“Vợ tôi từng nói rằng sẽ không đẻ tiếp nữa vì quá thấm cái khổ khi nhà đông con nhưng cuối cùng vẫn sinh thêm 2 đứa nữa...", người đàn ông tâm sự.
Chuyện về cặp vợ chồng sinh 13 con ở Chư Pưh (Gia Lai) hẳn không còn xa lạ đối với người dân ở Tây Nguyên nói riêng và dư luận nói chung. Ai cũng ngỡ ngàng khi giữa xã hội hiện đại này lại có cặp đôi sinh nhiều con, “vượt xa” chính sách của nhà nước về kế hoạch hoá dân số. Có người tò mò không biết liệu sau một thời gian, số thành viên trong nhà có tăng hay không? cuộc sống còn khó khăn như thuở trước?...
Anh Long (SN 1976) – người chồng thành thật cho biết: “Bữa đó người ta quay video về cuộc sống của gia đình tôi lên YouTube và các trang mạng xã hội. Tôi thấy ai cũng ngỡ ngàng, thậm chí có người “trách mắng” vợ chồng tôi đẻ nhiều, tận 13 đứa con. Vợ tôi buồn rất nhiều khi đọc bình luận của người ta. Tôi phải động viên cô ấy để không suy nghĩ và tự trách bản thân nữa”.
Anh Long nở nụ cười khi ngồi cạnh các con thơ.
Nói rồi, người đàn ông có mái tóc xoăn, làn da đen đúa nở một nụ cười đôn hậu. Sau đó anh nói tiếp: “Có lẽ điều tôi sắp chia sẻ sẽ khiến không ít người không tin là thật, thậm chí sẽ chửi mắng chúng tôi thêm lần nữa. Tôi mong mọi người hãy hiểu và thông cảm cho chúng tôi vì con cái là lộc trời cho, không phải muốn bỏ là bỏ được”.
“Vậy điều anh muốn tiết lộ với mọi người là gì?”, khi được hỏi anh Long cho biết giờ số thành viên trong gia đình đã được nâng lên thành 17 người: 2 vợ chồng và 15 đứa con. Điều đó có nghĩa cặp đôi đã sinh thêm 2 đứa con trong thời gian qua.
“Vợ tôi từng nói rằng sẽ không đẻ tiếp nữa vì quá thấm cái khổ khi nhà đông con nhưng cuối cùng vẫn sinh thêm 2 đứa nữa. Chúng tôi đẻ nhiều không phải vì chủ đích hay thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản đâu.
Vợ tôi từng nghe lời cán bộ dân số uống thuốc tránh thai và đặt vòng nhưng cơ địa không phù hợp, vẫn mang bầu liên tục. Chúng tôi cũng bàn bạc cách phòng tránh của riêng mình nhưng không hiểu sao vẫn dính.
Chị Loan quyết định không sinh tiếp vì cuộc sống quá cực khổ.
Và khi vợ tôi có thai, tôi làm sao phá bỏ vì đó cũng là con mình. Thế rồi tôi tự động viên bản thân “trời sinh voi ắt sinh cỏ” nên để đẻ thôi”, anh Long thành thật.
Chồng vừa dứt lời, chị Loan (SN 1978) – người vợ bỗng lên tiếng: “Lần này tôi quyết tâm đi triệt sản để không đẻ nữa. Giờ tôi đã có tuổi, chuyện sinh nở không còn phù hợp. Hơn nữa tôi nghĩ hai vợ chồng không còn đủ sức để gồng gánh đàn con nữa. Tôi cũng khuyên con gái đầu (đã lấy chồng – PV) đừng nên đẻ nhiều, hãy chỉ sinh 2 con như nhà nước tuyên truyền để gia đình hạnh phúc, các con có cuộc sống trọn vẹn”.
Nhắc đến chuyện có nhớ được hết năm sinh, tên của các con hay không, chị Loan lắc đầu bảo: “Tôi không nhớ nổi năm sinh nhưng tên của chúng nó thì có, lần lượt là: T’rơn, Chuê, Peo, Ruê, Đan, Ru, San, Si và…”. Chị ngập ngừng hồi lâu rồi cười trừ khi không thể nhớ tên của những đứa trẻ còn lại.
Hiện tại vợ chồng anh Long chị Loan làm nông hoặc đi phạt rẫy tra ngô cho người dân trong làng với thu nhập hơn trăm nghìn đồng/ngày. Số tiền đó chỉ đủ để họ cho đám nhỏ đến trường, mua sắm nhu yếu phẩm, gạo… còn quần áo hay đồ dùng học tập đều đi… xin hoặc mặc lại của nhau đến khi nào rách thì thôi.
“Vợ chồng tôi có một quan điểm dù nghèo như thế nào vẫn phải cho các con đến trường. Bởi tôi biết ở cái buôn làng này toàn người nghèo, ít người học hành nên mãi chẳng thể khấm khá lên được.
Vì thế tôi biết chỉ có cái chữ mới giúp thoát nghèo được. Tôi sẽ cố gắng cho chúng đi học hết cấp III, có cái bằng xin vào các công ty làm công nhân cũng đỡ vất hơn làm nương rẫy. Một số đứa 4-5 tuổi, tôi cũng gửi đi mẫu giáo trong buôn để được thầy cô dạy nhiều thứ”, anh Long tâm sự.
Cho con đi học, vợ chồng anh Long có thể an tâm làm việc, không phải lo chuyện các con tha thẩn ở chỗ nguy hiểm hay bẩn thỉu. Còn chuyện ăn uống của các con cũng là một vấn đề nan giải của anh chị. “Hôm nào chúng tôi có việc thì bữa đó đám nhỏ được ăn cơm với thịt. Còn ngày nông nhàn, chồng tôi phải lên núi kiếm rau rừng về ăn kèm với cháo loãng. Nói chung chúng tôi không thể làm chủ cuộc sống của gia đình, tất cả phụ thuộc vào việc bữa đó có người mướn hay không...”, người đàn ông chia sẻ.
Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Song trên thực tế, một số vùng núi cao xa xôi vẫn trong thực trạng tỷ suất sinh còn rất cao. Mỗi người cần tự nâng cao kiến thức và biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuân thủ các chính sách của nhà nước, không nên sinh quá nhiều con để giảm thiểu tình trạng gia tăng dân số mất kiểm soát, chống đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển ổn định về kinh tế và dân số của nước nhà. |