Người chồng xung phong vào tâm dịch TP.HCM: “Hết dịch anh sẽ tặng em chiếc váy cô dâu”

Thu Hiền - Ngày 28/07/2021 21:30 PM (GMT+7)

Được phân công hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngoài thời gian làm việc Hoàng luôn nhớ về gia đình, về người vợ chưa kịp khoác lên mình bộ áo cưới.

Kỹ thuật viên Nguyễn Đình Hoàng cùng đoàn 55 nhân viên y tế thuộc tỉnh Phú Thọ đã đến tâm dịch TP.HCM hỗ trợ chống dịch được 13 ngày. Khi tới TP.HCM, Hoàng được phân công tới Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nơi chuyên điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch. 

Sau mỗi ca trực, Hoàng ngồi nghỉ ngay tại ghế đá bệnh viện, lấy điện thoại ra gọi điện về cho người vợ ở quê nhà. Cuộc trò chuyện của hai người dù không dài nhưng chứa đựng đầy sự quan tâm, tình yêu thương vô bờ bến.

Khi người vợ hỏi tình hình trong đó ra sao, Hoàng nhanh nhảu đáp rằng: “Ở đây anh ổn”. Nghe chồng nói vậy, người vợ tạm yên tâm và nhắc nhở chồng phải cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khoẻ… mong sớm hết dịch để về đoàn tụ. 

Dứt cuộc điện thoài, Hoàng chia sẻ rằng: “Gọi là vợ chồng nhưng thực tế chúng tôi chưa tổ chức đám cưới đâu”. Nam kỹ thuật viên tâm sự, khi nhận được thông báo cử cán bộ vào tâm dịch TP.HCM, anh đã xung phong lên đường, gác lại chuyện riêng của bản thân và được vợ đồng ý. 

Mỗi giờ nghỉ Hoàng tranh thủ gọi điện cho người vợ chưa cưới của mình. Ảnh: Hoài Thương.

Mỗi giờ nghỉ Hoàng tranh thủ gọi điện cho người vợ chưa cưới của mình. Ảnh: Hoài Thương.

Ngày được thông báo lịch lên đường vào tâm dịch cũng là ngày cả hai vợ chồng Hoàng đặt bút ký vào tờ đăng ký kết hôn. “Tính từ hôm ký đến ngày lên đường, hai vợ chồng tôi mới chung sống với nhau được 10 ngày”, Hoàng tâm sự.

Phải tạm gác lại hạnh phúc riêng, thế nhưng may mắn là thời điểm chia tay không có nước mắt, vì hai vợ chồng đều hiểu việc chống dịch lúc này là quan trọng hơn bao giờ hết.

Là vợ chồng trẻ vừa đăng ký kết hôn đã phải xa nhau, nhưng khi được hỏi Hoàng thẳng thắn trả lời rằng: “Tôi không hối hận khi xung phong vào tâm dịch. Chắc hẳn vợ tôi cũng vậy”. 

Những ngày xa vợ và gia đình, mỗi khi hết ca trực Hoàng cũng nhớ vợ, nhớ gia đình, khi đó anh dùng điện thoại gọi về trò chuyện, bởi thế dù khoảng cách rất xa, nhưng cũng vơi đi được nỗi nhớ nhà.

Mỗi lần vợ chồng nói chuyện với nhau, Hoàng luôn nhắc và động viên vợ: “Hết dịch anh sẽ tặng em chiếc váy cô dâu”. Một đám cưới muộn nhưng trọn vẹn cả hạnh phúc riêng trong hạnh phúc chung của xã hội…

Dù không trực tiếp tiếp xúc người bệnh nhưng công việc trong phòng Lab cũng không có thời gian rảnh rỗi.

Dù không trực tiếp tiếp xúc người bệnh nhưng công việc trong phòng Lab cũng không có thời gian rảnh rỗi.

“Nếu tôi không đăng ký, không lên đường chi viện TP.HCM, có lẽ cả cuộc đời tôi phải sống trong ân hận vì bản thân đã phủi đi trách nhiệm của một nhân viên y tế. Hiện giờ mọi sự chung sức lúc này đều rất đáng quý. Tôi tin tưởng vào quyết định của mình”, Hoàng nói.

Hoàng là một kỹ thuật viên, vì thế công việc hàng ngày của anh là trực chiến trong phòng Lab, trực tiếp tách chiết chạy xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Dù không vào các phòng điều trị nhưng cập nhật tin tức mỗi ngày và trực tiếp chứng kiến các đồng nghiệp khối điều trị quay cuồng trong khối công việc, anh có thể hiểu rõ cuộc chiến này thật sự cam go.

Đối với nhiệm vụ chạy mẫu, để đảm bảo được khối lượng công việc, anh và các đồng nghiệp chia thành 2 ca, 3 kíp. Mỗi ca kéo dài 12 giờ đồng hồ (ca ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, ca đêm 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau). Các ca trực sẽ được luân phiên mỗi ngày để đảm bảo giữ sức bền trong cuộc chiến này.

Hoài Thương - Thu Hiền

Tâm sự xúc động của mẹ đơn thân, để con gái ở nhà xung phong vào tâm dịch Bắc Giang
Dù đang một mình chăm sóc cô con gái nhỏ nhưng chị Thương vẫn xung phong đi vào tâm dịch vì theo chị, khi Tổ quốc cần, chị không thể đứng yên.

Những câu chuyện cảm động

Thu Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19