Đại gia đình cưỡi sóng mưu sinh ở Hoàng Sa

Ngày 16/09/2013 08:41 AM (GMT+7)

Tự hào về 9 người con là thuyền trưởng của những con tàu đánh bắt với công suất nhất nhì bãi biển Thọ Quang, Đà Nẵng, cụ Trương Văn Trọng hào hứng kể cho chúng tôi nghe về giai thoại “oanh liệt” của gia đình mình.

Bám ngư trường Hoàng Sa 3 đời nay, điều làm cho cụ “ưỡn ngực” với đời là truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước của dòng họ mình.

Hơn nữa thế kỷ “đạp sóng” mưu sinh ở Hoàng Sa

Chúng tôi tìm đến nhà của cụ Trương Văn Trọng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) vào một ngày đầu tháng 9. Cụ Trọng đã già lắm rồi, nhưng khi ngồi đan lưới với các con, từng thớ thịt, cơ bắp trông vẫn còn rất khỏe. Một đời lam lũ, vật lộn với sóng nước chẳng làm cho sức khỏe của cụ mòn đi, trái lại còn khiến cho các khớp tay, khớp chân dẻo dai hơn.

Đại gia đình cưỡi sóng mưu sinh ở Hoàng Sa - 1

Vợ chồng cụ Trương Văn Trọng

Cụ Trọng bồi hồi nhớ lại chuyện ngày xưa: “Lúc còn nhỏ, cả xóm tôi ai cũng là ngư dân. Thanh niên trai tráng có sức khỏe thì căng buồm ra biển lớn, còn người già với phụ nữ thì ở nhà đan lưới. Con nít thời đó coi việc ra khơi của người lớn như một niềm mơ ước. Hồi tôi mới 6-7 tuổi cứ đòi theo thuyền với ba, nhưng chẳng ai cho. Cho đến một ngày, tai họa ập lên gia đình tôi”.

Nói đến đoạn ấy, cụ Trọng ngừng một lát và rưng rưng nước mắt tiếp: “Hôm đó, sau khi đưa vó và lưới lên thuyền xong xuôi để chuẩn bị cho cha và chú tôi ra khơi, mẹ đã có linh tính chẳng lành, thấy ruột cồn cào, mẹ khuyên cha không nên đi chuyến này. Nhưng cha có nghe đâu, một phần khác cũng ỷ lại kinh nghiệm nhiều năm, thế là cha nổ máy dong thuyền.

Thuyền đi sáng sớm thì xế chiều biển động. Mẹ tôi lúc đó đứng ngồi không yên, liên tục thắp nhang cầu trời khấn Phật. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến. Biển làm sóng cao đã nuốt chửng chiếc thuyền của 2 người, vì nghĩ đến đàn con, nghĩ đến gia đình, cha và chú quyết giữ cho được thuyền để còn mưu sinh ngày sau. Ngờ đâu sức người có hạn mà thiên nhiên thì mạnh mẽ vô cùng, cả thuyền và người đều gửi lại biển khơi”. Nói rồi, cụ Trọng lấy tay áo chấm nước mắt.

Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng có lẽ cụ Trọng chẳng bao giờ quên nỗi mất mát to lớn đó. Lên thuyền theo cha từ lúc mới 13 tuổi, nếm vị mặn của biển quá sớm, khiến con người cụ chai lì hẳn. Sau tai họa đó, mẹ cụ “căm thù” biển và tuyệt đối cấm cụ theo con đường của cha mình.

“Ước mơ đi biển được tôi ấp ủ từ cái thời con nít, mẹ cấm là chuyện của mẹ, nhất định tôi sẽ không bỏ cái nghề cha ông truyền lại. Người ta bảo sinh nghề, tử nghiệp, rõ ràng, cha và chú tôi cũng không hề oán biển mà trái lại cũng rất muốn tôi đi theo con đường của các ông”. Năm 20 tuổi, cụ Trọng quyết định vay mượn tiền từ bạn bè, người thân để đóng một con thuyền vài chục CV (mã lực) và bộ đề máy đủ để đạp sóng ra ngư trường Hoàng Sa như bao lớp trai làng.

