COVID-19: Ca nhiễm cao kỷ lục, y tế quá tải, nhiều F0 cách ly tại nhà chưa được hỗ trợ

H.A - Ngày 05/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Do hiện nay số ca nhiễm ngoài cộng đồng tại Đồng Nai nhất là TP Biên Hòa tăng lên quá nhanh, y tế địa phương bị quá tải, dẫn đến nhiều F0 cách ly tại nhà chưa được hỗ trợ kịp thời.

12 diễn biến

Y tế quá tải, nhiều F0 cách ly tại nhà chưa được hỗ trợ

Ngày 5/12, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết thời gian gần đây số ca F0 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là TP Biên Hòa tăng nhanh. 

Chỉ trong khoảng 4 ngày vừa qua, toàn TP Biên Hòa ghi nhận khoảng 10.000 ca F0 qua test nhanh kháng nguyên. Như vậy hiện nay Biên Hòa có khoảng 35.000 F0, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, chiếm 51,9% tổng số ca F0 đang điều trị tại nhà trong toàn tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên vì số lượng F0 tăng nhanh, trong đó đa số là công nhân, trẻ em và cả nhân viên y tế nên tình hình chăm sóc, hỗ trợ F0 phần nào bị hạn chế và nhiều F0 không được hỗ trợ kịp thời. Nhiều F0 liên hệ với địa phương và y tế từ khi mới phát hiện nhiễm bệnh nhưng đến khi lực lượng y tế xuống đến nơi thì đã âm tính trở lại.

Ông Võ Văn Chánh, Bí thư Thành ủy TP Biên Hòa cho biết, trước tình hình số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh, lãnh đạo TP Biên Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp như kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; tập trung tuyên truyền, vận động, cảnh báo người dân chấp hành nghiêm quy định 5K; tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19. 

Một F0 là trẻ em được theo dõi cách ly tại nhà, đều đặn mỗi sáng được bố mẹ kiểm tra sức khoẻ. Ảnh: Nha Mẫn

Một F0 là trẻ em được theo dõi cách ly tại nhà, đều đặn mỗi sáng được bố mẹ kiểm tra sức khoẻ. Ảnh: Nha Mẫn

“Gần đây chúng tôi đã quyết định xử phạt hơn 500 trường hợp không chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 1 doanh nghiệp; củng cố 30 trạm y tế lưu động trên địa bàn, giao cho Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường, xã làm Trưởng trạm y tế lưu động; lập thêm các trạm y tế lưu động tại các phường có đông F0; thành lập 5 trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp nhằm hỗ trợ kịp thời cho F0,…” ông Chánh nói.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Phan Huy Anh Vũ cho biết, những ngày qua, số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế và cá nhân ông nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh của người dân về việc không nhận được sự hỗ trợ của y tế. 

Trong vai người cần hỗ trợ y tế, đích thân Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đã gọi điện thoại, nhắn tin cho một trưởng trạm y tế và Chủ tịch của 1 phường có đông F0 trên địa bàn TP Biên Hòa nhưng cũng không được hỗ trợ. 

Nguyên nhân hiện nay do các trạm y tế đang quá tải, nhiều nhân viên y tế cũng dương tính với SARS-CoV-2 nên lãnh đạo sở sẽ cố gắng chấn chỉnh lại tình hình nhằm kịp thời hỗ trợ người dân.

Là 1 F0 đang cách ly tại nhà, chị N.T.U.N. ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cho biết sau khi test nhanh và phát hiện bản thân đã dương tính với SARS-CoV-2, chị đã liên lạc với nhân viên y tế phường và được báo là hiện nay việc xử lý F0 đã đưa về khu phố tiếp nhận. Sau đó chị N. phải tiếp tục liên hệ với khu phố và sau nhiều lần gọi thì cuối cùng cũng có người đến nhà test lại cho chị và dán biển cách ly tại nhà. 

