Trao đổi với báo chí chiều tối 28-6, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết TP sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP sau 0 giờ ngày 29-6. Theo ông Đức, Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện.
Chìm trong đợt dịch Covid-19, quốc gia Đông Nam Á đối mặt thảm cảnh giống ở Ấn Độ
Theo Reuters, số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á đã tăng 300% trong một tháng qua. Các bệnh viện ở thủ đô Jakarta và các thành phố tập trung đông dân trên đảo Java, đang quá tải vì số ca nhập viện tăng vọt.
Hôm 27.6, Indonesia ghi nhận 21.342 ca nhiễm Covid-19. Đây là ngày thứ 5 Indonesia liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục. Tỉ lệ kết quả xét nghiệm dương tính là 25%.
3 nguồn tin giấu tên nói trên Reuters, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đã đề xuất siết chặt các quy định phòng dịch, nhưng chưa được chính phủ thông qua. Ông Sadikin vẫn đang cố gắng thúc đẩy đề xuất này.
Nơi chôn cất bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Jakarta, Indonesia.
Một nguồn tin khác cho biết, chính phủ Indonesia sẽ họp khẩn để bàn về cách đối phó Covid-19 trong tuần này.
Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia cho đến nay chưa tính đến khả năng phong tỏa toàn quốc như quốc gia láng giềng Malaysia.
Thay vào đó, Indonesia chỉ áp dụng các hạn chế ở những khu vực xuất hiện ổ dịch.
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo nói chiến lược hiện tại vẫn có tác dụng, nhưng cần thực thi tốt hơn.
Tuần trước, Indonesia đã thông báo cấm các hoạt động tôn giáo trong nhà, đóng cửa trường học. Quán bar, nhà hàng, quán café và các văn phòng ở khu vực có ổ dịch được yêu cầu chỉ hoạt động 25% sức chứa tối đa trong 2 tuần.
Trong khi đó, Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) ngày 27.6 đã kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế quy mô lớn, đặc biệt là phong tỏa trên phạm vi toàn bộ đảo Java, nơi sinh sống của hơn một nửa trong số 270 triệu dân Indonesia.
IDI nói các bệnh viện trên đảo Java đã quá tải trong khi có 30 bác sĩ tử vong vì Covid-19 chỉ riêng trong tháng này.
“Nếu không có các biện pháp mạnh, chúng ta sẽ rơi vào cảnh giống như Ấn Độ”, tiến sĩ, Adib Khumaidi, thành viên của IDI, nói.
Một số chuyên gia nói chiến lược tập trung phòng dịch ở các điểm nóng của Indonesia chưa hiệu quả. Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith ở Úc, ước tính một nửa số người sống ở “vùng đỏ” không tuân theo hướng dẫn làm việc tại nhà.
Nguồn tin giấu cho biết trên Reuters, các cố vấn của Tổng thống Widodo đang xem xét các biện pháp phong tỏa như Ấn Độ. Nếu áp dụng phương pháp của Ấn Độ, 31 trong 34 tỉnh ở Indonesia sẽ bị phong tỏa toàn diện. Đây là các địa phương ghi nhận tỉ lệ xét nghiệm dương tính hơn mức 10%.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM: Có ca cách ly tại khách sạn 20 ngày mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2
Theo HCDC, đến hết ngày 27/6, tổng số trường hợp nhiễm phát hiện từ khu cách ly từ đợt dịch thứ 4 là 1.826 trường hợp. Cụ thể: 1.091 ca có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 (tỷ lệ gần 55.8%); 603 ca có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2 (33%); 143 ca có kết quả xét nghiệm dương tính lần 3 (7.8%); 53 ca có kết quả xét nghiệm dương tính lần 4 (3%) và 8 ca có kết quả dương tính lần 5 (0,4%).
Hiện nay TP.HCM đang cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh theo quy định là 21 ngày và sẽ lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào các ngày: 1, 5, 10, 15, 20. Ngày 1 được lấy ngay khi chuyển vào khu cách ly. Theo quy định của Bộ Y tế, lấy mẫu xét nghiệm 4 lần là vào các ngày 1, 7, 14, 20.
Như vậy thành phố đã tăng thêm 1 lần xét nghiệm so với quy định của Bộ Y tế để sớm phát hiện các trường hợp F1 dương tính và chuẩn bị thực hiện thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh xen kẽ giữa các lần làm xét nghiệm RT-PCR để phát hiện sớm hơn nữa.