Cụ Trọng hào hứng kể: “Thời đó thuyền không nhiều như bây giờ, cứ tàu nào chạy ra được khơi xa thì tha hồ mà đánh bắt, quăng mẻ lưới nào là đầy ắp mẻ lưới đó. Tôi làm đâu được vài tháng là đủ tiền trả hết nợ nần”. Ngày ấy, khi cụ ra khơi, mẹ cụ ở nhà cũng thường xuyên thấp thỏm, thế nhưng mỗi chuyến đi là mỗi chuyến lành, lại thêm việc lúc nào cập bến, cá cũng đầy khoang, nỗi lo của người mẹ dần dần nguôi đi phần nào.

Cụ nhớ lại, ngày cờ đỏ sao vàng ngợp cả một rừng trời từ Bắc đến Nam của đất nước cũng là ngày những toa thuyền hồ hỡi đua nhau làm sôi động các ngư trường. Tự hào cắm lên đỉnh thuyền của mình lá cờ Tổ quốc, “đứa con” của cụ Trọng cũng căng đầy “nhựa sống” giương buồm ra biển khơi.

Được các chính sách hỗ trợ tích cực của Đảng và Nhà nước, cụ Trọng dồn hết vốn để nâng cấp, sửa chữa con thuyền sau những ngày tháng bom đạn. Đến 1977, một chuyện không hay lại ập đến gia đình cụ. Trong một đêm mờ sương, thuyền đang hướng về đất liền, tất cả các anh em trên thuyền đều thay nhau chợp mắt khi khoang thuyền đã đầy ắp cá. Bất ngờ có một chiếc thuyền nhỏ của những người vượt biên tìm cách khống chế con thuyền của cụ định cướp thuyền.

Vì là ban đêm sương mờ nên các anh em trên thuyền của cụ trở tay không kịp, mặt khác khi khoang cá đã đầy cũng là lúc sức lực cạn kiệt, nên cụ Trọng muốn bảo vệ anh em của mình đã giao con thuyền cho bọn người xấu. Tất cả mọi người trên thuyền của cụ đều bị đẩy xuống con thuyền nhỏ, lênh đênh trên biển hơn một tháng mới cập được đất liền.

Trở về sau bao ngày biệt vô âm tính, cụ Trọng lại gây dựng sự nghiệp nhờ sự động viên của vợ (bà Nguyễn Thị Ngó, cũng là dân làng chài). Năm 1980, cụ Trọng đã sở hữu trong tay 2 con thuyền với công suất lớn nhất nhì bãi biển Đà Nẵng thời bấy giờ. Cuộc sống của cụ dẫn dần đi vào ổn định với những đứa con lần lượt ra đời và cũng theo dấu chân của cha ngay từ lúc còn nhỏ. “Nghề nào cũng có cái nguy hiểm, quan trọng là kinh nghiệm và lanh trí. Nhất là nghề biển, nghề gì chậm chạp thì không biết, chứ đã đi biển mà chậm là đồng nghĩa với chết” - cụ Trọng nhấp ly trà nghiêm mặt nói.

“Bây giờ hết đi biển rồi chứ chiều nào ông cũng đi bộ ra biển hưởng gió hết, ông bảo một ngày không nghe sóng là ổng chịu không được. Mới hôm trước, chẳng biết suy nghĩ thế nào mà ông lại đòi lên thuyền ra khơi với tụi tôi, may mà cản lại ông còn nghe” - cô con dâu tâm sự khi nói về người cha một đời tần tảo của mình.

9 người con tiếp nối khí phách cha ông

Thanh thản và pha nét tự hào, cụ từ từ kể về người vợ “da rát vị biển” của mình. Cụ Ngó là người làng bên, nhưng cùng chung một bến cá với cụ Trọng. Ngày ngày, cụ Trọng ở biển về khi khoang thuyền đầy ắp cá, dân buôn chen chúc thi nhau mua cá từ khoang của cụ.

