Người phụ nữ dương tính với SARS-CoV-2 ở Phú Yên này trốn khỏi khu cách ly điều trị và đã được lực lượng chức năng tìm thấy tại nhà riêng.
Phú Yên: Tìm thấy người phụ nữ dương tính với SARS-CoV-2 trốn sau vườn nhà
Sáng nay (27-6), Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên đã công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được phát hiện từ chiều 26-6 đến sáng 27-6.
Theo đó, số ca nhiễm mới tăng lên đột ngột với 18 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 38 người. Trong đó, tập trung ở 2 địa phương là TP Tuy Hòa (13 trường hợp) và huyện Sơn Hòa (5 trường hợp).
Bà Son đang được được đưa lên xe để về lại khu cách ly điều trị (Ảnh do Phụ nữ Sơn Hòa cung cấp).
Riêng trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa nghi bỏ trốn tối qua khi được cách ly mà Báo Người Lao Động sáng nay đã thông tin, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên vừa cho biết đã tìm thấy tại nhà riêng. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, bà này là Đặng Thị Son (SN 1975, ngụ khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa). Bà Son đã bỏ trốn khỏi khu cách ly điều trị và đã được tìm thấy tại nhà riêng và sáng nay.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết lực lượng chức năng đã tìm thấy bà này khi đang trốn ở sau vườn nhà mình. Hiện lực lượng chức năng huyện Sơn Hòa đã đưa bà này về khu cách ly điều trị.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết khi được hỏi, bà Son cho rằng vì sợ tốn tiền bị cách ly, điều trị.
(Theo Người Lao Động)
Thêm ca mắc COVID-19, Hà Nội có tiếp tục nới lỏng biện pháp chống dịch?
Như đã thông tin, tối 26/6, Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 gồm 2 bố con ở Đông Anh và 1 phụ nữ đang tự cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh về từ U.A.E ở quận Cầu Giấy. Đây là các ca mắc COVID-19 mới sau 11 ngày Hà Nội không ghi nhận ca nhiễm nào.
Ba ca bệnh được ghi nhận trong thời điểm Hà Nội vừa nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19, như cho phép cửa hàng ăn, uống trong nhà hoạt động trở lại; các sân golf, sân tập gofl, thể dục thể thao ngoài trời được hoạt động.
Trao đổi với báo chí về lo ngại, việc phát sinh các ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng có thể ảnh hưởng đến lộ trình nới lỏng thêm một số loại hình khác, đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, các ca mắc Covid-19 mới phát hiện rải rác trong cộng đồng đã nằm trong dự liệu của thành phố.
"Hai ca bệnh mới ở Đông Anh là những nguy cơ mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phốHà Nội đã tính đến và được đề cập trong nhiều cuộc họp. Với diễn biến dịch bệnh căng thẳng tại các địa phương, cùng với việc Hà Nội là trung tâm giao lưu, văn hóa, kinh tế, nguy cơ đối vớithành phốvẫn rất cao",vị này nói.
Cũng theo đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội, lộ trình nới lỏng một số hoạt động, ông Việt cho rằng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
"Nguy cơ dịch bệnh luôn ở mức cao, nhưng thành phố cần kiên định mục tiêu kép, ổn định đời sống xã hội, sớm lấy lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sẽ tiếp tục được nới lỏng, nhưng cần đánh giá kỹ càng, thận trọng hơn",vị này nói, đồng thời cho biết, thành phố cũng đã tính đến chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19.
(Theo Tiền Phong)
Dịch COVID-19 “bao vây” Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo “nóng”
Chiều 27/6, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có công điện gửi các đơn vị trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bánh phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo công điện, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh với Bình Định như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi đã ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó tỉnh Phú Yên ghi nhận 38 ca, tỉnh Quảng Ngãi 21 ca.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào tỉnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Các địa phương hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đối với sinh hoạt của các tôn giáo, phù hợp với diễn biến tình hình dịch trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không tập trung đông người.
Các cơ sở dịch vụ ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, café, giải khát…) không được phục vụ ăn uống tại chỗ, chỉ được phép bán mang đi. Dừng hoạt động vận chuyển khách là người ngoài tỉnh đến xã đảo Nhơn Châu, trừ hoạt động công vụ. Quyết định này có hiệu lực từ 0h ngày 29/6 cho đến khi có thông báo mới.
