COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2

K.T - Ngày 29/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Tài xế xe buýt là F1 nhưng lại về nhà, kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, con vừa chào đời và vợ thành F1.

Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2

Sáng 29-7, UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 14 ngày đối với ông Hồ Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu) vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 1

Lực lượng bộ đội Quân khu 4 phun hóa chất khử khuẩn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. 

Anh HTC (43 tuổi, tài xế xe buýt Đông Bắc, trú xã Quỳnh Lâm) là F1 của bệnh nhân HTY đã được công bố sáng 28-7. Theo quy định, anh C. phải cách ly y tế tại Trường Tiểu học Quỳnh Lâm.

Tuy nhiên, ông Trường lại để anh C. đi về nhà thăm vợ con (vừa sinh) khi anh này chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19.

Chiều 28-7, kết của xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho thấy anh C. dương tính với virus SARS-CoV-2.

Anh C. khai, trong thời gian về thăm nhà anh chỉ tiếp xúc với vợ và con. Nay vợ và con của anh C. trở thành F1.

Trao đổi qua điện thoại vào sáng 29-7, trả lời câu hỏi “tại sao cho tài xế xe buýt là F1 về thăm vợ, con”, ông Trường nói: “Anh về nhà rồi”.

Liên quan dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, ngày 28-7, ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã ký quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xã Quỳnh Lâm và xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Đà Nẵng thêm 51 người dương tính, chợ chỉ được bán 50% quầy hàng

Tối 29/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng (BCĐ) cho hay thành phố ghi nhận thêm 51 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó có 28 người đã được cách ly, 5 người từ khu vực phong tỏa, 18 người chưa được cách ly khi lấy mẫu xét nghiệm:

Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm liên quan đến Cảng cá Thọ Quang có thêm 26 người. Như vậy chuỗi này đã có 107 trường hợp dương tính.

Trước tình hình các chợ trên địa bàn ghi nhận nhiều trường hợp dương tính, cùng với diễn biến dịch căng thẳng, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các chợ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt phải thực hiện giãn cách các sạp hàng, quầy hàng trong chợ bằng cách bố trí bán luân phiên trong ngày không quá 50% số lượng hộ tiểu thương (trừ các tiểu thương phân phối hàng sỉ tại chợ đầu mối Hoà Cường).

Các phường, xã chỉ phát hành thẻ vào chợ có mã QRCode cho các hộ dân trên địa bàn, không sử dụng thẻ vào chợ mà không có mã QRCode. Ngoài ra, nghiêm cấm và xử lý nghiêm tình trạng chợ tự phát trên địa bàn, tình trạng người bán hàng rong thực phẩm gây tụ tập đông người tại các tuyến đường, kiệt, hẻm ở khu dân cư.

Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng đã có 565 ca nhiễm COVID-19.

(Theo Tiền Phong)

Thừa Thiên - Huế sẽ tạm dừng chương trình đón công dân từ vùng có dịch trở về

Tối 29-7, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát đi thông báo tạm dừng chương trình đón công dân từ vùng có dịch trở về. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đang đẩy nhanh tiến độ đưa những người yếu thế (người già, trẻ em, người mang thai, người bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh) từ vùng có dịch trở về địa phương. Trong đó, đã tổ chức đợt 1 đón 239 công dân trở về bằng đường hàng không vào ngày 26-7, đợt 2 đón 376 công dân trở về bằng tàu hỏa vào ngày 29-7 và đợt 3 sẽ tổ chức chuyến máy bay dịch vụ cho khoảng 250 công dân, dự kiến ngày 1-8, họ trở về cách ly tại 2 khách sạn theo mức phí quy định.

Tổng quy mô cách ly toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt hơn 10.000 chỗ, đang cách ly hơn 8.000 người về từ vùng có dịch và dự kiến trong vài ngày tới sẽ hết công suất.

Do vậy, sau 3 đợt tổ chức đón công dân trở về, tỉnh Thừa Thiên - Huế tạm dừng thực hiện chương trình đón công dân từ vùng có dịch trở về do các khu cách ly của tỉnh đã quá tải, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng là hiện hữu. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tập trung nhân lực, vật lực điều trị cho hơn 30 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 20 bệnh nhân được phát hiện trong khu cách ly là người về từ các vùng có dịch.

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, cho cộng đồng và cho quê hương Thừa Thiên - Huế, đề nghị người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng nghiêm túc thực hiện, không di chuyển trở về Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn này. Những trường hợp cấp thiết, đề nghị người dân liên hệ với chính quyền thông qua ứng dụng Hue-S hoặc đường dây nóng 19001075 để được hỗ trợ.

(Theo Tiền Phong)

Quảng Ngãi "hỏa tốc" chỉ đạo dừng đón người dân từ vùng dịch về quê

Chiều 29/7, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo từ ngày 1/8 tạm dừng tiếp nhận công dân Quảng Ngãi trở về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế.

