Mỗi sáng đi làm, người dân TP HCM phải chịu trận vài giờ mới đến được cơ quan vì kẹt xe, chiều về thì “ngâm mình” trong những điểm ngập nước
Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM đã xuất hiện nhiều điểm kẹt xe và hàng chục tuyến đường ngập nước mỗi khi có mưa, triều cường.
Hạ tầng giao thông cần đồng bộ với đô thị
Trong 5 năm thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông (giai đoạn 2011-2015), TP HCM đã đầu tư, mở rộng và nâng cấp hàng loạt tuyến đường, xây dựng nhiều cầu vượt thép nhằm giảm áp lực giao thông. Đến nay, tuy tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện phần nào nhưng vẫn diễn biến phức tạp, chực chờ nguy cơ bùng phát trở lại bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Các tuyến đường tại cửa ngõ phía Đông TP có mật độ phương tiện lưu thông dày đặc nên thường xuyên bị quá tải, dẫn đến ùn tắc. Trong đó, kẹt xe nghiêm trọng chủ yếu xảy ra trên xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định. Tuy xa lộ Hà Nội đã được mở rộng, cộng thêm việc xây dựng cầu vượt thép ở nút giao thông ngã tư Thủ Đức (đoạn giáp ranh quận 9 và quận Thủ Đức) nhưng từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra những vụ ùn tắc nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân do lượng phương tiện tăng cao dồn về cảng Cát Lái (quận 2) và cụm cảng gần ngã tư MK (quận Thủ Đức) thì phải kể đến 2 vụ kẹt xe nghiêm trọng tại nút giao thông ngã tư Thủ Đức do đèn tín hiệu bị hư.
Kẹt xe nghiêm trọng tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP HCM) vào ngày 7-9
Trong khi đó, dù đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã thông xe nhưng chưa hoàn toàn giảm tải được mật độ giao thông trên 3 tuyến đường là Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định vào cảng Cát Lái (quận 2) và các khu công nghiệp ở khu vực này. Đồng thời, các tuyến đường dẫn lên đường cao tốc lại tương đối hẹp nên cảnh ùn tắc vẫn tiếp tục diễn ra.
Tại cửa ngõ phía Đông Bắc TP, hàng loạt tuyến đường cũng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, nhất là Quốc lộ 13, đoạn qua quận Thủ Đức và Bình Thạnh. Trong đó, kẹt xe thường xuyên xảy ra ở đoạn qua cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức) và giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).
Trục đường Trường Chinh dẫn đến Cộng Hòa đi qua các quận 12, Tân Phú, Tân Bình luôn khiến nhiều người ngao ngán vì kẹt xe diễn ra mỗi ngày. Chị Đặng Thị Tuyết, ngụ quận 12, nói: “Kẹt xe trên đường Trường Chinh thì hầu như ngày nào cũng xảy ra, nhất là ngã ba mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa”.
Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP HCM) thành “sông” sau cơn mưa vào tối 9-9 Ảnh: GIA MINH
Những tuyến đường cửa ngõ phía Nam nối các quận 7, 8; các huyện Bình Chánh, Nhà Bè... và trung tâm TP cũng chịu chung cảnh ngộ do bị ngăn cách bởi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ. Dù TP đã mở rộng, nâng cấp nhiều cây cầu bắc qua những con kênh này nhưng áp lực giao thông vẫn không giảm do nhiều tuyến đường nối chưa được mở rộng tương xứng, việc tổ chức giao thông cũng còn bất cập.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông ở TP có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới do việc quy hoạch giữa phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị không đồng bộ. Theo TS Sanh, để giải quyết bài toán kẹt xe, TP cần thực hiện những giải pháp trước mắt như giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường; quy hoạch, mở rộng hợp lý các tuyến đường, song song với việc bỏ bớt những “tiểu đảo” như khu vực xung quanh đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). “Nguyên nhân chính gây ùn tắc là do lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng giao thông lại phát triển không đáng kể. Tuy nhiên, cũng phải nói đến việc chúng ta không có những giải pháp phát triển giao thông đồng bộ, không giải quyết kiên trì, liên tục mà chỉ “nước đến chân mới nhảy” thì không thể nào xử lý triệt để bài toán ùn tắc” - ông Sanh phân tích.
Đối với khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) thời gian gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, TS Sanh lý giải chủ yếu do cách tổ chức giao thông, bố trí đèn tín hiệu chưa phù hợp, chưa đồng bộ. Cụ thể, phải tính toán đến những đoạn nối ra - vào vòng xoay phù hợp với những tuyến đường lân cận, đồng thời bố trí lại các chốt đèn tín hiệu thì mới giải quyết được kẹt xe ở đây.
