Phụ nữ đang phải chịu đựng và tiếp tục chịu "đồng lõa" với một hình thức bạo lực tình dục tinh vi và âm ỉ.
Làm “chuyện ấy” vì muốn chồng vui
Theo công bố của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện có 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tình dục.
Chia sẻ về chủ đề này, bà Bùi Thu Hương, Giảng viên Khoa Xã hội học- Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, bạo lực tình dục xảy ra ở tất cả các đối tượng. Đặc biệt, hiện nay, trong các gia đình trí thức, hình thức bạo lực tình dục ngày càng trở nên phổ biến, tinh vi hơn.
Bà hương lý giải, sự hiểu biết và nhạy cảm giới khiến cho mối quan hệ thân mật, bình đẳng hơn. Tuy vậy, chính điều này góp phần củng cố vị trí ưu trội của một giới (nam giới) so với giới kia (nữ giới).
Theo bà Hương, hầu hết người tham gia nghiên cứu cho biết, họ đã từng quan hệ dù không muốn. Họ đều nghĩ nhu cầu tự nhiên của nam giới, cần được giúp thoả mãn.
Khả năng từ chối tình dục của giới trí thức hầu như không có
“Tình dục là cái gì đó rất quan trọng với anh ấy… khi chồng “muốn” có nghĩa là một phần trong cơ thể của anh ấy cần được giải toả thôi mà. Em làm “chuyện ấy” vì muốn chồng em vui. Khi chồng em "muốn" là anh ấy có cái bức xúc cần cho ra. Em cần phải tạo điều kiện”, Nguyễn Thị Ly chia sẻ câu chuyện với bà Bùi Thu Hương.
Một nữ trí thức khác cũng bày tỏ: “Là vợ chồng thì không thể tránh làm việc đó. Nếu em cấm đoán nhiều quá, anh ấy sẽ đi ra ngoài. Nếu em đồng ý làm chuyện ấy, ai cũng vui vẻ. Chồng em sẵn sàng làm mọi thứ, ăn nói ngọt ngào. Còn không, cứ như mặt trăng, mặt trời. Mặt anh ấy chảy ra, không thèm nói chuyện”.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Vân, một giảng viên của một trường ở Hà Nội cũng phân trần: “Em biết ngay ngày nào mình không chiều anh ấy, anh ấy dỗi, không thèm nói chuyện với em. Ngược lại, nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp và trôi chảy anh ấy hào hứng lắm... Lúc đấy có bảo anh ấy rửa bát, quét nhà thì cũng vui vẻ làm ngay”.
Từ những câu chuyện trên, bà Hương cho rằng, khả năng từ chối tình dục của giới trí thức hầu như không có. Họ chỉ hạn chế nói không, hoặc có chăng chỉ là tìm cách trì hoãn, khi chồng khởi xướng quan hệ tình dục (dù không phải lúc nào cũng sẵn sàng).
Hơn nữa, những áp lực liên quan tới kỳ vọng trở thành một người phụ nữ "hiện đại", người mẹ "tốt", người vợ "giỏi và ngoan" đã khiến cho những người phụ nữ này luôn có các chiến lược phù hợp để thương thuyết và tự chăm sóc mình trong trao đổi tình dục với chồng.
“Phụ nữ đang phải chịu đựng, và tiếp tục chịu "đồng loã" với một hình thức bạo lực tình dục tinh vi, âm ỉ hơn. Và như vậy, không thể có một quy định hay quy tắc nào có thể giải quyết được vấn đề này một cách triệt để”, bà Bùi Thu Hương nói.
Chuyên gia cũng day dứt
TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, thực trạng bạo lực tình dục ở Việt Nam còn nghiêm trọng hơn rất nhiều (không chỉ dừng lại ở con số 10% phụ nữ bị bạo lực tình dục).
Qua nghiên cứu, bà Hồng cho rằng, lý do phổ biến nhất của việc bạo lực tình dục người ta thường nói đó là do “nhu cầu”. Trong khi bạo lực tình dục không phải mới nhưng những năm gần đây nó mới được “phát hiện” như một vấn đề xã hội ở Việt Nam. Tuy vậy, trong mọi hoàn cảnh, hầu hết tội lỗi đều đổ cho phụ nữ.
Theo TS Khuất Thu Hồng, lý do phổ biến nhất của việc bạo lực tình dục người ta thường nói là do “nhu cầu”
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), chia sẻ: Trong suốt thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề bạo lực tình dục, không biết bao nhiêu lần bà bị ám ảnh “mất ăn, mất ngủ” bởi những câu chuyện của nạn nhân.
Day dứt với câu hỏi tại sao có những người phụ nữ có thể chấp nhận, chịu đựng và sống sót trong thời gian đằng đẵng hàng chục năm bị chồng hành hạ, bà Tú Anh kể: “Tôi đã từng gặp một phụ nữ, chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình song thường xuyên bị người chồng nghiện rượu đánh đập rồi lại ép quan hệ tình dục ngay sau đó. Thế nhưng, trong lời chia sẻ của mình, người phụ nữ ấy dường như lại có ý “tự hào” về khả năng chịu đựng của bản thân mình; “tự hào” với “tiếng tăm” mà gia đình chồng, hàng xóm đã “khen ngợi” chị”.
Qua những câu chuyện về phụ nữ bị bạo hành, bà Tú Anh nhấn mạnh: “Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở những con số vụ việc mà cần có cách nhìn khác để nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải pháp bạo lực tình dục”.
“Nạn nhân bạo lực tình dục chấp nhận cam chịu vì họ đang phải chịu sức ép vô hình từ những quan niệm sai lầm về tình dục, cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng, cộng đồng, gia đình và chính bản thân mình. Nạn nhân phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rồi tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó”, bà Tú Anh lên tiếng.