Suốt 8 năm kết hôn, cô thấy chồng mỗi tháng sau khi nhận lương đều dành ra khoản tiền lớn để trả nợ. Không chỉ chồng cô mà cả bố mẹ chồng cô đều trong tình trạng nợ nần dù gia đình không chơi bời hay tiêu pha phung phí.
Ở Trung Quốc, khi nói về các phong tục và nghi thức đám cưới, người ta thường nhắc đến hai nơi gây ấn tượng sâu sắc chính là Giang Tây và Quý Châu.
Có thể nói, Giang Tây chính là nơi có “giá cô dâu” cao nhất cả nước. Theo đó, sính lễ bao gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, tài sản… nhà trai phải tặng cho nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra ở mức 300.000 tệ (1 tỷ đồng) vốn là chuyện bình thường. Hiện nay, khi tỷ lệ nam nữ mất cân bằng, nhiều nơi còn “hét giá” cao hơn, thậm chí lên tới hơn 600.000 tệ (2 tỷ đồng).
Trong khi đó, phong tục tại Quý Châu thì ngược lại, họ có phần chú ý đến lễ nghi hơn. Đơn cử như người Miêu ở Quý Châu có nét đặc trưng văn hóa rất độc đáo chính là đeo lượng lớn trang sức bạc trên người. Con gái Miêu phải có một bộ trang sức bằng bạc mới đủ điều kiện lập gia đình, không ít gia đình tiết kiệm nhiều năm để có số bạc cần thiết cho con đi lấy chồng.
Phong tục tập quán mỗi nơi sẽ có những nét riêng song khi sính lễ quá cao thực sự có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của các cặp đôi cũng như hai bên gia đình.
Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao hình ảnh của một phụ nữ Giang Tây vừa lái xe vừa khóc. Cô đã suy sụp khi biết chuyện kết hôn trước đây của mẹ và cha mẹ cô đã không cho vợ chồng cô dù chỉ một đồng trong số quà 680.000 tệ (2,3 tỷ đồng) mà nhà trai trao. Cô không biết nên trách chồng, gia đình anh, bố mẹ mình hay trách bản thân.
Theo lời chia sẻ, vợ chồng cô lấy nhau đã được 8 năm. Suốt thời gian đó, cô thấy chồng mỗi tháng sau khi nhận lương đều dành ra một khoản tiền lớn để trả nợ. Không chỉ chồng cô mà cả bố mẹ chồng cô đều trong tình trạng nợ nần, gom góp được khoản tiền nào là mang đi trả nợ.
Điều này khiến cô không khỏi thắc mắc, vì sao gia đình chồng mình lại mắc nợ nhiều tiền như vậy. Cô thấy gia đình chồng mình đều là những người không chơi bời hay tiêu pha phung phí, vậy khoản nợ đó đến từ đâu?
Người chồng cũng chịu rất nhiều áp lực, không nói cho cô biết. Anh nói, vợ biết cũng không giải quyết được vấn đề gì và sợ ảnh hưởng đến cả hai gia đình. Đến khi người phụ nữ nhất quyết đòi chồng cho biết gia đình thực sự nợ bao nhiêu, vì sao lại nợ, anh mới đành nói ra sự thật cho vợ mình nghe. Cô như hóa đá khi nghe những gì chồng nói.
Hoá ra chuyện bắt nguồn từ đám cưới của hai vợ chồng cô. Để chuẩn bị cho đám cưới, bố mẹ cô cũng đưa ra yêu cầu sính lễ tương tự ở địa phương, khoảng 300.000 tệ (1 tỷ đồng). Cảm thấy con số 300.000 nghe có vẻ không hay, 680.000 nghe cát tường, phát lộc hơn nên cô đã đưa ra con số này. Cô gái lúc đó đơn giản nghĩ rằng bố mẹ mình dù sao cũng sẽ có của hồi môn cho mình, họ đều rất yêu thương cô.
Điều mà người phụ nữ không ngờ tới là cô đã đánh giá quá cao tình yêu của bố mẹ dành cho cô và nguồn tài chính của gia đình chồng. Bố chồng cô vốn không có điều kiện kinh tế đến vậy nhưng biết hai con yêu nhau thật lòng nên rất muốn chúc phúc cho đôi trẻ, đồng ý vô điều kiện với nhà gái. Tuy nhiên, vì gia đình không có số tiền đó nên phải vay từ họ hàng và bạn bè mới đủ 680.000 tệ làm sính lễ. Đó là lý do tại sao sau 8 năm kết hôn, chồng cô và gia đình vẫn luôn nợ nần.
Điều khiến người phụ nữ càng muốn khóc hơn là bố mẹ cô thậm chí đã không cho lại các con dù một đồng trong số 680.000 tệ sính lễ đó. Người phụ nữ biết nếu bố mẹ cho cô hồi môn một nửa số quà thì chồng và bố mẹ chồng cô đã không phải sống vất vả bấy lâu nay. Cô không thể hiểu nổi tại sao bố mẹ lại không làm vậy. Vốn bố mẹ cô yêu cầu sính lễ như mọi nhà, khoảng 300.000 tệ nhưng lại nhận được 680.000 tệ mà không đỡ đần con cái chút nào, việc này có gì khác nào là bán con gái?
Cô không thể về nhà hỏi chuyện bố mẹ bởi một khi câu hỏi đặt ra, giữa cô và bố mẹ chắc chắn sẽ có xung đột. Nhưng không hỏi thì cô cũng không biết nên đối mặt với bố mẹ như thế nào, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra sao? Không lẽ, họ thực sự không quan tâm đến việc liệu vợ chồng con gái mình có sống tốt?
Ngay sau khi lan truyền trên mạng xã hội, câu chuyện về sính lễ của người phụ nữ này đã nhận được sự quan tâm và chú ý.
"Gia đình chồng của cô thực sự tốt. Hãy trân trọng và đối xử tốt với họ nhé!"
"680.000 tệ đâu phải khoản tiền nhỏ, vậy mà họ đồng ý vô điều kiện rồi âm thầm đi vay để có thể lo cho con. 8 năm trả nợ họ không nói câu nào, không muốn bạn phải chịu áp lực. Thật sự đáng ngưỡng mộ."
"Giá như bố mẹ cho cô của hồi môn nửa số tiền kia thì chuyện đã không ra nông nỗi này."