COVID-19: 3.500 ca cộng đồng/ngày, nguy cơ bùng dịch, địa phương kêu gọi người dân không được chủ quan

H.A - Ngày 27/03/2022 14:44 PM (GMT+7)

Ghi nhận thêm 3.912 ca mắc mới một ngày, trong đó có 3.412 trường hợp trong cộng đồng, địa phương khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, không được chủ quan, lơ là ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19.

6 diễn biến

3.912 trường hợp mắc Covid-19, địa phương kêu gọi người dân không được chủ quan

Chiều 26/3, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3.912 trường hợp mắc Covid-19.

Trong đó, có 3.412 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 972 ca, huyện Cư Mgar 314 ca, huyện Krông Năng 271 ca, huyện Ea Kar 253 ca, huyện Ea Súp 232 ca, huyện Krông Pắk 216 ca, huyện Buôn Đôn 203 ca, huyện Ea H’leo 197 ca, huyện Krông Bông 186 ca, huyện Cư Kuin 186 ca, huyện Krông Ana 147 ca, huyện M’Đrắk 88 ca, huyện Krông Búk 66 ca, thị xã Buôn Hồ 47 ca, huyện Lắk 34 ca.

Bên cạnh đó, có 495 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện M’Đrắk 112 ca, thị xã Buôn Hồ 80 ca, huyện Cư Mgar 78 ca, huyện Lắk 53 ca, huyện Krông Búk 42 ca, huyện Krông Năng 32 ca, huyện Krông Ana 23 ca, huyện Ea H’leo 19 ca, huyện Krông Bông 16 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 13 ca, huyện Krông Pắk 12 ca, huyện Cư Kuin 8 ca, huyện Ea Kar 6 ca, huyện Ea Súp 1 ca.

Ngoài ra, có 5 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc gồm: Huyện Lắk 2 ca, huyện Krông Ana 2 ca, huyện M’Đrắk 1 ca.

COVID-19: 3.500 ca cộng đồng/ngày, nguy cơ bùng dịch, địa phương kêu gọi người dân không được chủ quan - 1

Tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 128.262 trường hợp mắc Covid-19.Như vậy, tính đến chiều 26/3, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 128.262 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 73.670 trường hợp, 54.417 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 175 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải liên quan đến bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án và tham mưu cho UBND tỉnh trước ngày 7/4 về việc thu gom, xử lý rác thải phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là rác thải đối với F0 điều trị tại nhà. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu khi xây dựng phương án phải đảm bảo an toàn, đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do rác thải không được xử lý đúng quy định.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, không được chủ quan, lơ là ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; tiếp tục điều chỉnh các giải pháp thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc quản lý, điều trị F0 tại nhà; tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị và giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc Covid-19.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-ghi-nhan-them-3-912-truong-hop-mac-covid-19-a547725....

Sau vụ khách sạn mời khách nghi mắc Covid-19 ra ngoài: Yêu cầu xây dựng phương án xử lý

Ngày 27-3, tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) căn cứ kế hoạch mở cửa du lịch của Bộ VH-TT-DL và của tỉnh, làm việc trực tiếp với các cơ sở lưu trú để có phương án xử lý phù hợp khi phát hiện khách lưu trú mắc Covid-19.

Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột mời khách lưu trú nghi mắc Covid-19 ra ngoài trong đêm

Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột "mời" khách lưu trú nghi mắc Covid-19 ra ngoài trong đêm

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp với quy định về việc tiếp nhận khách là F0 khi Covid-19 được xem là bệnh bình thường. Để tổ chức thực hiện hiệu quả, tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các đơn vị du lịch, cơ sở lưu trú về quy trình xử lý khi phát hiện khách du lịch, lưu trú là F0.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, sở đang hoàn thiện kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt theo chỉ đạo.

Trước đó, như Báo Người Lao Động Online đã phản ánh, ngày 10-3, nhiều đoàn khách tới Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột lấy phòng lưu trú để tham dự Đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk. Đến tối 10-3, ban tổ chức tiến hành test nhanh cho các đại biểu thì phát hiện 3 thành viên của 3 đoàn từ các tỉnh, thành khác tới dương tính với SARS-CoV-2. 

Lúc này, nhân viên Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột đã yêu cầu 3 vị khách nêu trên rời khỏi khách sạn. Ba vị khách phải di chuyển qua 3 khách sạn khác trong đêm mới tìm được chỗ lưu trú, cách ly.

