COVID-19 25/2: F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều địa phương ra công điện khẩn

K.T - Ngày 25/02/2022 12:14 PM (GMT+7)

Số ca COVID-19 tăng vọt lên 69.128 F0 tại 62 tỉnh, thành; nhiều hơn hôm qua gần 8.800 ca. Số ca mắc là giáo viên và học sinh trong trường học liên tục tăng. COVID-19 đã khiến trường học trên cả nước luôn trong trạng thái phải chuyển đổi từ trực tiếp sang

10 diễn biến

F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều nơi tạm đóng cửa trường học

Gần 3 triệu học sinh dừng học trực tiếp vì COVID-19

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến nay, cả nước có gần 3 triệu học sinh trong hơn 17 triệu học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải dừng học trực tiếp vì COVID-19.

Với khối mầm non, 48 địa phương cho trẻ đến trường học trực tiếp. Còn hơn 1,45 triệu trẻ ở 15 tỉnh, thành phố phải dừng đến trường (chiếm 44,69%).

Nhiều địa phương đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng cao.

Nhiều địa phương đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng cao.

Các địa phương dừng dạy trực tiếp bậc mầm non: Hà Nội, Đà Nẵng (trừ 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ dưới 5 tuổi chưa đến trường), Bạc Liêu (trẻ dưới 5 chưa đến trường), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Đắk Lắk (TP Buôn Mê Thuột).

Khối tiểu học, 12 tỉnh, thành phố tạm đang đóng cửa trường học, tương đương gần 800.000 học sinh phải dừng học trực tiếp. Các địa phương gồm: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam.

Khối THCS, 4 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành) tương đương hơn 500.000 học sinh nghỉ ở nhà (chiếm 12,94%).

Khối THPT, 2 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Lào Cai, tương đương gần 250.000 học sinh nghỉ.

Chi tiết lịch học của 63 tỉnh, thành phố như sau:

COVID-19 25/2: F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều địa phương ra công điện khẩn - 2

COVID-19 25/2: F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều địa phương ra công điện khẩn - 3

COVID-19 25/2: F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều địa phương ra công điện khẩn - 4

COVID-19 25/2: F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều địa phương ra công điện khẩn - 5

COVID-19 25/2: F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều địa phương ra công điện khẩn - 6

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, F0 liên tục tăng, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đều giảm cả 3 khối, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các nhà trường trong công tác tổ chức dạy học với yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường hỗ trợ học sinh về mọi mặt, không để học sinh nào bị gián đoạn việc học.

Đồng thời với yêu cầu duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường về việc đón học sinh đến trường học trực tiếp cần được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh.

Hiện trên địa bàn Thủ đô, trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành chưa được trở lại trường học trực tiếp. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, phương án đưa học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận và trẻ mầm non trên địa bàn thành phố trở lại trường sẽ được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt. Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thời tiết ấm áp trở lại và các điều kiện đón học sinh bảo đảm an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP. Hà Nội về lộ trình cụ thể.

Khoảng 50% cơ sở giáo dục tại Sơn La cho học sinh nghỉ học phòng dịch và giá rét: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết, hơn 300 cơ sở giáo dục ở tỉnh Sơn La đã quyết định cho học sinh nghỉ học. Theo tính toán, các đơn vị có thể tạm dừng đến trường trong 2 tháng nếu cần thiết.

Tại Hà Nam, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Theo đó, số ca F0 trong trường học đang có xu hướng gia tăng sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các trường tiểu học và THCS, nhiều em học sinh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Sở GD&ĐT Hà Nam đã có thông báo cho toàn bộ trẻ mầm non tạm nghỉ học cho đến khi có thông báo mới, học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 cũng được tạm thời nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến trong thời gian 2 tuần cho đến khi có thông báo mới.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-lien-tuc-tang-hoc-sinh-di-hoc-truc-tiep-giam-nhieu-noi-tam...