Phần lớn những trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly ở TP.HCM là do nhiễm từ trước
HCDC cho hay, 55.8% trường hợp phát hiện dương tính lần 1, ngay sau khi được chuyển vào khu cách ly tập trung là những trường hợp đã lây nhiễm trước đó từ các F0. 33% có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính là nhóm được lấy mẫu sau khi vào khu cách ly 5 ngày. Nhóm này có khả năng rất cao nằm trong thời gian ủ bệnh và được phát hiện vào ngày thứ 5 sau khi được cách ly. 7.8% có kết quả xét nghiệm lần 3 sau khi vào khu cách ly 10 ngày. Nhóm này vẫn có khả năng cao là đã lây từ trước và đang trong thời gian ủ bệnh.
Thời gian ủ bệnh hiện nay của SARS-CoV-2 vẫn được ghi nhận là 14 ngày. Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận một số trường hợp cách ly tuyệt đối tại khách sạn đã có kết quả dương tính vào ngày thứ 20. Các xét nghiệm dương tính vào vào ngày 1, 5, 10 vẫn đang nằm trong thời gian ủ bệnh thông thường của vi rút.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính lần 1, 2, 3 theo thống kê từ các ca nhiễm ghi nhận tại khu cách ly là 96.6%. Còn 3.4% còn lại là những trường hợp phát hiện dương tính sau khi người cách ly chung phòng với họ cũng đã dương tính trước đó. “Các trường hợp này có 2 khả năng họ ủ bệnh lâu hơn thông thường hoặc bị lây nhiễm từ người cách ly cùng phòng. Các điều tra tại các khu cách ly cho thấy, không có sự lây nhiễm chéo giữa các phòng khác nhau trong khu cách ly”, HCDC nhận định.
Dù phần lớn số ca bệnh dương tính phát hiện trong khu cách ly thuộc nhóm xét nghiệm lần thứ 1, 2, 3 được cho là lây nhiễm từ trước. Tuy nhiên cần quan tâm đến việc nhóm này sẽ là nguồn lây cho những người khác trong cùng khu cách ly. Do đó, cần có giải pháp kiểm soát lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung.
Về giải pháp hạn chế tối đa lây chéo trong khu cách ly HCDC cho hay chỉ tổ chức cách ly tập trung ở các địa điểm mà mỗi phòng cách ly phải có nhà vệ sinh riêng, mỗi phòng chỉ có tối đa 2 giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 mét và có màn che ngăn cách giữa 2 giường. Các đơn vị tổ chức khu cách ly tập trung không chọn trường học, xem xét lựa chọn cách ly tại khách sạn tại địa phương.
Hai người được xếp chung phòng theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng. Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ngày. Các khu cách ly bắt buộc phải có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly. Thiết lập sóng wifi phục vụ nhu cầu truy cập internet của người cách ly. Truyền thông cho người cách ly nguy cơ lây nhiễm chéo, đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không giao lưu với các phòng khác.
(Theo Dân Việt)
Triển khai gói hỗ trợ 1.300 tỷ, những đối tượng nào sẽ được giảm tiền điện?
Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, bộ Công Thương cho biết, ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt này khoảng 1.200 đến 1.300 tỷ đồng.
Các nhóm đối tượng được hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện sẽ được hưởng đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021. Việc giảm giá, hỗ trợ tiền điện sẽ được trừ ngay trong hóa đơn phát hành từ tháng 7 tới.
Các đối tượng được hưởng giảm giá điện, giảm tiền điện được Chính phủ quy định khá rõ.
Bộ Công thương triển khai việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng liên tiếp, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 cho nhiều nhóm đối tượng khách hàng. Ảnh minh họa
Cụ thể, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch theo qui định tại Luật Du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất. Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí.
Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm SARS CoV-2.
Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 không thu phí được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bộ Quốc phòng, bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cung cấp cho các đơn vị điện lực.
Sau thời gian hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nêu trên các đơn vị bán lẻ điện tiếp tục áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của bộ Công Thương hoặc tại quy định khác thay thế.
Trước đó, trong năm 2020, bộ Công thương, EVN đã thực hiện 2 đợt giảm giá tiền điện.
Trong đó, đợt 1 giảm giá cho hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng.
Đợt 2 hỗ trợ giảm giá điện cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm gần 3.000 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của 2 đợt trong năm 2020 khoảng 12.300 tỷ đồng.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
Giãn cách xã hội toàn thành phố Quảng Ngãi từ 0h ngày 29/6
Tính đến cuối giờ trưa nay (28/6), tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 41 ca dương tính với SARS-CoV-2. Điều đáng nói là có nhiều ca bệnh đã đi lại rất nhiều nơi, trong đó có TP.Quảng Ngãi. Để đảm bảo hạn chế dịch bệnh bùng phát, tỉnh Quảng Ngãi quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Quảng Ngãi.