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đeo khẩu trang, sát khuẩn và thực hiện giãn cách đối với khách ngồi trên các phương tiện vận tải công cộng trong tỉnh (xe buýt, xe điện, xe taxi…).
Tăng cường giám sát đối với người cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tuân thủ các quy định về cách ly, không thực hiện khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, cố tình né tránh các chốt kiểm tra y tế...
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo giải tỏa ngay các chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Ban Quản lý các chợ truyền thống thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt thời gian hoạt động; thực hiện phun khử khuẩn ít nhất 1 tuần/lần.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích… tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là việc quét mã QR-Code, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh và giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa người với người.
Tất cả lái xe, phụ xe, người giao, nhận hàng… của các xe chở khách, xe vận chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bình Dương, Long An, Phú Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ngãi và các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15 hoặc Chỉ thị số 16, nếu vào địa bàn tỉnh Bình Định giao, nhận hàng, trả khách đều phải khai báo y tế và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 3 ngày kể từ ngày đến/về tỉnh). Trường hợp chưa thực hiện xét nghiệm hoặc xét nghiệm quá thời hạn 3 ngày thì phải xét nghiệm lại và phải tự trả chi phí xét nghiệm theo quy định.
Kể từ đợt dịch đầu tiên đến nay là đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Định chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM: Cách ly F1 tại nhà với các đối tượng đủ điều kiện
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng vi rút SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng thuộc diện F1, để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn.
Phòng cách ly đảm bảo điều kiện (là phòng khép kín, cách ly với sinh hoạt chung của gia đình, không sử dụng điều hoà trung tâm).
Người cách ly tại nhà phải có cam kết với chính quyền, không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình và vật nuôi. Bố trí suất ăn riêng, tự đo thân nhiệt hàng ngày, cài đặt các ứng dụng theo dõi sức khỏe và báo ngay cơ quan y tế nếu có vấn đề về sức khỏe...
Người được cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 (mẫu gộp cho tất cả người ở cùng nhà), 5 lần vào các ngày thứ nhất, thứ 7, 14, 21 và 28 của đợt cách ly. Gia đình, người cùng nhà không để người có bệnh nền ở cùng nhà với người cách ly.
Bên cạnh đó, trường hợp F1 là trẻ em, người già yếu, gia đình bố trí người chăm sóc. Trường hợp người cách ly, người chăm sóc có xét nghiệm dương tính sẽ được đưa ngay đến cơ sở y tế và thực hiện theo quy định.
(Theo Báo Giao Thông)
TP.HCM: Phong tỏa tạm thời chợ Nguyễn Tri Phương, tìm người từng đến cửa hàng thịt heo phía sau chợ Phạm Văn Hai
Ngày 27/6, chợ Nguyễn Tri Phương (phường 6, quận 10) đã phải phong tỏa tạm thời để khử khuẩn và điều tra dịch tễ sau khi ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 ngụ quận 5 từng đến chợ. Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng đã xác định được 11 trường hợp F1 có tiếp xúc trực tiép với F0. Đồng thời, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 372 người là các tiểu thương và người đi chợ tại thời điểm giám sát.
Ngoài ra Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường 6, quận 10 (TP.HCM) cũng phát thông báo tìm những người đã đến các địa điểm và thời gian sau:
1. Cửa hàng bán thịt bò tại nhà số 203 đường Ngô Quyền từ ngày 14-6 đến ngày 26-6.
2. Chợ Nguyễn Tri Phương từ 7h ngày 23/6 đến 16h ngày 26/6: ki ốt cá Kiều, điểm bán thịt heo 413B (cạnh nhà vệ sinh công cộng), bãi giữ xe số 2 (bãi xe bên phải, từ ngoài hướng vào cổng chợ).
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người từng đén các địa điểm trong khoảng thời gian trên cần nhanh chóng liên hệ Trạm y tế phường 6 hoặc nơi cư trú để được hướng dẫn khai báo y tế.
Các trường hợp đi chợ trong khoảng thời gian trên nhưng không đến 3 vị trí đã nêu thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Cũng trong ngày 27/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường 2 (quận Tân Bình) cũng phát đi thông báo tìm những người từng đến cửa hàng thịt heo Yến Vân ở số 4 đường Dương Văn Nga (phía sau chợ Phạm Văn Hai) trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 27/6, do liên quan đến trường hợp mắc COVID-19. Cơ quan chức năng kêu gọi cá nhân từng đến địa điểm vào thời gian trên cần nhanh chóng liên hệ Trạm y tế phường 2 hoặc nơi cư trú để được hướng dẫn khai báo y tế. Hiện tại, cơ quan chức năng đã thực hiện phong tỏa tạm thời khu vực phía sau chợ Phạm Văn Hai để điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoạt động trở lại
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 25/6/202, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Bệnh viện.