Hải Phòng: Số ca F0 tăng nhanh, hiệu thuốc bán mỗi nơi một giá

Mỗi nơi một giá

Theo phản ánh của người dân thành phố Hải Phòng, những ngày gần đây, các ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt khiến các công ty dược, hiệu thuốc đông nghịt khách mua hàng. Mặt hàng được tìm mua chủ yếu là các thiết bị y tế, dược phẩm dành cho người điều trị F0.

Tuy nhiên, giá bán các thiết bị y tế và thuốc tân dược tại các công ty dược, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế và các hiệu thuốc cũng khác nhau. Cùng một loại dược phẩm, nhưng giá bán mỗi nơi một kiểu.

Các hiệu thuốc ở Hải Phòng đông nghịt người mua.

Các hiệu thuốc ở Hải Phòng đông nghịt người mua.

Tại các hiệu thuốc lớn, các công ty dược, giá bán các loại siro, thuốc trị ho long đờm... dao động từ 60-100 nghìn đồng/ hộp (tùy loại - PV). Còn các hiệu thuốc nhỏ lẻ khác, giá bán dao động từ 120-150 nghìn đồng/hộp.

Điển hình như siro ho Hoa Cúc được một số công ty dược bán với giá 80 nghìn đồng/hộp thì tại một số hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân bán với giá 110 nghìn đồng/hộp.

Tương tự, thuốc trị ho long đờm Eugica được niêm yết với giá 25 nghìn đồng/lọ. Thế nhưng tại một số hiệu thuốc như Hiệu Thuốc H.P., hiệu thuốc T.N. (quận Ngô Quyền) lại đang bán với giá 35 nghìn đồng/lọ.

Không chỉ có các loại tân dược, việc các ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường kit test. Giá kit test nhanh Hàn Quốc trước đây được bán dao động từ 65-70 nghìn đồng/bộ. Thế nhưng những ngày qua, giá bán đã được đẩy lên 85-90 nghìn đồng/bộ, có những hiệu thuốc còn bán với giá 110 nghìn đồng/bộ.

Ngoài ra, các loại mặt hàng thiết yếu như nước muối xúc miệng, cồn 70-90 độ, thảo dược xông... cũng tăng giá. Giá một lọ cồn 70 độ 500ml, trước đó được bán giá từ 30-35 nghìn đồng thì nay có hiệu thuốc bán với giá 40 nghìn đồng/lọ.

Chị Hoàng Thu Hường, ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết, cách đây 6 hôm, vẫn ra mua kit test ở hiệu thuốc gần khu vực cầu Đen với giá 70 nghìn đồng/bộ, vậy mà vẫn sản phẩm đó hôm 24/2 giá đã là 95 nghìn đồng/bộ.

"Mỗi ngày một giá, chẳng biết đâu mà lần. Người mua thuốc có bao giờ được trả giá đâu, đắt cũng phải mua chứ", chị Hường thở dài.

Giá bán lẻ kit test mỗi hiệu thuốc một kiểu.

Giá bán lẻ kit test mỗi hiệu thuốc một kiểu.

Hiệu thuốc tự kê đơn, cắt thuốc

Không chỉ giá bán các loại thuốc tân dược, dược phẩm tăng nhanh "chạy đua" với số lượng các ca nhiễm COVID-19, tại một số hiệu thuốc ở Hải Phòng, dược sỹ còn thay bác sỹ tự kê đơn, bán thuốc điều trị COVID-19 cho những người điều trị tại nhà.

Trong vai người có nhu cầu mua thuốc điều trị COVID-19, chúng tôi đến hiệu thuốc T.D trên đường Hai Bà Trưng. Bên trong hiệu thuốc đang có một vài người hỏi mua thuốc điều trị COVID-19. Dược sỹ hướng dẫn người mua và đưa ra một bịch thuốc đã chia sẵn thành từng túi nhỏ, hướng dẫn mọi người mỗi bữa uống hết thuốc trong túi nhỏ đó và uống liên tục trong 7 ngày.

Giá bán thuốc điều trị COVID-19 do hiệu thuốc này tự kê đơn, bán cũng không hề rẻ. Tổng số tiền đơn thuốc cho một liệu trình điều trị là 2,2 triệu đồng. Nhìn qua các loại thuốc trong túi này, chúng tôi nhận thấy chủ yếu là thuốc trị ho, kháng viêm.