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc khách sạn mời du khách nghi mắc Covid-19 ra ngoài là không hợp lý, đúng ra phải thông báo với cơ quan chức năng để có hướng xử lý vì khách phương xa tới, không có nhà cửa tại Đắk Lắk.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, sau khi Báo Người Lao Động Online phản ánh, các phòng chức năng của sở đã kiểm tra. Đại diện khách sạn cũng nhận lỗi về việc làm sai của mình đã làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành khi tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực xây dựng hình ảnh tốt đẹp đối với du khách.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/sau-vu-khach-san-moi-khach-nghi-mac-covid-19-ra-ngoai-yeu-ca...

Số mắc Covid-19 ở Hà Nội lần đầu xuống dưới mốc 10.000 ca trong 1 tháng qua

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 25-3 đến 18 giờ ngày 26-3, TP Hà Nội ghi nhận 9.623 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3.369 ca cộng đồng, 6.254 ca đã cách ly.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, số mắc Covid-19 ở Hà Nội xuống dưới ngưỡng 10.00 ca/ngày; số F0 ngày 26-3 giảm hơn 3 lần so với ngày ghi nhận số ca mắc kỷ lục 32.650 trường hợp vào ngày 8-3-2022.

Các bệnh nhân phân bố tại 411 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (984); Đông Anh (931); Hoàng Mai (533); Sóc Sơn (450); Long Biên (442).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 1.251.190 ca.

Đến hết ngày 25-3, Hà Nội chỉ còn hơn 1.742 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các bệnh viện - giảm 260 ca so với ngày 24-3. Hầu hết số ca bệnh đang điều trị, theo dõi tại nhà.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/so-mac-covid-19-o-ha-noi-lan-dau-xuong-duoi-moc-10000-ca-tr...

Covid-19: Mỹ, Úc lên kế hoạch tiêm mũi vắc-xin thứ 4

Báo The New York Times ngày 25-3 bình luận quyết định trên vấp phải một số rào cản như: xác định thời gian bảo vệ của mũi tăng cường thứ 2, làn sóng Covid-19 kế tiếp ở Mỹ có mức độ nặng hay nhẹ...

Trường hợp Mỹ chứng kiến đợt bùng phát mới trong vài tháng tới, mũi tăng cường có thể cứu sống hàng ngàn người. Song, nếu không có đợt bùng phát nào cho đến mùa thu năm nay, mũi tăng cường có thể gây lãng phí.

Chủng phụ BA.2 của biến thể Omicron hiện gây ra hơn 1/3 số ca Covid-19 mới của Mỹ song giới chức y tế nước này không đoán trước được nó có gây ra đợt bùng phát lớn hay không.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể phê duyệt mũi vắc-xin tăng cường thứ 2 vào đầu tuần sau.

Một người cao tuổi ở Mỹ tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thứ ba tại bang Pennsylvania vào cuối năm 2021 Ảnh: BLOOMBERG

Một người cao tuổi ở Mỹ tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thứ ba tại bang Pennsylvania vào cuối năm 2021 Ảnh: BLOOMBERG

Trong khi đó, Reuters dẫn lời Cơ quan Y tế Liên bang Úc ngày 25-3 xác nhận họ sẽ tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 thứ 4 cho những người trên 65 tuổi vào tháng tới.

Ngoài nhóm này, các nhóm dễ bị tổn thương khác sẽ được tiêm mũi 4 còn bao gồm người bị suy giảm miễn dịch và sống trong các viện dưỡng lão... Theo Bộ trưởng Y tế Greg Hunt, mũi thứ 4 được tiêm cách mũi thứ 3 ít nhất 4 tháng.

Tại Trung Quốc, số ca Covid-19 tăng mạnh ở TP Thượng Hải ngày 26-3 nhưng chính quyền địa phương không áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn để tránh thiệt hại kinh tế. Thay vào đó, Thượng Hải áp đặt phong tỏa 48 giờ và xét nghiệm quy mô lớn.

Trong ngày 25-3, Trung Quốc ghi nhận 1.335 ca Covid-19, giảm so với 1.366 ca của một ngày trước đó. Tính đến ngày 25-3, nước này có tổng cộng 141.986 ca mắc và 4.638 ca tử vong do Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-my-uc-len-ke-hoach-tiem-mui-vac-xin-thu-4-2...

Bộ Y tế: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng 4

Sáng ngày 27/3, theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết: Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccie Pfizer và Moderna để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4 sắp tới, theo Sức Khỏe Đời Sống. 

Trước đó, ngày 22/3, bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4. 

Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.

Vaccine cho trẻ em của hãng dược phẩm Pfizer. Ảnh: AP.

Vaccine cho trẻ em của hãng dược phẩm Pfizer. Ảnh: AP. 