Tương tự, gia đình anh V.H. cũng ngụ tại phường Trảng Dài do liên hệ y tế không được, ai cũng hẹn sẽ sớm tới hỗ trợ nhưng cuối cùng chờ mãi không thấy ai nên gia đình anh tự cách ly, tự mua thuốc uống, tự lên mạng mày mò tìm hiểu cách chữa bệnh và sau 7 ngày cả nhà may mắn đều đã âm tính.

Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-y-te-qua-tai-nhieu-f0-cach-ly-tai-nha-chua-duoc-ho-tro-2021...

Hà Nội "chốt" trước giờ G: Chỉ lớp 12 đi học trực tiếp, luân phiên 50%/ngày

Trưa 5/12, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội thông báo điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp. Sở đánh giá, trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại thành phố diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng đột biến so với thời gian trước, trong đó nhiều ca cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn khi cho học sinh trở lại.

Hà Nội chỉ cho học sinh khối 12 đi học trực tiếp từ ngày 6/12

Hà Nội chỉ cho học sinh khối 12 đi học trực tiếp từ ngày 6/12

Vì vậy, từ 6/12, Sở quyết định cho học sinh khối 12 học trực tiếp trước, thực hiện theo nguyên tắc: 50% học sinh đến trường vào thứ hai, tư, sáu; 50% còn lại đi học vào thứ ba, năm, bảy.

Những ngày không học trực tiếp, các em học online. Những trường THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thuộc địa bàn có cấp độ dịch 1 hoặc 2 được phép mở cửa.

Học sinh khối 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành tiếp tục học trực tiếp như cũ, các khối còn lại học trực tuyến, trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.

Trước đó, ngày 2/12, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề xuất của Sở về việc cho học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các đơn vị xã, phường, thị trấn của tất cả 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, được đi học trực tiếp từ 6/12. Ngày 3/12, Sở GD&ĐT có thông báo tới các trường để triển khai kế hoạch dạy học trực tiếp.

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 12.710 ca mắc Covid-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.023 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 7.687 ca.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-chot-truoc-gio-g-chi-lop-12-di-hoc-truc-tiep-luan-ph...

Hà Nội hướng dẫn các trường phương án xử lý khi phát hiện F0

Khi phát hiện F0 tại trường học

Nhà trường thông báo cho người bị F0, yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1 mét với người xung quanh. Cho F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời; hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.

Phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó. Thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại nhà trường thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng. Tách F0 để cách ly, điều trị; tiếp tục truy vết, lấy mẫu, cách ly, rút gọn phạm vi phong tỏa phù hợp với các trường hợp bệnh cụ thể.

Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường,chỉ phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan tùy thuộc mức độ di chuyển của F0 (học sinh, cán bộ, giáo viên dạy tại 1 lớp hay nhiều lớp); diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0 theo chỉ định về dịch tễ.

Nhà trường lập danh sách toàn bộ các trường hợp F1 và cách ly ngay tại lớp đó. Học sinh, giáo viên ở lớp khác là F1 thì tách ngay ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định. Phối hợp lấy mẫu xét nghiệm F1 theo chỉ định của y tế địa phương; tổ chức cách ly F1 theo quy định.

Tùy tình hình dịch tễ có thể tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang ở trường hoặc lấy theo khu hoặc dãy lớp học hoặc theo tầng lớp học.

F1 trong cộng đồng, cần lập danh sách cán bộ, giáo viên, học sinh tiếp xúc gần và trường hợp liên quan đang ở cộng đồng theo yêu cầu của y tế địa phương và truy vết F2. Tổ chức ngay việc cách ly tạm thời tại trường học ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.

Hà Nội yêu cầu, trong khi chờ kết quả xét nghiệm, tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm vì nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong lúc phong tỏa tạm thời là rất cao với quan điểm lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K.

Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương quyết định việc hoạt động trở lại của trường học. Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh và có giấy ra viện thì tiếp tục thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú đủ 14 ngày thì mới trở lại trường học

Khi F0 là học sinh, cán bộ, giáo viên ngoài giờ học

Nhà trường báo cáo cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường và của địa phương đồng thời tạm dừng hoạt động để thực hiện vệ sinh, khử khuẩn, truy vết F1, F2 và chờ kết quả xét nghiệm.

