Tình hình dịch bệnh ở các quốc gia trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến thể Delta.
Theo số liệu trên trang Worldometers, trong ngày hôm qua 19/8, thế giới ghi nhận thêm 723.088 ca nhiễm COVID-19 và 10.948 ca tử vong. Tính từ đầu dịch đến nay, toàn thế giới đã có tổng cộng 210.854.907 ca nhiễm, 4.417.603 ca tử vong vì COVID-19 và 188.795.923 người được chữa khỏi. Virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới 220 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang ngày càng nghiêm trọng sau khi biến thể Delta xuất hiện.
Trong vòng 24h qua, 3 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất là Mỹ (hơn 154.000 ca), Ấn Độ (hơn 37.000 ca) và Brazil (hơn 36.000 ca). 3 quốc gia có số ca tử vong cao nhất trong 24h qua là Indonesia (1.492 ca), Brazil (938 ca) và Nga (791 ca).
Tính từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, đứng sau đó là Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp và Anh.
Tỷ lệ tiêm vaccine ở các quốc gia trên thế giới. Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi. Nguồn: Our World In Data.
Singapore: Tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, chuẩn bị sống chung lâu dài với COVID-19
Singapore ghi nhận tổng cộng 66.366 ca nhiễm và 46 ca tử vong tính đến ngày 20/8. Trong ngày 19/8, chỉ 32 ca lây nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận nở nước này. Bên cạnh đó, Singapore đang là quốc giữ có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Khoảng 77% dân số nước này đã tiêm một liều vaccine và hơn 71% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine, theo số liệu của Our World In Data.
Singapore hiện đang chuẩn bị kịch bản sống chung lâu dài với COVID-19. Hãng thông tấn Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế đánh giá với lộ trình này, Singapore có thể ghi nhận hàng trăm trường hợp tử vong vì COVID-19 mỗi năm, cũng giống như bệnh cúm. Ngoài ra, Singapore có thể trở thành một ví dụ để các quốc gia khác theo dõi ở thời điểm chính những nước này đang tăng cường chiến dịch tiêm vaccine.
Giới chức Singapore cũng đang cân nhắc việc tiêm mũi vaccine bổ sung. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết, hệ miễn dịch của nhiều người đã không thể tạo ra đủ kháng thể chống COVID-19 sau 2 mũi tiêm vaccine nên việc nghiên cứu tiêm thêm mũi bổ sung là cần thiết. Những người này bao gồm những người đang điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, hoặc các bệnh nhân khác đang được điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch. Ngoài ra, Singapore cũng đang xem xét đến việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi.
Indonesia: Số ca nhiễm giảm nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao nhất thế giới
Kể từ đầu tháng 8, số ca nhiễm tại Indonesia đã có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao nhất thế giới. Tính từ đầu dịch tới nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 3.930.300 ca nhiễm, 122.633 người tử vong. Đỉnh điểm của dịch COVID-19 tại Indonesia là vào giữa tháng 7 vừa qua, khi số ca nhiễm lên tới hơn 56.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên đến ngày 19/8 vừa qua, số ca nhiễm trong ngày của Indonesia giảm xuống 22.053 ca, tức là giảm đi gần 3 lần so với đỉnh dịch hồi tháng trước.
Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ Indonesia (PB-IDI) Daeng M Faqih đánh giá, mặc dù số ca mắc COVID-19 đã giảm nhưng tỷ lệ dương tính trong xét nghiệm luôn ở trên 20% trong những tuần gần đây, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở Indonesia trong tuần thứ 2 của tháng 8 vẫn cao nhất thế giới với 10.492 trường hợp.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu người, tuy nhiên tính đến ngày 18/8, thành tích tiêm chủng mũi thứ nhất vaccine COVID-19 ở Indonesia mới đạt 26,4%, trong tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 14%, còn rất xa so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ người dân được xét nghiệm COVID-19 ở Indonesia và việc truy vết cũng không đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Mỹ: Số ca tử vong tăng kỷ lục, ca nhiễm tăng mạnh tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp
Theo tờ USA Today đưa tin, trong vòng một tuần tính đến hết ngày 18/8, Mỹ ghi nhận 5.742 ca tử vong, gần gấp đôi con số của 2 tuần trước đó. 10.991 người Mỹ đã chết vì COVID-19 trong 18 ngày đầu tháng 8, nhiều hơn tổng số ca tử vong trong cả tháng 6 hoặc tháng 7. Điều này đã khiến tháng 8/2021 trở thành tháng tồi tệ thứ 5 kể từ khi Mỹ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo dữ liệu từ New York Times, trong khi số ca mắc tăng thêm 47% trong 2 tuần qua thì số ca tử vong tăng hơn gấp đôi. Với tốc độ này, cứ 1 giờ thì có 34 người Mỹ tử vong vì COVID-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số người trẻ tuổi nhiễm COVID-19 cũng tăng mạnh, tăng nhiều nhất là ở những người ở độ tuổi 30 và dưới 18 tuổi, đặc biệt là tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Cũng theo CDC, gần 93% dân số Mỹ sống tại khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao. Tờ CNN đã tiến hành phân tích dựa trên các dữ liệu liên bang, so sánh giữa các hai nhóm gồm 10 bang có tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất (chưa đến 41% cư dân được tiêm phòng đầy đủ) và 10 bang có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất (hơn 58% cư dân đã hoàn thành các mũi tiêm cần thiết). Kết quả phân tích cho thấy nhóm đầu tiên có tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 cao gấp gần 4 lần và tỷ lệ tử vong cao gấp 5,5 lần so với nhóm còn lại.