Như vậy, sau gần nửa tháng tạm ngưng hoạt động vì phát hiện nhân viên mắc COVID-19, Bệnh viện đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chỉ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng do đã được chuyển công năng từ ngày 9/6.
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện nhiệt đới, Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ một trường hợp nhân viên phòng Công nghệ thông tin của bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2, qua điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc từ ngày 11/6 đến nay đã phát hiện 104 ca mắc COVID-19 gồm 65 người là nhân viên, 12 người là người nhà, 24 người tiếp xúc gần với người nhà, một trường hợp phát hiện qua tầm soát do trước đây điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Trường hợp cuối cùng được ghi nhận vào ngày 22/6.
Hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang được Sở Y tế TP.HCM giao nhiệm vụ là bệnh viện hồi sức chuyên sâu COVID-19 “tầng 3” (chuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng) của mô hình tháp 3 tầng trong điều trị COVID-19 tại TP.HCM.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Hưng Yên: Giãn cách xã hội toàn huyện Yên Mỹ từ 0h ngày 27/6
Ngày 27/6, lãnh đạo UBND huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) cho biết, huyện ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 27/6 đến khi có thông báo mới, nhằm bổ sung các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Huyện Yên Mỹ chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn áp dụng những biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch, cụ thể là thực hiện theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã.
Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Mọi người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Huyện yêu cầu không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu... mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Huyện Yên Mỹ cũng yêu cầu các xã, thị trấn nhanh chóng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân trong khu vực phong tỏa và các trường hợp liên quan.
Tính từ ngày 21-26/6, huyện Yên Mỹ ghi nhận 26 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến 2 tài xế lái xe tuyến Bắc - Nam bị dương tính từ nguồn lây ở tỉnh Bình Dương.
Quảng Ngãi "hỏa tốc" tạm dừng hoạt động xe buýt, dịch vụ ăn uống
Sáng 27/6, ông Đăng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin: UBND tỉnh vừa có văn bản hoả tốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, từ 12h ngày 27/6, toàn bộ thị xã Đức Phổ thực hiện việc cách ly y tế theo Chỉ thị số 15; riêng đối với xã Phổ Châu, phường Phổ Thạnh vẫn tiếp tục áp dụng Chỉ thị số 16.
Trên toàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tạm dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung, thể thao, việc hiếu hỷ tập trung trên 30 người (trừ các cuộc họp quan trọng, cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định); không tụ tập từ 30 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Hạn chế việc di chuyển của người dân đến các địa phương khác.
Ông Minh cho hay: Đối với các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống cho phép phục vụ tập trung không quá 20 người/địa điểm và đảm bảo khoảng cách an toàn (tối thiểu 1m); thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích bán hàng qua mạng, mang đi.
Dừng tuyến vận tải hành khách (xe buýt) từ thành phố Quảng Ngãi đi thị xã Đức Phổ và ngược lại.
Theo ông Minh, UBND Quảng Ngãi cũng yêu cầu người dân trên địa bàn tỉnh đã đi đến xã Phổ Châu, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (nhưng chưa qua 21 ngày), khẩn trương đến cơ sở y tế để khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; nếu không chấp hành mà để lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Minh cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan, bùng phát, UBND Quảng Ngãi chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện việc phun khử khuẩn tại các khu vực của thị xã Đức Phổ để phòng, chống dịch. Huy động nguồn nhân lực khẩn trương truy vết, cách ly, xét nghiệm trên diện rộng cho người dân trên địa bàn thị xã Đức Phổ để phát hiện kịp thời các trường hợp dương tính ngoài cộng đồng.
"Để đảm bảo công tác cách ly phòng chống dịch bệnh, tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tại các khu cách ly tập trung; thực hiện rà soát các trường học và các cơ sở có đủ điều kiện trên địa bàn để chuẩn bị làm khu cách ly tập trung. Đồng thời, kích hoạt ngay khu cách ly tập trung tại trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất để đưa vào hoạt động trong ngày 27/6, phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch Covid-19", ông Minh nói.