Theo đó, kể từ 0 giờ sáng mai ngày 29/6, toàn thành phố Quảng Ngãi sẽ phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để phòng ngừa dịch COVID-19. Việc này được UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định là cần thiết và cấp bách trong điều kiện diễn biến dịch bệnh đang phức tạp tại địa phương, nhất là khi có một số ca bệnh trước khi phát hiện đã đi đến một số địa điểm tại thành phố Quảng Ngãi.
Công tác truy vết, xét nghiệm COVID-19 được đẩy mạnh tại các vùng xảy ra dịch
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 đối với toàn bộ thị xã Đức Phổ. Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 41 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Tất cả các ca bệnh đều phát hiện tại thị xã Đức Phổ, nơi đang là điểm nóng của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ngành y tế Quảng Ngãi đang tổng lực truy vết, xét nghiệm trên diện rộng ở khu vực có ca nhiễm để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
(Theo Dân Việt)
Nhận tin báo, cảnh sát lập tức vây bắt 15 người tụ tập trong mùa dịch ở TP Thủ Đức
Ngày 28-6, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) đang lập hồ sơ xử lý với nhóm "quái xế" có hành vi tụ tập, đua xe gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Khoảng 13 giờ 15 ngày 27-6, Đội CSGT Công an TP Thủ Đức đang làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trên địa bàn thì nhận được tin báo về việc có 1 nhóm thanh niên (khoảng 15 đối tượng) có hành vi tụ tập để đua xe ở khu dân cư Đông Tăng Long, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức.
Ngay lập tức, lực lượng CSGT phối hợp với trinh sát hình sự và Công an phường Trường Thạnh lên kế hoạch vây bắt nhóm "quái xế".
Nhóm đối tượng bị bắt giữ tại hiện trường
Kết quả, 15 đối tượng cùng 11 xe máy bị tóm gọn. Qua điều tra, công an xác định 7 đối tượng có hành vi tụ tập, kích động để đua xe, 4 trường hợp không tham gia đua xe, 2 trường hợp điều khiển xe không có gương chiếu hậu, 1 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Ngoài ra, những trường hợp này còn bị xử lý về hành vi tụ tập đông người nơi công cộng.
Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ 7 xe máy cùng giấy tờ liên quan. Riêng 11 đối tượng, tổ công tác đã bàn giao cho Công an phường Trường Thạnh phối hợp với Công an TP Thủ Đức kiểm tra ma tuý và lập hồ sơ xử lý theo quy định.
(Theo Người Lao Động)
Indonesia, Thái Lan nguy cấp
Con số này phá kỉ lục của một ngày trước đó, với 21.095 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á, với hơn 2,1 triệu ca bệnh và hơn 57.000 người tử vong. Do tỉ lệ xét nghiệm còn thấp, các chuyên gia lo ngại số ca bệnh trên thực tế ở Indonesia có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.
Bệnh viện ở nhiều thành phố Indonesia đang hoạt động hết công suất. Tại Tây Java, hơn 90% số giường bệnh đã được lấp đầy. Tại thủ đô Jakarta, chưa đến 10% giường cách ly còn trống, trong khi 86% số giường chăm sóc đặc biệt đã có bệnh nhân. Tờ Bưu điện Jakarta cho biết ít nhất 31 bác sĩ ở Indonesia đã qua đời trong hai tháng qua vì COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Joko Widodo vẫn từ chối lời kêu gọi của các chuyên gia y tế về việc phong tỏa toàn quốc. Ông cho biết các lệnh hạn chế hiện tại, chỉ nhắm vào các điểm “nóng”, là lựa chọn tốt nhất vì chúng không “giết chết” nền kinh tế.
Trong khi đó tại Thái Lan, từ thứ Hai (28/6), một loạt các lệnh hạn chế mới sẽ được áp dụng ở thủ đô Bangkok cùng năm tỉnh lân cận trong nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Theo Reuters, các biện pháp hạn chế mới được áp dụng đồng loạt ở thủ đô Bangkok cùng các tỉnh Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Praka, Samut Sakhon và Nakhon Pathom. Các biện pháp này bao gồm cấm nhà hàng phục vụ khách tại chỗ, đóng cửa rạp hát, rạp chiếu phim, công viên nước. Trung tâm mua sắm phải dừng hoạt động trước 21 giờ. Các bữa tiệc, sự kiện, hoạt động tập trung hơn 20 người sẽ bị cấm.
