Tranh thủ thời gian ở nhà mùa dịch bệnh, nhiều chị em đã làm những món ăn hấp dẫn cho gia đình, người thân. Thật không ngờ, nhiều người lại nhận được tới tấp những đơn hàng đề nghị làm bán. Từ đây, họ bỗng có thêm một “nghề tay trái hái ra tiền”.
Trổ tài nấu nướng rồi khoe ảnh lên MXH, nhiều chị em kiếm thêm tiền triệu mỗi tháng
Vài tuần trở lại đây, khi áp dụng khuyến cáo ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid 19, rất nhiều chị em đã có cơ hội để dành thời gian cho gia đình, thực hiện những công việc mà trước đây vì quá bận rộn không thể làm được. Trong đó, đáng kể nhất là việc chị em thi nhau trổ tài nữ công gia chánh với các món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng.
Mạng xã hội rộn ràng những hình ảnh các món ăn được chị em đăng tải. Có đủ loại từ món ăn trong bữa cơm gia đình đến những đồ ăn vặt, tráng miệng… Bất ngờ hơn nữa, xuất phát từ ý tưởng làm món ăn cho gia đình, người thân, nhiều chị em lại nhận về nhiều lời đề nghị làm để bán.
“Đơn hàng” tới tấp đến, có thêm một “kênh” kiếm tiền mới, một số người đã bắt tay vào làm kinh doanh đầy ngẫu nhiên như thế. Đáng nói hơn cả, công việc tưởng như chỉ làm cho vui này lại giúp họ có một khoản thu không hề nhỏ.
Đăng ảnh làm món ăn lúc rảnh rỗi, nhiều chị em nhận được nhiều đơn đặt hàng
Thực tế cho thấy, những món ăn homemade được làm từ những bà nội trợ gia đình, đảm bảo về nguyên liệu, quá trình chế biến sạch sẽ trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng hiện nay.
Khách hàng chia sẻ rằng, khi đặt những món đồ ăn tự làm này, đa phần đều lựa chọn mua của người quen hoặc có uy tín. Ưu điểm là không những ngon, đẹp mắt mà chất lượng cũng đảm bảo do người làm không sản xuất số lượng lớn, chủ yếu phục vụ bán trong ngày, ai đặt mới làm nên không xảy ra tình trạng hàng ế, hàng thừa từ hôm trước. Không những thế, so về giá thành, đồ ăn homemade có giá rẻ hơn nhiều so với những sản phẩm cùng loại do các công ty hay những đơn vị có thương hiệu sản xuất.
Theo ghi nhận từ thị trường, những món ăn như bánh, đồ ăn vặt… thường được nhiều khách hàng thích thú đặt mua nhất. Với việc ở nhà giai đoạn chống dịch, đây là những món nhâm nhi ngon miệng, phù hợp với nhiều gia đình, giá thành lại phải chăng nên chị em thường đặt về để thưởng thức cùng người thân.
Chị Bích Phượng (ở thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) làm nhân viên cho một đại lý bán vé máy bay. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hãng hàng không dừng các chuyến bay quốc tế, các chuyến bay trong nước cũng giảm gần hết đại lý vé máy bay nơi chị làm việc đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Trong thời gian rảnh rỗi ở nhà, chị "lao" vào làm bánh để thỏa đam mê. Ban đầu, chị làm bánh mỳ hoa cúc, những chiếc bánh làm ra để cho gia đình thưởng thức rồi biếu hàng xóm, bạn bè ăn thử. Ai cũng khen bánh chị làm ngon như bánh ngoài hàng.
Chị đăng lên mạng xã hội để khoe thành quả thì nhiều người hỏi có bán không. "Thấy nhiều người hỏi, tôi cũng nhận lời, mọi người phản hồi bánh rất ngon rồi muốn đặt thêm, giới thiệu thêm bạn bè mua ăn thử nữa. Cứ thế lượng khách cứ tăng dần", chị chia sẻ.
Chị Phượng cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 60-80 cái bánh mỳ hoa cúc, mỗi tháng mang lại thêm thu nhập 4-5 triệu, vừa thỏa mãn đam mê vừa có thêm tiền trang trải các chi phí để vượt qua khó khăn do nghỉ việc không lương trong đợt dịch COVID-19.
