ ăn uống cho đến khi được tiếp nhận.
Ông Bùi Quốc Bảo, Bí thư huyện ủy Tân Thạnh cho biết, khi Long An và các tỉnh miền Tây thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thì lượng người miền Tây làm việc ở các tỉnh Bình Dương, Long An, TP.HCM tìm cách về quê theo tuyến QL N2 khá đông, mỗi ngày có trên 2.000 người. Những người này đều đã tiêm vắc xin và có giấy xét nghiệm âm tính.
(Theo Báo Giao Thông)
TP Vinh chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 từ 0h ngày 24/9
Chiều 23/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 đối với tất cả các xã phường của TP Vinh.
Cụ thể, TP Vinh sẽ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với tất cả các xã phường ở TP Vinh từ 0h ngày 24/9.
Trừ các khu vực đang thực hiện cách ly y tế gồm: chung cư HTX Trung Đô (phường Bến Thủy), chung cư CT1A Handico 30 (phường Quang Trung).
Việc chuyển sang Chỉ thị 19 ở TP Vinh khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được khống chế. Nhiều ngày liên tiếp thành phố không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.812 BN mắc COVID-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.682 BN, chỉ còn 114 BN đang điều trị.
Lũy tích số liều đã tiêm vaccine trên địa bàn là 460.410 liều; có 81.079 người tiêm đủ 2 liều, số người tiêm tối thiếu 1 mũi 379.331.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Người từ các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 có được vào Hà Nội?
Từ 6h ngày 21/9/2021, TP Hà Nội áp dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm soát người và phương tiện ra/vào thành phố.
Theo đó, người dân trở về từ các địa phương không giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng thực hiện theo hướng dẫn của Công an thành phố. Người về từ các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải được cấp có thẩm quyền xem xét, đồng ý bằng văn bản trước khi di chuyển vào thành phố.
Nhiều người dân băn khoăn, với chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội, thì người về từ các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg muốn vào Hà Nội thì phải làm như thế nào?
Chốt số 1 kiểm soát người điều khiển phương tiện ra vào Hà Nội trên tuyến QL1A
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 23/9, tại Chốt kiểm dịch số 1 trên QL1A, lượng người từ lao động tự do, kinh doanh, công nhân kẹt lại Hà Nội, cũng như các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình…ra/vào quay trở lại Hà Nội khá đông.
Tất cả các trường hợp qua Chốt đều phải tiến hành hành khai báo y tế, xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, giấy tờ tùy thân và các giấy tờ chứng minh lý do ra/vào Hà Nội.
Trực tiếp chỉ huy Tổ công tác tại Chốt kiểm dịch số 1, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường - Phó đội trưởng Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, theo qui định của UBND thành phố, người dân tới/trở về từ các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải đưa đi cách ly tập trung.
Riêng đối với những trường hợp người từ địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg mà thuộc đối tượng đi cấp cứu, điều trị bệnh, phải có giấy chuyển viện đi kèm, xác nhận điểm tới là bệnh viện nào. Sau đó, người và phương tiện chở người đi cấp cứu qua Chốt phải đến thẳng bệnh viện để tiến hành kiểm soát tại bệnh viện theo quy định.
"Đối với người từ địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến các chốt kiểm dịch sẽ được hướng dẫn ngay vào lều riêng ngồi để cách ly. Lực lượng y tế tại chốt sẽ tiến hành phun khử khuẩn, làm các thủ tục để đưa đi cách ly tập trung hoặc hướng dẫn đến thẳng bệnh viện theo quy định", Thiếu tá Cường cho hay.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), chỉ huy ca công tác Chốt kiểm dịch số 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thông tin, đối với bệnh nhân không phải từ các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào Hà Nội khám chữa bệnh thì phải xuất trình hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố. Những trường hợp này chỉ cần test nhanh là qua chốt.
Còn đối với người đi vào Hà Nội thăm con ốm, chăm người nhà bệnh nhân… thì cần có một giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú về sự việc đó, và khi qua chốt cần test nhanh.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, từ ngày 21/9 đến nay, lượng người qua 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào Thành phố có tăng hơn những ngày trước. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 20.000 lượt phương tiện qua 22 chốt kiểm dịch ra vào thành phố, gần 3.000 phương tiện không đủ điều kiện sẽ phải yêu cầu quay đầu.
Như từ 11h ngày 22/9 đến 11h ngày 23/9, các chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào Thành phố đã kiểm soát 20.530 lượt phương tiện (trong đó 41 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 27.307 lượt người qua chốt; yêu cầu 2.986 lượt phương tiện quay đầu (1.866 lượt không vào Thành phố, 1.120 lượt không ra ngoài Thành phố).
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 22 của UBND TP Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới, tại 22 chốt kiểm soát ra/vào cửa ngõ Thủ đô, lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm soát 100% phương tiện, người dân ra/vào. Dù Hà Nội đã điều chỉnh biện pháp chống dịch, nhưng vẫn áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên các chốt kiểm soát phải tăng cường chốt trực, nỗ lực kiểm soát để góp phần kiềm chế dịch bệnh.