Tương tự, tại hiệu thuốc H.P, chúng tôi dễ dàng mua được thuốc điều trị COVID-19 do người bán hàng ở đây tự lên đơn và bán cho những người điều trị F0. Giá bán ở hiệu thuốc này từ 2,5 triệu đồng/liệu trình điều trị 7 ngày. Hiệu thuốc cam kết, nếu sau 7 ngày mà không âm tính trở lại, hiệu thuốc sẽ tiếp tục cấp thuốc điều trị miễn phí.

Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều người thân của các bệnh nhân nhiễm COVID-19 mua thuốc tại các hiệu thuốc này. Mặc dù không hề biết là người thân của mình đang dùng thuốc gì, nó có hiệu quả trong chữa trị bệnh COVID-19 hay không?

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hai-phong-so-ca-f0-tang-nhanh-hieu-thuoc-ban-moi-noi-mot-gi...

Hà Nội: F0, F1 lẫn lộn ra phường khai báo

Thời gian vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh. Liên tiếp trong nhiều ngày Hà Nội luôn là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong cả nước, như ngày 23-2 là 7.419 ca, ngày 22-2 là 6.860 ca…

Do số ca nhiễm tăng cao nên việc khai báo y tế, cấp giấy chứng nhận là F0 của người dân ở một số phường trên địa bàn Hà Nội cũng gặp khó khăn.

Mỗi nơi mỗi cách làm

Chị Thảo ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết khi bị dương tính với COVID-19, chị gọi vào số điện thoại của trạm y tế xã và được thêm vào danh sách nhóm Zalo để khai báo các thông tin cá nhân để được hướng dẫn y tế và theo dõi sức khỏe hằng ngày. Sau đó, chị Thảo đã được các nhân viên y tế tới phát thuốc để chị tự điều trị tại nhà.

“Đến ngày thứ bảy tự điều trị tại nhà, đúng ra tôi phải lên trạm y tế để test khẳng định đã âm tính. Nhưng trên đó họ báo đã hết kit test nên tôi tự test và gửi hình ảnh kết quả qua nhóm Zalo. Các giấy tờ liên quan sau khi khỏi bệnh sẽ được chuyển đến tận nhà hoặc sẽ được gọi ra lấy theo giờ để tránh tụ tập đông người, dễ nhiễm COVID-19 trở lại. Tôi thấy cách làm của xã nhanh và an toàn” - chị Thảo nói.

Không may mắn như trường hợp của chị Thảo, chị LTHV, hiện là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), cho biết chị cũng đang tự điều trị COVID-19. Trước đó, sau khi có kết quả dương tính, chị V đã ra Trạm y tế xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) để khai báo. Khi tới đây, nhân viên y tế đã phát cho chị mẫu để tự khai.

Tuy nhiên, theo chị V, khu vực lấy phiếu khai báo không được phân luồng rõ ràng, F1, F0, người đi xin giấy chứng nhận đã khỏi bệnh… đứng ngồi lộn xộn, không biết ai là ai. Điều này khiến chị lo lắng vì đông người như vậy rất dễ lây nhiễm.

“Trong lúc tôi khai báo, có bà cụ đã lớn tuổi đứng sát bên và cho biết cụ là F1. Lúc này tôi phải cảnh báo cho cụ biết tôi và nhiều người khác ở đây đang là F0, cụ không nên đứng gần. Mình ý thức như vậy nhưng nhiều F0 họ không nói” - chị V chia sẻ.

Cũng theo chị V, sau khi hoàn tất thủ tục khai báo, chị về phòng trọ và phải đến bốn ngày sau chị mới nhận được quyết định cách ly y tế của UBND xã Võng La.

Đông người dân đến Trạm y tế xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) làm thủ tục hoàn thành cách ly, điều trị. Ảnh: PHI HÙNG

Đông người dân đến Trạm y tế xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) làm thủ tục hoàn thành cách ly, điều trị. Ảnh: PHI HÙNG

Lực lượng nhân viên y tế mỏng

Theo ghi nhận của PV lúc 9 giờ sáng 24-2, tại khu vực Trạm y tế xã Võng La, thời điểm này rất đông người ra vào. Đa số người dân đến đây đều là các trường hợp F0, F1 đến để xin xác nhận kết thúc điều trị.