Phối hợp với y tế địa phương truy vết, lập danh sách F1, F2 là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường. Tùy tình hình dịch, cơ quan y tế địa phương đánh giá nguy cơ và yếu tố dịch tễ để xác định lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 có triệu chứng, người liên quan.

Tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ trường, đặc biệt khu vực làm việc, học tập của F0. Chờ kết quả xét nghiệm của F1, F2; Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương quyết định việc hoạt động trở lại của trường học.

Khi có trường hợp nghi mắc COVID-19 tại trường học

Khi phát hiện có một trong các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… tại trường, cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi nhiễm, học sinh của lớp, người xung quanh.

Yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác.

Phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời. Liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế.

Khi có trường hợp F1 tại trường học

Yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác. Phân luồng lối đi từ khu vực có F1 đến phòng cách ly tạm thời. Hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.

Phối hợp Trạm Y tế xã phường thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên sàng lọc ngay tại phòng cách ly tạm thời trước khi lấy mẫu để khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR; tiếp đó phối hợp vận chuyển đi cách ly y tế theo quy định.

Phối hợp lập danh sách các trường hợp F2 và tạm thời không di chuyển ra khỏi lớp, chờ hướng dẫn của ngành y tế. Tất cả các trường hợp F2 có biểu hiện nghi ngờ như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Phối hợp hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1.

Khi kết quả xét nghiệm RT-PCR của trường hợp F1 âm tính và căn cứ đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly theo quy định. Toàn bộ nhà trường được tiếp tục hoạt động bình thường.

Các trường hợp F1 đã cách ly đủ thời gian tiếp tục thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà đủ 14 ngày kể từ khi hoàn thành cách ly thì mới trở lại trường học

Khi có F2 tại trường học

Hướng dẫn đưa F2 đến phòng cách ly tạm thời; phối hợp với cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu có biểu hiện triệu chứng. Hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú, chờ kết quả xét nghiệm của F1.

Nếu kết quả xét nghiệm F1 âm tính thì theo hướng dẫn của cơ quan y tế về đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly theo quy định. Trường hợp F2 không có mặt tại nhà trường, thông báo và yêu cầu tự cách ly tại nơi lưu trú.

Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-huong-dan-cac-truong-phuong-an-xu-ly-khi-phat-hien-f0-post1...

Thủ tướng ra công điện ứng phó với biến chủng COVID-19 mới

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, một số nước xuất hiện biến chủng mới Omicron, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1677/CĐ-TTg ngày 4/12/2021 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, một số nước đã xuất hiện biến chủng mới Omicron. Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-ra-cong-dien-ung-pho-voi-bien-chung-covid-19-moi-...

Phát hiện ổ dịch cộng đồng có 21 học sinh mắc Covid-19

Chiều 4-12, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong 24 giờ qua (tính từ 16 giờ ngày 3-12 đến 16 giờ ngày 4-12), trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 103 bệnh nhân mắc Covid-19 mới.

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

Đây là con số mắc Covid-19 cao kỷ lục trong 1 ngày tại Thanh Hóa từ trước tới nay.

Đáng chú ý, ngoài các ổ dịch đã được phát hiện trước đó, Thanh Hóa ghi nhận thêm 1 ổ dịch mới rất phức tạp tại huyện Vĩnh Lộc khiến 27 người mắc Covid-19.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Vĩnh Lộc, 10 giờ 30 phút ngày 3-12, cháu Đ.T.B. (ngụ thôn 6, xã Vĩnh Hưng, là học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc), có biểu hiện ho, sốt đến Trạm Y tế xã Vĩnh Hưng khám và được test nhanh cho kết quả dương tính.