(Theo Báo Giao Thông)
Hà Nội: Xác định 30 F1 liên quan đến 2 bố con mắc COVID-19
Sáng 27/6, ông Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh, (Hà Nội) cho biết, đơn vị vẫn đang tiếp tục truy vết trường hợp tiếp xúc với hai bố con mắc COVID-19 ở xã Việt Hùng (bệnh nhân 15205 và bệnh nhân 15215). Bệnh nhân 15205 là ông N.C.Q., 66 tuổi, trú tại thôn Gia Lương, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bệnh nhân 15215 là anh N.C.V., 32 tuổi, tài xế taxi, con trai ông Q.
Theo ông Luân, qua điều tra truy vết đến sáng nay đơn vị đã xác định được 30 F1 tiếp xúc với hai bố con. Hiện tất cả trường hợp này đều đã được đưa đi cách ly tập trung. 2 ca mắc COVID-19 này vẫn chưa xác định được nguồn lây. Người con làm lái xe taxi nên có lịch trình di chuyển phức tạp.
Ông Luân cho biết, bước đầu bệnh nhân lái xe di chuyển quanh huyện Đông Anh và một số địa điểm ở huyện Sóc Sơn. Ngoài ra, còn có thông tin tài xế đến một số điểm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long cũng đã có báo cáo nhanh về bệnh nhân 15205 là bảo vệ của bệnh viện này vừa xác định mắc COVID-19. Bệnh nhân 15205 lây từ con trai là bệnh nhân 15215. Qua xét nghiệm, tải lượng virus của người con trai rất lớn.
Ông Q. là bảo vệ vòng ngoài khu vực cách ly điều trị bệnh nhân dương tính của Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long. Ông được làm xét nghiệm PCR 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 31/5, 9/6 và 14/6 và test nhanh âm tính ngày 22/6.
Ngày 24/6, ông xuất hiện triệu chứng ho, sốt, tức ngực, đến khám tại phòng khám cách ly của BVĐK Bắc Thăng Long, test nhanh âm tính, chuyển cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.
Ngày 25/6, ông Q. được Bệnh viện Đa khoa Đông Anh lấy mẫu, gửi CDC Hà Nội cho kết quả dương tính do Bệnh viện Đức Giang thực hiện.
Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long xác định có 5 người trong tổ bảo vệ tiếp xúc với bệnh nhân, đều đeo khẩu trang. Bệnh viện đã xét nghiệm cho 5 người tiếp xúc cùng 4 nhân viên bảo vệ khác, đều cho kết quả âm tính. Đồng thời, toàn bộ nhân viên, bệnh nhân có mặt tại bệnh viện đều được xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả trước khi tiếp nhận bệnh nhân trở lại.
(Theo Dân Việt)
Giả làm bệnh nhân, 5 người Hải Dương định lừa chốt kiểm soát vào Quảng Ninh
Thông tin cho PV, Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và đang xác minh vụ việc một nhóm người trú tại tỉnh Hải Dương thuê xe cấp cứu 115 vượt qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 vào địa bàn để không phải khai báo y tế.
Theo đó, vào tối qua (26/6), trong quá trình làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trước Trạm thu phí đầu cầu Bạch Đằng (trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 (Đội 2), thuộc Phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ (Cục Cảnh sát giao thông) phát hiện xe cấp cứu 115 BKS 34A 389-86 đi từ hướng Hải Phòng sang Quảng Ninh qua chốt kiểm dịch không dừng khai báo y tế.
Nhóm người từ Hải Dương thuê xe cấp cứu để vượt chốt kiểm soát vào tỉnh Quảng Ninh.
Phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn của xe cứu thương nên lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra. Thời điểm kiểm tra trên xe có 6 người, gồm 1 lái xe và 5 người ngồi trong khoang phía sau.
Làm việc với cơ quan chức năng, lúc đầu những người này khai là bệnh nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, khai thác lái xe Phạm Công Hải L (SN 1994, trú tại huyện Nam Sách, Hải Dương), tài xế này không xuất trình được giấy phép lái xe cho lực lượng chức năng và quanh co, có nhiều biểu hiện bất minh.