Trong số những người thường xuyên mua cá, cụ Ngó với gương mặt hiền lành, chịu thương chịu khó ấy đã nhanh chóng lấy được tình cảm từ cụ Trọng. Mặc khác, trong lòng cô gái làng chài cũng đã thầm thương anh thanh niên với thân hình chắc khỏe, cần cù tên Trọng từ lâu.

Đại gia đình cưỡi sóng mưu sinh ở Hoàng Sa - 2

Anh Trương Văn Hay đang làm công việc hằng ngày

Chẳng bao lâu sau, hai người trở thành vợ chồng của nhau. Cuộc sống ổn định, những người con tiếp nhau ra đời. Đến khi ngoảnh lại thì đã 10 người (8 trai, 2 gái): “Mấy đứa con cứ 13-14 tuổi là thi nhau lên thuyền. Tụi nó học cái tính của cha nó, cuộc sống gia đình vì thế ngày càng khá hơn”- cụ Trọng cười lớn. Quả thực như vậy, 10 người con của cụ, hiện bây giờ có 9 người đã theo nghề biển.

Anh Trương Văn Hay, người con thứ năm của cụ Trọng hiện đang là một thuyền trưởng của con thuyền có công suất lớn nhất nhì bãi biển Thọ Quang, Đà Nẵng. Với tổng trị giá lên đến gần 1,5 tỷ đồng, con thuyền được anh Hay cho chúng tôi chiêm ngưỡng nằm chễm chệ giữa biển. “Nghe cha kể chuyện của cha thời nhỏ, mới thấy là mình giống cha. Mới 13 tuổi mà thèm theo cha ra khơi ghê lắm, năn nỉ mãi đến 15 tuổi cha mới cho nghỉ học để theo.

Năm 22 tuổi, mình được tín nhiệm giao cho cả một cái thuyền. Thấy được năng lực của bản thân từ đó, mình mới về vay mượn tiền đóng thuyền, lúc đầu thì thuyền nhỏ thôi, rồi cứ nâng từ 60CV lên đên 390CV như bây giờ. Chẳng bao lâu sau thì mình lên được 3 con thuyền lớn, với công suất con nào cũng trên 300CV”.

Thế nhưng 3 con thuyền của anh Hay bây giờ chỉ còn lại một chiếc. “Tất cả vì thiên tai cả thôi, chẳng ai ngờ được. Sau năm 2006, nguyên dải đất miền Trung phải gánh chịu 2 đợt bão ChanChu và XangSane, năm đó mình bị lỗ nặng 2 con thuyền đành phải bán xác để dồn cho con bây giờ”.

Nhìn con thuyền của anh Hay mới thấy nghề biển đầy nguy nan. Cả dòng họ, 3 đời, và bây giờ là 9 người con đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng gồng mình với thiên nhiên dữ dội, nếu nhìn kỹ hơn sẽ không nghĩ đơn thuần đó là một cuộc mưu sinh.

Anh Trương Văn Kinh, người anh thứ trong gia đình cũng tâm sự về nghề biển của mình: “Những năm trước, việc hằng ngày phải vật lộn với sóng dữ để khoang cá được đầy khi trở về quả thực là mưu sinh. Nhưng bây giờ, nhìn xa hơn thì anh em chúng tôi càng tự hào hơn khi đã góp phần bảo vệ và gìn giữ vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Được khai thác trên vùng biển của mình mà còn giúp được một phần cho đất nước thì còn gì bằng”.

Chúng tôi chia tay đại gia đình ra về mà hình ảnh những con thuyền căng buồm vì no gió, đêm ngày đạp sóng lam lũ ngoài khơi xa cứ đọng mãi trong đầu. Quả thực, nghề biển đâu phải chỉ là việc mưu sinh…

Theo Hà Kiều - Lâu Phước (Dân Việt/Dòng Đời)
Nguồn:

Tin liên quan