Thời gian qua, người dân từ các vùng dịch tự phát trở về quê bằng phương tiện xe máy diễn ra phổ biến, bất chấp quy định phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16.

Thời gian qua, người dân từ các vùng dịch tự phát trở về quê bằng phương tiện xe máy diễn ra phổ biến, bất chấp quy định phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16.

Theo ông Minh, trong thời gian vừa qua, trước tình hình tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca nhiễm bệnh liên tục gia tăng, Quảng Ngãi đã tổ chức đón 400 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê, đồng thời sắp xếp tiếp nhận khoảng 1.500 - 1.800 người có nguyện vọng về quê để tổ chức cách ly tại các khách sạn có trả phí dịch vụ.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, có trên 5.000 người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tự phát trở về quê (tự túc phương tiện hoặc thuê xe dịch vụ), trong đó có nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (FO), dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Trong khi đó, năng lực cách ly y tế của Quảng Ngãi đã quá tải (hiện đang cách ly tập trung hơn 6.000 người) phải sử dụng các cơ sở giáo dục tại các xã, phường, thị trấn nhưng gặp nhiều hạn chế trong khâu quản lý, vận hành, sinh hoạt, xử lý rác thải,... nên có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Cùng với đó, năng lực y tế của tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo yêu cầu chống dịch nếu số F0 tăng cao; hoặc cùng lúc có nhiều F0 kèm bệnh lý nền nặng; năng lực tài chính không đảm bảo phục vụ tiếp nhận, cách ly y tế tập trung theo quy định.

Mặt khác, hiện các tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16; hoặc ở mức giãn cách xã hội cao hơn theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình; thôn/bản cách ly với thôn/bản; xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh", yêu cầu người dân ở tại nơi lưu trú, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Ông Minh nhấn mạnh: Việc công dân tự ý, tự phát rời khỏi các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 về Quảng Ngãi bằng phương tiện cá nhân là vi phạm nguyên tắc chỉ đạo tại Chỉ thị 16.

"Xuất phát từ tình hình thực tế và khả năng phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận công dân Quảng Ngãi từ các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế về Quảng Ngãi, bắt đầu từ ngày 1/8", ông Minh thông tin.

(Theo Báo Giao Thông)

Nhiều công nhân mắc COVID-19, Tiền Giang ngừng sản xuất theo phương án '3 tại chỗ'

Ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ) trong các khu, cụm công nghiệp nhưng vẫn xảy ra bùng phát dịch.

Trước khi chính thức tạm dừng hoạt động, từ ngày 29/7 đến 4/8, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức xét nghiệm tầm soát RT-PCR cho toàn bộ công nhân và người quản lý.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp chịu trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, theo dõi các doanh nghiệp trong việc thực hiện tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Lập danh sách cụ thể công nhân, người lao động (sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính), thông báo về địa phương để theo dõi, quản lý.

Cùng ngày, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết tại Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho) đã ghi nhận 180 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Theo kết quả xét nghiệm RT-PCR của Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang, ngày 28/7, 286 công nhân Công ty cổ phần Gò Đàng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là 180 mẫu, 99 mẫu âm tính, 6 mẫu chờ kết quả và 1 mẫu nghi ngờ. Công ty cổ phần Gò Đàng thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 15/7. Toàn bộ công nhân được bố trí sản xuất, ăn, nghỉ, sinh hoạt tại công ty theo quy định.

Thời gian gần đây, có một số doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Tiền Giang dù thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng vẫn xảy bùng phát dịch. Ngoài công ty cổ phần Gò Đàng thì công ty Thép không gỉ Quảng Thượng Việt Nam tại khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) cũng có gần 100 ca dương tính SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế Tiền Giang, chiều ngày 28/7, tỉnh ghi nhận 192 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số F0 ở tỉnh này lên 2.378 ca. Tính đến nay, Tiền Giang điều trị khỏi 342 ca mắc COVID-19, 38 trường hợp tử vong với 126 ổ dịch trên địa bàn.

(Theo Tiền Phong)

Chính phủ hỏa tốc chỉ đạo bỏ quy định cấm vận chuyển hàng không thiết yếu

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo từ 0h ngày 30/7, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành GTVT cấp vận chuyển hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Không có Giấy nhận diện thì kiểm tra khai báo y tế và kết quả xét nghiệm Covid-19

Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có những hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.

Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hoá (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.

Người trên phương tiện chở hàng hoá lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hoá thông suốt qua địa bàn.