Mức tăng số ca bệnh mới ở Thái Lan trong những ngày gần đây cao gấp hai lần so với thời điểm nửa đầu tháng Sáu. Các cơ quan y tế đổ lỗi cho sự thiếu hợp tác của các công nhân nhập cư.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi số lượng giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng ở Bangkok không còn nhiều mặc dù đã có một số bệnh viện dã chiến được thành lập.
Hôm Chủ nhật, cơ quan y tế Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 3.995 ca mắc COVID-19 mới (3.950 ca trong cộng đồng, 45 ca trong nhà tù), 42 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh kể từ đầu dịch lên 244.447 ca, với 1.912 ca tử vong, theo AP.
Thái Lan đã tiêm khoảng 8,66 triệu liều vắc-xin, với khoảng 9% trong số 69 triệu công dân đã được tiêm ít nhất một mũi.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 10 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có một ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn sau 48 giờ không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 6.096 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 1.397.992 ca.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM: Tìm người từng đến khu buôn bán tự phát và tiệm tạp hóa ở phường Thạnh Lộc, quận 12
Ngày 28/6, UBND phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP. HCM) cho biết đã ra thông báo khẩn tìm các trường hợp có liên quan đến ca dương tính COVID-19 trên địa bàn phường.
Trước đó, UBND phường Thạnh Lộc nhận được thông báo về kết quả xét nghiệm trường hợp F0 đang cư trú tại địa bàn phường.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và kịp thời ngăn chặn việc lây nhiễm trong cộng đồng, UBND phường Thạnh Lộc thông báo đến tất cả các trường hợp có đến các địa điểm sau:
1. Khu vực buôn bán tự phát Cầu Đồng khu phố 3B, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12. Thời gian từ ngày 13/6 đến ngày 24/6/2021.
2. Tiệm tạp hóa Ryby, địa chỉ số 158, đường TL27, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12. Thời gian từ ngày 13/6 đến ngày 24/6/2021.
UBND phường Thạnh Lộc đề nghị những trường hợp có đến các địa điểm nêu trên, vui lòng liên cơ sở y tế để được hướng dẫn thực hiện khai báo y tế, tầm soát.
Liên hệ Trạm y tế phường Thạnh Lộc qua số điện thoại: 02837160033. Bà Trần Thị Kim Oanh, nhân viên phòng, chống dịch, số điện thoại: 0986512085.
Hữu Huy
Hải Phòng: Một học sinh THCS từ F1 chuyển thành F0
Thông tin từ CDC Hải Phòng cho biết, sáng 28/6, thành phố ghi nhận thêm 1 trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính với SARS-CoV-2.
Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 20/6-22/6/2021, cháu Ph.Tr.H, SN 2007 (xóm Trại, Đằng Giang, Ngô Quyền) là F1 của BN14454 thường xuyên tiếp xúc với BN14454 (từ Phan Thiết ra chơi).
Ngày 23/6/2021, trong khoảng thời gian từ 15h đến 16h30, F1 này đến nhà thầy Kh (ở đường Nguyễn Tường Loan, Lê Chân, Hải Phòng) và tiếp xúc với 5 học sinh khác. Sau khi từ nhà thầy Kh về, cháu H chỉ tiếp xúc với BN14454 và ở nhà không ra ngoài.
Sáng 25/6/2021, khi ghi nhận địa bàn có ca dương tính từng đến xóm Trại, Đằng Giang, quận Ngô Quyền chơi, Trung tâm Y tế Quận Ngô Quyền đã điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các F1 liên quan BN14454 gửi CDC Hải Phòng, đồng thời đưa đi cách ly tập trung tại cơ sở 2 BV Việt Tiệp. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy, các F1 đều âm tính.
Sáng 28/6/2021, F1 được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, có kết quả cho thấy cháu H đã dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, trong sáng 28/6, CDC Hải Phòng ra thông báo xuống các quận huyện và y tế các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch. Qua truy vết, xác định có 9 trường hợp tiếp xúc với cháu H là bạn học và người thân. Tất cả trường hợp này đã được cách ly tại nhà từ khi cháu H là F1.