Ngay lập tức, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, điều tra truy vết các trường hợp có liên quan đến trường hợp nghi mắc này; đồng thời lấy mẫu RT-PCR gửi CDC tỉnh Thanh Hóa làm xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19 lúc 20 giờ ngày 3-12.

Ngay trong đêm 3-12, tất cả học sinh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh Đ.T.B. đã được lấy mẫu tầm soát. Đến 16 giờ ngày 4-12, CDC tỉnh Thanh Hóa thông báo đã có 27 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 19 học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc, 2 học sinh Trường THCS Vĩnh Phúc.

Trước diễn biến phức tạp của ổ dịch này, huyện Vĩnh Lộc đã cho học sinh 2 trường học có F0 tạm thời nghỉ học; phong tỏa diện hẹp tại các khu vực dân cư có F0. Đồng thời, tập trung lực lượng khẩn trương truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm phòng chống dịch.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đã nhanh chóng tới huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Ông Tùng yêu cầu huyện Vĩnh Lộc phải chuẩn bị các phương án để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, nắm tình hình, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh, từ đó triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Yêu cầu ngành y tế phối hợp với huyện Vĩnh Lộc phải tập trung truy vết thần tốc, xét nghiệm kịp thời các trường hợp liên quan. Trước mắt, phải truy vết nhanh nhất và triệt để tất cả các trường hợp F1 liên quan đến mốc dịch tễ của các bệnh nhân từ ngày 20-11 đến nay để cách ly kịp thời.

Tính từ ngày 27-4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 2.875 bệnh nhân Covid-19; trong đó 1.854 người điều trị khỏi được ra viện; 12 bệnh nhân tử vong. Thanh Hóa đã triển khai tiêm được hơn 2,8 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/phat-hien-o-dich-cong-dong-co-21-hoc-sinh-mac-covid-19-2021...

Thông tin mới về độ nguy hiểm của biến thể Omicron

Dù chỉ mới được phát hiện gần đây, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang là nỗi lo ngại của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với số đột biến cao bất thường.

Giới nghiên cứu mới đây tiếp tục chỉ ra Omicron nhiều khả năng sẽ lẩn tránh được kháng thể sinh ra từ vaccine, bên cạnh lý giải vì sao biến thể này có thể lây lan mạnh như vậy thời gian qua. 

Ảnh minh họa cấu trúc của virus SARS-CoV-2. Ảnh: NPR

Ảnh minh họa cấu trúc của virus SARS-CoV-2. Ảnh: NPR

Omicron sẽ lẩn tránh được kháng thể từ vaccine

Trả lời hãng tin Bloomberg, PGS Wendy Burgers thuộc ĐH Cape Town (Nam Phi) cho biết có hai điểm cần lưu ý khi nói về khả năng lẩn tránh kháng thể của Omicron. 

Thứ nhất, phần lớn trong khoảng hơn 40 đột biến trên biến thể Omicron tập trung ở protein gai - bộ phận giúp virus bám vào tế bào người khi tiến hành lây nhiễm.

Ở các biến thể trước như Delta hay Alpha, việc đột biến ở protein gai đều cho chúng khả năng lẫn tránh được kháng thể sinh ra từ vaccine, nên Omicron lần này chắc chắn không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian nghiên cứu thêm để xác định biến thể này lẫn tránh được tới đâu và hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm tới mức nào. 

Thứ hai, cho tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Omicron miễn nhiễm trước sự tấn công của tế bào T trong cơ thể người. Đây là một dạng tế bào miễn dịch có nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện và tiêu diệt các tế bào mầm bệnh hoặc nhiễm bệnh - thường được sản sinh với số lượng lớn sau khi tiêm phòng hoặc sau khi bệnh nhân khỏi bệnh. 

Trong điều kiện bình thường thì kháng thể và tế bào T phối hợp để cùng loại bỏ mầm bệnh xâm nhập; trong trường hợp mầm bệnh lẫn tránh được kháng thể như Omicron thì vẫn không qua được hàng rào tế bào T ngay phía sau.