Quá trình đấu tranh khai thác, cả 5 người ngồi phía sau khoang khai nhận có hộ khẩu trú tại huyện Gia Lộc (Hải Dương), những người này không phải là bệnh nhân mà thuê xe cứu thương chở từ Hải Dương về Quảng Ninh để đi làm với hi vọng sẽ qua được chốt kiểm soát dịch COVID-19 mà không phải dừng để khai báo y tế.
Hiện vụ việc đã được tổ công tác bàn giao cho Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Phạt tiền nhiều trường hợp đi tập thể dục bất chấp lệnh cách ly xã hội
Bất chấp lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân TP Vinh (Nghệ An) vẫn ra ngoài không cần thiết, đi hóng mát, tập thể dục,…
Theo ghi nhận, trong ngày 26/6, vẫn còn nhiều người dân trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) ra ngoài không cần thiết, vi phạm Chỉ thị 16.
Tại xã Nghi Đức, TP Vinh, chính quyền địa phương đã ra quân xử phạt 6 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3.750.000 đồng. Tính từ thời điểm thành phố áp dụng cách ly xã hội, xã Nghi Đức đã xử phạt 21 trường hợp với tổng số tiền 15.600.000 đồng.
Tại xã Nghi Phú, tình trạng người dân đạp xe tập thể dục quanh các tuyến đường, các khu đô thị diễn ra phổ biến.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử phạt 2 trường hợp vi phạm với số tiền 4 triệu đồng, tạm giữ phương tiện theo quy định. Trước đó, chính quyền xã Nghi Phú đã lập biên bản xử phạt 5 trường hợp đạp xe thể dục trên tuyến đường Lê Nin.
Tại phường Trung Đô, một số người dân vẫn ra ngoài khi không thực sự cần thiết, tập trung tại xung quanh núi Quyết. phường Trung Đô đã xử phạt 2 trường hợp, mỗi trường hợp 1,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng các phường, xã ở thành phố Vinh đã lập biên bản xử phạt gần 60 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16.
Cặp vợ chồng nhiễm COVID-19, thiết lập khu vực cách ly 4 thôn
Bốn thôn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc) gồm: Yên Thịnh, Phượng Sơn, Toàn Thắng và Quang Trung. Các thôn còn lại trong xã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Trước đó, sáng 25/6, Nghi Lộc ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Bệnh nhân là người phụ nữ 50 tuổi, trú ở thôn Phượng Sơn, xã Nghi Diên. Người này là tiểu thương, buôn bán ở chợ đầu mối Vinh. Sau khi xét nghiệm các F1, chồng của bệnh nhân cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện, ngành chức năng đã truy vết được hơn 60 F1 của cặp vợ chồng F0. Tất cả được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
Liên quan đến chợ đầu mối Vinh, huyện Nghi Lộc cũng đã rà soát được hơn 400 người. Những người này sau khi được lấy mẫu xét nghiệm sẽ cách ly tại nhà.
Trước đó, nhận định chợ đầu mối Vinh là một ổ dịch, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, Sở Y tế Nghệ An cũng đã ra thông báo khẩn đề nghị tất cả người dân tự giác báo tin khi đến chợ đầu mối trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 23/6/2021.
UBND thành phố Vinh cũng đã tạm dừng hoạt động khu vực chợ đầu mối để phòng chống dịch COVID-19 từ ngày hôm nay 27/6.
Nghệ An tạm dừng hoạt động nhiều khu chợ từng có F0 tham gia mua bán
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Vinh (Nghệ An) quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu chợ, gồm: Chợ đầu mối Vinh; chợ Trụ - Hưng hòa, chợ Quang Trung, chợ Cửa Bắc, bắt đầu từ ngày 27/6.
Đây là những khu chợ đã từng có F0 tham gia mua bán, nguy cơ lây lan dịch cao. Toàn bộ tiểu thương 4 khu chợ này đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với 22 chợ còn lại được phép hoạt động, tuy nhiên, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo như: Tiêu độc, khử trùng trong khu vực chợ; Chỉ cho phép mở 1 lối ra và 1 lối vào chợ, bố trí lực lượng chốt chặn tại các lối ra, vào khác; Không cho khách hàng và các hộ tiểu thương ra, vào tại các lối không được phép; Bố trí điểm bán khẩu trang, tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu sát khuẩn tay cho tất cả các hộ tiểu thương và khách hàng khi vào chợ.
Lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương tại chợ đầu mối.