Danh mục "hàng hoá cấm lưu thông" thay thế "hàng hoá thiết yếu"

Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, thì các xe thuộc diện được ngành GTVT cấp Giấy nhận diện có QR Code là hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông nhằm tránh việc mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông, đây là danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật. Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" do Bộ Công thương đề xuất:

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 3

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 4

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 5

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 6

(Theo Báo Giao Thông)

Khẩn: Tìm người đến cây xăng ở quận Hoàng Mai vì có nhân viên dương tính với SARS-CoV-2

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Hoàng Mai thông báo tìm người đến mua xăng tại cây xăng Sang Mạn (cạnh chợ đầu mối Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong thời gian từ ngày 21/7/2021 đến nay.

Người đã đến địa điểm này tự cách ly tại nhà và khai báo ra trạm y tế nơi cư trú hoặc gọi điện đến số 02436332628 (Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai) hoặc 0969.082.115/0949396115 (CDC Hà Nội) để được tư vấn.

Trước đó, trưa ngày 29/7, Sở Y tế Hà Nội đã công bố một nữ nhân viên đang làm việc ở cây xăng nói trên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, bệnh nhân là N., nữ, SN 1988, ở khu chợ đầu mối phía Nam, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Bệnh nhân liên quan đến khu vực có ca dương tính trước đó (người bán trứng trong chợ đầu mối). Ngày 28/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả xét nghiệm dương tính.

Phong tỏa thị trấn Nam Sách vì nhiều ca bệnh có dịch tễ phức tạp

Trưa 29/7, UBND Huyện ủy Nam Sách (Hải Dương) quyết định phong tỏa toàn bộ xã Thái Tân, thị trấn Nam Sách và một phần xã Nam Hồng. Đồng thời, lập chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào các xã trên địa bàn huyện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Huyện Nam Sách yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nhà nếu không thật sự cần thiết như: mua lương thực thực phẩm, thuốc, cấp cứu hoặt làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hoá thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động.

Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng.

Tạm dừng hoạt độn các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa không thiết yếu: karaoke, phòng trà, quán bar, quán game, internet, bi-a, phòng tập gym, bể bơi, khu vui chơi giải trí…

Tạm dừng chợ Hóp (xã Nam Hồng), tạm dừng chợ cóc, chợ tạm. Chợ thị trấn Nam Sách được mở cửa nhưng chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu và phục vụ người dân trên địa bàn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu.

Dừng tổ chức các đám cưới, hỏi. Các đám hiếu tổ chức nhanh gọn, không tổ chức ăn uống. Các công ty, doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện phương án, kịch bản phòng chống dịch tại công ty, doanh nghiệp.

Đối với người và phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư qua chốt kiểm soát COVID-19 yêu cầu không đi qua vùng phong tỏa. Công nhân làm việc tại các doanh nghiệp phải có thẻ công nhân của doanh nghiệp, công ty cấp. Cam kết thực hiện yêu cầu một cung đường, 2 điểm đến.

Đối với xe vận tải hàng hóa được di chuyển trên đường thuộc làn xanh do Sở GTVT công bố. Tài xế và phụ lái phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Xe vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân phải được dán giấy nhận diện có mã QR code của ngành giao thông. Tài xế và phụ lái phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

TPHCM: Khẩn cấp lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19

Sáng 29/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Bộ trưởng đánh giá thành phố đang gồng mình, hết sức nỗ lực cho cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. “Đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có trong tiền lệ. Theo đánh giá của chúng tôi Thành phố đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng chống dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Số ca mắc bệnh tại TPHCM đang tăng nhanh kéo theo nhóm bệnh nặng, tử vong ở mức cao.

Số ca mắc bệnh tại TPHCM đang tăng nhanh kéo theo nhóm bệnh nặng, tử vong ở mức cao.

Tại buổi làm việc, theo Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm nhất trong phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Để tiếp tục cùng TPHCM phòng chống dịch COVID-19, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều động các vụ cục và nhiều bệnh viện tiếp tục chi viện cho TPHCM chống dịch.

Trong thời gian sớm nhất tất cả các lãnh đạo Cục - Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… của Bộ Y tế sẽ vào TPHCM. Các bệnh viện trên sẽ cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

Bộ Y tế sẽ giao các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TPHCM, Giám đốc các bệnh viện trung ương sẽ làm giám đốc các bệnh viện hồi sức COVID-19 này.

Như vậy, ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (bệnh viện này đã đi vào hoạt động và đang tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch), Bộ Y tế sẽ cùng với Thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn Quận Thủ Đức với quy mô 500 giường. Đồng thời, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Việt-Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.

Giám đốc Trần Bình Giang cho biết, chiều qua đã đưa ê kíp gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt – Đức vào TPHCM, đồng thời chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường. “Tôi đã yêu cầu đội ngũ làm gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức tập huấn về chuyên môn để sẵn sàng vào là bắt tay vào việc”- GS.TS Trần Bình Giang nói.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TPHCM với quy mô 500 giường. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh; Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc tại Bệnh viện hồi sức này.