Ngoài ra, nói về khả năng tiêu diệt mầm bệnh thì tế bào T có phần nhỉnh hơn. Kháng thể chỉ nhắm mục tiêu hai bộ phận cố định trong protein gai của virus là vùng liên kết thụ thể (RBD) và vùng tận cùng N, nên chỉ cần hai bộ phận này thay đổi nhiều là kháng thể mất tác dụng. Trong khi đó, tế bào T nhắm vào toàn bộ phần tế bào gai, nên không bị các thay đổi trong cấu trúc virus ảnh hưởng nhiều. 

"Sự xuất hiện của Omicron khiến tôi bất ngờ vì tôi từng nghĩ Delta là dấu hiệu dịch COVID-19 chuẩn bị kết thúc. Virus SARS-CoV-2 thật sự đã tất cả chúng tôi ngạc nhiên" - TS Charles Chiu thuộc ĐH Califonia (Mỹ) chia sẻ. 

Ông cho biết Omicron cho thấy virus SARS-CoV-2 là dòng virus có độ linh hoạt cao, thích ứng nhanh với điều kiện môi trường bất lợi. Loại bỏ virus này sẽ là nỗ lực rất khó khăn, chính quyền các nước nên nhanh chóng chuyển từ loại bỏ virus sang sống chung với nó và tập trung giảm các ca bệnh nặng. 

Omicron có thể đã lai với virus cảm lạnh

Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu mới công bố của công ty phân tích dữ liệu Nference (Mỹ) khẳng định biến thể Omicron nhiều khả năng có ít nhất một đột biến được lai từ đoạn vật liệu di truyền của virus khác.

Cụ thể, nghiên cứu phát hiện Omicron có nhiều chuỗi gene chưa từng xuất hiện ở bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2 trước đó nhưng lại có ở virus gây cảm lạnh và một phần trong bộ gene của người.  

Bằng cách chèn đoạn gene này vào cấu trúc, biến thể Omicron nhiều khả năng tự làm cho mình "giống người hơn" - tránh được sự tấn công của hệ thống miễn dịch trong cơ thể người nhiễm. 

Điều này cũng đồng nghĩa  với việc là biến thể Omicron lây truyền dễ dàng hơn và chỉ gây ra triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Dù vậy, hiện vẫn chưa kết luận rõ ràng liệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay không  

Theo Reuters, nhiều nghiên cứu trước đó chỉ ra các tế bào trong phổi và trong hệ tiêu hóa có thể chứa đồng thời virus SARS-CoV-2 và virus cảm lạnh. Đây là điều kiện lý tưởng để SARS-CoV-2 tái tổ hợp. Đây là quá trình mà trong đó hai loại virus khác nhau trong cùng một tế bào chủ tương tác, tạo ra các bản sao mới có một số vật liệu di truyền từ bản gốc. 

Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/thong-tin-moi-ve-do-nguy-hiem-cua-bien-the-omicron-1031762.html

Không có triệu chứng, xét nghiệm nhiều người dương tính SARS-CoV-2

Sáng 5-12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 4-12 đến 6 giờ ngày 5-12), Nghệ An ghi nhận 100 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 9 ca cộng đồng, các trường hợp còn lại nằm trong vùng phong tỏa hoặc đã được cách ly từ trước. 

Cụ thể các trường hợp cộng đồng ở: Thị xã (TX) Thái Hòa 2, huyện Diễn Châu: 2, huyện Quỳnh Lưu: 2, huyện Nghĩa Đàn: 1, huyện Yên Thành: 1. Sau khi phát hiện các ca bệnh, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã tiến hành phong tỏa nhiều khu dân cư, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, truy vết những trường hợp liên quan, tiến hành cách ly theo quy định.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Được biết, trong các ca mắc Covid-19 mới theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thì có 31 ca có triệu chứng, 69 ca không có triệu chứng.

Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 4.995 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 922, Nghi Lộc: 500, Quỳnh Lưu: 420, Yên Thành: 420, Diễn Châu: 308, Tân Kỳ: 269, Nam Đàn: 225, Quế Phong: 215, Hưng Nguyên: 188, TX Cửa Lò: 181, TX Hoàng Mai: 173, Con Cuông: 159, Đô Lương: 155, Nghĩa Đàn: 149, Quỳ Châu: 141, Thanh Chương: 134, Kỳ Sơn: 116,Tương Dương: 112, Quỳ Hợp: 104, Anh Sơn: 71, TX Thái Hòa: 33... 

Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 3.843 người, số bệnh nhân tử vong: 29 người, bệnh nhân hiện đang điều trị: 1.123 người. 

Tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về Nghệ An từ ngày 1-10 đến nay là 46.171 người. Qua lấy mẫu, các cơ quan chức năng đã phát hiện 958 ca mắc Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/khong-co-trieu-chung-xet-nghiem-nhieu-nguoi-duong-tinh-sars-...

Omicron xuất hiện, số ca mắc Covid-19 của Nam Phi tăng 408%

Viện quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) ngày 4-12 thông báo thêm 16.366 ca nhiễm sau 24 giờ, tăng 408% so với 7 ngày trước đó, khi chỉ 3.220 ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ. Hiện vẫn chưa rõ những ca nhiễm mới liên quan đến biến thể nào.

Nam Phi, nơi biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, cũng ghi nhận thêm 21 ca tử vong vào ngày 4-12, tăng thêm 162% so với 7 ngày trước đó, khi chỉ 8 ca tử vong được thông báo.

Dữ liệu của NICD dựa trên xét nghiệm PCR hằng ngày trên khắp Nam Phi. Gauteng là tỉnh ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 11.607 ca.

Số liệu mới nhất nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở Nam Phi lên hơn 3 triệu ca và 89.956 ca.

Nam Phi đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng đột biến giữa lúc Omicron hoành hành trên khắp cả nước. Giới khoa học nước này khẳng định Omicron đã xuất hiện trên toàn bộ 9 tỉnh của Nam Phi.

Biểu đồ thể hiện số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày ở Nam Phi từ ngày 2-1 đến ngày 4-12. Ảnh: Daily Mail

Biểu đồ thể hiện số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày ở Nam Phi từ ngày 2-1 đến ngày 4-12. Ảnh: Daily Mail

Theo chuyên gia y tế Nam Phi Mia Malan, các triệu chứng do Omicron gây ra có thể nhẹ hơn so với những biến thể khác bởi số bệnh nhân nhập viện đến giờ vẫn đang ở mức thấp.

Chia sẻ dữ liệu liên quan đến Omicron từ Bệnh viện Steve Biko/quận Tshwane ở Gauteng, bà Malan khẳng định trên mạng xã hội Twitter rằng: "Phần lớn bệnh nhân không biết họ nhiễm Covid-19 cho đến khi nhập viện (họ nhập viện vì triệu chứng khác)".

Cũng theo bà Malan, 80% ca nhiễm Omicron đến bệnh viện Steve Biko/quận Tshwane đến giờ là những người dưới 50 tuổi, với 28% trong độ tuổi 20-29.

Giới chức y tế công Gauteng cho biết tỉ lệ lây nhiễm ở tỉnh này đã tăng lên 3,5 – so với 1 của tháng trước. Điều này đồng nghĩa cứ 10 người nhiễm Covid-19, sẽ có 35 người khác bị lây. Ở Anh, tỉ lệ này chưa bao giờ vượt mức 1,6.

Hiện tại, giới khoa học vẫn chưa biết chắc liệu Omicron có làm giảm mức độ hiệu quả của vắc-xin và gây ra các ca nhiễm nghiêm trọng hay không.

Giới chức y tế công ở Nam Phi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các ca nhiễm Omicron là những ca nhiễm nhẹ và vắc-xin hiện hành vẫn cho hiệu quả cao trước biến thể này.

Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ người Anh Meaghan Kall cảnh báo dữ liệu hiện tại cho thấy Omicron có thể "tồi tệ hơn" so với biến thể Delta. Theo WHO, giới khoa học cần thêm dữ liệu để biết chính xác mức độ nguy hiểm của Omicron.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/omicron-xuat-hien-so-ca-mac-covid-19-cua-nam-phi-tan...

Hà Nội: Quận Hoàng Mai tìm người từng đến chợ đầu mối do liên quan ca mắc COVID-19

Tối ngày 4/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) thông báo tìm người trên địa bàn Thành phố đã đến Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, bao gồm các địa điểm:

Ki ốt 71-78D - kinh doanh hàng nước (khu vực ăn uống);

Ki ốt 2C Cổng 1 - kinh doanh hành tỏi khô;

Ki ốt 30D - kinh doanh giò chả (khu vực ăn uống);

Ki ốt 6 khu nhà A;

Cửa hàng bán rau - khu nhà C (cuối đường Cổng 1).

Người đã đến các địa điểm trên trong thời gian từ ngày 29/11 đến nay chủ động tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2) - 0969.082.115 - 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.

Hà Nội khẩn tìm người đến chợ đầu mối tại quận Hoàng Mai. Ảnh: VnExpress.

Hà Nội khẩn tìm người đến chợ đầu mối tại quận Hoàng Mai. Ảnh: VnExpress.

Liên quan đến vụ việc, VTC News dẫn lời ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết, có 5 người kinh doanh tại Chợ đầu mối phía Nam dương tính với SARS-CoV-2. Họ ở các địa phương khác, xét nghiệm phát hiện dương tính.

"Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ CDC Hà Nội, chúng tôi tạm phong toả những ki ốt mà các bệnh nhân dương tính kinh doanh. Chợ đầu mối phía Nam vẫn hoạt động bình thường", ông Quý nói.

CDC Hà Nội thông tin thêm, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.

Theo bản tin dịch COVID-19 ngày 4/12 của bộ Y tế, Việt Nam có thêm 13.998 ca mắc COVID-19 mới, tắng 332 ca so với ngày trước đó.

Tính từ 16h ngày 3/12 đến 16h ngày 4/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.998 ca mắc mới, gồm 5 ca nhập cảnh và 13.993 ca phát hiện trong nước, trong đó có 8.402 ca trong cộng đồng.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ha-noi-quan-hoang-mai-tim-nguoi-tung-den-cho-dau-moi-do...

Người đàn ông ngoại tỉnh tử vong tại Quảng Trị dương tính với Covid-19

Tối 4/12, nguồn tin của PV Báo Giao thông cho biết, có 2 trường hợp được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, trong đó có 1 trường hợp trong tình trạng ngưng tuần hoàn và suy hô hấp, tử vong sau đó được xác định dương tính với Covid-19.

Trường hợp còn lại cũng được xác định dương tính với Covid-19, hiện đã được chuyển lên khu điều trị của Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị để điều trị.

Thông tin ban đầu, 2 trường hợp trên vào viện khoảng 10h trưa cùng ngày (4/12), qua khi thác dịch tễ 2 trường hợp trên đều làm việc tại một công ty ở Hà Nội, trong đó ông T.V.T (41 tuổi, trú Hà Nội), còn anh N.V.M (32 tuổi, trú Nghệ An).

Qua khai thác dịch tễ, cả 2 trường hợp này được đưa vào khu vực phòng sàng lọc, cách ly riêng tại bệnh viện để xử lý cấp cứu bệnh nhân, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định.

Theo một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, một trong 2 trường hợp trên vào viện khi đã ngưng tuần hoàn, hô hấp kém, mặc dù đội ngũ y bác sỹ đã tập trung nỗ lực xử lý cấp cứu nhưng không thành công.

Bệnh viện sau đó đã giải quyết vấn đề tử vong của bệnh nhân Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế...

Trường hợp còn lại cũng được xác định dương tính với Covid-19, hiện đã được chuyển đến khu điều trị của Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị để điều trị.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-ong-ngoai-tinh-tu-vong-tai-quang-tri-duong-tinh-v...