Lực lượng chốt chặn tại các lối vào của chợ yêu cầu người dân đến mua, bán phải thực hiện việc khai báo y tế trước khi vào chợ nhằm phục vụ việc truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả.
Lên phương án lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương buôn bán tại 22 khu chợ được phép hoạt động. Ngoài ra, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, thành phố Vinh sẽ triển khai phương án cấp thẻ vào chợ 2 ngày/lần cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn thành phố để hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các khu chợ.
Tại huyện Thanh Chương, mặc dù đến thời điểm này địa phương chưa có ca nhiễm COVID-19 nhưng huyện sẽ tạm đóng cửa nhiều chợ dân sinh trên địa bàn để phòng, chống dịch từ ngày 27/6.
Các khu chợ tạm ngừng hoạt động bao gồm: chợ Cồn (Thanh Dương), chợ Đồng Du (Thanh Lĩnh), chợ Thanh Khai, chợ chiều Thanh Yên, chợ cây Đa Dùng, chợ chiều thị trấn Thanh Chương.
Liên quan ổ dịch tại chợ đầu mối Vinh, qua rà soát toàn huyện Thanh Chương có 44 tiểu thương giao dịch từ ngày 1 - 23/6. Huyện đã thực hiện cách ly tập trung tất cả những xã có liên quan, lấy mẫu xét nghiệm 40/44 xã. Thành lập 11 chốt phòng, chống dịch COVID-19.
(Theo Tiền Phong)
Tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua tình hình dịch COVID-19 tại phía Nam, đặc biệt tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh khác khiến Bộ Y tế rất lo ngại. Đối với TP Hồ Chí Minh, theo đánh giá chung có thể tiếp tục xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng nhưng không phát hiện được nguồn lây vì dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc việc tìm ra nguồn lây rất khó khăn. Tiếp đến, nguy cơ lây nhiễm vào các khu công nghiệp rất lớn.
Vì TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bình Dương có mật độ công nhân lao động lớn, trong khi đó điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú rất chật hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm COVID-19 tại khu vực này.
Vì vậy, Bộ Y tế đã đặt trọng tâm trong phòng, chống dịch tại khu vực này, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận có khu công nghiệp là phải tăng cường tất cả các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp. Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm vào khu công nghiệp ở khu vực này rất lớn, bởi vì bản thân các khu công nghiệp đã có ca nhiễm. Vấn đề tiếp theo là lây nhiễm tại khu vực ăn uống, lưu trú của công nhân… dẫn đến có nhiều hình thái lây nhiễm như giữa các công ty với nhau, lây nhiễm trong công ty. Do đó, ưu tiên của các địa phương phía Nam là phải kiểm soát tốt tình hình dịch tại các khu công nghiệp.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành những hướng dẫn chi tiết về phòng, chống lây nhiễm tại khu vực này như khi chưa có ca mắc thì cần triển khai những biện pháp nào, khi có 1 ca mắc thì làm gì và khi có nhiều ca mắc thì triển khai phòng, chống dịch như thế nào?... Trên cơ sở đó, các địa phương phải áp dụng theo hướng dẫn này của Bộ Y tế.
Với số lượng ca mắc lớn, đang tăng lên từng ngày tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, công tác ứng phó của các địa phương có đáp ứng được với tình hình phức tạp của dịch hay không? Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, đặc biệt đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay, những biện pháp ứng phó đã tương đối sớm, kịp thời và chủ động.
Tuy nhiên, có vấn đề Bộ Y tế đã trao đổi với TP Hồ Chí Minh là phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, cho dù là theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 thì cũng không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, tình trạng giao lưu đi lại giữa các khu vực lẫn nhau. Điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm. "Chúng tôi nhấn mạnh cần phải “chặt cả bên ngoài và chặt cả bên trong”, có như thế mới có thể kiểm soát được tốc độ lây nhiễm tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt lưu ý.
TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục triển khai quyết liệt hơn các biện pháp về xét nghiệm và phải xét nghiệm trên từng quy mô phù hợp. Bộ Y tế đã có hướng dẫn khu vực nào cần xét nghiệm toàn dân, khu vực nào chỉ xét nghiệm những đối tượng nguy cơ… "Không riêng TP Hồ Chí Minh mà các địa phương phải tăng cường xét nghiệm. Đây là mấu chốt quan trọng để kiểm soát dịch hay chậm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. Đặc biệt, khi xét nghiệm phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, cần ngay lập tức đưa mầm bệnh, nguồn lây ra khỏi cộng đồng, có làm như thế thì mới có thể nhanh chóng chặn nguồn lây tại đây.