Hiện các địa phương đã tiến hành nâng cấp độ, đưa cách ly tập trung 9 F1 (trước là F2), lấy mẫu xét nghiệm và gửi CDC Hải Phòng thực hiện, tiến hành cách ly tại nhà đối với F2 (trước là F3), tiến hành phun khử khuẩn hộ gia đình, phong tỏa tạm thời khu vực quanh nhà ca bệnh; tiếp tục điều tra bổ sung, truy vết F1, F2.
Hiện tại ngành y tế và các địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Trước đó, ngày 13/6, cháu L(BN14452) và D (BN14454) đón xe khách từ Phan Thiết (Bình Thuận) về huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Trong quá trình về nhà, 2 ca bệnh được bác ruột ở tổ 2 xóm Trại, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng đón ra thành phố chơi từ ngày 20/6 đến 13 giờ ngày 24/6 thì về lại Vĩnh Bảo và nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau đó. Mọi trường hợp tiếp xúc với 2 bệnh nhân đều là F1, được đưa đi cách ly tập trung trong đó có cháu H.
Qua 2 lần xét nghiệm, đến sáng 28/6, cháu H có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Thủ tướng đồng ý cho Đồng Nai thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà
Chiều 27/6, trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm, làm việc và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Bộ đội quân chủng phòng không - không quân giới thiệu với Thủ tướng các loại khí tài. Ảnh: H.Anh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại sân bay Biên Hòa. Thủ tướng mong các chiến sĩ bảo quản, khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, vũ khí hiện đại, chủ động tập luyện, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Quốc phòng, các Bộ ngành liên quan tiếp tục đánh giá tác động môi trường, khẩn trương hoàn thành việc xử lý Dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa với tốc độ nhanh hơn, nhằm đảm bảo môi trường sống cho người dân sinh sống quanh khu vực sân bay Biên Hòa và các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đây.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Phú Cường- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương lân cận tác động lớn đến điều hành, quản lý, nhưng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh kinh tế Đồng Nai 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả khả quan.
"Trong 6 tháng cuối năm 2021, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công"- ông Cường báo cáo.
(Theo Tiền Phong)
Phát hiện 1 người đi xe khách từ TP HCM về Đắk Lắk mắc Covid-19
Sáng 28-6, bà H’Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết địa phương vừa ghi nhận 1 thanh niên từ TP HCM về dương tính với SARS-CoV-2.
Một khu vực ở Đắk Lắk có ca bệnh được phong tỏa
Theo điều tra dịch tễ, anh Y.T.H. (SN 2002, trú tại buôn Dranh A, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) làm công nhân ở TP HCM.
Ngày 26-6, anh Y.T.H. đi xe khách Khang Phát (huyện Lắk) từ huyện Bình Chánh, TP HCM) về huyện Lắk rồi về nhà, chỉ tiếp xúc với bố mẹ và em. Sáng 27-6, anh Y.T.H đến Trung tâm Y tế huyện Lắk để khai báo y tế và được test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 27-6.
Ngành Y tế đã đưa các trường hợp là F1 của anh H. đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục người tiếp xúc gần và đi cùng xe để phòng chống Covid-19. Cơ quan chức năng cũng lập chốt phong tỏa tại buôn Dranh A và phun khử khuẩn xung quanh khu vực gia đình trường hợp này sinh sống.
(Theo Người Lao Động)
Thông báo khẩn tìm người tiếp xúc F0 và F1 tại 14 địa điểm ở Hóc Môn, TP HCM
UBND huyện Hóc Môn, TP HCM vừa phát thông báo đề nghị những người tiếp xúc với các trường hợp F0, F1 tại nhiều địa chỉ nhanh chóng tiến hành khai báo y tế tại cơ sở y tế địa phương và xét nghiệm Covid-19, cách ly theo quy định.
Cụ thể, các trường hợp tiếp xúc F0 tại các địa chỉ sau, cần khai báo:
- Tiệm bánh mì đối diện ngã ba Bùi Môn từ ngày 12-6 đến 26-6.
- Quán cơm H17 trong chợ đầu mối Hóc Môn từ ngày 12-6 đến 26-6
- Vựa trái cây sạp A23 và 2 sạp lân cận tại chợ đầu mối từ ngày 11-6 đến 25-6
- Quán hủ tiếu ở ngã tư đường BD94 và BĐ5 từ ngày 11-9 đến 25-6
- Quán cơm trên đường Nguyễn Thị Sóc (đi qua bánh mì Hà Nội có quán cơm bên tay phải, xéo Bách hóa Xanh) từ ngày 12-6 đến 26-6.