Cũng tương tự như chị Phượng, rất nhiều bà nội trợ khác bỗng nhiên trở thành “bà chủ kinh doanh” khi các món ăn tự tay làm của họ được nhiều người đặt mua.
Chị Thu Uyên, cư dân một tòa chung cư tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) tiết lộ: “Làm nhân viên văn phòng nhiều năm, vốn bận rộn, đợt ở nhà này là dịp hiếm hoi tôi có thời gian như vậy. Trước đây tôi có từng học qua một lớp làm bánh, thế nên đợt này tôi tranh thủ làm cho chồng, con ăn. Tâm lý phụ nữ, làm xong đăng lên mạng “khoe” với chị em một chút, tôi không ngờ tự nhiên lại nhận được rất nhiều lời đề nghị muốn mua. Thu nhập bị cắt giảm do dịch, giờ bỗng dưng có một cách kiếm tiền khác nên tôi nhận lời ngay. Hiện tôi bán bánh mì phomai bơ tỏi để bán cho mọi người. Chỉ thế thôi nhưng tôi cũng kiếm được kha khá mỗi ngày đấy”.
Nhờ kinh doanh đồ ăn handamade, chị em có một khoản thu nhập đáng kể trong mùa dịch
Ban đầu đăng bán, đa phần là chị em, bạn bè ở công ty, hàng xóm khu chung cư,... mua ủng hộ. Giờ thì ngoài khách quen còn có khách ở những chung cư khác”. Chị Uyên cũng cho biết thông thường chị sẽ làm vài size bánh khác nhau để đáp ứng nhu cầu của mỗi người, giá trung bình giao động từ 30.000-50.000 đồng/chiếc. Những tưởng là con số nhỏ thế nhưng tính ra trung bình mỗi ngày chị cũng bán được vài chục chiếc, thu về tiền triệu một cách đơn giản.
Kinh nghiệm cho những người mới bắt đầu "khởi nghiệp"
Có thể thấy, hình thức kinh doanh này là cách kiếm tiền vừa sức, không cần vốn quá nhiều, lại vẫn có thể ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Trong giai đoạn khó khăn, kinh tế bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch bệnh, nhiều người bị cắt giảm lương như hiện nay, việc kinh doanh đồ ăn tự làm đang trở thành một trong những “cần câu cơm” khá lý tưởng của nhiều chị em phụ nữ.
Tuy nhiên, để duy trì được mỗi tháng vài triệu không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều chị em chia sẻ làm đồ ăn handmade để kinh doanh phải tạo được uy tín với khách hàng từ nguyên liệu đến khâu chế biến và thành phẩm. Các món ăn handmade đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mẩn và cẩn thận, đồ phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, nguyên liệu cũng phải rõ nguồn gốc.
Chị Phượng cho biết có lần chị cho đường nhầm công thức khiến bánh mỳ công thức ngọt hơn bình thường, chị phải báo với khách hàng, nếu ai không thích ngọt chị sẽ không giao bánh mẻ đó và hẹn khách sang hôm sau. "Mẻ bánh 30 cái đó tôi phải để lại cho người nhà ăn hoặc biếu kèm chứ không dám bán vì sợ khách chê, lần sau sẽ không đặt nữa", chị Phượng chia sẻ.
Đồ ăn tự làm trở thành mặt hàng bán chạy trong mùa dịch COVID-19
Còn Chị Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ muốn làm ăn lâu dài phải liên tục “bắt trend” và cập nhật những công thức mới mẻ. Hiện chị Lan đang làm bánh mỳ bơ tỏi Hàn Quốc để bán với giá 60.000 – 80.000 đồng/chiếc tùy loại và kích cỡ khác nhau, thu nhập cũng kha khá nhưng chị cho biết tới đây chị sẽ làm thêm các món khác để bán.
"Tạm thời tôi chỉ bán khi bánh còn “hot”, sau đó sẽ tìm hiểu và chuyển sang loại bánh hoặc món ăn khác tùy theo nhu cầu của thị trường và khách hàng. Mặc dù vất vả một chút nhưng vừa tăng thêm thu nhập lại vừa đúng với đam mê của mình nên tôi cũng rất thích”, chị Lan chia sẻ.