Số vaccine này sẽ chia làm hai đợt. Đợt một có 0,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna, trong đó các lô Pfizer tăng hạn dùng tới ngày 31/7, các lô vaccine Moderna tăng hạn tới tháng 6 và tháng 7. Australia có sẵn số vaccine này và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4. Đợt hai 4 triệu liều vaccine Pfizer, hạn sử dụng 4-6 tháng, sẽ được chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF, dự kiến cung cấp trong tháng 4.

Bộ Y tế có thể triển khai tiêm chủng ngay từ tháng 4, theo báo cáo. Bên cạnh đó, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bên để tiếp tục vận động viện trợ vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đề xuất mua thêm vaccine nếu thiếu.

Vaccine Moderna đang thử nghiệm trên nhóm trẻ nhỏ, chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép tiêm cho trẻ. Theo dữ liệu được hãng công bố hôm 23/3, hai liều vaccine Moderna hiệu quả khoảng 44% đối với nhiễm Omicron ở trẻ em từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi và khoảng 38% ở nhóm trẻ em từ 2 đến 5 tuổi.

Trên cơ sở kết quả làm việc với Đại sứ quán Australia, trong văn bản báo cáo của mình, bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp nhận lô vaccine viện trợ này, để chủ động về hồ sơ, thủ tục, cấp phép sử dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mục tiêu là có thể đưa ngay hàng viện trợ vào tiêm cho trẻ em từ đầu tháng 4 tới. 

Để triển khai, bộ Y tế đề nghị Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với bộ Y tế thúc đẩy phía bạn sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hồ sơ kỹ thuật.

Trên cơ sở nguồn cung viện trợ này, bộ Y tế sẽ tính toán, đề xuất số lượng vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em cần mua thêm, nếu cần thiết. Ngoài ra, bộ tiếp tục phối hợp với bộ Ngoại giao tiếp tục vận động viện trợ vaccine cho trẻ em từ nguồn COVAX, Chính phủ Mỹ, một số nước và tổ chức quốc tế.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/bo-y-te-tiem-vaccine-ngua-covid-19-cho-tre-5-11-tuoi-tu...

Nguyên nhân khiến TP.HCM chưa cho F0 đi làm trực tiếp

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, chiều 24/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM - trả lời họp báo. Ảnh: LĐ

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM - trả lời họp báo. Ảnh: LĐ

Trả lời câu hỏi vì sao chưa cho F0 đi làm, đi học trực tiếp như một số tỉnh, thành trong cả nước (Long An, Cà Mau), Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cho rằng hiện nay, việc tham mưu phương án ứng phó với dịch COVID-19 do Sở Y tế thực hiện nhưng Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng.

“Đánh giá tình hình về số ca mắc COVID-19 mới, số ca nặng và tử vong, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP cho phép F1 đi làm nếu đáp ứng một số điều kiện” - bà Mai nói.

Tuy nhiên, với trường hợp F0, bà Mai cho rằng đó là những người bệnh cần được điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.

Thực tế thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca tử vong giảm ở mức thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. Do đó, nếu số ca mắc COVID-19 tăng, chắc chắn ca nặng, ca tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm Thành phố rút ra từ các đợt dịch trước đây.

Vietnamplus thông tin, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - ông Nguyễn Hồng Tâm phân tích thêm, hiện nay UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói rõ, F1 được đi làm khi đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng.

Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra những điều kiện bắt buộc mà F1 phải tuân thủ khi đi làm trực tiếp lại, để tránh nguy cơ lây nhiễm.

"Bộ Y tế đề xuất cho F0 đi làm nhưng chỉ trong 2 tình huống và kèm theo một số điều kiện đặc biệt. Cụ thể, trên tinh thần tự nguyện, F0 có thể làm việc trực tuyến hoặc làm việc ở khu điều trị F0, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm", ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Báo Tuổi trẻ cho biết, trả lời câu hỏi đã tới thời điểm coi COVID-19 như bệnh lưu hành chưa, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết Chính phủ có chỉ đạo Bộ Y tế rà soát đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm, để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh lưu hành.

Trước đó, qua thảo luận với các chuyên gia trong nước, CDC Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đánh giá tỉ lệ mắc COVID-19 tại Việt Nam chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Đặc biệt, tỉ lệ mắc vẫn cao và nhiều tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng mạnh. Tỉ lệ tử vong trong ngày vẫn cao so với các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến thể mới và các biến thể phụ. Ví dụ, biến thể Omicron có các biến thế phụ BA.1, BA.2, BA.3 có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm nên rất khó xác định tỉ lệ mắc.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/nguyen-nhan-khien-tphcm-chua-cho-f0-di-lam-truc-tiep-a5...

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19