Nhóm Youtuber, Facebooker thường xuyên quay clip, phát sóng trực tiếp những buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng đã góp phần làm nóng mạng xã hội trong suốt thời gian dài.
Liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971), Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, Công an TP HCM cho biết đang mở rộng điều tra những người liên quan tiếp tay cho bà Hằng thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Công an TP HCM thực hiện lệnh bắt bà Nguyễn Phương Hằng
Trong số này, bên cạnh những người cung cấp hồ sơ, tài liệu, đạo diễn, biên soạn kịch bản cho bà Hằng "lên sóng" thì Công an TP HCM còn làm rõ vai trò của nhóm Youtuber thường xuyên đi theo bà Hằng quay clip phát trên Youtube, Facebook, Tiktok và các nền tảng xã hội.
Phải nói rằng đội ngũ Youtuber, Facebooker đã góp phần đáng kể để các buổi livestream của bà Hằng làm nóng mạng xã hội cũng như lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Việc xem xét mức độ, hành vi của nhóm người này có đồng phạm với bà Hằng hay không là điều cần thiết.
Hàng chục Youtuber quay clip vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng tại Công ty Đại Nam. Ảnh: NGUYỄN HÀ
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cùng thực hiện tội phạm, có thể bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Đối với hành vi của bà Hằng, bước đầu cơ quan điều tra xác minh bà này sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để xúc phạm uy tín, xuyên tạc. Cùng với đó là nhiều người, đội ngũ kỹ thuật tham gia giúp sức.
Cơ quan điều tra có thể triệu tập những người liên quan nhằm xác định vai trò, mục đích cũng như tính chất hành vi của những người này trong tương quan với hành vi phạm tội của bà Hằng.
Khoa học pháp lý phân chia đồng phạm thành hai loại, đó là đồng phạm giản đơn và đồng phạm có tổ chức. Đồng phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong nhóm đồng phạm sẽ có nhiều vai trò gồm tổ chức, xúi giục, giúp sức và một hoặc một số người là người thực hành.
Còn với đồng phạm giản đơn thì không có sự bàn bạc, thông mưu trước về việc phạm tội. Như vậy, đối với vụ án của bà Hằng thì có thể phân chia làm 2 nhóm đối tượng:
- Nhóm đồng phạm có tổ chức: Là người hỗ trợ kỹ thuật, vận hành các kênh mạng xã hội, hỗ trợ đăng tải các video, buổi livestream của bà Hằng; người thu thập thông tin, người tham gia trao đổi, phát ngôn trong các buổi phát sóng của bà Hằng. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi có thể xác định vai trò là người xúi giục, người giúp sức.
Ngoài ra, quá trình điều tra có thể làm rõ có hay không người đứng sau điều khiển, giật dây các hành vi của bà Hằng và nhóm người liên quan thì người đó có thể bị truy cứu với vai trò người tổ chức.
- Nhóm đồng phạm đơn giản: Là người thường xuyên lấy video phát ngôn của bà Hằng về đăng tải lại, dẫn lại trên trang mạng xã hội của mình (Facebook, Youtube) kèm theo bình luận, phân tích mang tính cổ súy, cổ vũ cho các hành vi của bà Hằng.
Mặc dù không có sự trao đổi, thống nhất về ý chí hay yêu cầu từ bà Hằng nhưng hành vi của những người này giúp lan truyền và phổ biến các nội dung xấu độc nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, theo đó cũng có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm với hành vi của bà Hằng.