Điều phối viên ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho biết, số ca mắc mới tiếp tục tăng do sự xuất hiện của biến thể Delta, các ca nhiễm tập trung ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ngày 18/8, chính quyền tổng thống Joe Biden đã liên tục kêu gọi người dân đi tiêm chủng vaccine. Ông Jeff Zients phát biểu: "Đây vẫn là đại dịch của những người chưa được tiêm chủng". Khoảng 51,5% dân số nước Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Ấn Độ: Số ca nhiễm giảm, bổ sung giường bệnh cho trẻ em
Ấn Độ là nơi phát hiện đầu tiên của biến thể Delta. Hiện nay, quốc gia này đang lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 3 sau đợt dịch đỉnh điểm hồi tháng 4-5 vừa qua. Tính đến 8h sáng ngày 20/8, Ấn Độ ghi nhận thêm 36.571 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 24h, giảm đi rất nhiều so với đợt đỉnh điểm hồi đầu tháng 5 là hơn 400.000 ca mỗi ngày.
Hiện nay, Ấn Độ có tổng cộng 32.358.829 ca nhiễm và 433.622 ca tử vong vì COVID-19. Hôm 19/8 vừa qua, 540 ca tử vong mới được báo cáo, trong đó bang có số ca tử vong cao nhất là Kerala và Maharashtra. Hiện mới có khoảng 9,1% dân số nước này được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.
Trong khi đó, hôm 19/8, thủ đô Delhi ghi nhận 25 trường hợp mắc COVID-19 mới, mức thấp nhất kể từ ngày 15/4/2020. Ít nhất 11/28 bang của Ấn Độ đã mở cửa lại sau hơn một năm đóng cửa. Hôm 19/8, bang Madhya Pradesh quyết định mở cửa trở lại một số rạp chiếu phim. Điều này làm dấy lên lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại, đặc biệt là vào mùa đông năm nay.
Bên cạnh đó, cơ quan y tế Ấn Độ đang thận trọng trước thông tin số trẻ em nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ tăng cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng ở những người chưa tiêm chủng. Ấn Độ chỉ mới tiêm chủng cho những người trên 18 tuổi, do đó trẻ em trở thành đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Giới chức Ấn Độ bắt đầu dự trữ thuốc, bổ sung giường bệnh nhi và oxy y tế tại các trung tâm tiếp nhận điều trị COVID-19 để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cần thiết.
Úc: Xem xét tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-15 tuổi
Tính từ đầu dịch tới nay, Úc ghi nhận tổng cộng 42.228 ca nhiễm và 976 ca tử vong do COVID-19, theo số liệu của Worldometers. Hiện nay, khoảng hơn 22% dân số nước Úc đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt cho biết, hiện tại các chuyên gia thuộc Nhóm tư vấn tiêm chủng của nước này đang xem xét về việc có nên khuyến cáo chính phủ tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-15 tuổi hay không.
Tháng trước, Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Úc đã cấp phép sử dụng ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Tuy nhiên đến lúc này, chỉ những em có bệnh lý nền, sống ở vùng sâu, vùng xa và trẻ em bản địa thuộc nhóm tuổi này mới được đưa vào danh sách tiêm chủng vaccine.
Việc tiêm vaccine cho trẻ em đang ngày càng trở thành mối quan tâm của dư luận Úc khi số liệu thống kê của bang New South Wales, nơi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhất cho thấy trong một tuần qua, số lượng trẻ em dưới 19 tuổi nhiễm COVID-19 nhiều gấp đôi số lượng người bệnh ở nhóm tuổi cao nhất. Còn tại bang Victoria, hơn 46% số ca COVID-19 tại bang này là trẻ em dưới 19 tuổi. Thực tế này khiến nhiều gia đình lo ngại nếu không được tiêm chủng thì khi quay trở lại trường học, không chỉ trẻ em có nhiều nguy cơ bị COVID-19 mà còn có thể lây virus cho các thành viên trong gia đình, khi đó, dịch bệnh sẽ càng khó kiểm soát.
Trong khi đó, thủ phủ Sydney của bang New South Wales đã quyết định gia hạn phong tỏa đến hết tháng 9. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trừ những người có giấy phép hoặc các trường hợp cấp cứu. Người dân chỉ được phép tập thể dục ngoài trời một giờ mỗi ngày, bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Anh: Số ca nhiễm vẫn tăng dù tỷ lệ tiêm chủng cao
Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng cộng 6.392.160 ca nhiễm và 131.373 ca tử vong vì COVID-19. Theo tờ Sky News đưa tin, trong vòng 24h từ ngày 18-19/8, Anh ghi nhận thêm 36.572 trường hợp nhiễm COVID-19 và 113 trường hợp tử vong.
So sánh các số liệu do chính phủ Anh đưa ra, con số ca nhiễm và ca tử vong tại nước này dường như đang có xu hướng tăng lên, hầu hết đều liên quan đến biến thể Delta, mặc dù Anh là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất thế giới. Khoảng 85% dân số nước Anh đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và hơn 61,5% đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Số liệu của tờ Sky News cho thấy trong những tuần gần đây, số ca nhiễm COVID-19 tại Anh đã xu hướng giảm trong 2 tuần nhưng đến tuần trước, nó lại tăng lên 6%. Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch nước này đã đưa ra lời khuyên rằng, nếu việc triển khai tiêm liều vaccine thứ 3 xảy ra, nên cung cấp cho những người dễ bị tổn thương trước, bắt đầu từ tháng 9/2021 để để tối đa hóa sự bảo vệ cá nhân và bảo vệ hệ thống y tế trước khi mùa đông bắt đầu.