Tại lối vào bên trong khuôn viên của trạm y tế được thiết lập một hàng rào. Người dân đứng bên ngoài hàng rào hỏi vào trong và làm theo hướng dẫn của nhân viên phía trong để khai báo trên tờ khai.

Có mặt tại đây, chị Bình là công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết sau khi tự test ba lần cho kết quả âm tính tại nhà, sáng nay chị ra trạm y tế để xin xác nhận âm tính, kết thúc điều trị để quay lại công ty làm việc.

“Tôi thấy ở đây đông quá, không có phân luồng, nguy cơ tái nhiễm COVID-19 rất cao. Nên sau khi hỏi nhân viên và ghi tên vào danh sách, tôi phải đi ra phía ngoài ngay” - chị Bình nói.

Trao đổi với PV, một nhân viên của Trạm y tế xã Võng La cho biết trạm đang trong quá trình xây dựng, do đó chỉ có một lối vào duy nhất. Mỗi ngày có 200-300 trường hợp là F1, F0 đến trạm để làm các thủ tục cần thiết sau khi âm tính. Trong khi đó, nhân viên y tế chỉ có bảy người (tính cả nhân viên dược). Chưa kể, trong số nhân viên của trạm cũng bị nhiễm COVID-19 nên có lúc quá tải, khó kiểm soát hết mọi việc.

Trước đó, tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng chen chúc đông người đến làm thủ tục chứng nhận kết quả cách ly, điều trị tại nhà để đi làm trở lại.

Trước tình hình trên, lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết để tránh tình trạng tập trung đông người đến trạm y tế lấy mẫu xét nghiệm, địa phương sẽ có những điều chỉnh bằng việc tổ chức xét nghiệm theo giờ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, người dân có thể tự xét nghiệm ở các cơ sở y tế có chức năng và gửi kết quả cho y tế phường hoặc tự test tại nhà rồi quay clip gửi lại cho nhân viên y tế.

Nguồn: https://plo.vn/ban-doc/ha-noi-f0-f1-lan-lon-ra-phuong-khai-bao-1045172.html

Đồng Nai xuất hiện 2 trường hợp mắc Covid-19 biến thể Omicron

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết tình hình dịch COVID-19 tại Đồng Nai đang diễn biến phức tạp. Hiện địa phương đã xuất hiện 2 trường hợp mắc COVID-19 biến thể Omicron. Hai trường hợp này nhập cảnh từ Nhật Bản ngày 10/1 và từ Mỹ quá cảnh Nhật ngày 17/1. 

Người dân Đồng Nai được tiêm phòng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Người dân Đồng Nai được tiêm phòng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, 2 trường hợp này được lấy mẫu bệnh phẩm và gửi đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm giải trình tự gene. Kết quả cho thấy, cả 2 đều nhiễm biến thể Omicron. Các bệnh nhân đã được cách ly, điều trị ngay từ khi nhập cảnh.

Theo ông Vũ, tuần qua số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Đồng Nai tăng, do phát sinh lây nhiễm trong trường học khi học sinh đi học trở lại.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương định kỳ đánh giá cấp độ dịch hằng tuần theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Chính phủ. Các sở, ngành, địa phương phối hợp thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành nghiêm thông điệp 5K tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng… để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các sở, ngành cố gắng kiểm soát nguồn lây nhiễm tại các điểm nguy cơ cao như chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ...

Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-xuat-hien-2-truong-hop-mac-covid-19-bien-the-omicron-202202...

TPHCM bảo vệ nhóm nguy cơ là trẻ em

Theo bà Mai, dù số ca bệnh tăng nhưng số ca nhập viện, thở máy những tuần qua có xu hướng giảm; trong ngày, thành phố không có ca tử vong. Bà Mai khuyến cáo cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang.