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13. Ngoài ra, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng tùy theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, đồng thời đề nghị TP Hồ Chí Minh cần lên phương án cụ thể về nhân lực, để các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện do Bộ Y tế điều động vào cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc. Về cơ sở vật chất, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực để thiết lập thêm dần dần đáp ứng công năng điều trị.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, để các Trung tâm hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn TPHCM hoạt động hiệu quả, Thành phố cần thiết lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ các Trung tâm Hồi sức tích cực để mọi hoạt động được nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó TPHCM cần đảm bảo các công tác hậu cần để các Trung tâm Hồi sức tích cực hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đều nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực này này với tinh thần “nhanh nhất vì sức khỏe người dân”.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM: Người đi tiêm vắc xin trong thời gian thực hiện chỉ thị 16 sẽ được cấp thẻ/phiếu nhận diện

Ngày 29/7, UBND TP. HCM đã ban hành Công văn nhằm kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16.

Tại Công văn này, UBND TP. HCM yêu cầu lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước phải đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị (gọi chung là thẻ công chức), thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành, kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng. Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải đeo thẻ công chức hoặc sử dụng thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ), kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.

Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm bằng xe ô tô cá nhân thì phải có thêm giấy xác nhận công tác (màu xanh dương đối với người làm nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và màu đỏ đối với lực lượng làm công tác/hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; kích thước 20cm x 20cm) do cơ quan, đơn vị cấp (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, có đóng dấu treo của cơ quan, đơn vị), được dán trên mặt kính trước của xe. Đối với lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng được điều phối để hỗ trợ, phục vụ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (kể cả lực lượng tổ chức và phục vụ tiêm vắc xin), sử dụng thẻ công tác/giấy xác nhận công tác phòng, chống dịch (màu đỏ) do cơ quan, đơn vị cấp.

Đối với những người đi tiêm vắc xin, ngoài giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại, UBND TP. Thủ Đức và các quận - huyện cấp thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hằng ngày) để người đi tiêm vắc xin đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, một số địa phương sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân sau 18 giờ mỗi ngày. Về đội ngũ người giao hàng (shipper), được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày và phải đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường như: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...

Đồng thời, phải có bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng. Riêng các shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 thì được phép di chuyển liên quận - huyện, TP. Thủ Đức.

Đối với trường hợp người dân đi chợ, siêu thị, UBND phường - xã - thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân theo quy định trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.

Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; phương tiện vận chuyển phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; xe ô tô, xe taxi được huy động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết: được nhận diện theo quy định hoặc đã đăng ký với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và cung cấp cho Công an TP và các quận - huyện, TP Thủ Đức để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.

Quốc gia ĐNA mỗi ngày trăm ca tử vong, có thi thể chờ 4 ngày mới được chôn

“Cơ quan chức năng nói với chúng tôi, rằng họ dự đoán số người chết sẽ tăng trong vòng ba đến sáu tháng tới. Điều này rất đáng lo ngại”, Muhammad Rafieudin nói.

Số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia bắt đầu tăng lên vào tháng Tư, và đạt mức kỉ lục 207 ca vào thứ Hai (26/7).

Trong tháng Tư, Malaysia ghi nhận 234 ca tử vong vì COVID-19. Nhưng sang tháng Năm, con số này đã tăng lên tới 1.290 ca dù chính quyền đã áp đặt các lệnh hạn chế chặt chẽ hơn. Tháng Sáu, tổng cộng 2.374 ca tử vong đã được báo cáo, trong khi chính quyền Malaysia đã ban hành lệnh phong toả toàn quốc từ đầu tháng.

Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục leo thang do số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Malaysia cũng đang tăng mạnh. Ngày 28/7, Malaysia ghi nhận mức tăng số ca bệnh cao kỉ lục với 17.405 ca.

Người đứng đầu cơ quan y tế Malaysia - Noor Hisham Abdullah cảnh báo hôm Chủ nhật rằng số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở nước này có thể sẽ tăng lên tới 24.000 ca vào tháng Chín.

Cảnh tượng nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ khiêng thi thể bệnh nhân COVID-19 từ nhà xác lên xe tang diễn ra hàng chục lần mỗi ngày ở các bệnh viện Malaysia.

Chính quyền thủ đô Kuala Lumpur tuần trước đã mở cửa một nhà xác mới để đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số người chết. Nhà xác được trang bị năm thùng chứa, có thể chứa 225 thi thể.

Nhân viên tổ chức tang lễ Muhammad Rafieudin ở Thung lũng Klang cho biết ông đang phải làm việc suốt ngày đêm, và hình ảnh các thi thể xếp chồng lên nhau tại bệnh viện là hình ảnh có thật.