(Theo Báo Giao Thông)
Thành phố Phủ Lý đề nghị thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ chiều nay 23/9
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nam cho biết, diễn biến của đợt dịch mới tại thành phố Phủ Lý vẫn rất phức tạp.
Cụ thể, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp Real-Time PCR, trong ngày và đêm 22/9, CDC tỉnh Hà Nam tiếp tục phát hiện thêm 14 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp mã bệnh.
Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470 là chị Đ.T.T., ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9, đến sáng nay (23/9), Hà Nam ghi nhận 49 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.
Nhiều khu phố, khu dân cư tại thành phố Phủ Lý bị phong toả, bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch - Ảnh: Hoàng Long
Đáng chú ý là trong các ca dương tính của đợt dịch này, có tới hơn 20 học sinh thuộc các trường học trên địa bàn và hàng chục công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh.
Đặc biệt, nhiều ca dương tính đến nay chưa tìm được nguồn lây.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, sáng nay, 23/9, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, ông Trương Quốc Bảo đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Hà Nam áp dụng biện pháp cách ly xã hội đối với toàn thành phố Phủ Lý theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian đề nghị bắt đầu thực hiện giãn cách là từ 18 giờ ngày 23/9.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Phủ Lý đang diễn biến rất phức tạp, phát sinh nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 (không rõ nguồn lây) ở 13 đơn vị phường, xã, trong đó nhiều ca là học sinh, công nhân.
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho nhân dân và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội của tỉnh, UBND thành phố trân trọng đề nghị UBND tỉnh áp dụng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Phủ Lý”, tờ trình của UBND thành phố Phủ Lý nêu.
Nguồn tin của Tiền Phong tại Hà Nam cho biết, sau khi tiếp nhận tờ trình, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đã họp và cơ bản đồng ý với đề xuất nêu trong tờ trình trên.
Trong một diễn biến liên quan đến việc giãn cách xã hội tại thành phố Phủ Lý, đại diện Sở Công thương tỉnh Hà Nam cho biết, nhận định đợt dịch này rất phức tạp nên ngay từ khi bắt đầu xuất hiện dịch, Sở Công thương đã yêu cầu Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, nhất là Phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân và nhân dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẵn có và đẩy mạnh sản xuất để ứng phó với dịch bệnh trong thời gian dài và liên tục.
Đặc biệt, Sở Công thương Hà Nam đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động phương án đảm bảo nguồn hàng ổn định. Theo đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đều đã có kế hoạch dự trữ, tăng lượng hàng hóa lên thêm ít nhất 30% so với ngày thường.
Như vậy, nếu thực hiện giãn cách, người dân thành phố Phủ Lý không cần lo lắng về việc khan hiếm hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
(Theo Tiền Phong)
Thủ tướng yêu cầu không để tụ tập đông người nơi công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng
Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện 6763/CĐ-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Hà Nam, Kiên Giang về việc chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Một số nơi có tình trạng tập trung đông người, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch. Ảnh minh họa: Chí Cường.
Công điện nêu rõ:
Trong mấy ngày vừa qua, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tại một số địa phương đã có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, một số nơi xuất hiện các ổ dịch mới. Để kịp thời chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:
1. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra không để tụ tập đông người nơi công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
2. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Y tế thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc để bóc tách F0, có biện pháp quản lý F1 hiệu quả đối với các khu vực phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng, kiên quyết không để lây lan rộng.
3. Các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất kiểm soát dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Nhiều huyện thị tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 15
Ngày 23/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành công văn về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, trừ huyện Côn Đảo và các khu vực đang có lệnh phong tỏa, còn lại toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, bắt đầu từ 0h ngày 23/9 cho đến khi có thông báo mới.
Huyện Côn Đảo sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 19, bắt đầu từ 0h ngày 23/9 cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, tỉnh này chưa cho phép các phương tiện vận tải hành khách ra - vào Côn Đảo, người dân tiếp tục thực hiện nghiêm 5K.
Riêng tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy đến Côn Đảo được phép hoạt động, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ về người và phương tiện, đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tạm dừng các hoạt động như: dịch vụ ăn uống có tổ chức hát với nhau; buffet; chợ đêm, nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc, vũ trường, quán bar; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập internet; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời, khu vực thể dục công cộng; các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng. Đáng chú ý, địa phương này vẫn cấm các hoạt động tắm biển.
Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị thuyền, thúng máy để đi biển đánh bắt trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội. (Ảnh: B.Ngọc).
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho phép và nới lỏng nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, sự kiện. Tất cả các hoạt động được phép này, UBND tỉnh đều ban hành kèm phụ lục hướng dẫn thực hiện.
