Mọi người đều nghĩ chỉ phụ nữ mới bị bạo hành tình dục, nhưng trên thực tế có nhiều đấng mày râu cũng đang phải chịu chung "kiếp nạn".
Chung một “kiếp nạn”
Vừa qua, chủ đề bạo lực tình dục đối với phụ nữ được bàn đến nhiều trong khi đó nam giới bị phụ nữ coi như công cụ thỏa mãn tình dục thường ít người lưu tâm. Thực tế, những người đàn ông bị bạo lực tình dục cũng khao khát được bảo vệ quyền lợi. Vậy, ai sẽ bênh vực họ? - Câu hỏi này cũng được bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) nêu ra.
Theo bà Oanh, mọi người đều nghĩ chỉ có phụ nữ mới bị bạo hành tình dục, nhưng trên thực tế có nhiều đấng mày râu cũng đang phải chịu chung "kiếp nạn" này. Rất nhiều đàn ông bị bạo lực tình dục nhưng vẫn “câm nín” không dám lên tiếng.
Một người đàn ông tên Hà ở Hà Nội kể: "Gần 20 năm sống cùng vợ, tôi hết lòng lo cho gia đình nhưng vẫn bị vợ chửi bới hàng đêm. Tôi chưa một ngày thảnh thơi. Ngoài thời gian kiếm tiền lo cho vợ con về nhà tôi làm nội trợ, phục vợ như một "nô tì".
Dù là nam hay là nữ thì họ đều có quyền bình đẳng tình dục như nhau. Ảnh minh họa
Quá đau lòng, ông Hà bỏ về quê và phải lòng một cô gái. Từ ngày vợ ông biết được bí mật “ong bướm” của chồng, vợ ông liên tục tra tấn tinh thần, hành hạ thể xác, dọa cắt “của quý”.
Ông Hà cho biết, anh tìm đến nhà tư vấn như muốn cố níu giữ gia đình. Tại đây, các chuyên gia cho biết, trường hợp của anh Hà chẳng khác nào tra tấn với những vết thương này sẽ ám ảnh suốt đời.
Chịu chung kiếp bạo hành tình dục với ông Hà, anh Trần Văn Nam làm giảng viên ở Hà Nội lấy vợ anh kém 14 tuổi nên hai người có khoảng cách rất lớn trong lối sống. Do còn trẻ nên vợ anh Nam có ham muốn rất cao trong “chuyện ấy”, trong khi anh không có ham muốn nhiều (do yếu sinh lý).
“Có những hôm cô ấy muốn 3 lần, 4 lần.... Để cô ấy thỏa mãn tôi phải rất mỏi mệt. Nếu không chiều thì cô ấy sẽ dằn vặt, lạnh lùng. Nhiều đêm, tôi làm xong việc, chỉ muốn được nghỉ ngơi thì cô ấy lại tìm mọi cách gọi tôi dậy “phục vụ. Nếu phải ly hôn vì chuyện này tôi sợ tiếng để đời.
Đàn ông biết kêu ai?
Trao đổi với phóng viên, ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, không chỉ phụ nữ bị bạo lực mà đàn ông cũng bị bạo lực do nguyên nhân kinh tế, mâu thuẫn gia đình. Tuy vậy, bất bình đẳng giới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực, bởi có quan niệm là người của mình, chồng của tôi, cứ dùng từ “của” - cho rằng sở hữu của mình thì mình có quyền.
Ngoài ra, do văn hóa của người Việt Nam, nhiều người thường “câm nín”. Vì thế, đằng sau cánh cửa của mỗi nhà, để phát hiện bạo lực gia đình không hề dễ. Vì thế, mọi người phải hiểu rằng, phải tôn trọng người khác và mình được tôn trọng, Không ai có quyền được đánh, mắng nhiếc, sỉ nhục hay ép buộc người khác.
TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng. Nó chà đạp lên quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.
“Tôi mong bất kỳ ai, dù là trẻ em hay người lớn, phụ nữ hay nam giới và những giới khác luôn luôn được an bình trong nhà mình và có thể đi bất cứ nơi đâu, không phải đề phòng, không phải sợ hãi.”, bà Hồng nói.’
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội nhắn nhủ: “Hãy lên tiếng, dù bạn là nạn nhân hay người chứng kiến bạo lực tình dục. Hãy lên tiếng để bạo lực tình dục không chìm vào im lặng, để nạn nhân không trở thành tội nhân”.
Theo TS Khuất Thu Hồng, kẻ đáng hổ thẹn không phải là nạn nhân mà là những kẻ dùng sức mạnh, quyền lực, tiền bạc, mánh khoé, thủ đoạn để bạo hành.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và dân số.
Cũng chia sẻ về bạo lực tình dục ở nam giới, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và dân số cho biết, nguyên nhân bạo lực tình dục ở nam giới cũng như nguyên nhân bạo lực tình dục ở nữ giới. Bạo lực tình dục ở nam giới thường xảy ra khi người nam giới bị ở vị thế yếu hơn về thể chất, tinh thần, tình cảm, kinh tế hay xã hội.
“Nam giới bị bạo lực tình dục thường im lặng, chịu đựng. Với nhiều nam giới, việc lên tiếng về bạo lực tình dục còn khó hơn phụ nữ. Họ không dám lên tiếng vì sợ không ai tin và không ai giúp đỡ hoặc sợ bị chê cười, bị mất mặt, bị tổn thương nam tính”, bà Tú Anh nói.
Theo bà Tú Anh, xóa bỏ định kiến giới và các định kiến về xu hướng tình dục và bản dạng giới là thiết yếu trong phòng tránh bạo lực tình dục với nam giới. Nam giới cũng phải biết được quyền về an toàn tình dục và có kĩ năng phòng ngừa bạo lực tình dục.
Nam giới bị bạo lực tình dục sẽ gọi tới đâu? Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình phụ nữ và vị thành niên cho biết, nam giới hay nữ giới nếu bị bạo lực tình dục nên đến bệnh viện, công an, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Tuy nhiên, bà Vân Anh nhận định, những người bị bạo lực tình dục chưa được hỗ trợ bởi các tổ chức, chính quyền. Hiện những cơ quan này vẫn còn nhiều định kiến, thiếu kiến thức, kỹ năng để tư vấn hay bảo vệ người bị bạo lực tình dục. “Những người bị bạo lực tình dục họ cần được lắng nghe, chia sẻ – không phán xét, không dò hỏi, không đổ lỗi, họ cần được tư vấn bởi các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm. Ngoài ra, họ cần được chăm sóc sức khỏe, y tế, cần có nơi ở an toàn khi cần thiết, cần được cách ly với kẻ gây bạo lực, cần được yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, cần được an toàn”, bà Nguyễn Vân Anh nói. |