“Một số thi thể phải nằm trong nhà xác ba đến bốn ngày. Hôm qua, có một bệnh nhân COVID-19 qua đời tại nhà, nhưng phải 12 tiếng sau bệnh viện mới đến thu thập thi thể vì thiếu xe cứu thương và nhân viên. Gia đình bệnh nhân không thể làm bất cứ điều gì, vì họ đang bị cách ly. Đây là tình trạng thực tế, là những gì đang xảy ra”, Rafieudin nói cuối tuần trước.

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 8

Ngoài những bệnh nhân qua đời vì COVID-19, số vụ tự tử ở Malaysia cũng tăng lên. “Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người đã tự tử, trong đó một số người vì gặp vấn đề tài chính. Chúng tôi xử lý trung bình một đến ba người tự tử mỗi ngày”, Rafieudin nói.

“Số người chết mỗi ngày cao đến mức chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quan tài. Các lò hỏa táng ngày nào cũng kín chỗ.”

Vì quá bận rộn, nên ông Muhammad Rafieudin chỉ có thể ngủ hai, ba tiếng mỗi ngày. “Thời gian còn lại, tôi phải túc trực để nhận các cuộc gọi, có khi vào 2h, 3h hoặc 4h sáng. Tôi phải hướng dẫn gia đình quy trình xử lý thi thể, ghi chép, triển khai các đội thu thập thi thể và tiến hành mai táng. Chúng tôi có 10 đội hoạt động hàng ngày.”

Cách đây 5 năm, Rafieudin thành lập đội tổ chức tang lễ để giúp đỡ những gia đình khó khăn. Nhóm của Rafieudin tổ chức cả tang lễ cho những thi thể đã bị phân huỷ hoặc những người nhiễm HIV.

“Tôi từng học cách xử lý các cơ thể nhiễm HIV và Ebola. Nhưng virus corona không giống như HIV. Nó lây lan dễ dàng hơn, nên tôi rất lo lắng.”

Người xử lý thi thể phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân. Thi thể người mắc COVID-19 phải được bọc trong hai lớp túi, và quan tài cũng phải bọc kín nhiều lần.

Tất cả mọi thứ, từ nhân viên nhà tang lễ và xe tang cần được khử trùng liên tục trong suốt quá trình. Và thiết bị bảo hộ cá nhân sẽ được tiêu huỷ khi việc chôn cất kết thúc.

Đối với người Hồi giáo, thi thể cần phải rửa sạch. Nhưng điều này là không được phép đối với những người qua đời vì COVID-19. Thi thể người theo đạo Hồi cũng phải được chôn cất nhanh chóng trong vòng 24 giờ. Nhưng với tình trạng số người chết ngày càng gia tăng, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

"Đó là một công việc mạo hiểm. Khi tôi về nhà vào khoảng 22 giờ, tôi phải tắm trước khi gặp gia đình. Đôi khi các con tôi nhớ tôi và chúng muốn ôm tôi nhưng tôi phải cố gắng cẩn thận."

Tháng trước, Rafieudin được xác nhận mắc COVID-19. Ông cho biết mình không cần trợ thở, nhưng không thể nín thở quá ba giây. "Đôi khi tôi cảm thấy như đang ở dưới nước. Thật đau đớn.

Tôi đã tưởng tượng ra đám tang của chính mình và tự hỏi liệu nó có được tiến hành giống như các bệnh nhân COVID-19 khác hay không. Tôi đã rơi nước mắt khi nghĩ rằng mình còn rất nhiều việc đang dang dở. Nhưng cảm ơn chúa tôi đã sống sót.”

Trong khi những người xử lý thi thể có nguy cơ bị căng thẳng và kiệt sức không kém các nhân viên y tế tuyến đầu, thì Rafieudin cho biết động lực giúp ông tiếp tục công việc này là sự cảm thông đối với thân nhân các bệnh nhân COVID-19.

“Họ đã không thể chăm sóc người thân khi họ bị bệnh, và cũng không thể ở bên khi người thân qua đời. Vì vậy, tôi chỉ cố gắng hết sức để họ được yên tâm”, Rafieudin nói.

Đối với những người còn khoẻ mạnh, Rafieudin khuyên nhủ: “COVID-19 là có thật. Hãy giữ an toàn. Tôi biết mọi người đều căng thẳng vì phải ở nhà quá lâu. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải làm điều này trong khi chờ đợi có thêm nhiều người được tiêm chủng".

(Theo Tiền Phong)

Nhiều tỉnh thành đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã giao ban trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía nam sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố bày tỏ lo ngại diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, còn ghi nhận thêm các ca nhiễm. Một số ổ dịch mới xuất hiện khi tăng cường xét nghiệm, tầm soát trong những ngày qua.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ đang chịu áp lực rất lớn từ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên… trở về từ vùng dịch. Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá, diễn biến dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía nam còn phức tạp nhưng không phải không giải quyết được với điều kiện, nhân dân phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện tốt 5K.

