Đại diện lãnh đạo phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dự kiến 0 giờ đêm nay sẽ gỡ cách ly y tế với Bệnh viện Bạch Mai.
0h đêm nay gỡ phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai
Sáng 11/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn quận Đống Đa.
Theo báo cáo của quận Đống Đa, tính đến 7h ngày 11/4, quận đã lấy 462 mẫu các trường hợp tiếp xúc gần và người đến từ vùng dịch, gồm 148 mẫu F1, 27 mẫu F2, 30 mẫu ca nghi ngờ, 215 mẫu người đi từ vùng dịch, 42 mẫu người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo cáo, ngày 11/4, UBND quận Đống Đa sẽ quyết định chấm dứt thời gian cách ly y tế vùng đối với Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, khoanh vùng và ra quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh đối với Bệnh viện Thận Hà Nội…
Ngoài ra, quận đã triển khai tốt và nghiêm túc theo đúng chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn; đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị phòng, chống dịch và an sinh xã hội cũng như công tác kiểm tra, giám sát…
Indonesia đối mặt "đại di tản" 2,5 triệu dân
Hôm 9.4, Indonesia đã ghi nhận thêm 40 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày, đưa tổng số người tử vong do virus của nước này lên 280 trường hợp. Indonesia là quốc gia có số người tử vong vì dịch Covid-19 nhiều thứ 2 khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc. Đến ngày 10.4, Indonesia ghi nhận tổng cộng 3.293 ca nhiễm Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 tại Indonesia đang diễn biến hết sức phức tạp. Thủ đô Jakarta là tâm dịch của quốc gia này với số người nhiễm và tử vong cao nhất cả nước. Các chuyên gia y tế cho rằng, thời điểm đỉnh dịch của Indonesia vẫn còn chưa tới. Theo cơ quan y tế, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Indonesia sẽ tăng lên 95.000 người vào cuối tháng sau.
Hàng triệu người dân tại quốc gia này đang gói ghém đồ đạc và chuẩn bị rời các thành phố lớn để về quê do không thể kiếm sống trong dịch Covid-19. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với hiệu quả của biện pháp phòng chống dịch bệnh tại quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất khu vực Đông Á.
Dân Ấn Độ đổ về quê vì không có việc làm do lệnh phong tỏa trong dịch Covid-19 (ảnh: Mediaindonesia)
Tổng thống Indonesia – ông Joko Widodo, đang hứng nhiều chỉ trích từ dư luận khi cố gắng tránh một kịch bản người di tản giống Ấn Độ và không đồng ý áp dụng một lệnh phong tỏa thủ đô hoặc toàn quốc.
Hôm 9.4, Tổng thống Widodo đã công bố một khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ cho hàng triệu lao động nhập cư tại Jakarta – những người đang bị mất việc làm vì dịch Covid-19.
Ông Widodo hy vọng gói hỗ trợ sẽ giữ chân những lao động này ở lại Jakarta và không tìm cách về quê, nếu không, Covid-19 có thể “lây lan như cháy rừng”. Ông Widodo sẽ không ra lệnh cấm di chuyển khỏi thủ đô như lời khuyên của các chuyên gia y tế, thay vào đó, ông sẽ kêu gọi người dân ở lại với các gói hỗ trợ từ chính phủ.
Theo chính quyền Jakarta, ước tính, sẽ có khoảng 2,5 triệu lao động nhập cư rời khỏi thành phố để về quê trong thời gian ngắn sắp tới. Tại một số thành phố lớn khác, hàng nghìn lao động đã kéo ra đường và về quê, gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Chính phủ Indonesia đã quyết định sẽ hỗ trợ cho hơn 1,2 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Jakarta số nhu yếu phẩm trị giá 37 USD/tháng/hộ, bắt đầu thực hiện ngay trong tuần này.
Hơn 18.000 ca tử vong ở Mỹ, hơn 100.000 người chết trên thế giới
Tính đến 8h00 sáng 11/4, thế giới có 102.688 người tử vong vì bệnh COVID-19, tổng số người nhiễm là 1.697.596. Dịch COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Mỹ, mô hình dự đoán số ca tử vong vì Covid-19 mới được cập nhật, cho thấy ngày 10/4 sẽ là ngày đạt “đỉnh” về số người tử vong mỗi ngày.
Ông Trump trả lời họp báo tại Nhà Trắng hôm 10.4.
Số người nhiễm Covid-19 cần tới bệnh viện, sử dụng máy thở đạt ngưỡng cao nhất sau đó một ngày, vào ngày 11.4, theo mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington ở Seattle.