Để ứng phó tình trạng số ca mắc COVID-19 ở học sinh gia tăng, Sở Y tế đã phối hợp chuyên gia bệnh nhi để xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị khi số trẻ mắc COVID-19 tăng nhanh, xây dựng những kịch bản phối hợp với Sở GD&ĐT để không bị động khi số ca mắc tăng. Thành phố sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc COVID-19 với 3 bệnh nhi với hơn 450 giường, trong đó hơn 150 giường hồi sức.

Mặc dù số ca mắc tăng nhưng gần 90% bệnh nhi đang được điều trị tại nhà. Các bệnh viện cũng đã có kịch bản khi số trẻ mắc COVID-19 gia tăng. Sở Y tế sẽ theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ em mắc, phối hợp với Sở GD&ĐT theo dõi tình hình học sinh mắc COVID-19 tại các trường. Sở Y tế đang tham mưu với UBND TPHCM về chương trình hành động để bảo vệ nhóm người nguy cơ là trẻ em.

Thành phố xác định việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của trẻ em là trên hết và trước hết. Thành phố đã có kế hoạch chăm sóc trẻ em bị nhiễm, cụ thể là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ gồm trẻ béo phì, trẻ có bệnh nền.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-bao-ve-nhom-nguy-co-la-tre-em-post1418815.tpo

Gần 2 nghìn ca mắc COVID-19 trong ngày, Buôn Ma Thuột triển khai bóc tách F0

Chiều 24/2, Sở Y tế Đắk Lắk thông tin trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1.914 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tích lũy lên 27.894 người. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận nhiều nhất với 954 ca bệnh.

Trước diễn biến dịch phức tạp, UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa ban hành kế hoạch xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đi lại, giao thương lớn, tập trung đông người tại các địa điểm du lịch và đi học trực tiếp khiến số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng, xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ tại hộ gia đình.

Tính đến ngày 23/2, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận tổng cộng 8.372 trường hợp mắc COVID-19, chiếm 34% số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, trong 7 ngày qua, thành phố này phát hiện 3.177 trường hợp mắc mới.

Trước tình hình trên, UBND TP.Buôn Ma Thuột ban hành kế hoạch xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên địa bàn. Kế hoạch trên nhằm mục đích tăng cường sàng lọc đối tượng có nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, hạn chế tối đa số ca mắc. Từ đây, chính quyền sẽ đánh giá kết quả quản lý, điều trị F0, cách ly y tế đối với F1 tại nhà, đánh giá đúng mức độ nguy cơ để đề ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

TP. Buôn Ma Thuột lên kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn.

TP. Buôn Ma Thuột lên kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc đối tượng nguy cơ cao như F1; xét nghiệm định kỳ F0 đang điều trị tại nhà. Dự kiến tổng số đối tượng cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 khoảng 1.500 mẫu/ngày, thực hiện theo hình thức test mẫu gộp, trường hợp phát hiện dương tính thực hiện test mẫu đơn.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, UBND TP.Buôn Ma Thuột đề nghị Sở Y tế hỗ trợ test nhanh kháng nguyên, số lượng 45.000 test (sử dụng khoảng 30 ngày).

Hiện UBND TP.Buôn Ma Thuột đã cho tạm dừng các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao (quán bar, karaoke…); toàn thành phố chỉ còn 2 khối (9 và 12) đi học trực tiếp, còn lại học gián tiếp.

Không riêng TP.Buôn Ma Thuột, dịch bệnh tại các địa phương khác của tỉnh cũng diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương ghi nhận ca mắc mới cao sau Tết Nguyên đán nên cấp độ dịch đã thay đổi chuyển từ “vùng xanh” lên “vùng vàng”. Hiện, Đắk Lắk chỉ còn 3 huyện Krông Búk, Cư M’gar và M’đắk đang “vùng xanh”.

Nguồn: https://tienphong.vn/gan-2-nghin-ca-mac-covid-19-trong-ngay-buon-ma-thuot-trien-khai-bo...

