Cùng với tiếng vang trong sự nghiệp , là những chìm nổi trong cuộc đời của các doanh nhân Bình Định. Thậm chí, có người dính vòng lao lý để rồi bị tử vong khi bị tạm giam trong quá trình điều tra, xét xử hay bị đề nghị án chung thân bởi những sai phạm ở tuổi xế chiều.
Là một vùng quê nghèo, khắc nghiệt nhưng Bình Định là nơi đã sinh ra nhiều doanh nhân Bình Định thành đạt, nổi tiếng với sự quyết liệt trên thương trường. Có thể kể đến như: Bà Tư Hường người đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam lần đầu tiên; Bầu Đức; “trùm” gỗ Võ Trường Thành; ông Dũng Lò Vôi; Nữ đại gia Rolls-Royce chính hãng đầu tiên Việt Nam - Dương Thị Bạch Diệp; ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV...
Tuy nhiên, cùng với tiếng vang trong sự nghiệp , là những chìm nổi trong cuộc đời của các doanh nhân đất võ kể trên. Thậm chí, có người dính vòng lao lý để rồi bị tử vong lúc bị tạm giam trong quá trình điều tra, xét xử hay bị đề nghị án chung thân bởi những sai phạm ở tuổi xế chiều.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, chủ xe Rolls-Royce chính hãng đầu tiên Việt Nam
Như Dân Việt đã thông tin, nữ đại gia Bình Định Dương Thị Bạch Diệp được biết đến là nữ đại gia sở hữu Rolls-Royce chính hãng đầu tiên ở Việt Nam vừa bị đề nghị án tù chung thân với nhiều tội danh được VKSND TP.HCM đưa ra.
Bà Diệp sinh năm 1948 tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhưng lại lớn lên ở Hà Nội và thành danh tại TP.HCM. Những năm đầu thập niên 2000, bà Diệp nổi danh nhờ sở hữu một qũy đất lớn và đắc địa tại TP.HCM.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: ST
Năm 2008, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp được nhiều người biết đến và nổi như cồn khi bỏ khoảng 1,3 triệu USD để mua chiếc xe đắt tiền và sang nhất Việt Nam thời điểm đó là chiếc Rolls-Royce biển số tứ quý 7.
Ngoài ra, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp còn sở hữu nhiều dự án bất động sản, khách sạn 5 sao như Diep Bach Duong's Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)...
Bà Dương Thị Bạch Diệp cũng là đại diện sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, nhưng sau đó đã mang thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank).
Năm 2014, chia sẻ với báo chí, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp cho biết, giá trị tài sản của bà có thời điểm lên tới 10.000 tỷ đồng dưới dạng bất động sản và tài sản cá nhân.
Cuối tháng 1/2019, bà và một số cựu lãnh đạo TP.HCM bị bắt, bà bị cáo buộc lừa đảo liên quan đến ngân hàng Agribank và hoán đổi tài sản đất công tại Sở Văn hóa TP.HCM.
Cú "ngã ngựa" của ông Trần Bắc Hà khiến chứng khoán đỏ sàn
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định. Từ khi bắt đầu sự nghiệp (năm 1981), ông Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại một trong bốn "ông lớn" của ngành ngân hàng hiện nay - Ngân hàng BIDV. Ông Trần Bắc Hà đã kinh qua nhiều vị trí chủ chốt và từng là người có quyền lực nhất ở BIDV.
Dưới thời của ông Trần Bắc Hà, BIDV đã chính thức niêm yết cổ phiếu BID trên sàn chứng khoán và trở thành một công ty đại chúng. Đây cũng là đợt IPO lớn nhất năm 2011.
Cuối tháng 1/2014, tổng cộng 2,8 tỷ cổ phiếu BID đã chính thức được niêm yết trên HOSE và BIDV là ngân hàng thứ 9 thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Trần Bắc Hà. Ảnh LĐ
Đến tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT BIDV để nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, tháng 3/2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định "rất nghiêm trọng", trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Tháng 11/2018, cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Và ngày 18/7/2019, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã qua đời tại trại giam Sóc Sơn.
Đáng chú ý, trong suốt sự nghiệp của mình, những tin đồn thất thiệt liên quan đến cựu Chủ tịch BIDV đều khiến toàn thị trường tài chính chao đảo. Đỉnh điểm là vào ngày 9.8.2017, toàn bộ 11 cổ phiếu ngành ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ khi tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Chỉ trong một ngày, 2 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán.
Ông “trùm” gỗ Việt Võ Trường Thành buộc phải rời bỏ sự nghiệp cả đời
Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn, Bình Định. Năm 21 tuổi, đang làm nghề "gõ đầu trẻ", ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định để lập nghiệp phương xa. Sau hơn 7 năm miệt mài với xưởng gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong đóng tại Tây Nguyên, ông được bầu vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong.
Năm 1990 ông ra riêng thành lập Xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk. Năm 1999 mua lại Công ty Vinaprimart, mở rộng hoạt động đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phát triển thành Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành.
Ông Võ Trường Thành. Ảnh: Bạch Dương.
Với sự chèo lái của ông Võ Trường Thành, TTF đã liên tục phát triển và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, Gỗ Trường Thành đạt doanh thu hơn 2.753 tỷ đồng, lãi ròng gần 189 tỷ đồng. Đầu năm 2016, cổ phiếu Gỗ Trường Thành còn đạt mức giá kỷ lục từ khi niêm yết và được đại gia Vingroup tỏ ý muốn thâu tóm.
Thế nhưng sau đó, Gỗ Trường Thành đã gây sốc cho các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp khi báo cáo tài chính quý II/2016 cho thấy khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng. Sau kiểm toán, TTF báo lỗ tới 1.271 tỷ đồng trong năm 2016.
Cổ phiếu TTF khi đó đã có chuỗi giảm sàn kỉ lục tới 24 phiên liên tiếp từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng và sau đó bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Ông Võ Trường Thành và con gái đã phải đắng cay từ nhiệm sự nghiệp cả đời của mình. Đến nay, Gỗ Trường Thành đã rơi vào tay người mới nhưng vẫn đang phải chật vật để tái cơ cấu và ổn định trở lại.
Đại gia Dũng "lò vôi"- ông chủ siêu dự án Đại Nam
Ông Dũng sinh năm 1961 tại Bình Định. Trên thực tế, tên khai sinh của ông là Huỳnh Phi Dũng nhưng sau đó ông tự đổi thành Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.
Đúng với biệt danh “Dũng lò vôi”, quá trình lập nghiệp của vị doanh nhân này cũng bắt đầu từ chiếc lò vôi.
Ông là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam, sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản “khủng” như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương.
Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở Bình Dương của đại gia Dũng “lò vôi” rộng 450 ha, kinh phí đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Uy Dũng - Ảnh: ST.
Ông Huỳnh Uy Dũng được cho là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hóa. Tuy nhiên như đã từng chia sẻ trên báo chí, đại gia này không quá để tâm đến tiền bạc bởi ông xác định, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.
Gia đình ông Dũng "lò vôi" là những người có tiên phong trong công tác thiện nguyện, đáng kể như quỹ từ thiện Hằng hữu do vợ chồng ông sáng lập đã cứu sống hàng nghìn trái tim. Hay mới đây hơn, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ông Dũng đã âm thầm đặt hàng 50.000 bình oxy để hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những lùm xùm liên quan đến các phát ngôn trong "cuộc chiến" sao kê từ thiện giữa vợ ông - bà Nguyễn Phương Hằng và nhiều nghệ sĩ, nhà báo, luật sư phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như danh tiếng của đại gia Dũng "lò vôi".