IHME dự đoán số người tử vong vì Covid-19 sẽ dừng lại ở mức khoảng 61.500.
Tính đến tối ngày 10/4, Mỹ ghi nhận 18.316 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số ca tử vong trên toàn cầu vượt 102.000, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Bộ Y tế và Dân sinh Mỹ đặt mục tiêu dỡ bỏ quy định bắt buộc người dân ở nhà, đóng cửa trường học và gãn cách xã hội sau 30 ngày, dấy lên mối lo ngại rằng virus sẽ lây lan mạnh trở lại, theo New York Times.
Trả lời về vấn đề này, ông Trump khẳng định: “Chúng ta sẽ không làm gì cho đến khi biết chắc rằng nước Mỹ sẽ khỏe mạnh”.
“Chúng ta không muốn phải quay lại điểm xuất phát và bắt đầu lại từ đầu, dù là quy mô nhỏ hơn”, ông Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
Ông Trump tiết lộ kế hoạch thành lập hội đồng đánh giá về thời điểm khôi phục hoạt động của đất nước, có sự tham gia của các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu, các bac sĩ, các thống đốc của cả hai đảng.
Con số này đã tiệm cận số ca tử vong ở Italia (18.849) và dự báo Mỹ sẽ sớm vượt Italia về số ca tử vong.
Châu Âu tiếp tục là "điểm nóng" khi số ca nhiễm và tử vong tăng chóng mặt
Tây Ban Nha hiện là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, với 158.273 ca. Số ca mắc bệnh mới và ca tử vong trong ngày ở nước này đang theo chiều hướng đi xuống.
Pháp ghi nhận thêm 987 ca tử vong vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 13.197 ca. Đã có hơn 6.000 nhân viên y tế và nhân viên các cơ sở y tế, xã hội tại nước này có khả năng nhiễm COVID-19.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân trên những chiếc giường được dựng tạm trong khuôn viên một bệnh viện ở Lombardy do số lượng người bệnh quá đông.
Italy vẫn tiếp tục là quốc gia có tổng số người chết cao nhất thế giới và số người nhiễm COVID đứng thứ ba, sau Mỹ và Tây Ban Nha. Đến sáng nay, Italy có thêm 570 ca tử vong và 3.951 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số lên 147.577 ca bệnh, 18.849 người đã tử vong.
Tại Anh, đến sáng nay, nước Anh ghi nhận thêm 980 ca tử vong vì COVID-19, vượt qua con số kỷ lục về số người tử vong trong ngày của Tây Ban Nha và Italy. Tổng cộng đến nay Anh đã có 8.958 ca tử vong trên tổng số 73.758 ca nhiễm.
Tại Iran, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 122 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 4.232 người.
Việt Nam còn 113 ca mắc Covid-19 đang điều trị, không có ca bệnh mới trong 12 giờ qua
Theo Bộ Y tế, tổng số ca mắc đến 6h ngày 11/4 là 257 trường hợp, trong đó: 159 người từ nước ngoài chiếm 61,9%; 98 người lây nhiễm thứ phát.
Về số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 75.337, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.290; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.005; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 54.042.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 như sau:
- Tổng số bệnh nhân đã khỏi bệnh: 144 ca
- Hiện còn 113 bệnh nhân đang điều trị tại 16 cơ sở khám chữa bệnh:
+ 70 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương;
+ 39 ca đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh;
+ 04 ca đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện;
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 20 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2lần âm tính với SARS-CoV-2: 8 ca.
Nếu đi học trước 15/6, vẫn thi THPT quốc gia vào tháng 8
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 10/4, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, ngay khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh thời gian năm học.
Theo đó, thời gian để kết thúc năm học điều chỉnh sang ngày 15/7 và dự kiến ngày thi THPT quốc gia sẽ lùi lại tới ngày 8 - 11/8.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến nếu học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15/6
"Với thời gian lùi như vậy và học sinh vẫn đang học online, Bộ tiếp tục cho nhà trường chuẩn bị những điều kiện để đón học sinh trở lại học khi dịch được kiểm soát", ông Độ nói.
Theo ông Độ, nếu học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6 thì các em lớp 12 vẫn có thể tham gia kỳ thi THPT quốc gia, với tinh thần tổ chức giảm nhẹ nhiều nhất có thể.
Hiện Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình tinh giản, giảm nhẹ nội dung học tập học kỳ II. Theo đó, giữ lại những nội dung nền tảng, cốt lõi của chương trình học kỳ II, để giúp học sinh hoàn thành chương trình và xét lên lớp theo yêu cầu của chương trình năm học.