Theo ghi nhận của PV, do COVID-19 bùng phát trở lại nên người dân Sài Gòn không còn chơi xuân và dạo phố nhộn nhịp như những năm trước.
Hủy toàn bộ kế hoạch chơi Tết du xuân
Mọi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM) tấp nập người dân đến vui chơi, "check-in" hoặc ngắm mai thưởng đào cùng các loại hoa cúc. Còn Tết 2021 lại mang một không khí rất khác... vắng vẻ, đìu hiu đến lạ thường.
Theo ghi nhận của PV, do COVID-19 bùng phát trở lại nên người dân Sài Gòn không còn hứng thú với chơi xuân và dạo phố. Chị Nguyễn Mạnh Quỳnh Khuyên (SN 1991, quận 3) - một trong số ít người đến phố ông đồ ngắm cảnh cho biết: "Dịch bệnh nên mọi người hạn chế ra ngoài tiếp xúc với nhau, vì thế phố Phạm Ngọc Thạch có vẻ vắng hơn so với năm ngoái. Thậm chí lượng người sắm Tết tại đây cũng lác đác".
Chị Nguyễn Mạnh Quỳnh Khuyên đến phố ông đồ chơi Tết.
Nhắc đến chuyện đến nơi đông người có sợ dịch COVID-19 hay không, chị Quỳnh Khuyên thẳng thắn: "Mình có chứ. Tuy nhiên hội chị em của mình đã lên kế hoạch đi ngắm hoa từ trước nên dịch bùng phát vẫn "liều" đi. Tất cả thống nhất đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, chỉ khi nào chụp hình mới bỏ ra. Có lẽ đây là lần đi chơi cuối cùng của mình trong đợt này, dù sao vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của chính phủ về phòng chống dịch".
Trước đó, chị Quỳnh Khuyên và gia đình đã lên kế hoạch Tết Nguyên đán về quê ngoại ở Hội An (Quảng Nam) thăm người thân, sau đó đi miền Tây du lịch. Nhưng từ khi TP.HCM có ca mắc mới, chị phải hoãn lại kế hoạch, đợi thời điểm thích hợp sẽ thực hiện sau. "Mình đã đặt vé máy bay, xe đò và lên sẵn lịch trình 7 ngày nghỉ Tết mà cuối cùng phải hoãn, chấp nhận ở lại Sài Gòn đón Tết. Khi nào dịch hết, gia đình mình sẽ về thăm hỏi họ hàng cũng chưa muộn. Hi vọng mọi người cùng nhau chung tay "chiến đấu", đẩy lùi dịch COVID-19 để có một cái Tết ấm no, vui vẻ", cô gái 30 tuổi tâm sự.
"Tất cả thống nhất đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, chỉ khi nào chụp hình mới bỏ ra".
Không riêng chị Quỳnh Khuyên, cô Huỳnh Ngọc(SN 1972, Gò Vấp) cũng phải hủy bỏ vé tàu về quê đón Tết cùng gia đình. Cô bảo đã lâu lắm rồi mẹ con cô chưa được về ngoại sum vầy bên mâm cơm Giao thừa, vì thế rất háo hức chờ đợi đến ngày "lên đường". Vậy mà chỉ vì dịch bùng phát, mọi kế hoạch phải dừng lại. "Tôi biết mình và gia đình phải có trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn có chút buồn bã, đặc biệt là lũ trẻ. Chúng háo hức được về quê thăm ông họ và mọi người lắm. Mấy nay, ngày nào tôi cũng phải động viên các con ở lại Sài Gòn đón Tết, hè tới hết dịch sẽ đưa về quê chơi dài", cô Ngọc chia sẻ.
Cô Ngọc đã sắm rất nhiều bánh kẹo, quần áo mới... chuẩn bị sẵn tinh thần về quê biếu họ hàng, người thân. Giờ không thể về được, cô đành đem số quà ấy tặng người vô gia cư ở Sài Gòn với hi vọng Tết này họ được an ủi phần nào. "Họ tội lắm. Thường ngày đã chật vật kiếm sống từng bữa ăn một. Giờ dịch bùng, họ không biết sẽ sống ra sao nữa? Vì thế tôi dự định đem số quà kia rồi thêm tiền mua chăn màn, bánh tét... tặng. Mong sao đại dịch sớm đi qua để trả lại sự bình yên cho người dân Việt Nam", người phụ nữ gốc miền Trung tâm sự.
Phố ông đồ Phạm Ngọc Thành vắng vẻ hơn so với mọi năm.