Trên 700 ca mắc/ngày, Sóc Trăng "hỏa tốc" xin chi viện từ Bộ Y tế

Chiều tối 4/12, theo nguồn tin của Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – Trần Văn Lâu đã ký văn bản hỏa tốc gửi Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn đề nghị hỗ trợ nhân lực phục vụ công tác điều trị F0 tại nhà.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tính đến ngày 1/12/2021, toàn tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận 18.726 trường hợp F0.

Một Trạm Y tế lưu động xã Hồ Đắc Kiện đặt tại Trường Tiểu học Hồ Đắc Kiện A (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

Một Trạm Y tế lưu động xã Hồ Đắc Kiện đặt tại Trường Tiểu học Hồ Đắc Kiện A (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

Đặc biệt, trong các ngày gần đây, đã ghi nhận trên 700 ca mắc mới/ngày, đã dẫn đến quá tải cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng dự báo, tình hình dịch Covid-19 trong những ngày tới tiếp tục tăng thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động để thực hiện điều trị F0 tại nhà.

Hiện tại, ngành y tế tỉnh Sóc Trăng đã huy động toàn bộ lực lượng y, bác sỹ để ngày đêm túc trực chống dịch.

Tuy nhiên, với nguồn nhân lực còn hạn chế, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn xem xét, hỗ trợ tăng cường 220 bác sỹ, điều dưỡng.

Trong đó, gồm 50 bác sỹ và 170 điều dưỡng, để đảm bảo cho công tác điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tren-700-ca-macngay-soc-trang-hoa-toc-xin-chi-vien-tu-bo-y-...

Thừa Thiên-Huế: Số người mắc Covid-19 tăng vọt, có 212 ca cộng đồng

Sáng 5-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã ghi nhận thêm 339 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có đến 212 ca phát hiện trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên có số ca nhiễm trong một ngày được ghi nhận nhiều nhất và tăng vọt tại địa phương này. Thống kê cho thấy đến nay, Thừa Thiên - Huế có 4.077 ca nhiễm Covid-19, trong đó 9 người đã tử vong, 2.577 bệnh nhân được chữa khỏi.

Vào ngày 3-12, ngoài 128 ca mắc Covid-19 được ghi nhận thì Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đăng ký bổ sung thông tin cho 822 ca nhiễm đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát và bổ sung đầy đủ thông tin.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP Huế

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP Huế

Số ca nhiễm tại địa phương này tăng vọt sau khi TP Huế thực hiện tuần cao điểm tầm soát Covid-19 trên toàn địa bàn thành phố kể từ ngày 29-11. Cụ thể, sau 5 ngày triển khai test nhanh kháng nguyên diện rộng, toàn TP Huế đã phát hiện đến 1.062 ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Theo lãnh đạo UBND TP Huế, hiện số lượng F1 lên F0 trên địa bàn vẫn còn cao nên việc quản lý, giám sát các đối tượng F1 cách ly tại nhà rất quan trọng, yêu cầu các phường, xã cần chủ động hơn trong việc tầm soát. Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho biết qua thống kê, hiện số ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng cao nên để kiểm soát và ngăn chặn các nguồn lây, có thể kéo dài việc tầm soát diện rộng thêm 1, 2 ngày so với kế hoạch đề ra.

Hiện có khoảng 94% học sinh TP Huế nằm trong độ tuổi tiêm vắc-xin đã được tiêm mũi 1, trong tuần tới sẽ lên kế hoạch mở cửa lại trường học.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/thua-thien-hue-so-nguoi-mac-covid-19-tang-vot-co-212-ca-cong...

                              Nhiều trường thông báo lùi thời gian học sinh đi học lại ngày 6/12, vẫn tiếp tục học online
Theo kế hoạch, học sinh đi học lại ngày 6/12 nhưng do tình hình diễn biến dịch Covid-19 ở Hà Nội đang phức tạp nên một số trường đã quyết định lùi thời gian.

Tin tức 24h

H.A Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19