F0 ngồi nhà gửi kết quả test, hết cảnh xếp hàng xin chứng nhận ở phường

Thời gian qua, một số địa phương, người lao động điều trị Covid-19 tại nhà đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Điển hình, cảnh hàng trăm F0 chen chân xếp hàng ở trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chờ test nhanh để xin giấy xác nhận khiến người dân phát lo vì khả năng lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, ngày 24-25/2, PV Báo Giao thông ghi nhận thực tế tại trạm y tế một số phường ở quận Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) cho thấy, nhiều phường khá linh động trong việc cấp giấy chứng nhận F0.

Trạm y tế phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) ghi nhận vào sáng 25/2.

Trạm y tế phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) ghi nhận vào sáng 25/2.

Cụ thể, tại trạm y tế phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), phường Cống Vị, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm)... những trường hợp nghi ngờ F0 chỉ cần liên hệ với đường dây nóng của trạm y tế phường, sau đó được hướng dẫn tự xét nghiệm ở nhà. Nếu kết quả dương tính thì quay video hoặc chụp lại kết quả gửi đến phường.

Chính vì thế, tại các trạm y tế này không xuất hiện tình trạng đông người xếp hàng để xét nghiệm, thay vào đó chỉ một vài người đến khai báo.

Tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), nhân viên Trạm y tế phường hướng dẫn, muốn xin giấy chứng nhận F0, chỉ cần người dân nộp kết quả xét nghiệm dương tính và khai báo là F0. Kết quả xét nghiệm này không cần thực hiện tại phường, mà có thể xét nghiệm dịch vụ ở ngoài, hoặc tự mình xét nghiệm thì quay chụp lại.

Sau khi điều trị khỏi Covid-19, người dân lại nộp kết quả xét nghiệm âm tính, khi hết thời gian cách ly, Trạm Y tế phường sẽ cấp giấy chứng nhận F0 để người dân dùng nộp cho cơ quan, đơn vị bảo hiểm xã hội.

Sáng 25/2, chị N. (phường Cống Vị, Ba Đình) cho biết, nhà chị có nhiều người là trường hợp F1 và F0 nhưng không cần đến phường làm xét nghiệm, chỉ cần xét nghiệm ở nhà rồi chị cầm các chứng nhận xét nghiệm đến phường khai báo.

"Việc không cần đến phường xét nghiệm đã giúp người dân đỡ phải đi lại và tránh tụ tập đông người ở trạm y tế phường. Thay vào đó, chỉ cần một người trong gia đình đến phường khai báo để phường làm các thủ tục, hướng dẫn điều trị ở nhà", chị N. cho biết.

Nhân viên Trạm Y tế phường Cống Vị cũng cho biết, trường hợp F0 không cần đến phường xét nghiệm, chỉ cần gửi hình ảnh đến phường rồi phường sẽ làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận.

Tại quận Nam Từ Liêm, các Trạm y tế phường thực hiện xác nhận F0 theo quy trình khi người dân phát hiện mình là F0 sẽ được cán bộ y tế hướng dẫn gọi điện báo cho y tế phường. Sau đó sẽ được theo dõi và thông báo qua zalo.

Khi hết thời gian điều trị, cách ly, xác nhận âm tính, Trạm Y tế sẽ gửi xác nhận cho người dân qua zalo, facebook, không bắt buộc F0 phải đến trạm y tế.

Về thắc mắc "tự khai báo F0 có dẫn đến trường hợp khai báo gian dối để trục lợi BHXH", một nhân viên trạm y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm/người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa, nên khó có chuyện giả mạo F0 để trục lợi bảo hiểm xã hội.

"Những trường hợp giả mạo F0 để trục lợi bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật", nhân viên này cho hay.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/f0-ngoi-nha-gui-ket-qua-test-het-canh-xep-hang-xin-chung-nh...

Hải Dương kỷ luật cảnh cáo Trưởng trạm Y tế chửi cô gái F0 trong đêm

Ngày 25/2, Trung tâm y tế TP Hải Dương đã yêu cầu ông Nguyễn Duy Hợp, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên kiểm điểm tại đơn vị công tác.

Bên cạnh đó, Hội đồng kỷ luật của Trung tâm y tế TP đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Duy Hợp.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại cảnh một người được cho là Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chửi bới, xưng "mày, tao" khi cô gái bị mắc Covid-19 đến xin giấy cách ly y tế.