“TP.HCM không cần thêm văn bản nào cao hơn nữa mà trên cơ sở những giải pháp đưa ra để hành động, xử lý triệt để hơn nữa thì hoạt động phòng, chống dịch của TP.HCM sẽ hiệu quả hơn”, Thượng tướng Võ Minh Lương chia sẻ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, đặc biệt TP.HCM đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, được người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, một số địa phương phía nam sông Hậu, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng ca nhiễm chưa giảm rõ rệt.

Đối với TP.HCM, một phần của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, thời gian còn phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng.

Mục tiêu của cả nước nói chung, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam nói riêng là làm sao dịch không lây lan, phải giảm được ca F0. Cùng với mục tiêu giảm ca F0, TP.HCM và một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương còn phải thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là phải giảm được tỉ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng lên.

Theo Phó Thủ tướng, các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương đều đúng và đủ mạnh, tuy nhiên, cần lưu ý đến khả năng tổ chức thực hiện tất cả các cấp, nhất là bên dưới.

Để làm như vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện đúng phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", "ai ở đâu ở yên đấy", tuyệt đối không tiếp xúc gia đình với gia đình, báo ngay cho chính quyền địa phương những trường hợp ra/vào địa bàn.

Chia sẻ với nhân dân TP.HCM và nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài gặp rất nhiều bất tiện, khó khăn, Phó Thủ tướng kêu gọi người dân phải đồng lòng, cố gắng thực hiện thật nghiêm các quy định của cơ quan chức năng, hướng dẫn của ngành y tế.

“Giặc COVID-19 đã ở ngay trước cửa, nếu không thực hiện nghiêm, bản thân và những người thân sẽ bị ảnh hưởng. Khi nhiều người bị ảnh hưởng, cả khu phố, phường, quận, tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, đất nước bị ảnh hưởng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu và có các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đến từng người dân, dứt khoát không được để ai thiếu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

(Theo Dân Việt)

Quảng Nam: TP. Tam Kỳ dừng một số dịch vụ sau khi có ca nhiễm cộng đồng

Sáng 29/7, TP.Tam Kỳ đã ghi nhận ca dương tính với COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng.

Trường hợp F0 được xác định là V.V.T. (sinh năm 1991), ở số nhà 66 đường Nguyễn Thái Học, khối phố Mỹ Bắc, phường An Mỹ.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Tam Kỳ, bệnh nhân làm việc tại bến cá ở Hội An và có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.

Ngay sau khi phát hiện ca dương tính, TP.Tam Kỳ đã phong tỏa một đoạn khu vực đường Nguyễn Thái Học, đưa người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tất cả công dân trong khu vực phong tỏa; tiến hành truy vết nhanh chóng các trường hợp F1, F2.

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 9

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm, UBND TP.Tam Kỳ tăng cường siết chặt biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, từ 12h trưa nay 29/7, thành phố sẽ tạm dừng hoạt động một số dịch vụ. Đối với dịch vụ ăn uống chỉ bán đem về, không phục vụ tại chỗ; cấm hoạt động tắm biển; cấm tất cả người dân Tam Kỳ đi đến vùng dịch.

Ngoài TP. Tam Kỳ, tính đến nay, Hội An ghi nhận 2 ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tại phường Thanh Hà và 5 ca lây nhiễm thứ phát.

Liên quan đến các ca bệnh tại TP.Hội An trong ngày 28/7, ngành y tế địa phương đã truy vết được 36 trường hợp F1 và thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

Như vậy, trong vòng 10 ngày từ 18/7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 78 ca mắc Covid-19, trong đó có 3 ca bệnh cộng đồng, 43 ca lây nhiễm thứ phát (đã cách ly tập trung trước khi phát hiện), 14 ca xâm nhập từ các tỉnh và 18 ca nhập cảnh.

(Theo Báo Giao Thông)

Từ 12h trưa nay, Lâm Đồng từ chối người trở về từ vùng dịch bằng phương tiện cá nhân

Đêm 28/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn hỏa tốc gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc hỗ trợ các đối tượng ưu tiên về địa phương phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, để đảm bảo thực hiện tốt công tác đón công dân Lâm Đồng từ vùng dịch, vùng thực hiện giãn cách xã hội trở về theo khả năng bố trí của địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đề nghị chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng liên quan nắm thông tin số lượng người dân Lâm Đồng từ các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng có nguyện vọng trở về địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch theo hướng ưu tiên các đối tượng: người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những người thuộc diện ưu tiên nói trên phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi về Lâm Đồng; đăng ký danh sách, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, số điện thoại, địa điểm đón…) với chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng liên quan.

Từ 12 giờ ngày 29/7, đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác (không liên hệ, đăng ký với chính quyền địa phương để tổ chức đón theo quy định), tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tuyệt đối không tiếp nhận để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Chốt kiểm dịch vùng giáp ranh Lâm Đồng với Đồng Nai.

