Trước thời điểm biến mất bí ẩn rồi tử vong, cựu thủ khoa khối A trường ĐH Bách Khoa Hà Nội còn một cuộc hẹn dang dở.
Cuộc hẹn dở dang
Hơn 1 tuần sau khi nhận tin thủ khoa khối A trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2011 Phạm Văn Đình (SN 1993, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, hiện đang trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) tử vong, người thân của Đình vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Nhân (cậu ruột của Đình) nói rằng, đến giờ anh vẫn mơ hồ không tin cháu trai đã mất.
Chia sẻ về cháu trai tài năng nhưng đoản mệnh, anh Nhân kể, Đình sống gần gũi với cậu từ bé nên gần như mọi chuyện từ học hành cho tới công việc Đình đều chia sẻ với cậu.
“Do bố mẹ có hoàn cảnh khó khăn nên Đình sống giản dị từ bé. Sau này đi làm lương cao nhưng Đình vẫn giữ nếp sống sống giản dị, không chơi bời.
Phạm Văn Đình (ảnh nhỏ) là sinh viên xuất sắc với nhiều bằng khen giấy khen.
Có lần tôi khuyên cháu, giờ mày đi làm có thu nhập rồi nên chăm chút hơn trong cách ăn mặc hơn nhưng Đình bảo dân công nghệ không phải sơ vin đóng thùng nên cháu cứ quần bò, áo phông”, anh Nhân kể.
Hai tháng gần đây, Đình thuê một căn phòng trọ ở ngõ 604 đường Ngọc Thụy (Long Biên) cách nhà cậu và một người dì ruột khoảng 500m. Thi thoảng, Đình ghé qua nhà cậu và dì ăn cơm. Khoảng 1 tháng gần đây, Đình nhận kèm cặp cậu em trai tên Trường (con ruột dì Đình) học tập.
“Tối hôm trước ngày mất tích (ngày 30/6), Đình và Trường ăn cơm cùng tôi. Trong bữa ăn, Đình còn hẹn với ông và các cô, dì ngay mai sẽ đưa mọi người đi bệnh viện khám sức khỏe tổng quát. Tôi không thấy cháu có biều hiện gì bất thường.
Trước đây, Đình nhiều lần đưa ông ngoại đi khám bệnh rồi và cháu chưa bao giờ lỡ hẹn. Vậy nên việc cháu mất tích vào hôm sau khiến gia đình rất bất ngờ không hiểu có vì lý do gì”, anh Nhân kể.
Anh Nhân kể tiếp, sau bữa ăn, Đình lấy xe máy chở Trường ra quán nước của mẹ Trường cách đó vài trăm mét ngồi uống nước. Tới khoảng 9h thì Trường đi xe máy trở về phòng trọ còn Đình tiếp tục ngồi uống nước.
“Theo Trường kể lại, khi ở quán nước Trường rủ Đình: “Hai anh em về học đi”. Đình bảo em về trước tý anh về sau.
Sau đó, Trường đi xe máy của Đình về phòng trọ hai anh em. Khi cất xe, Trường cẩn thận khóa cổ xe máy rồi lên phòng bật máy tính chơi.
Khoảng 1 tiếng sau Đình về, hai anh em cùng nhau uống sữa, đánh răng trước khi đi ngủ. Khoảng 6 giờ sáng hôm sau (30/6), Trường ngủ dậy thì đã không thấy Đình đâu và không rõ Đình rời khỏi nhà khi nào.
Trường xuống dưới nhà thì thấy chiếc xe máy của Đình dịch chuyển khỏi vị trí cũ, khóa cổ xe đã mở, khóa cửa cổng cũng mở nhưng chìa khóa của Đình vẫn cắm ở ổ khóa.
Chúng tôi gọi điện cho Đình để đưa mọi người đi khám nhưng không liên lạc được với cháu. Điện thoại, ví tiền của Đình vẫn ở phòng trọ.
Tôi gọi cho bạn Đình hỏi thì các cháu bảo không gặp Đình. Các cháu còn động viên gia đình không lo vì cho rằng Đình đi có việc gì đó chiều sẽ về, gia đình nghe vậy cũng yên tâm.
Tuy nhiên, tới tối cùng ngày, chúng tôi vẫn không thấy Đình mới tá hỏa đi tìm nhưng không thấy. Tới tối 2/7, gia đình nhận tin báo phát hiện xác chết ở bãi bồi sông Hồng, chúng tôi tới xem thì chết lặng vì đúng là Đình. Thi thể Đình vẫn mặc bộ quần áo hôm ăn cơm cùng tôi”, anh Nhân kể.
Nghỉ việc trước khi mất tích
Con ngõ dẫn vào nơi kỹ sư tin học Phạm Văn Đình thuê trọ.
Chia sẻ thêm với PV về công việc của Đình, anh Nhân kể, trong thời gian chờ bảo vệ thạc sĩ tại Singapore, Đình được tuyển dụng vào một công ty công nghệ với công việc lập trình viên. Đình được công ty trả mức lương rất cao.
Tuy nhiên, công việc của Đình gần đây không được suôn sẻ. Đình thường xuyên chia sẻ với anh Nhân chuyện tranh luận với cấp trên ở công ty về chuyên môn.
“Theo như Đình kể với tôi, trung bình cứ khoảng 1 tuần, Đình lại tranh luận với cấp trên 1 lần. Trước khi mất tích khoảng 2 ngày, Đình đã xin nghỉ việc ở công ty”, anh Nhân tiết lộ.
Theo anh Nhân, sau mỗi lần tranh luận với cấp trên ở công ty và sau khi nghỉ việc Đình khá buồn bã. Nhưng anh Nhân cho rằng, ai cũng có tâm lý như vậy. Anh Nhân không thấy cháu có tâm lý bất thường hay dấu hiệu của bệnh trầm cảm vì vẫn nói chuyện vui vẻ cùng mọi người. Bản thân Đình là người bản lĩnh, không tham gia cá độ.
“Đình vẫn tập trung phát triển sự nghiệp nên cho tới giờ chưa thấy cháu yêu ai”, anh Nhân nói thêm.
Chia sẻ với PV, hai vợ chồng chủ nhà ngôi nhà nơi Đình thuê trọ hết lời khen ngợi chàng kỹ sư công nghệ thông tin. Họ nói rằng, Đình điềm đạm, sống giản dị không rượu bia vì vậy gia đình tin tưởng để Đình ở chung cùng nhà. Việc Đình tử vong khiến họ bất ngờ vì trước đó không thấy điều gì bất thường trong sinh hoạt hằng ngày của nam thanh niên này.
“Tôi đi chợ, nhiều người hỏi cháu tự tử vì cá độ bóng đá à? Tôi mắng cho ngay. Thằng bé ngoan ngoãn, không tụ tập, không biết uống rượu bia, lô đề cơ bạc thì làm sao có chuyện đó”, chủ nhà trọ nói và bày tỏ sự xót xa tiếc nuối khi một tài năng như Phạm Văn Đình mất quá sớm.
Phạm Văn Đình đỗ thủ khoa khối A Trường ĐH Bách khoa Hà Nội kỳ thi năm 2011 với 29 điểm với Toán đạt 9,5, Lý đạt 9,75 và Hóa đạt 9,5.
Quá trình học đại học, Đình nhận được nhiều bằng khen, giấy khen như đạt giải nhất đồng đội kỳ thi Olympic lập trình quốc tế ACM/ICPC 2014; giải nhì kỳ thi Olympic tin học cấp quốc gia; giải nhất cuộc thi Olympic môn giải tích năm 2011-2012… Năm 2016, cậu học trò nghèo tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. |