Trong đoạn clip cho thấy, cô gái đến trạm y tế xã khai báo y tế khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên chửi bới, xưng mày, tao với cô gái bị F0 đến xin giấy cách ly y tế trong đêm.

Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên chửi bới, xưng mày, tao với cô gái bị F0 đến xin giấy cách ly y tế trong đêm.

Sau đó, để được công ty cho nghỉ tạm thời, cô gái này xin giấy quyết định cách ly y tế thì người được cho là Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên có thái độ, lời lẽ thiếu chuẩn mực.

Cụ thể, khi được yêu cầu xác nhận giấy tờ cách ly, người đàn ông quát: "Mày là ai? Mày về thôn mày tao biết mày là ai. Ở thôn mày ra xin giấy tao à? Bố láo bố toét. Tao là con người chứ có phải cái máy đâu mà đêm hôm còn xin giấy".

Ngay sau khi trình bày bị mắc Covid-19, cô gái tiếp tục bị người đàn ông chửi bới: "Dương tính sao mày lại vào đây?F0 mày ra đây truyền virus cho tao à? Con điên. Để sáng mai cũng được chứ sao mà đêm hôm ra đây".

Liên quan đến vụ việc, thông tin với báo chí, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Xuyên thừa nhận, đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực.

“Nhận thấy việc làm của bản thân là sai nên sáng ngày hôm sau tôi đã gọi điện đến chị T. để xin lỗi công dân. Mặc dù do áp lực công việc, nhưng không thể đổ lỗi được, tôi rất ân hận và áy náy.”, ông Hợp cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên xác nhận và cho biết, sự việc xảy ra vào đêm ngày 19/2. Người trong clip trên là ông Nguyễn Duy Hợp, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Xuyên.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Hợp đã nhận ra bản thân có những lời lẽ thiếu chuẩn mực nên đã gọi điện xin lỗi cô gái bị mắc Covid-19 và có liên hệ để đến nhà xin lỗi. Xã cũng đã yêu cầu ông Hợp tường trình và kiểm điểm.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hai-duong-ky-luat-canh-cao-truong-tram-y-te-chui-co-gai-f0-...

Đắk Lắk yêu cầu cán bộ phải đi đầu trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19

Đến ngày 25/2, 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện triển khai điều trị Covid-19 tuyến huyện với tổng số 1.158 giường bệnh.  

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tối 24/2, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo đảm hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Theo nội dung công điện, từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh với số ca nhiễm liên tục tăng cao. Đáng lưu ý, số ca mắc trong cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước ngày càng nhiều, ảnh hưởng không tốt đến công tác và hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động công tác của cơ quan, đơn vị và chỉ đạo điều hành của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường hình thức họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, chỉ đạo, điều hành hoạt động, nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị.

Mặt khác, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nêu cao cảnh giác, tự giác trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn đối với cơ quan, gia đình và bản thân; gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nguyên tắc 5K.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc và tiếp xúc với người khác, không tụ tập, đến nơi đông người khi không cần thiết. Hơn nữa, không vì đã tiêm vắc-xin mà chủ quan trong phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, bạn bè tăng cường ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với các trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc với F0 thì cần bình tĩnh, thông báo với cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ động phối hợp thực hiện các biện pháp xử lý, theo dõi sức khỏe theo đúng hướng dẫn của cơ quan, đơn vị chức năng.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ công tác theo kế hoạch, không để chậm trễ, đình trệ công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-yeu-cau-can-bo-di-dau-trong-thuc-hien-phong-chong-di...

Tin mới vụ hàng trăm công nhân chen nhau xin xác nhận F0 rồi về... tay không

Trước đó, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, sáng 24/2, hàng trăm công nhân F0 đến Trạm y tế thị trấn Nếnh để xin xác nhận nhiễm bệnh đều bị từ chối giải quyết. Cán bộ y tế của trạm hướng dẫn công nhân sang Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp, đồng thời đưa cho họ tờ A4 in sẵn có số điện thoại của cán bộ y tế Trung tâm để liên lạc hỗ trợ.