Chơi Tết trên tinh thần tiết kiệm
Là người bán hàng online, chị Võ Thảo (SN 1985, Bình Thạnh) vô cùng buồn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Chị nói: "Bất cứ ai: công nhân, lao công, nhân viên căn phòng, bán hàng qua mạng hay chủ doanh nghiệp... đều trải qua một năm đầy khó khăn về kinh tế. Cuối năm, ai cũng phấn chấn khi dịch được kiểm soát tốt với hi vọng có thể "vớt vát" chút ít. Ngờ đâu, COVID-19 "quay lại" khiến bao người lao đao, trong đó có tôi".
Cách đây 2 tuần, chị Thảo có rất nhiều đơn đặt hàng đặc sản Bình Định làm quà biếu Tết. Nhưng dịch xảy ra, chị liên tục nhận được điện thoại xin hủy đơn bởi người thì cách ly tập trung, người cách ly tại nhà... Đó là sự cố ngoài ý muốn nên chị liền thông cảm cho họ rồi trả lại tiền đã nhận đặt cọc. Chị bảo buôn bán lâu dài, vì thế phải giữ chữ tín và tạo độ tin cậy cho khách hàng.
Người phụ nữ 36 tuổi cho biết thêm, năm nay gia đình chị ăn Tết nhỏ hơn so xưa rất nhiều. Mọi năm đi xuống chợ hoa mai mua quất, vài chậu cúc thọ... về trang hoàng phòng khách thì năm nay chỉ cắm một lọ hoa cho có không khí.
Dịch xảy ra, chị liên tục nhận được điện thoại xin hủy đơn bởi người thì cách ly tập trung, người cách ly tại nhà...
"Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, không biết ra Tết sẽ như thế nào? Nó có ảnh hưởng đến việc kinh doanh hay không nên vợ chồng tôi bàn bạc chủ động tiết kiệm là hơn cả. Tôi hi vọng rằng sau 6-7 ngày nữa ai cũng khỏe mạnh để có thể đón một cái Tết an yên bên gia đình", chị Thảo bày tỏ.
Còn chị Ngọc Hiếu (SN 1989, quận 9) trở tay không kịp khi dịch COVID-19 quay trở lại. Chị kể: "Mình đang ở cữ nên dự tính sát Tết sẽ thuê người lau dọn nhà cửa, lo việc bếp núc... nhưng giờ chẳng có ai nhận. Họ từ chối hoặc tranh thủ về quê ăn Tết sớm vì sợ giãn cách xã hội. Mình đành để đặt con ngủ rồi tranh thủ mỗi ngày dọn dẹp một chút.
Về chuyện sắm Tết, có lẽ năm nay vợ chồng mình làm đơn giản thôi, nhà cửa cũng không trang trí hoành tráng, gia đình cũng không đi du xuân như những năm trước. Bởi năm nay mình nghỉ sinh, chồng kinh doanh không có lãi nên kinh tế eo hẹp lắm. Thôi thì Tết năm nào chẳng có, không sung túc năm nay thì năm sau bù vậy".
Chia sẻ ước muốn trong năm mới 2021, chị Ngọc Hiếu tâm sự: "Mình chỉ mong năm mới mưa thuận gió hòa, hết dịch COVID-19 để bà con tập trung làm kinh tế có của ăn của để. Như vậy là mãn nguyện lắm rồi".
Dù người dân Sài Gòn nói riêng và trên cả nước nói chung sẽ không có một cái Tết trọn vẹn như bao năm đã qua. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, bất cứ ai trên mọi miền tổ quốc đều hi vọng một năm mới tươi sáng, hạnh phúc và đẩy lùi được dịch bệnh.
Tình hình COVID-19 ở TP HCM liên quan bệnh nhân 1660, 1801, 1802 Liên quan bệnh nhân 1660 đến từ Hải Dương, 19 trường hợp tiếp xúc tại TP HCM đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Với chuyến bay VN213, hiện 134 hành khách và tổ bay đang có mặt tại thành phố, trong đó 95 trường hợp kết quả âm tính, 39 đang chờ kết quả. Liên quan đến bệnh nhân 1801 và bệnh nhân 1802, 40 trường hợp - gồm hành khách và tổ bay - đi chung với bệnh nhân 1801 trên chuyến bay VJ275 đã được xác minh tại TP HCM. 36 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm và đang đợi kết quả, 4 trường hợp đang chờ lấy mẫu. TP HCM đang tiếp tục xác minh các trường hợp còn lại có địa chỉ cư trú tại TP, truy vết các trường hợp tiếp xúc với 2 bệnh nhân này. Đối với việc tiếp nhận khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ Hải Dương, Quảng Ninh, các địa điểm do Bộ Y tế công bố, tổng số đã tiếp nhận khai báo y tế là 616 trường hợp, trong đó 36 người đang chờ lấy mẫu; 580 người đã lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả 1 trường hợp dương tính là bệnh nhân 1660, 458 âm tính, 122 đang chờ kết quả. Theo Báo Người lao động |