Chốt kiểm dịch vùng giáp ranh Lâm Đồng với Đồng Nai.

Cùng ngày, UBND TP.Đà Lạt cũng có công văn hỏa tốc về việc tiếp nhận công dân Đà Lạt có nhu cầu trở về từ TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

TP.Đà Lạt đề nghị UBND các phường xã khẩn trương thông báo rộng rãi đến công dân Đà Lạt đang học tập, làm việc và sinh sống ở 3 tỉnh thành trên, nếu có nhu cầu trở về địa phương thì đăng ký với các xã, phường từ hôm nay đến ngày 31/7/2021.

Thành phố sẽ ưu tiên tiếp đón những người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, người có hoàn cảnh khó khăn (lao động tự do mất việc, không có thu nhập).

Theo lãnh đạo TP.Đà Lạt, căn cứ số lượng người đăng ký, lực lượng chức năng sẽ tổ chức xe đón công dân về. Trước khi đón về, phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khi về Đà Lạt sẽ được xét nghiệm sàng lọc và phân bố về các khu cách ly tập trung để thực hiện cách ly 21 ngày.

Đà Lạt có cơ sở cách ly không thu phí lưu trú ở Ký túc xá sinh viên (đường Nguyễn Hoàng, Phương 7), chỉ đóng tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người. Hiện có gần 50 người từ các địa phương trở về lưu trú trong ký túc xá. Nơi đây có 400 chỗ nhưng chỉ đón được 200 người, vì phải thực hiện giãn cách phòng dịch COVID-19.

TP.Đà Lạt đã và đang vận động một số khách sạn đủ điều kiện, có địa điểm độc lập để đón người từ TP.HCM và các tỉnh về cách ly có thu phí. Hiện Trung tâm Điều dưỡng Người có công Lâm Đồng (đường Trần Quang Diệu) có thể đón tối đa 150 người.

Tương tự, TP.Bảo Lộc và các huyện cũng đang triển khai kế hoạch đón công dân về địa phương nhằm giảm bớt gánh nặng cho TP.HCM và các tỉnh phía nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Tạo điều kiện tiếp nhận công dân Tây Ninh tại TPHCM về quê

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ người dân Tây Ninh hiện đang lưu trú tại TPHCM gặp khó khăn, có nhu cầu về Tây Ninh nhưng không đảm bảo phương tiện cá nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc đã ký ban hành Kế hoạch số 2511, tổ chức đón người dân Tây Ninh đang lưu trú tại TPHCM về quê.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc đón công dân về quê là góp phần chia sẻ với TPHCM trong thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân Tây Ninh đang lưu trú tại TPHCM có nguyện vọng trở về địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xa hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Việc tổ chức đón người dân về địa phương phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dịch bệnh COVID-19 trước, trong và sau khi về địa phương.

Những công dân nằm thuộc diện được ưu tiên đón về, đó là người dân Tây Ninh hiện đang công tác, học tập, tạm trú tại TPHCM hiện có nhà hoặc người thân có hộ khẩu thường trú tại Tây Ninh có nguyện vọng về địa phương trong thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian thực hiện, sẽ được thực hiện trong thời gian TPHCM áp dụng việc giản cách xã hội để phòng, chống dịch.

Kế hoạch đón người dân Tây Ninh từ TPHCM về quê sẽ được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của TPHCM và tại Tây Ninh.

Người dân sẽ đăng ký theo mẫu có trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (App đăng ký trực tuyến của tỉnh Tây Ninh) để tiếp nhận thông tin và tổng hợp lập danh sách cụ thể hàng ngày.

Các ngành chức năng của Tây Ninh sẽ trao đổi thống nhất với các ngành chức năng của TPHCM cách thức tiến hành vận chuyển người dân về địa phương.

Trước khi đón về địa phương 100% người dân đăng ký phải được test nhanh kết quả âm tính (do ngành chức năng của tỉnh và TPHCM thực hiện khi trở về địa phương).

Khi trở về địa phương, người địa phương nào thì xã, phường, thị trấn nơi đó tiếp nhận, quản lý và thực hiện cách ly y tế 14 ngày tại nhà theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng giao Tiểu ban quản lý điều hành hậu cần, trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, tổ chức cung cấp các mặt hàng thiết yếu; chế độ chính sách phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tây Ninh: Chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện ngay Kế hoạch, nhanh chóng, chu đáo, hiệu quả.

Ban Liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TPHCM làm đầu mối phối hợp với tỉnh thông tin rộng rãi kế hoạch này đến người dân Tây Ninh tạm trú tại TPHCM biết đăng ký và hỗ trợ Tổ công tác của tỉnh thực hiện việc đón người dân tại các điểm đã được thống nhất. (Tân Châu)

Ban liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TPHCM:

Địa chỉ: 489A/21/13, đường Huỳnh Văn Bánh, phường 13, quận Phú Nhuận, TPHCM – ĐT: 0904118126. Zalo: 0901336388. Thường trực Ban liên lạc: Ông Nguyễn Văn Lăng.