Cụ thể, cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 10 người trong một phòng (diện tích tối thiểu là 40m), trường hợp cần thiết phải tổ chức với số lượng người tham dự vượt quá quy định nêu trên thì phải được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, các cơ sở sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên cũng một huyện, thị, thành phố thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi làm.
Điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp và cá nhân người lao động phải đăng ký lịch trình di chuyển, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận.
Về hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp, người lao động được đi làm ngoài địa bàn huyện, thị, thành phố nơi mình cư trú nhưng phải được sự cho phép của UBND cấp huyện. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Các cảng cá, tàu đánh cá, ngư dân được hoạt động trở lại khi đáng ứng đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch theo quy định.
Về hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch, các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng thiết yếu phải đánh giá an toàn trong phòng chống dịch trước khi trở lại hoạt động. Chợ truyền thống được mở cửa trở lại và chỉ bán hàng hóa thiết yếu.
Đặc biệt, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, dịch vụ ăn uống được hoạt động buôn bán trở lại nhưng thông qua hình thức mua bán trực tuyến, không bán trực tiếp.
Cho phép thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín như: Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo.
Đối với hoạt động đầu tư xây dựng, các công trình xây dựng được hoạt động trở lại, nhà ở riêng lẽ phải có hàng rào che chắn xung quanh khi thi công, với số lượng không quá 10 người.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đến nay tỉnh này có 70/82 xã, phường, thị trấn đã kiểm soát dịch bệnh, chuyển sang “vùng xanh”, số còn lại là “vùng vàng" và "vùng cam”, không có “vùng đỏ” trên bản đồ COVID-19 của địa phương.
(Theo Người Đưa Tin)
Toàn Đồng Tháp đã thành "vùng xanh", khôi phục hoạt động kinh tế
Từ 0h ngày 23/9, thành phố Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Như vậy, đến nay 12 huyện, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện Chỉ thị 15 và các quy định, biện pháp cao hơn.
Đây là một bước chuyển, cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Đồng Tháp nới lỏng giãn cách xã hội xuống Chỉ thị 15 tại 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, trong ngày 22/9, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục duy trì giảm mức dưới 30 ca.
Tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có buổi đối thoại với doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ”, đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm lao động, khuyến khích tuyển lao động tại chỗ để mở rộng sản xuất, hạn chế tuyển dụng lao động ngoài địa bàn nhằm giảm mật độ người di chuyển; nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý việc đi lại của người dân bằng thẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương triển khai tiếp nhận và tiêm vắc xin ngay khi được phân bổ đợt mới. Tính đến nay, có 27% dân số tỉnh Đồng Tháp được tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 và 5,56% dân số đã được tiêm mũi 2.
(Theo Báo Giao Thông)
NÓNG: HĐND TP HCM thông qua gói hỗ trợ thứ 3, yêu cầu chính quyền triển khai ngay
Thường trực HĐND TP HCM vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịcH COVID-19 đợt 3 tại phiên họp ngày 22-9.
Nghị quyết này quy định hỗ trợ cho 5 nhóm đối tượng:
1. Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn;
2. Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
3. Người phụ thuộc của đối tượng 2, gồm cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
4. Cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
5. Người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và có mặt trên địa bàn.
Theo Nghị quyết, TP HCM sẽ không hỗ trợ cho người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021.
Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ ngân sách TP HCM, thực hiện chi trả 1 lần.
Việc chi hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
HĐND TP HCM giao UBND TP HCM chỉ đạo triển khai ngay công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng.
Trước đó, theo thống kê của các quận, huyện và TP Thủ Đức, trong thời gian tới, trên địa bàn TP HCM sẽ có gần 2.000.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 6.400.000 nhân khẩu; người đang lưu trú tại TP HCM thật sự khó khăn.
UBND TP HCM cho biết số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7.347.116 người. UBND TP HCM đang chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, đối chiếu, xét duyệt danh sách trình UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thẩm định, phê duyệt; cập nhật số liệu cuối cùng, đưa vào kế hoạch của UBND TP HCM để triển khai thực hiện.
(Theo Người Lao Động)
Thủ tướng yêu cầu không thu phí, trục lợi trong tiêm vắc-xin COVID-19
Văn phòng Chính phủ vừa có công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo công điện, thời gian vừa qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương.
Thủ tướng yêu cầu không thu phí, trục lợi trong tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch và trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch, tiêm chủng vắc-xin COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Qua đó bảo đảm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng lưu ý, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc-xin… phục vụ phòng, chống dịch phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.
Trong công điện nêu rõ, nghiêm cấm mọi hành vi tiêu cực tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua sắm, sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế, các sinh phẩm xét nghiệm và tiêm chủng vắc-xin COVID-19.
Người đứng đầu Chính phủ yêu tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đúng quy trình, nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân trên tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để dịch bệnh lây lan. Không được thu phí tiêm chủng hay bất kỳ biểu hiện trục lợi nào khác trong việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho người dân.
(Theo Người Lao Động)