Để không còn phải “bì bõm”
Cơn mưa vào chiều tối 9-9 đã khiến nhiều tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Lương Định Của, Trần Não (quận 2); Nguyễn Văn Linh (quận 7); Kinh Dương Vương, Phan Anh (quận Bình Tân)... bị ngập nặng. Hàng loạt phương tiện giao thông chết máy, nhiều người phải hì hục đẩy xe trong “biển nước” đen ngòm, hôi thối. Nước ngập cũng khiến việc kinh doanh của các hộ dân hai bên đường phải ngưng trệ, nhiều hàng quán ế ẩm vì bị nước “bao vây”.
Tại một số tuyến đường, nước tràn vào nhà, các hộ dân phải dùng bao cát tạo thành “đê” nhưng vẫn không ăn thua. “Ra khỏi cơ quan từ 17 giờ nhưng phải hì hục cả giờ mới thoát được những điểm ngập. Về đến nhà thì càng ngao ngán khi nước lênh láng” - chị Trần Thị Nhung (ngụ đường Phan Anh, quận Bình Tân) nói.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, nguyên nhân ngập nước như thời gian qua là do địa hình TP tương đối thấp, cộng với triều cường ngày càng cao. Cụ thể, từ năm 1962-2001, chỉ xuất hiện 9 trận mưa trong 3 giờ với vũ lượng trên 100 mm nhưng từ năm 2002 đến nay, đã xuất hiện 29 trận mưa, đặc biệt trong năm 2013-2014 có 3 trận mưa chỉ 60 phút mà vũ lượng đã đạt tới 100-122 mm. Nếu như từ năm 2006-2010, tần suất xuất hiện đỉnh triều trên 1,5 m chỉ 15 lần thì từ năm 2011-2015, đã có tới 79 lần, thậm chí chạm mức 1,68 m.
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), cho rằng TP hiện có nhiều dự án chống ngập lạc hậu và quá tải, nguyên nhân chính là do vũ lượng mưa ngày càng cao hơn so với thiết kế. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống thoát nước ở TP còn thiếu quá nhiều, phần lớn có tiết diện nhỏ. Riêng ở khu vực nội thành, hệ thống thoát nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 100 km2, trong khi diện tích đô thị hóa đã lên trên 600 km2. “Nên đầu tư công trình chống ngập ở những vị trí thường xuyên bị ngập trước, sau đó đến các khu vực khác bởi hiện ngân sách của TP còn rất hạn chế” - TS Phi đề nghị. Theo ông, nhiều dự án lớn ở TP dù đã được Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng dẫn đến lãng phí ngân sách. Đơn cử, dự án thủy lợi chống ngập úng (còn gọi là dự án 1547) được Thủ tướng Chính phủ phê duyện từ năm 2008 với tổng số vốn ban đầu hơn 11.531 tỉ đồng. Đây được coi là dự án lớn nhất từ trước đến nay với 13 cống ngăn triều, 6 tuyến đê bao lớn bao quanh bờ hữu ven sông Sài Gòn - Nhà Bè, Sài Gòn - Đồng Nai và kiểm soát lũ thượng lưu, nước biển dâng trong tương lai. Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện mà vẫn còn ngổn ngang do thiếu vốn, vướng mặt bằng.
GS-TS Nguyễn Tất Đắc, Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM - thì cho rằng vấn đề ngập nước ở TP cần có một giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng nâng cấp cống thoát nước, kết hợp hệ thống kênh rạch hiện hữu, cống ngăn triều. Đặc biệt, tập trung đầu tư các dự án có quy mô lớn để giải quyết một cách căn cơ bài toán ngập nước với tầm nhìn phù hợp điều kiện của ngân sách.
TS Phạm Sanh khẳng định chống ngập cho một đô thị lớn, phát triển nóng như TP HCM mà chỉ loay hoay mỗi ngành một mảng thì rất khó. “Chống ngập cũng cần có sự đồng bộ với nhau” - TS Sanh nói.
Những mục tiêu sắp tới UBND TP HCM cho biết giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn, kết nối trực tiếp với các dự án, công trình trọng điểm như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đầu tư những trục đường đối ngoại, kết nối với vùng TP HCM, khép kín Vành đai 2 và tiến hành xây dựng Vành đai 3 cùng các nút giao thông trọng điểm như nút giao thông Mỹ Thủy, Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh. Đồng thời, TP cũng đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng như tuyến metro, xe buýt nhanh (BRT)... Cũng theo UBND TP, từ nay đến hết năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại khu vực trung tâm (diện tích 106,4 km2, dân số khoảng 3,3 triệu người). Phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm (gồm các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 8, Bình Thạnh). |