(Theo Tiền Phong)

Indonesia: Bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nhà

Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, một phụ nữ 70 tuổi ở Indramayu, Tây Java, đã qua đời tại nhà vào ngày 24/7 trong khi tự cách ly sau khi con gái 56 tuổi của bà tử vong do sốt cao.

Theo nền tảng dữ liệu công dân LaporCovid-19, 2.705 bệnh nhân COVID-19 đã chết tại nhà trong hai tháng qua, với nhiều người không thể tiếp cận điều trị cần thiết tại các bệnh viện quá tải.

Đứng trước cửa nhà, bà Yulia (không phải tên thật) chỉ có thể nhìn cậu em trai ốm yếu của mình từ xa sau khi ông ấy và gia đình phải rời khỏi nhà và tìm kiếm một cơ sở cách ly.

Đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy em trai mình. Người đàn ông 42 tuổi đã qua đời 12 ngày sau đó vào ngày 19/7, ngay sau khi được nhập viện.

Trong các tin nhắn gửi cho bà vào đêm trước khi qua đời, ông nói rằng các y tá bận rộn với nhiều bệnh nhân. "Ông ấy cũng phàn nàn rằng ông không được điều trị tối đa. Tôi đã cố gắng động viên, cầu nguyện và làm những gì các y tá yêu cầu", bà Yulia nói với The Straits Times.

COVID-19 29/7: Vừa về nhà thăm vợ mới sinh con, người đàn ông phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 11

Sự gia tăng số ca COVID-19 ở Indonesia đang gây căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống y tế, ngay cả khi các nhà chức trách cố gắng tăng diện tích ở các bệnh viện.

Tâm chấn của đại dịch ở châu Á, Indonesia đã báo cáo 47.791 trường hợp mới vào hôm 28/7, nâng tổng số lên 3,29 triệu người. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 1.824 người, nâng tổng số ca tử vong lên 88.659 người.

Khi các bệnh viện kín chỗ từ chối bệnh nhân, những người bị nhiễm bệnh đã về nhà để phục hồi sức khỏe mà không có những can thiệp y tế cần thiết.

Các chuyên gia y tế cho biết, biến thể Delta, đang thúc đẩy sự gia tăng đột biến theo cấp số nhân trên khắp Indonesia, có thể khiến tình trạng của bệnh nhân COVID-19 xấu đi nhanh chóng.

Ông Darussalam, 63 tuổi, cư dân Jakarta, đã đưa vợ đến bệnh viện vào cuối tháng 6 sau khi bà ấy xuất hiện các triệu chứng COVID-19 trong một tuần, bắt đầu bằng chảy nước mũi và ho, dần dần đến khó thở và gia đình cô ấy đã phải sử dụng một ống oxy di động.

"Một số người thân của chúng tôi đã bị nhiễm bệnh và hầu hết đều bị cô lập", ông Darussalam nói. "Vợ tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi biết rằng các bệnh viện đều đã kín chỗ”.

Bà mẹ 3 con, 44 tuổi, qua đời vào ngày 4/7, chỉ vài ngày sau khi được đưa vào khu điều trị bình thường tại bệnh viện Pelni ở Jakarta, nơi có hơn 30 bệnh nhân đang xếp hàng để được vào phòng điều trị tích cực. Một chiếc lều đã được dựng lên để điều trị cho những bệnh nhân cấp cứu.

Bác sĩ nội khoa Nur Chandra Bunawan tại bệnh viện đa khoa Kramat Jati, Jakarta, thừa nhận hầu hết bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện từ hồi tháng 6 đều có các triệu chứng nghiêm trọng, như khó thở.

Ông nói: “Nhiều bệnh nhân đến điều trị quá muộn vì họ tự cách ly ở nhà. Đối với những người xét nghiệm dương tính và không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ có thể tự cách ly, nhưng điều đó nên do nhân viên y tế quyết định. Bệnh nhân không nên tự quyết định điều này", bác sĩ Bunawan nói.

Bác sĩ Chandra cũng lưu ý rằng các loại thuốc kết hợp được bác sĩ khuyến nghị cũng sẽ rất quan trọng để điều trị cho bệnh nhân.

(Theo Người Đưa Tin)

Đây là mặt hàng tăng giá kỷ lục, thương lái tranh nhau mua khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Thay vì kêu gọi giải cứu trứng gà như cách đây vài tháng thì hiện tại, trứng gà tăng giá kỷ lục, gấp đôi thời điểm giải cứu, thương lái thi nhau mua.

Tin tức 24h

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19