Bộ Y tế cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh tăng cường tầm soát tất cả những người đến các cơ sở y tế, bao gồm cả những bệnh nhân và những người có yếu tố nguy cơ… Các địa phương khác cũng cần thực hiện như vậy và không nên ngần ngại thực hiện giãn cách theo từng quy mô phù hợp với tình hình dịch. Trong trường hợp cần thiết thì thực hiện phong tỏa nhưng phải thật nghiêm. "Trong tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng các địa phương của phía Nam đang thực hiện rốt ráo tất cả các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế", Bộ trưởng nói.
Để có miễn dịch cộng đồng, TP Hồ Chí Minh đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, khâu chuẩn bị và kịch bản cho công tác tiêm chủng có những trục trặc ban đầu. Đây là lần đầu tiên triển khai nên chắc chắn không thể nào trơn tru được, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những thay đổi trong cách thức thực hiện, thay đổi về quy trình, tổ chức điểm tiêm.
Bộ Y tế hy vọng trong thời gian ngắn tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo tốc độ tiêm theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế đã có khuyến cáo TP phải chia nhỏ các điểm tiêm, phải tiêm theo giờ, không để tụ tập quá đông người trong một thời điểm, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm tại điểm tiêm đó. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương khác khi tổ chức chiến dịch phải chia khung giờ để tiêm, đồng thời phải chia nhỏ điểm tiêm để đảm bảo giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch để tránh lây nhiễm dịch bệnh tại khu vực này.
(Theo Công An Nhân Dân)
Quốc gia ĐNA có 129 người tử vong vì Covid-19 trong 1 tuần
Theo Khmer Times, Campuchia ghi nhận 129 người tử vong vì Covid-19 trong 7 ngày qua và số ca tử vong vì dịch bệnh mỗi ngày trong tuần qua cũng ở mức 2 con số.
Tờ Khmer Times có bài viết đặt ra câu hỏi: "Tổng số người tử vong vì Covid-19 của Campuchia là 523, phải chăng biến chủng Delta đang "càn quét?".
Bộ Y tế Campuchia thừa nhận, các biến chủng Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) và Beta (phát hiện đầu tiên ở Nam Phi) đã xuất hiện ở Campuchia nhưng chưa có dữ liệu chi tiết nào cho thấy có bao nhiêu người bị nhiễm biến chủng này, tỷ lệ tử vong và phương pháp điều trị với người nhiễm biến chủng này ra sao.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với "cơn thịnh nộ" của biến chủng Delta và chỉ có tiêm phòng vắc-xin Covid-19 mới giảm thiểu rủi ro cũng như nguy hiểm từ biến chủng này.
Không chỉ lây lan nhanh mà biến chủng Delta còn được đánh giá là nguy hiểm hơn các biến chủng khác. Theo Khmer Times, biến chủng này khiến bệnh nhân nhiễm bệnh nặng hơn và ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới giới trẻ.
Delta được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là "biến chủng Covid-19 dễ lây lan nhất" ở thời điểm hiện tại.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng, biến chủng Delta đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nó đang "lây lan nhanh chóng ở các khu vực chưa được tiêm chủng".
"Khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng lây nhiễm trên thế giới", ông Tedros nói.
Theo người đứng đầu WHO, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao dẫn đến số người nhập viện nhiều hơn, gây áp lực lớn tới nhân viên và hệ thống y tế, đồng thời dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Ông Tedros thừa nhận, các biến chủng mới của Covid-19 ra đời là điều được lường trước, nói rằng "virus sẽ tiến hóa" và nhấn mạnh chỉ có ngăn chặn dịch lây lan, chúng ta mới có thể ngăn các biến chủng mới xuất hiện.
"Chúng ta có thể hiểu đơn giản như thế này: Càng nhiều lây nhiễm thì sẽ càng có nhiều biến chủng. Ngược lại, càng ít lây nhiễm thì sẽ có càng ít biến chủng", Tổng giám đốc WHO nói.
"Đây là lý do vì sao WHO phải nhắc đi nhắc lại trong ít nhất một năm qua rằng, vắc-xin Covid-19 phải được phân phối công bằng để bảo vệ nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất", ông Tedros nói.
(Theo Dân Việt)