Khi công nhân F0 đến Trung tâm Y tế các khu công nghiệp cũng không được tiếp nhận, hỗ trợ. Gọi điện cho bác sĩ Trung tâm theo số điện thoại Trạm Y tế thị trấn Nếnh cho cũng không liên lạc được. Các F0 ra về mà không biết mình xin giấy xác nhận nhiễm bệnh ở đâu.

Cảnh hàng trăm công nhân chen chân xếp hàng chờ xác nhận tại Trạm y tế thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Cảnh hàng trăm công nhân chen chân xếp hàng chờ xác nhận tại Trạm y tế thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp cho biết, không phải vì Trung tâm mới đi vào hoạt động mà chưa tiếp đón các ca F0; cán bộ, bác sĩ của Trung tâm vẫn đang hoạt động hết công suất.

Hiện tại Trung tâm có 19 người, trừ Ban Giám đốc, lái xe, Phòng Hành chính, bộ phận chuyên môn có 12 người. Nhân sự của Trung tâm chia ra hoạt động tại 4 khu công nghiệp, gồm Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng để phối hợp với các công ty quản lý các F0 tại nơi thu dung tập trung. Chính vì vậy ở tại Trung tâm, không có nhân lực để khai báo y tế. Trung tâm cũng chưa có khoa xét nghiệm để làm xét nghiệm khẳng định, xác nhận bệnh nhân mắc COVID-19.

Ông Sơn cho hay, ngày 22/2, tại hội nghị giao ban triển khai công tác phòng chống dịch COVID - 19 trên địa bàn, ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Việt Yên chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp nhận, xử lý, hỗ trợ các ca F0 là công nhân. Văn bản thông báo kết luận cuộc họp này (ban hành ngày 23/2) nêu: "UBND các xã, thị trấn tăng cường bổ sung bộ phận nhập liệu, cấp mã bệnh nhân, khai báo y tế, không để tình trạng bệnh nhân F0 không được cấp mã, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ, đặc biệt là đối tượng công nhân. Trường hợp không cấp mã bệnh nhân đầy đủ, kịp thời, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch, Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch, Chủ tịch UBND huyện".

Thông báo kết luận cuộc họp này cũng nêu rõ, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Trạm Y tế không xét nghiệm lại đối với các công nhân làm việc tại các doanh nghiệp đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 mà thực hiện ngay các thủ tục lập hồ sơ bệnh án, ban hành Quyết định cách ly, điều trị tại nhà/phòng trọ (nếu đủ điều kiện).

Đối với các công nhân tỉnh ngoài làm việc trong các khu công nghiệp, nếu không đủ điều kiện cách ly tại phòng trọ, Trung tâm Y tế huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp tỉnh để đưa vào cách ly, điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh.

Ông Sơn nêu ý kiến, nếu UBND, trạm y tế các xã, thị trấn thực hiện tốt chỉ đạo của UBND huyện Việt Yên theo thông báo nêu trên sẽ không xảy ra tình trạng công nhân F0 từ Trạm Y tế thị trấn Nếnh xuống Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp xin giấy xác nhận nhiễm bệnh mà vẫn ra về tay không.

"Nếu các ca nhiễm COVID – 19 quá đông, trạm y tế xã có thể phải tách ra, mỗi thôn thành lập 1 tổ COVID cộng đồng. Tổ COVID cộng đồng cũng có thể lấy mẫu xét nghiệm vì trước đây họ đã được huấn luyện, thực hành trong đợt dịch cao điểm hồi tháng 4,5/2021. Làm như vậy, công việc vừa trôi chảy, vừa hạn chế tập trung đông người, tránh lây lan dịch bệnh", ông Sơn chia sẻ.

Nguồn: https://tienphong.vn/tin-moi-vu-hang-tram-cong-nhan-chen-nhau-xin-xac-nhan-f0-roi-ve-ta...

COVID-19 24/2: Hàng nghìn công nhân nhiễm Covid-19, lãnh đạo địa phương chỉ đạo khẩn
Sau Tết, khu công nghiệp VSIP Nghệ An chỉ có 7.000 người quay lại làm việc, nhưng có đến 3.255 lao động được ghi nhận dương tính với Covid-19.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19