Chợ Hóc Môn bị phong tỏa trước đó do liên quan ca mắc Covid-19
Trường hợp tiếp xúc F1 tại các địa điểm sau:
- Chợ Đại Hải, siêu thị Vinmart và Bách hóa Xanh đường Trần Văn Mười từ 12-6 đến 26-6
- Sạp 11 chợ đầu mối từ ngày 12-6 đến 26-6
- Sạp T41 chợ đầu mối từ 12-6 đến 26-6
- Coopmart Nguyễn Ảnh Thủ từ ngày 21-6 đến 25-6
Tính đến ngày 24-6, huyện Hóc Môn đã có 232 ca bệnh, 37 trường hợp nghi nhiễm, phải phong tỏa 59 khu vực.
(Theo Người Lao Động)
Người nhiễm Covid-19 ở Phú Yên tăng lên từng ngày
Số ca nhiễm mới này tập trung nhiều ở TP Tuy Hòa (với 11 ca), huyện Sơn Hòa 8 ca và thị xã Đông Hòa 1 ca. Như vậy, từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở tỉnh Phú Yên hôm 24-6, đến nay, tỉnh này đã ghi nhận 58 ca dương tính với SARS-CoV-2. Số ca nhiễm cứ tăng lên từng ngày, từ 10 đến 18 và hôm nay là 20 ca.
Nhiều khu vực đã được phong tỏa phòng dịch bệnh lây lan, nhưng số ca nhiễm mới ở Phú Yên vẫn tăng
Trong số 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới được phát hiện từ tối qua đến nay, nhiều ca là F1, F2 của bệnh nhân 13960 - chủ quán cơm Yến Nam (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), từ Phú Yên vào TP Nha Trang khám bệnh và được tỉnh Khánh Hòa công bố mắc Covid-19 hôm 23-6; 1 ca là bệnh nhân nam 15541 tên T.V.S.TT (SN 1983; ngụ xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa), có tiền sử bệnh ung thư phổi đi khám từ TP HCM về lại huyện Sơn Hòa hôm 24-6. Toàn bộ số ca mắc Covid-19 mới phát hiện này đều đã được cách ly trước đó.
Hiện tỉnh Phú Yên đã quyết định lập ban chỉ đạo tiền phương để đẩy mạnh công tác truy vết và dập dịch.
(Theo Người Lao Động)
Đắk Lắk: Cách ly nhiều cán bộ huyện là F1, F2 để phòng chống Covid-19
Chiều 27-6, ông Y Nhuân Byă - Bí thư Huyện ủy Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã chỉ đạo sắp xếp nhân sự thay thế hoặc làm việc trực tuyến tại nhà đối với các cán bộ tiếp xúc với 2 cán bộ được xác định là F1.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Đắk Lắk
Trước đó, từ ngày 18 đến ngày 20-6, bà L.T.T.H. (cán bộ của Văn phòng Huyện ủy Ea Kar) cùng 2 con về nhà mẹ tại thôn Phú Vang (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Đến ngày 25-6, khi nghe thông tin tại thôn Phú Vang có trường hợp mắc Covid-19 (gần nhà mẹ ruột và cùng buôn bán trong chợ), bà H. đã đến Trạm Y tế xã Cư Ni, huyện Ea Kar khai báo. Đến sáng 26-6, bà H được tin mẹ ruột mắc Covid-19 nên bà là F1.
Tương tự, ông N.T.T. (cán bộ Đảng ủy xã Cư Ni) cũng về Phú Yên từ ngày 18 đến ngày 20-6 tại xã Bình Kiến. Ngày 26-6, ông T. nhận thông tin người nhà ở Phú Yên mắc Covid-19.
Trong khoảng thời gian về lại huyện Ea Kar, 2 trường hợp trên đã tới nhiều địa điểm, tới cơ quan làm việc và tiếp xúc với nhiều người. Trong đó, có hàng chục người là cán bộ Huyện ủy, UBND huyện, Viện KSND, TAND, Công an huyện, ngân hàng…
Theo ông Y Nhuân Byă, hiện 2 trường hợp trên đã cách ly tập trung. Đối với các cán bộ tiếp xúc với 2 cán bộ về từ Phú Yên thì được cách ly tại nhà và vẫn làm việc trực tuyến. Nếu những công việc phải làm trực tiếp thì bố trí cán bộ thay thế. "Các cơ quan liên quan vẫn hoạt động bình thường và thực hiện nghiêm quy định 5K nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc" - Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết thêm.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết 2 cán bộ nói trên có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1.
(Theo Người Lao Động)